Mê hồn trận thị trường dược: ​Tôi mua thuốc nào đây?

LAN ANH 07/10/2014 13:10 GMT+7

TTCT - Lâu nay người dân vẫn tin rằng thuốc đạt yêu cầu về chất lượng mới được lưu hành trên thị trường. Điều này có còn đúng?

Khi đi mua thuốc, người dân nên đến những cửa hàng đạt chuẩn GPP (ảnh minh họa)
Khi đi mua thuốc, người dân nên đến những cửa hàng đạt chuẩn GPP - Ảnh minh họa: T.T.D.

Tin, bởi lẽ viên thuốc trước khi đến được tay người dùng phải trải qua bao nhiêu vòng kiểm tra của cơ quan quản lý. 

Nhưng thực tế người dân thật khó lòng yên tâm về chất lượng thuốc sau khi hàng loạt thuốc bị thu hồi do vi phạm chất lượng mức độ hai và ba, thậm chí điều tra do bị làm nhái, núp dưới bộ hồ sơ giả và trúng thầu vào bệnh viện.

Thuốc và xe 

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội VN, Ấn Độ đang đứng đầu về số lượng thuốc nhập khẩu vào VN, và cũng dẫn đầu về tỉ lệ mặt hàng vi phạm chất lượng. 

Năm 2013, có 25 công ty thuốc Ấn Độ có sản phẩm vi phạm chất lượng (trong tổng số 37 công ty của 10 quốc gia có thuốc vi phạm chất lượng ở VN). 

Năm 2014, danh sách sản phẩm vi phạm chất lượng mức độ hai và ba cũng chủ yếu là hàng Ấn Độ. 

Tại phiên họp toàn thể lần 9 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (diễn ra từ ngày 25 đến 27-9 tại Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đã khiến cử tọa bật cười vì ví von tiêu chuẩn của thuốc cũng như tiêu chuẩn xe.

Theo ông Tuấn, như Matiz và Mercedes, đều là ôtô, đều đi được nhưng Matiz giá chỉ trên 300 triệu đồng còn Mercedes là tiền tỉ và rõ ràng là chất lượng khác nhau.

“Khi có những ý kiến về chuyện thuốc trúng thầu vào bệnh viện giá rẻ, chất lượng thấp, chúng tôi đã tổ chức một cuộc họp chuyên gia, nhưng các chuyên gia đều nói thuốc đã vào được thị trường là phải đạt yêu cầu chất lượng, kể cả loại giá rẻ” - ông Tuấn nói.

Nhưng đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan không đồng ý với quan điểm về “mặt bằng chung” chất lượng thuốc này.

Theo bà Lan, tiêu chuẩn chất lượng thuốc phải bao gồm hai yếu tố là chất lượng về mặt kỹ thuật, điều này được chứng minh qua quy trình sản xuất, kỹ thuật, kiểm nghiệm..., và yêu cầu về chất lượng điều trị cần phải được kiểm nghiệm qua một thời gian dài, với các ý kiến đánh giá của bác sĩ điều trị.

“VN cho nhập rất nhiều thuốc Ấn Độ, nhưng người Ấn Độ nói với tôi là nước họ có hàng ngàn nhà máy dược phẩm, mà chất lượng nhà máy không giống nhau. Đến nay, theo tôi biết, VN mới đi kiểm tra duy nhất một nhà máy ở Ấn Độ, trong khi nước ngoài nếu cho nhập khẩu thuốc VN họ sẽ tới VN kiểm tra từng nhà máy sản xuất, hệ thống kho bảo quản... rất kỹ. Chúng ta cho thuốc ngoại vào thị trường quá dễ dàng” - bà Lan nhận xét.

Có lẽ vì sự dễ dàng như nhận xét của bà Lan mà ngay trong hai tháng 8 và 9 vừa qua Cục Quản lý dược VN đã có hàng loạt quyết định rút số đăng ký thuốc, ngừng cấp số đăng ký mới và ngừng nhận hồ sơ đăng ký thuốc mới của các công ty có thuốc vi phạm, kèm yêu cầu xử lý vi phạm hành chính mức 50-100 triệu đồng/công ty.

Khi xem các quyết định này, người ta không khỏi ngỡ ngàng bởi thuốc đã vào thị trường, đã lưu hành mới phát hiện vi phạm chất lượng tới mức độ hai - vi phạm có thể ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị và độ an toàn khi sử dụng thuốc (riêng Công ty Robinson Pharma (Mỹ) vi phạm chất lượng tới ba lần chỉ trong hai năm rưỡi), hoặc đăng ký một nơi, sản xuất một nẻo (tương tự hành vi cung cấp hồ sơ giả mạo)... 

Khi được hỏi lý do vì sao lại liên tiếp có nhiều quyết định rút số đăng ký thuốc, một đại diện Cục Quản lý dược cho biết lý do là “làm chặt hơn”! Rõ ràng là thuốc qua vòng kiểm tra chất lượng, nhưng không phải là tốt.

Bài toán thuốc rẻ, thuốc đắt

Mùa thầu năm 2013, Bệnh viện Việt Đức đã cho nổ “quả bom”: chọn thuốc đáp ứng cả hai tiêu chí giá cả phù hợp và chất lượng tốt, thay vì chọn thuốc rẻ nhất sau khi vượt qua tiêu chuẩn của vòng kỹ thuật như hướng dẫn trong thông tư 01 của Bộ Y tế.

Khi đó, giám đốc Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Tiến Quyết cho biết thị trường đang có những cặp sản phẩm cùng công hiệu, hàm lượng, nhưng giá cả rất chênh lệch, loại 10.000 đồng/chai, loại 80.000 đồng/chai. Nếu đấu giá chọn loại rẻ nhất thì tổng chi phí gói thầu chỉ 150 tỉ đồng, nếu chọn phối hợp cả tiêu chí chất lượng (thuốc tốt, không kéo dài ngày điều trị) thì gói thầu phải 300 tỉ đồng.

Trên thực tế, các bệnh viện đầu ngành rất lo ngại chất lượng các loại thuốc rẻ khiến ngày điều trị kéo dài, bệnh nhân phải lòng vòng nhiều loại thuốc, bệnh viện thêm quá tải.

Mới đây, ngày 25-9, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đã ký một hướng dẫn mới, yêu cầu tăng thêm điểm kỹ thuật đối với thuốc dự thầu (tiêu chuẩn mới là 80 điểm so với trước đây chỉ cần 70 điểm là vượt qua vòng kỹ thuật).

Và chọn thầu theo tiêu chí tổng hợp chứ không đấu giá chọn loại rẻ nhất như trước, chứng tỏ Bộ Y tế cũng không tự tin về những loại thuốc đã cho lưu hành là đạt mặt bằng chung về chất lượng.

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, việc cho nhập ồ ạt sản phẩm ngoại chưa điều tra kỹ về chất lượng đã tạo đất cho tiêu cực, đặt tính mạng và sức khỏe người dân vào tình trạng nguy hiểm.

“Một trong những hiệu quả cải cách đấu thầu mà Cục Quản lý dược nói nhiều thời gian qua là giảm chi phí mua thuốc, nhưng thực chất có giảm không khi ngày điều trị tăng?” - bà Lan đặt vấn đề.

Theo bà Lan, nên có một khảo sát ở bệnh viện xem thuốc rẻ thì chất lượng điều trị ra sao, với ý kiến của bác sĩ điều trị. Mặt khác, hiệu quả giảm chi phí thường tính trên giá kế hoạch trừ đi giá thực tế. Như vậy không phải là tiết giảm vì giá kế hoạch bao giờ cũng cao hơn thực tế.

Chọn thuốc nào đây?

Tại phiên họp của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội kể trên, câu chuyện thuốc nhái của Công ty VN Pharma, công ty vừa có tổng giám đốc bị bắt để điều tra hành vi buôn lậu thuốc, đã làm bầu không khí trở nên nóng bỏng.

Theo đại biểu Phong Lan, sản phẩm đang bị điều tra có hoạt chất capecitabine điều trị ung thư, thị trường đã có thuốc gốc và nhiều sản phẩm phiên bản (generic), nhưng Cục Quản lý dược lại cho nhập hàng theo dạng “nhập chuyến” bằng giấy phép tạm thời, rõ ràng là tạo khe hở về chất lượng.

Bà Lan nhấn mạnh: “Chỉ nên cho phép nhập chuyến với các đơn hàng thuốc đặc trị mà thị trường đang hiếm, đáp ứng cho một bệnh viện cụ thể nào đó chứ không nên để hàng nhập chuyến tham gia đấu thầu, nhưng quy định hiện hành lại cho phép cả hàng nhập chuyến (chỉ có giấy phép tạm thời) và hàng có số đăng ký lưu hành tham gia đấu thầu”.

Tại cuộc họp với đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc mới tổ chức ở Hà Nội về chất lượng thuốc và văcxin, đã có ý kiến đề xuất rà soát xem có bao nhiêu quan chức bệnh viện và ngành y tế sử dụng văcxin viện trợ trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho con cháu mình, hay là họ được “ưu tiên” văcxin dịch vụ “đối ngoại” trong khi thị trường cực khan hiếm.

Mặt khác, cũng là văcxin đạt tiêu chuẩn chất lượng do Cục Quản lý dược cấp đăng ký lưu hành, nhưng thực tế vẫn có loại tốt hơn, loại kém hơn về chất lượng.

Bằng chứng là trong khi văcxin sởi đơn do VN sản xuất bằng dây chuyền và công nghệ Nhật Bản được ca ngợi là một trong những loại văcxin tốt nhất thế giới, nhưng trong vụ dịch sởi vừa qua vẫn có trường hợp cán bộ y tế đi lùng tìm văcxin sởi đơn nhập ngoại cho người thân của mình. 

Chuyên gia về chất lượng thuốc của Cục Quản lý dược cho rằng nếu bảo quản không tốt thì hiệu quả điều trị của thuốc có thể giảm hoặc mất hẳn. Vì vậy người dân đi mua thuốc rất nên lựa chọn các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành tốt phân phối thuốc (GPP), ở đó có điều hòa nhiệt độ (mặc dù có thể nhà thuốc không mở thường xuyên) để giúp thuốc được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp nhất.

Thứ nữa, nên xem trong hướng dẫn sử dụng thuốc, nếu hướng dẫn tránh ánh sáng mà để thuốc đó nơi ánh sáng chói lòa thì chất lượng thuốc cũng bị ảnh hưởng. Nguồn gốc thuốc và cơ sở sản xuất cũng là các yếu tố quan trọng.

Chuyên gia này khuyến cáo nên sử dụng nguồn thuốc từ các nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất thuốc tốt) của châu Âu, hoặc GMP của Tổ chức Y tế thế giới.

Theo chuyên gia này, mỗi năm Cục Quản lý dược cấp 5-6 đợt số đăng ký, và đợt nhiều nhất cấp đến 800 số đăng ký thuốc (chưa kể các hồ sơ xin phép nhập khẩu chuyến đến thường xuyên) nên rất khó để phân biệt hồ sơ giả hay hồ sơ thật.

Người dân không đủ khả năng phân biệt thuốc thật và thuốc “dỏm”, vậy nên họ cần một hàng rào quản lý đủ hiệu quả để bảo vệ họ. Đó chính là trách nhiệm của quản lý nhà nước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận