Tôi muốn dạy sinh viên thành người tử tế, bác ái

LÊ NGUYÊN MINH (THỰC HIỆN) 20/11/2017 20:11 GMT+7

TTCT - Tôi mong rằng sinh viên của mình sau khi học xong sẽ trở thành người có cái nhìn rộng mở, không định kiến và bảo thủ, cuối cùng họ trở thành những người công dân tử tế và bác ái.

TS Hà Mạnh Quân (người thứ 7 từ bên phải qua) cùng sinh viên. -Ảnh: TS Quân cung cấp
TS Hà Mạnh Quân (người thứ 7 từ bên phải qua) cùng sinh viên. -Ảnh: TS Quân cung cấp

 

Trong lễ khai giảng ngày 30-8-2017 tại ĐH Montana - một trường ĐH nghiên cứu quốc gia vùng Tây Bắc của Mỹ, hiệu trưởng Sheila Stearns đã vinh danh PGS.TS Hà Mạnh Quân (quốc tịch Việt Nam) trước toàn trường vì những thành quả xuất sắc anh đạt được trong nghiên cứu và giảng dạy, đồng thời chúc mừng anh đã vào biên chế chính thức sau 6 năm thử thách.

Trong tháng 10-2017, vị hiệu trưởng này cũng vừa trao cho TS Quân phần thưởng vinh danh giáo sư có nhiều đóng góp trong việc khích lệ sinh viên có thể trạng sức khỏe kém, vững tin hơn vào năng lực học tập của mình.

Trong 2 năm học vừa qua, TS Quân đã lọt vào top 5 giảng viên ưu tú nhận giải thưởng của Trường Nhân văn & khoa học thuộc ĐH Montana. Căn cứ khảo sát đánh giá của sinh viên, anh liên tục đạt điểm rất cao (4.80/5.00) ở mục "hiệu quả sáng tạo trong giảng dạy và hỗ trợ các công trình nghiên cứu cho sinh viên".

Anh đã có trên 60 công trình xuất bản ở các lĩnh vực lý luận văn học, bình giảng và dịch thuật. Hiện tại, ngoài chuyên môn chính là văn học Mỹ, TS Quân đang giảng dạy môn văn học về chiến tranh Việt Nam. Anh là một trong số rất ít người mang quốc tịch Việt Nam giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên bản ngữ người Mỹ.

Mức độ cạnh tranh vào ĐH Montana thế nào? TS có thể giải thích về sự khác biệt về biên chế trong ĐH Mỹ so với Việt Nam?

- Năm 2011 tôi vào vòng “chung kết” ở ĐH Montana. Sau này, đồng nghiệp của tôi nói rằng lúc đăng tuyển, trường nhận được gần 250 hồ sơ.

Chuyên ngành tuyển dụng lúc đó là văn học Mỹ của người da màu. Tôi viết luận án TS và xuất bản bài báo khoa học về văn học của người Mỹ gốc Việt, nên hồ sơ tôi phù hợp nhu cầu của trường. Tôi nghĩ tôi rất may mắn vì giới hàn lâm thường bảo học xong TS mà có việc làm theo đúng chuyên ngành, được vào hệ “tiền biên chế” thì coi như là trúng số độc đắc.

Sau khi nhận việc, tôi nhận chức danh assistant professor, tạm hiểu là giảng viên đang trong giai đoạn thử thách. Trong vòng 4 năm đầu, tôi phải chứng minh cho trường thấy thành quả giảng dạy, nghiên cứu và tham gia các hoạt động trong trường đều tốt.

Năm 2015, tôi được phong hàm phó giáo sư. Theo quy định của trường, giai đoạn thử thách là 6 năm trước khi được xét vào biên chế. Nếu sau 6 năm không đạt yêu cầu về giảng dạy và số lượng, chất lượng công trình khoa học sẽ rớt kỳ sát hạch biên chế, trường không gia hạn hợp đồng và coi như mất việc.

Ở các trường ĐH nghiên cứu của Mỹ, vào được biên chế hay không là nỗi ám ảnh của tất cả giảng viên vì yêu cầu rất cao, các công trình khoa học của họ được gửi đi cho các chuyên gia, giáo sư đầu ngành ở các trường ĐH khác đánh giá công tâm, khách quan.

“TS Quân đang góp phần vào việc mở rộng và đa đạng hóa cái nhìn của sinh viên Mỹ về cuộc chiến với sự am hiểu sâu sắc của anh về văn học sử chính thống của Mỹ, người Mỹ da màu, và Việt Nam”.

GS Wayne Karlin (một chuyên gia hàng đầu ở Mỹ về văn học chiến tranh Việt Nam)

Vì sao anh chọn chiến tranh làm đề tài giảng dạy?

- Vì tôi muốn truyền đạt đến sinh viên Mỹ bức tranh toàn diện hơn về cuộc chiến tranh. Mỗi bên tham gia cuộc chiến đều có quan điểm riêng của mình về “sự thật đích thực của cuộc chiến là gì”.

Tuy nhiên, cái gọi là “sự thật” đó đều phải được phản biện, phân tích kỹ từ nhiều góc độ: lịch sử, văn hóa, văn học, nhân chủng học, chính trị học, tâm lý học, tư tưởng hay quan điểm chủ đạo... Chính yếu tố phức tạp, đa dạng này góp phần vào những luận điểm, giả thuyết và kết luận không thống nhất về cuộc chiến.

Mục đích của tôi không phải áp đặt sinh viên quan điểm bên nào đúng, bên nào sai, mà là trình bày một cái nhìn toàn diện hơn về cuộc chiến tranh và mỗi sinh viên tự cảm nhận về lịch sử theo cách suy nghĩ riêng của mình. Tuy nhiên, tôi mong rằng sinh viên của mình sau khi học xong sẽ trở thành người có cái nhìn rộng mở, không định kiến và bảo thủ, cuối cùng họ trở thành những người công dân tử tế và bác ái.

Điều gì giúp anh thấy hứng thú trong việc giảng dạy sinh viên Mỹ nói chung, và giảng dạy về chiến tranh Việt Nam nói riêng?

- Ở Mỹ, một lớp ngữ văn Anh hay ngôn ngữ chỉ có khoảng 20-25 sinh viên. Điều này giúp giảng viên và sinh viên tương tác với nhau nhiều hơn trong thảo luận. Sinh viên Mỹ có tính độc lập cao, tự học và nghiên cứu là chính.

Giảng viên chỉ là người vạch ra hướng đi, điều hành các cuộc thảo luận và giảng giải những khái niệm, nội dung phức tạp, trừu tượng là chính. Tuy nhiên, giảng viên phải có kiến thức rất vững chắc vì sinh viên Mỹ rất thích lý luận và phản biện.

Khi tôi dạy về văn học về chiến tranh Việt Nam, sinh viên Mỹ thích đọc và tìm hiểu về “phía bên kia”, tức là bao gồm quan điểm về cuộc chiến của người Việt trong nước cũng như người Việt ở hải ngoại. Khi tôi cho sinh viên xem một vài video ngắn về nạn nhân chất độc màu da cam, thân nhân liệt sĩ đi tìm mộ, hay những Việt kiều mà trước đây là trẻ em ra nước ngoài theo diện Operation Babylift năm 1975, về nước tìm lại người thân, nhiều sinh viên Mỹ đã khóc.

Họ không nghĩ rằng chiến tranh đã để lại quá nhiều tang thương, mất mát, chấn thương tâm lý cho người Việt đến vậy.

Anh đã dịch một số tác phẩm ra tiếng Anh và dạy cho sinh viên Mỹ, anh có thể đánh giá mức độ thành công trong việc giúp cho sinh viên Mỹ hiểu về Việt Nam, về văn hóa và văn chương Việt Nam?

- Nhờ chính sách trao đổi văn hóa hữu nghị ngày càng tốt đẹp giữa hai nước, ngày càng có nhiều tác phẩm của Việt Nam được dịch ra tiếng Anh.

Tuy nhiên, mỗi nền văn hóa có cách diễn đạt, tường thuật và hành văn riêng. Sinh viên Mỹ không hứng thú lắm với cách kể chuyện đơn điệu, khá đơn giản trong nhiều tác phẩm văn học Việt Nam. Một tác phẩm hay không chỉ đơn thuần là kể một câu chuyện hay, có kết cục đi vào lòng người hay ca ngợi chân - thiện - mỹ, nó còn đòi hỏi người đọc phải đào sâu, suy nghĩ, gây ra nhiều tranh cãi trong cách nhìn nhận, cảm thụ tác phẩm cũng như cách dùng từ, câu chữ, tâm lý nhân vật...

Phần lớn các tác phẩm Việt Nam mang một thông điệp quá rõ ràng, hiển nhiên hay phản ánh một giai đoạn lịch sử nhất định. Và cái gì đã quá rõ ràng, rành mạch mà ai đọc cũng biết, cũng hiểu thì không còn gì để tranh luận nữa.

Ví dụ như khi tôi dạy truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu), sinh viên Mỹ nhận xét: tác phẩm nhấn mạnh đến tình yêu lãng mạn trong chiến tranh và bom đạn không tiêu diệt được tình yêu đôi lứa - một điều quá rõ ràng ai cũng nhận ra. Sinh viên cũng nhận xét là cách tác giả dàn xếp hai nhân vật chính không thuyết phục và mang tính ngẫu nhiên.

Tôi đang chọn lọc khoảng 20 truyện ngắn hay về chiến tranh Việt Nam và dịch ra tiếng Anh. Đây sẽ là một cuốn sách tuyển tập gồm những tác phẩm nổi tiếng như Mảnh trăng cuối rừng, Rừng xà nu, Họ đã trở thành đàn ông, Người sót lại của rừng cười... Mục đích giới thiệu cho độc giả Mỹ về tình quân dân, sự hi sinh mất mát, văn hóa làng xã Việt Nam thời bom đạn và hậu chiến.

Nếu có một so sánh về việc học của sinh viên hai nước, anh sẽ có nhận xét gì về cách học của sinh viên Việt Nam? Góp ý của anh về cách dạy, cách học tiếng Anh hiện nay ở Việt Nam?

- Sinh viên Mỹ đọc sách rất nhiều, cả sách chuyên ngành cũng như sách ở những lĩnh vực khác. Họ thích thảo luận, phản biện và làm việc nhóm. Tôi có rất nhiều sinh viên vừa học chuyên toán vừa học thêm chuyên ngành phụ là văn học và tâm lý.

Chính niềm đam mê học hỏi thêm kiến thức bên ngoài làm họ năng động, hiểu biết hơn. Phần lớn sinh viên Việt Nam chỉ chú trọng vào chuyên ngành hẹp của mình và không thích đọc sách hay tìm hiểu thêm ở lĩnh vực khác. Một điểm nữa: sinh viên Mỹ viết nghiên cứu rất nhiều. Bài nghiên cứu là nơi sinh viên trình bày và chứng minh cho luận điểm của mình.

Tôi nghĩ sinh viên năm thứ nhất ở Việt Nam cần được dạy môn tư duy và lý luận phản biện. Không có môn này thì sinh viên sẽ thụ động, không có tiếng nói riêng, chỉ rập khuôn nghe bài giảng mà không bao giờ thắc mắc, đặt câu hỏi.

Chuyện dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam luôn là đề tài gây tranh cãi. Tôi nhận thấy chúng ta quá coi trọng nói tiếng Anh sao cho giống giọng người Anh, người Mỹ mà quên đi yếu tố văn hóa của ngôn ngữ. Tùy mục đích của từng người mà việc dạy và học tiếng Anh khác nhau.

Ví dụ, chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ tiếng Anh ở Việt Nam quá chú trọng phân tích ngôn ngữ, ít chú trọng vào văn hóa, văn học Anh - Mỹ. Có nhiều người nắm ngữ pháp, từ vựng cũng khá, nhưng đưa cho họ một truyện ngắn tiếng Anh để đọc thì chẳng cảm thụ được là bao.

Đây chính là hệ quả của việc quá chú trọng lý thuyết ngôn ngữ. Chưa kể, các mẩu đối thoại trong sách giáo khoa quá cứng nhắc. Chính tôi và nhiều người khác khi mới sang Mỹ nhận ra rằng: “Ố ồ, họ không nói như thế!”.

Tức là mình nói thì họ hiểu, nhưng sống lâu ở đây, nghe nhiều mới thấy ít người bản xứ nào nói như mình trong giao tiếp hằng ngày. Đọc văn học hay xem phim Mỹ - Anh sẽ thấy được cách người bản xứ nói chuyện tự nhiên.

Người Mỹ xem nghề giáo như thế nào?

- Ở Mỹ, nghề giáo cũng như những nghề khác, không cao quý hơn nghề nào cả. Sinh viên Mỹ tôn trọng thầy cô theo kiểu Mỹ, tức là chỉ gặp và chào, họ cũng không sống tình cảm như sinh viên Việt Nam. Tôi không rành về giáo viên phổ thông nhưng giảng viên CĐ, ĐH cũng thăng trầm lắm nếu không chịu nghiên cứu và nâng cao kiến thức thường xuyên. Tuy nhiên, họ ít bị búa rìu dư luận như ở Việt Nam. ■

 

 

PGS.TS Hà Mạnh Quân, sinh năm 1979, tại Đà Lạt. Anh tốt nghiệp thủ khoa ngành ngôn ngữ Anh tại ĐH Đà Lạt năm 2000, sau đó nhận học bổng toàn phần của Mỹ trong 10 năm liên tiếp. Tại Mỹ, anh tốt nghiệp 3 bằng thạc sĩ về sư phạm ngữ văn Anh, chuyên gia giáo dục học và văn học Anh - Mỹ, và 1 bằng tiến sĩ về văn học Mỹ.

Ở Mỹ gần như không có khái niệm giữ sinh viên giỏi ở lại trường làm giảng viên vì các nơi đào tạo TS muốn “sản phẩm” của mình phải được xã hội và giới hàn lâm công nhận. Hằng năm từ tháng 9 đến tháng 11 các trường có nhu cầu tuyển dụng đăng quảng cáo rộng rãi trên toàn quốc.

Ứng viên nộp hồ sơ phù hợp với chuyên ngành và yêu cầu đang cần tuyển. Hội đồng tuyển dụng của mỗi trường sẽ lọc hồ sơ vòng 1, tìm ra khoảng 15-20 ứng viên trong số hàng trăm (có khi lên đến 500-700 hồ sơ tùy thuộc vào chuyên ngành), sau đó sẽ tổ chức phỏng vấn...

PGS.TS Hà Mạnh Quân giải thích thêm: ngoài lý lịch khoa học chi tiết, thư xin việc, ít nhất phải có 3 thư giới thiệu của các giáo sư trong ngành, một bài báo khoa học đã xuất bản, bảng điểm ĐH và cao học, kết quả đánh giá khả năng sư phạm do sinh viên chấm điểm... Sau vòng 1 khoảng 3 tuần, hội đồng tuyển dụng chọn ra 3-4 ứng viên sáng giá nhất và chi trả toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở mời đến tham quan trường.

Trong thời gian tham quan trường 2 ngày phải làm những việc sau: đứng lớp dạy thử, trình bày đề tài nghiên cứu trước hội đồng khoa, nói chuyện với sinh viên, gặp gỡ ban lãnh đạo trường. Sau đó, hội đồng khoa sẽ họp và thảo luận về mỗi ứng viên, cũng như xem xét nhìn nhận của sinh viên về mỗi người và chọn ra ứng viên sáng giá nhất để ký hợp đồng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận