Tôi sẽ giữ vững "tinh thần độc lập"!

CÁT KHUÊ 29/05/2012 20:05 GMT+7

TTCT - Vừa chính thức ra mắt ngày 18-5 trên toàn quốc, Dành cho tháng sáu đã nhận được “cơn mưa” lời khen từ báo giới bởi một câu chuyện phim trong trẻo, cách làm hồn nhiên, sạch sẽ mà cuốn hút. Nhưng đáng kể hơn, đằng sau dự án ấy là một chàng trai cựu sinh viên trường kiến trúc, sinh năm 1984 đã tự bỏ gần hết số tiền làm phim... Vẫn còn đang rưng rưng men say của thành công, Nguyễn Hữu Tuấn đã sẵn lòng dành cho TTCT sự chia sẻ.

Nguyễn Hữu Tuấn (giữa) cùng nhóm làm phim Dành cho tháng sáu - Ảnh: POLY

* Đam mê điện ảnh đến mức tự bỏ ra cả mấy tỉ đồng làm phim, vậy tại sao bước khởi đầu của Tuấn không là ghi danh vào một trường dạy làm phim nào đó?

- Ở thời điểm quyết định đi làm phim, tôi 23 tuổi. Tuy nhiên, lúc đó bạn bè cùng trang lứa tôi đều đã đi làm, họ đã có thể có rất nhiều kinh nghiệm làm việc. Sống trong một xã hội đang phát triển nhanh, tôi không cho rằng mình có quyền tự cho là còn trẻ để mà phung phí thời gian. Chính xác là với tôi, việc đi học một lần nữa là một sự lãng phí thời gian cuộc đời. Tôi muốn được làm việc.

Nếu như lúc đó tôi lại đi học thì giờ này tôi đã học xong và sở hữu thêm một mảnh bằng. Tuy nhiên cuộc đời phía trước vẫn còn chống chếnh chứ không thể rõ ràng như tôi đang thấy. Và chị cũng biết, đi học làm phim ở nước ngoài là một chuyện rất tốn kém. Nếu như tôi có tiền để học thì tôi thấy dùng số tiền đó để làm phim có ích hơn.

Dành cho tháng sáu là câu chuyện của ba cô cậu học trò là Kiên (Huỳnh Anh), Minh (Thiên Tú) và Hoàng (Quốc Trung). Trước một trận đấu bóng rổ quan trọng, Kiên tỏ tình với Minh và bị cô từ chối. Thất vọng, cậu bỏ đội bóng rổ về quê. Hoàng đã phải lên đường tìm Kiên, thuyết phục cậu quay lại đội bóng. Phim là câu chuyện học trò trong sáng xen lẫn những màn tập, thi đấu bóng rổ vui tươi.

* Nhưng chắc hẳn Tuấn vẫn sẽ có những “ông thầy” nào đó để tự tin mà “hành nghề” chứ?

- Vâng, thay bằng đi học, tôi học qua việc xem rất nhiều phim. Thông qua phân tích cách xử lý và cách dựng phim của các đạo diễn lớn, tôi dần hiểu được tư duy kể chuyện và các cách thức để tác động vào tâm lý của khán giả. Các bộ phim hay cũng là những ví dụ tuyệt vời về thế nào là một câu chuyện có hồn, cấu trúc phim và diễn xuất nữa.

Riêng với Dành cho tháng sáu, tôi học cách kể chuyện của Sofia Coppola trong Lost in translation và những xử lý về chi tiết của Paul Thomas Anderson (Boogie night, Magnolia, Punch drunk love...). Ngay cả việc có một thời gian rèn luyện về mỹ thuật trong trường kiến trúc cũng cho tôi sự nhạy cảm với bố cục và tương quan tỉ lệ, giúp tôi có thể làm việc với các quay phim của mình rất hiệu quả.

Cuối cùng thì thật sự tôi cũng có một người thầy, đó là giáo sư Michael Uno của Trường đại học Nam California, người đã dạy tôi những điều cơ bản nhất của một đạo diễn khi làm việc trên hiện trường. Tôi được học ông trong một khóa học ngắn hạn tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển điện ảnh trẻ (TPD), tôi luôn mong sẽ có một ngày nào đó được tặng ông DVD phim đầu tiên của mình.

* Nếu đánh dấu những điểm quan trọng trong cuộc đời mình để dẫn đến cơ hội làm Dành cho tháng sáu ở tuổi 27 sẽ là gì?

- Có lẽ đó là một ngày nào đó của năm 2005, khi tôi về nhà khá muộn và vô tình bật kênh HBO lên đúng vào lúc bắt đầu chiếu Lost in translation. Tôi bị cuốn hút vào phim vì đồng cảm sâu sắc với sự cô đơn và vô định của các nhân vật. Tôi nhận ra người ta có thể làm được phim như thế, làm mình cảm động đến thế.

Cột mốc thứ hai là cuối tháng 10-2009, khi mà tôi cảm thấy sự chuẩn bị của mình đã tương đối đủ và về mặt tinh thần, tôi không thể trì hoãn việc làm Dành cho tháng sáu nữa, công ty sản xuất nhỏ của tôi đã ra đời.

* Nhà sản xuất - cũng là mẹ Tuấn - ái chà, cái này nghe chừng là đạo diễn con sẽ sướng lắm đây? Nhà sản xuất mẹ cư xử với đạo diễn con trong suốt quá trình làm phim thế nào?

- Khi mà tôi phải kham quá nhiều việc trong lúc tôi muốn được tập trung vào việc của đạo diễn trên hiện trường, tôi buộc phải nhờ mẹ của mình giúp một tay. Dẫu sao thì bà cũng có nhiều kinh nghiệm tổ chức và là một người lớn tuổi mà anh em trong đoàn phim phải vì nể. Chúng tôi hoàn toàn chuyên nghiệp, mỗi người thực hiện tốt phần công việc của mình, hoàn toàn không có chuyện mẹ - con trong thời gian quay phim.

Quốc Trung (vai Hoàng) và Thiên Tú (vai Minh) trong Dành cho tháng sáu - Ảnh: June Entertaiment

* Cái lý do: yêu bóng rổ mà làm Dành cho tháng sáu, có phải cũng là lý do để đi thuyết phục “thân hữu” bỏ tiền cho mình làm phim không? Không lẽ ai cũng... yêu bóng rổ như Tuấn?

- Thật ra phần lớn kinh phí là do tôi kiếm được khi tham gia một dự án bất động sản. Phần còn lại đi kêu gọi thêm cũng không nhiều. Tuy nhiên cũng phải có lý do khi những người thân và bạn bè đưa tiền cho tôi trong giai đoạn hậu kỳ, trước hết là họ tin tưởng tôi, sau là họ đã thấy những đoạn phim sau khi quay xong. Mọi người tin đây sẽ là một cái gì đó mới lạ đối với thị trường điện ảnh.

Đương nhiên làm về bóng rổ thì bản thân tôi có cảm hứng hơn và cũng hiểu rõ hơn. Bóng rổ vừa làm nền vừa tạo nên cái cớ của câu chuyện. Nếu như nhóm bạn trong phim chơi bóng đá thì một người bỏ đi chẳng để lại ảnh hưởng to lớn gì cho đội, hoàn toàn có thể dễ dàng kiếm một người khác thay thế vì người đá bóng giỏi có rất nhiều. Tôi viết về đội bóng ấy dựa trên ký ức về thời học sinh của mình, khi mà việc chơi bóng rổ còn rất mới lạ, các đội bóng thường có ít cầu thủ.

* Tuấn có đặt ra mức tổng kinh phí của phim? Và số tiền mà Tuấn có, có phải chắt chiu lắm không?

- Đương nhiên tôi phải đặt một mức kinh phí phim giới hạn và cũng phải chắt chiu ở nhiều thứ. Đơn giản dễ thấy nhất là việc tôi chọn quay bằng máy Canon 5D mark II (máy ảnh).

* Có nhiều chữ “giá như...” gắn với kinh phí không?

- Thật may mắn là không có nhiều. Các lựa chọn mà tôi quyết định đều dựa trên quá trình bàn bạc với các bộ phận, nhất là hai quay phim mà tôi rất tin tưởng. Còn khi làm hậu kỳ thì tôi lại đặc biệt chịu chi cho nhóm chuyên gia Pháp.

Tôi đã từng được chị Hoàng Điệp, sản xuất Bi, đừng sợ, chia sẻ là có những lúc chỉ cần trả thêm một chút thôi là kết quả tốt hơn nhiều. Các chuyên gia người Pháp là những người làm việc ở đẳng cấp thế giới. Một bộ phim xử lý kỹ thuật hậu kỳ đẳng cấp thế giới với một giá không đắt hơn giá nội nhiều, tôi sẵn sàng ngay.

* Mọi người đánh giá cao việc Tuấn cô độc khi tự viết kịch bản, tự đạo diễn, tự làm sản xuất, thậm chí nhặt cả rác ở trường quay. Nhưng cũng nảy sinh một tò mò, việc hợp tác để cho ra đời một phim là biểu hiện của sự chuyên nghiệp. Chẳng lẽ Tuấn không chia sẻ được câu chuyện của mình với người khác khi làm phim?

- Tôi luôn muốn kiểm soát cao độ về mặt sáng tạo cho các dự án của mình. Sự chuyên nghiệp như chị nói đúng là điều mà tôi luôn muốn hướng tới, tuy nhiên điều kiện khách quan chưa cho phép. Ví dụ như tôi không thể nào bắt bạn mình bỏ một công việc có thu nhập tốt để tham gia dài dài vào một dự án tiền trả thì ít mà chưa rõ lúc nào thì xong. Hơn nữa tôi cũng rất sẵn lòng làm nhiều việc để lấy kinh nghiệm. Hiện giờ tôi tin mình là một nhà sản xuất phim điện ảnh chắc tay.

* Bây giờ thì Tuấn đã có dự án mới chưa? Vẫn là độc lập, cô độc hoàn hảo như Dành cho tháng sáu với kịch bản của mình, mình sản xuất và đạo diễn đấy chứ?

- Với dự án tiếp theo, tôi mong muốn được tạm thời rời bỏ vị trí độc lập để hợp tác với những đơn vị giàu kinh nghiệm. Mọi thứ vẫn còn để ngỏ cho các cơ hội. Tuy nhiên về lâu về dài, tôi vẫn sẽ giữ vững tinh thần độc lập để kiểm soát tốt nhất sự sáng tạo của bản thân. Điện ảnh với tôi không thể là một cuộc dạo chơi, ngay từ thời điểm đầu tiên. Tôi tin rằng đây là một con đường dài mà mình phải đi cho đến cuối đời.

* Chúc Tuấn mãi giữ được ngọn lửa đam mê.

Tuấn quá đam mê và quyết liệt thực hiện bộ phim. Sau khi tham gia làm cùng, các thành viên trong gia đình cũng cảm thấy việc làm phim thật sự cuốn hút mình. Dành cho tháng sáu là một sản phẩm văn hóa lành mạnh cho tuổi trẻ mà lâu nay vẫn còn rất thiếu ở nước ta. Là một nhà giáo, tôi vẫn luôn đau đáu mong chờ những món ăn tinh thần như thế, điều đó làm tôi cảm thấy mình và con có cùng chí hướng. 

 Tôi tin rằng đại đa số người trẻ Việt có tâm hồn đẹp đẽ, có những cảm xúc tinh tế, nhưng chưa được phản ánh nhiều. Trong khi đó những hiện tượng xấu, những góc khuất rất cá biệt lại được nói đến quá thường xuyên, làm cho người lớn dường như có cái nhìn lệch lạc về tuổi trẻ hiện đại...

Bà LÊ LAN HƯƠNG (nhà sản xuất bộ phim Dành cho tháng sáu) 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận