Tôi sợ hãi và lạc lối...

T.H.B. (TP.HCM) 10/07/2014 07:07 GMT+7

TTCT - Đọc được bài viết của T. trong thời điểm tôi cảm thấy vô cùng bế tắc về con đường học vấn và tương lai của mình. Năm nay tôi 22 tuổi, học ở trường y được bốn năm.

LTS: Tham gia loạt Câu chuyện cuộc sống kỳ này là câu chuyện hoang mang khác của một bạn trẻ, từ một lựa chọn nông nổi đã cảm thấy bế tắc dù mới 22 tuổi...

Nỗi ăn năn của tôi...
“Cuộc chiến của con”: Biết rõ tố chất của chính mình

Minh họa: Bích Khoa

Đối với tôi, bốn năm qua như một cực hình và là một bản án mà tôi đã hoàn toàn mắc kẹt vào. Tôi hiểu sự hoang mang của T. và tôi nhìn thấy chính mình của bốn năm về trước trong lời T. kể. Điều khác biệt là sự do dự của T. vẫn còn một lối ra. Còn tôi không tìm thấy lối ra cho chính mình.

Tôi đã có 12 năm là học sinh giỏi, học trong các trường chuyên của thành phố. Tốt nghiệp cấp III, tôi đậu vào hai trường đại học: Bách khoa và Y Phạm Ngọc Thạch. Khi ấy tôi đã rất lưỡng lự, nhưng ba mẹ tôi đã giúp tôi đưa ra quyết định với câu nói: “Giữa hai ngành đương nhiên chọn y là tốt hơn rồi”. Mẹ tôi cũng nói thêm là bà tôi sẽ vui hơn nếu tôi chọn trường y.

Thế là tôi đăng ký vào trường y, đưa ra một quyết định hệ trọng trong phút chốc. Tôi đã không nhìn thấy được sức nặng của lựa chọn đó. Thời điểm đó tôi 18 tuổi, xung quanh tôi là vô vàn cánh cửa mới: của tự do, của những công việc bán thời gian và những cơ hội để khẳng định mình. Tôi hoàn toàn bị chi phối bởi những cánh cửa đó và không nghĩ nhiều đến những hệ lụy có thể xảy ra nếu tôi chọn sai trường. Đến bây giờ tôi vẫn còn hối hận về điều này.

Sai một li, đi một dặm. Tôi đi học, không cảm thấy thích thú lắm với những điều mình học. Nhưng tôi nghe theo lời của các anh chị khóa trên nói là thời gian đầu chỉ học những điều cơ bản nên thường không mấy lý thú, càng về sau, được học thêm chuyên sâu, mọi thứ sẽ thú vị hơn. Tôi mong chờ những hứa hẹn đó.

Nhưng qua năm 2, rồi năm 3, tất cả những gì tôi thấy là cảm giác căng thẳng, chán chường. Cảm giác ấy đè nặng tôi trong những buổi đi thực tập ở các bệnh viện chật hẹp, khi sinh viên chúng tôi chen chúc nhau “tranh giành” bệnh nhân. Nó cũng ập đến khi tôi đối diện với khối lượng kiến thức đồ sộ của ngành, mà càng học tôi càng nhận ra mình không phải là người của ngành y.

Ngành y đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng và tuân thủ luật lệ, trong khi tôi phóng khoáng, phiêu lưu và không chịu được áp lực. Tôi cảm thấy rất sợ hãi và lạc lối nhưng không dám nói với ba mẹ sự thật. Tôi trượt dài, bỏ các giờ lên lớp, dành thời gian đó đi làm thêm.

Tôi làm nhiều loại việc khác nhau, nhưng nhờ đó tôi hiểu hơn về mình và nhu cầu của mình. Khi học y năm 3, tôi nhận ra mình rất thích đi dạy học. Đi dạy thêm tiếng Anh với tôi là một niềm vui rất lớn.

Tôi nghĩ đến chuyện chuyển ngành. Điều đó không dễ dàng gì, khi ba mẹ tôi hết sức kỳ vọng vào việc tôi sẽ trở thành bác sĩ. Đến một ngày, cảm thấy không thể giấu được nữa, tôi nói thật với mẹ, hi vọng mẹ sẽ cho tôi chuyển ngành. Nhưng mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Mẹ năn nỉ tôi cố gắng học tiếp ngành y. Còn ba tôi rất giận dữ. “Mặt mũi đâu mà nói chuyện với họ hàng” - ba nói với tôi như vậy.

Ba mẹ thuyết phục tôi bằng nhiều cách, từ chuyện ba mẹ sắp nghỉ hưu, tôi cần học xong trước đó và có công việc làm để lo cho em tôi, đến chuyện tôi sẽ làm bà nội tôi thất vọng và buồn khi không học y nữa. Nhìn mẹ khóc quá nhiều, tôi quyết định tiếp tục im lặng chịu đựng và quay lại trường y. Ba mẹ bắt tôi nghỉ dạy thêm để tập trung vào chương trình học.

Bây giờ tôi vẫn đang học ở trường y, nhưng tôi như con chim bị nhốt trong lồng. Tôi luôn tự trách bản thân đã không suy nghĩ kỹ lưỡng khi 18 tuổi, đã nông nổi mà chấp nhận theo ý cha mẹ học một ngành không thích hợp. Việc học của tôi trong trường y hoàn toàn giậm chân tại chỗ, tôi không thể chịu nổi những bài học khô cứng và sự gièm pha của những người xung quanh.

Tôi ước gì mình có thể lựa chọn một lần nữa. Tôi ước gì mình được phép sai và sửa lỗi. Nhưng không thể. Tôi không được phép sai. Tôi chỉ được phép đưa ra quyết định một lần trong đời và đã trói mình vào đó.

____________________

Những đứa con trong cũi

Một sinh viên nói với tôi: “Nhà em làm kinh doanh, hai anh trai em cũng theo nghiệp bố làm kinh doanh. Bố bắt em đi thi quản trị kinh doanh để về bố lo luôn cho việc làm ổn định. Giờ em học ba năm rồi, thật tình thấy lạc lõng, chẳng biết mình học để làm gì nữa”.

1. Em không phải người trẻ đầu tiên tôi gặp cảm thấy hoang mang và sợ hãi khi bước đến những năm đại học cuối cùng, chứng kiến bạn bè náo nức đi tìm hiểu các công việc, còn bản thân mình vẫn thật sự không biết phải làm gì.

Những sinh viên này gặp khó khăn thật sự từ chính mình. Đầu tiên là mâu thuẫn giữa ước mơ của các em và ước mơ của bố mẹ. Bố mẹ luôn có lý lẽ tốt khi thay con chọn định hướng vì điều này tốt cho con, việc này sẽ khiến con kiếm được nhiều tiền, nhàn hạ, thoải mái, lúc sinh con đẻ cái lại có thời gian chăm sóc gia đình. Các lý do ấy tốt và hoàn hảo đến nỗi đứa trẻ 18 tuổi khó cãi lại. Bởi cha mẹ vừa có “chính nghĩa” của đấng sinh thành, vừa có sự hiểu biết, từng trải trong cuộc đời nhiều toan tính.

Nhưng có những thứ nằm ngoài mọi phép tính 1+1 = 2, nằm ngoài sự rành rọt của những cuộc chuẩn bị, đó là tuổi trẻ của các em.

Một đứa trẻ 18 tuổi không còn là em bé ở trong cái cũi ngày 2 tuổi vì mẹ sợ em bị đứt tay, đụng nước sôi... Đó là một con người đã hình thành tính cách, niềm đam mê, cả lòng tự trọng và khao khát khám phá cuộc sống.

2. Cha mẹ làm bác sĩ muốn con làm bác sĩ cho thu nhập cao. Cha mẹ làm thầy giáo muốn con học sư phạm để đảm bảo nghề nghiệp. Vậy có ai còn đoái hoài đến những niềm vui vô cùng riêng tư của con người sắp lớn kia nữa? Những đứa con lớn lên muốn thử sức mình trong công việc bảo vệ rừng, những ước mơ viển vông như làm nhà nghiên cứu động vật, hay đứa trẻ có óc sáng tạo muốn làm nghệ sĩ?

Chẳng ai có thể hứa hẹn một tương lai an toàn với một vùng đất phiêu lưu, mà ngay chính người bố mẹ làm bác sĩ, thầy giáo kia cũng chưa từng trải qua. Nhưng điều đó không có nghĩa là một con người khỏe mạnh, đủ 18 tuổi không nên được một lần chọn lấy con đường mà em muốn đi.

Ở vùng đất phiêu lưu đó, đứa trẻ học cách để lớn lên như những người đàn ông trưởng thành và những cô gái chín chắn. Để làm nhà bảo vệ môi trường, các em phải lao vào cuộc đấu tranh của rừng, của đất, của rác. Để làm nghệ sĩ, các em phải đọc, sáng tạo, trải nghiệm và rèn luyện mỗi ngày.

Có những nghề nghiệp trong đời khắc nghiệt hơn những nghề nghiệp khác. Không phải ai làm nhạc sĩ cũng trở thành Mozart hay học họa sĩ là thành ngay Picasso, nhưng bất cứ ai, dù chỉ là một thợ vẽ bình thường, cũng có thể có cuộc sống hạnh phúc với việc được sống cùng điều mình say mê.

Có nhiều thứ trong đời được người lớn hiểu như một sự viển vông, như những lầm lạc của kẻ yếu đuối, đã được kẻ hiểu chuyện tách bỏ thành những phần rành rọt như nghèo - giàu, có tiền - không tiền, an toàn - bấp bênh. Đến một độ tuổi nào đó, khi đã đủ chín chắn, đứa trẻ kia sẽ biết tự tìm đến một điều nó cho là phù hợp với cuộc sống an toàn lâu dài.

Nhưng thuở 18 tuổi không phải như vậy. Nếu cha mẹ đã từng cãi lời ông bà để yêu nhau, cãi lời ông bà để ra thành phố lập nghiệp, bỏ lơ sự nhớ thương của ông bà để đi nước ngoài xuất khẩu lao động và thành công trở về, thì cũng nên hiểu rằng đứa con 18 tuổi của mình ngày hôm nay cũng có cái quyền được phiêu lưu trong năm tháng đầu đời đầy sức mạnh này.

Để một năm nào đó, khi đi qua hết tháng năm tuổi trẻ, đứa con của chúng ta nhìn vào chính nó thấy chẳng mất gì, chẳng được gì, chẳng đam mê, chẳng đau khổ..., tất cả là thảm xanh thảm đỏ, trải ra ăn sẵn ngồi trên. Lúc ấy, cha mẹ sẽ có những thằng người 25-30 tuổi sống không cần có trách nhiệm với ai và chẳng biết phải làm gì với năm tháng ngoài kia. Bạn bè chúng phiêu lưu, trải nghiệm, yêu đương, còn chúng vẫn là đứa con ngồi trong cũi và mặc váy đỏ của cha mẹ.

3. Cuộc sống kỳ diệu nhất là ở tuổi trẻ. Khi phải chọn lựa một ngành nghề hay một trường đại học, đó là chọn lựa đầu tiên mà đứa trẻ phải thực hiện - một cách có suy nghĩ và trách nhiệm - và chuẩn bị đương đầu với cuộc sống trước mặt nó những năm kế tiếp. Đến lúc này, tình yêu bao phủ của cha mẹ phải tạm vén rèm, chừa ra một cánh cửa sổ tự lập để đứa con được bước ra, tập té ngã, đi lại, chạy nhảy trên chính đôi chân của mình.

Nếu bị ngăn cản hoặc kéo nắn như một chú rối con, đứa trẻ mãi mãi ngồi trong cũi.

Và từ ấy, người ta mất đi tuổi trẻ mà họ lẽ ra nên được sống một lần.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận