Tôi như con búp bê được lập trình

J.M. (BANG CALIFORNIA, HOA KỲ) 31/07/2011 00:07 GMT+7

TTCT - Từ năm 15 tuổi, tôi đã biết thế nào là cảm giác vô vị, nhạt nhẽo của hai chữ “gia đình”. Tôi không rõ mình đang yêu hay ghét gia đình…

LTS: Tiếp theo bài “Tôi không qua nổi kỳ thi này”, TTCT giới thiệu câu chuyện ghi được từ lời kể của một nữ sinh viên Mỹ gốc Á...

Tôi sống hoàn toàn dựa theo sự chỉ đạo như một con búp bê được lập trình sẵn vì tiếng nói của tôi chưa bao giờ thật sự được nghe, được trân trọng...

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Giấc mộng mang tên “Ivy”

Sinh ra trên đất Mỹ trong một gia đình gốc Á truyền thống, lúc nhỏ tôi hay bị khẻ tay vì viết chữ quá xấu, đọc cứ ngọng nghịu. Mà tôi có lười gì cho cam, thời gian tôi cầm bút viết thậm chí nhiều gấp mấy lần khoảng thời gian tôi ôm con búp bê Barbie trong lòng.

Đến trường, tôi phải đảm bảo việc học luôn đạt loại xuất sắc (đồng nghĩa với A+ hoặc A). Về nhà, tôi buộc phải miệt mài rèn những con chữ mà theo lời gia đình là “một trong những cách gìn giữ nguồn gốc tổ tiên”. Tôi cứ chạy dài theo kỳ vọng của cha mẹ suốt những năm cấp I, cấp II mà không chút phản kháng, bởi tôi nghĩ đơn giản “họ là người sinh ra mình thì điều họ làm chắc chắn sẽ tốt cho mình!”.

Một ngày cuối cấp II, tôi được cha mẹ gọi vào phòng riêng trò chuyện. Con bé 14 tuổi trong tôi cảm nhận được sự sợ hãi mơ hồ khi thấy từ cách nói đến vẻ mặt của cha mẹ đều toát ra vẻ rất nghiêm trọng. Trước khi lấm lét bước vào phòng, tôi xoay mòng chỉ với câu hỏi duy nhất trong đầu: “Mình đã làm gì sai?”.

Mọi chuyện diễn ra ngược lại, không khí buổi nói chuyện hôm đó rất hào hứng, đầy tiếng cười. Hai người cho tôi xem rất nhiều hình ảnh về những nhân vật nổi tiếng trong xã hội, cho tôi xem những ngôi trường đẹp như mơ… đến cuối buổi trò chuyện, họ chỉ nói một cách ngắn gọn: “Cha mẹ muốn con bằng mọi giá phải vào được Ivy League (sau này tôi mới biết rằng đó là hệ thống tám trường đại học danh giá nhất nước Mỹ). Và để được như vậy, cha mẹ sẽ mướn gia sư riêng về kèm cho con”.

Tôi đã cười toe toét và gật đầu cái rụp (vì tôi cũng thật sự thích trở nên nổi tiếng, thích được học trong những ngôi trường đẹp tuyệt như trên), đâu ngờ mình đã bị “giăng bẫy”...

Đôi mắt “cú vọ”

Tôi không được phép đi chơi, không được “tám” điện thoại với lũ bạn gái, lịch đi bơi và hoạt động ngoại khóa ở trường bị cha mẹ tôi can thiệp triệt để. Tất cả khoản thời gian đó, họ đề nghị tôi đọc sách, làm bài tập và học với gia sư.

15 tuổi, tôi đã khóc vì uất ức, vì những rung động đầu đời bị chà đạp một cách không thương tiếc. Cha tôi đã giận dữ xé quyển nhật ký khi phát hiện những dòng chữ đầy yêu thương mà ông cho là “nhăng nhít”. Ông bắt tôi ghi câu khẩu hiệu “Không yêu, chỉ tập trung vào Ivy” dán lên bàn.

Điện thoại của tôi sau đó bị kiểm tra gắt gao. Mỗi khi tôi và bạn trai nhắn tin cho nhau, tôi đều phải xóa ngay nội dung vừa nhận được. Chúng tôi chưa bao giờ can đảm điện thoại cho nhau vì sợ bị nghe lén. Tôi thậm chí phải đổi tên anh trong danh bạ điện thoại. Chúng tôi sống như những tên tội phạm thật sự…

Cha mẹ tôi, bằng cách nào đó, vẫn phát hiện mọi chuyện. Họ không sỉ vả hay nhiếc mắng tôi, chỉ im lặng lắc đầu. Khoảng thời gian đầy nặng nề đó kéo dài được vài tháng thì tôi buộc phải “xuống nước” trước bởi không chịu nổi sự dằn vặt kinh khủng này. Tôi đã gặp họ và nói lời xin lỗi.

Họ thỏa hiệp: “Nếu con vào được Ivy thì cha mẹ sẽ không can thiệp vào chuyện bạn bè của con nữa. Nhưng từ khoảng thời gian này tới đó, tình cảm là chuyện cấm tiệt”.

Tạm thời chia tay bạn trai, tôi dồn sức vào học để mong có được một “vé” vào Ivy League. Lực bất tòng tâm, tôi học không khá hơn được bao nhiêu dẫu cha mẹ hằng ngày vẫn rao giảng đạo lý và bổn phận làm con có hiếu là như thế nào, họ đã phải vượt qua khổ cực như thế nào để tôi có được ngày hôm nay…

Đáng sợ hơn, tôi bắt đầu hình thành trong đầu một suy nghĩ: “Khi tôi vào được Ivy League và có một việc làm tốt, tôi sẽ kiếm thật nhiều tiền để trả lại cho họ và danh dự của họ. Sau đấy thì đường ai nấy đi”. Nghĩ tới việc đó, tôi cười khẩy và cảm thấy bình thản hơn dẫu thừa biết đây là điều rất tội lỗi. Tôi dần thấy cuộc sống của mình vô nghĩa, cứ buông xuôi và để mặc nó trôi tới đâu thì tới…

Điểm SAT thấp, không có thành tích gì khác ngoài những con điểm có chút chói lọi trong sổ (trong khi các trường đại học Mỹ thường rất quan tâm đến hoạt động ngoại khóa, sự cống hiến của sinh viên cho xã hội)… tôi chỉ được nhận thư báo nhập học của hai ngôi trường bình thường ở bang California. “Rải đơn” 14 trường mà chỉ có hai trường nhận, cha mẹ tôi gần như ngã bệnh vì điều mà họ cho là “còn tệ hơn sự sỉ nhục” này.

Tôi giam mình trong phòng suốt nhiều tuần liền…

Vậy mà những cái tên như Yale, Princeton, Harvard… nào để tôi yên. Chúng vẫn cứ nhảy múa điên loạn, khiêu khích trong mơ mỗi khi tôi chợp mắt. Mất ngủ, đôi mắt tôi trở nên giống “cú vọ” (theo lời trêu chọc của em trai). Nhìn vào gương, tôi thấy một con bé 17 tuổi bệ rạc, xơ xác…

Con đường dài hun hút

Mọi chuyện nào đã kết thúc.

Những buổi gặp mặt họ hàng sau đó, tôi đều choáng khi nhận những câu hỏi thăm từ mọi người: “Cô thật tự hào về cháu, J. ạ”, “Bác hay lấy cháu làm gương cho thằng William nhà bác đấy, bác muốn nó sẽ vào được Yale, Brown… như cháu”, “Chú thấy ganh tị với cha mẹ cháu quá, J. ạ”, “Chị sẽ chọn trường nào? Princeton, Yale hay Harvard?”... Tôi chỉ im lặng. Có lẽ tôi đã đoán được điều gì đang xảy ra.

“Tại sao hai người lại nói dối, lại huyễn hoặc mọi chuyện như vậy?” - tôi hét toáng lên khi trở về nhà. Và đó là lần đầu tiên tôi thấy cha mẹ thật sự lắng nghe điều tôi nói. Mẹ nói trong nước mắt: “Cha mẹ đã rất kỳ vọng vào con, J. à. Cha mẹ đã không làm được điều này khi còn trẻ nên…”.

Tôi bỏ chạy về phòng trước khi kịp nghe phần còn lại của câu nói đó.

Tôi sẽ phải bỏ thêm một năm để luyện vào Ivy League, bên cạnh đó là cắp cặp tới học “tạm bợ” một trong hai ngôi trường hiếm hoi mình được nhận. Ba mẹ tôi vẫn đang cố làm ra vẻ tự hào, giải thích khắp nơi: “Bé J. nhà tôi đang làm “gap year” (một hoạt động rất phổ biến trong giới sinh viên phương Tây, nghỉ một khoảng thời gian từ vài tháng tới một năm để đi làm những điều bản thân thích hoặc có ích cho xã hội) và sẽ nhập học vào năm sau”.

Tôi sẽ còn phải sống và bước đi trên con đường đầy sự giả dối, ánh hào quang giả tạo này tới bao giờ?

Vết xe đổ không dễ tránh

Câu chuyện của Bi và Bo thật ra không lạ trong các gia đình hiện nay. Điều thấy rất rõ ở đây chính là sự khát khao chiến thắng ở các bậc cha mẹ. Các vị ấy nghĩ rằng mình đã dành cho con những gì tốt nhất thì không có lý do gì con mình không đạt kết quả cao. Hai thái độ trái ngược nhau vô hình trung đã làm hai đứa con ngày càng xa cách nhau, thậm chí xem nhau là kẻ thù, trong đó không loại trừ do còn non nớt cháu hận thù luôn cả cha mẹ mình.

Nói cho cùng, đây chính là bệnh sĩ diện của các bậc cha mẹ ngày nay. Chỉ mới hơn 10 tuổi đầu mà cha mẹ đã bắt phải gặm nhấm thất bại khi điểm thi không cao, không vào được trường chuyên, phải nhận cách đối xử khá nghiệt ngã như vậy thì còn gì tuổi thơ nữa.

Tôi đã gặp nhiều phụ huynh dốc hết sức lực, toàn tâm toàn ý với mong muốn con mình thành công trên nhiều mặt. Khi trẻ gặp thất bại lập tức nhận lấy sự bực tức từ chính những người hết lòng vun vén cho trẻ mà không hề có sự cảm thông, chia sẻ.

Điểm kiểm tra thấp, thứ hạng trong lớp không cao, không đỗ vào trường chuyên, không học được ở lớp chọn, thậm chí chưa đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp... cũng làm cha mẹ buồn phiền. Những vị này đã đánh đồng việc chưa đạt kết quả cao trong học tập với vinh nhục trong cuộc đời, trẻ càng mất phương hướng, không biết phấn đấu ra sao.

Có thể ở lớp trẻ được “ưu ái” nâng điểm vì các mối quan hệ phức tạp của người lớn, có thể mức độ khó của bài tập ở lớp chưa cao nên đến khi ”vượt vũ môn” thì cá chẳng hóa rồng!

Ai cũng thấy sự sai lầm trong cách đối xử với trẻ sẽ dẫn tới hậu quả xấu nhưng không mấy ai tránh được điều đó. Vì sao? Chính là tự ái quá lớn, sự nhạy cảm trước những thất bại của trẻ đã làm cha mẹ có cách ứng xử phản giáo dục như thế. Thay vì cùng ngồi lại phân tích mặt mạnh, mặt yếu của trẻ, đưa ra các phương pháp hiệu quả hơn, động viên trẻ phấn đấu thì cha mẹ lại “hợp tác” nhấn chìm trẻ bằng những lời cay đắng, chì chiết làm trẻ càng bối rối, hoang mang và tự nhận thấy rõ ràng mình phải chịu trách nhiệm trong việc làm cha mẹ thất vọng.

Chính sự kỳ vọng vào con của mình đã làm người thầy có thể không đưa ra sự tư vấn đúng đắn cho cha mẹ trẻ, sợ rằng cha mẹ trẻ sẽ thất vọng nên đành để trẻ bước vào một kỳ thi mà trẻ chưa đủ sức bằng các bạn của mình, để rồi nỗi thất vọng ngày càng lớn gây hậu quả tiêu cực đến việc học và nhân cách của trẻ.

Hơn ai hết, giáo dục nên là hướng trẻ tới mục tiêu hình thành một nhân cách thay vì chỉ nhắm vào những thành công trước mắt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận