Tôi làm 'ông nội trợ'!

DŨNG QUANG 07/12/2016 23:12 GMT+7

LTS: Dù “đóng vai” nội trợ ở hoàn cảnh nào, ngày càng nhiều bậc “trượng phu” nhìn nhận “cái tôi đàn ông” khác đi để đảm đương vui vẻ và khéo léo vai trò “nội tướng”...

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa

3 lần làm... “ông nội trợ”

Tôi có ba giai đoạn trong cuộc đời làm “ông nội trợ”. Nghĩ lại, tôi luôn cảm thấy hài lòng.

Khi con gái đầu lòng của tôi được ba tháng, công ty tôi đang làm việc giải thể vì làm ăn thua lỗ. Trái với vẻ ảm đạm, ủ dột khi tôi thông báo thất nghiệp, vợ tôi “hớn hở” ra mặt, cô ấy cho rằng đó là điều may mắn vì có người trông em bé cho cô ấy đi làm!

Trong khi tôi lo sốt vó chi tiêu trong gia đình sẽ như thế nào thì vợ tôi lại tự tin bảo rằng ít ăn ít, miễn là có người trông con. Vậy là sáng vợ ra khỏi nhà, hai cha con tôi cũng lên đường. Tôi một tay ôm con, một tay giữ ghiđông đạp xe ra biển cho con tắm nắng.

Khi cháu buồn ngủ, tôi đưa cháu về đặt trên võng rồi bắt đầu nấu ăn. Tôi làm cũng không đến nỗi tệ. Nói cho ngay, cũng nhờ trước khi đi làm vợ tôi đã chuẩn bị sẵn các thứ như rau rửa sạch, thịt, cá đã ướp... Cô ấy còn cẩn thận sắp hai bếp với củi chẻ nhỏ bên dưới lớp than, tôi chỉ cần lấy giấy cuốn lại rồi châm lửa, vài phút là có ngay bếp than hồng.

Tôi xong các thứ, pha thêm bình sữa bột là con gái thức dậy. Tôi cho con uống sữa, chơi với con thì đến trưa mẹ cháu về. Sốt ruột nhất là lúc thức ăn nấu dang dở thì con khóc, đòi bế, phải bỏ đó để lo cho con trước.

Buổi chiều thong thả vì con gái ngủ lâu hơn, tôi tranh thủ giặt quần áo. Có khi chưa giặt xong cháu thức dậy, thật là bận rộn!

Công việc nội trợ quen dần, tôi sắp xếp thời gian khoa học hơn, giảm những bận bịu vặt vãnh, lên kế hoạch tự học tiếng Anh. Có chăm con tôi mới hiểu câu người xưa thường bảo là “mến tay mến chân”, hay như một thói quen vậy.

Những lúc tôi bận việc gì đó, phải mang con đi gửi ở nhà ngoại cách 10 cây số, tôi không an tâm chút nào. Bà ngoại có cho con ăn đúng giờ không, có làm té con hay con có bị muỗi đốt không... Đến nỗi cảm giác như mình là... phụ nữ vậy!

Con gái được 18 tháng, tôi có việc làm mới. Tôi rút ra hai điều làm được trong giai đoạn làm “ông nội trợ” lần một của mình: chăm con tốt, không tốn tiền gửi con và quan trọng là an tâm, nhờ quãng thời gian ấy tôi ôn lại tiếng Anh, rất thuận lợi cho công việc mới!

Giai đoạn hai làm “ông nội trợ” của tôi cũng do công ty giải thể. Năm đó con trai thứ hai của tôi ở độ tuổi mẫu giáo lớn, chuẩn bị vào lớp 1. Hằng ngày ngoài việc lau nhà, nấu cơm, rửa bát, tôi dạy con tập đọc, tập viết, làm toán.

Giai đoạn hai tuy nhàn hạ hơn giai đoạn một nhưng cam go không kém là tập cho con viết chữ đẹp, không sai chính tả, biết cộng trừ. Tôi viết chữ không đẹp nên con trai tôi sau này cũng viết chữ xấu hệt bố.

Ngoài điều ấy, các việc khác tôi hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Tôi luôn tự hào thằng con giỏi toán nhờ giai đoạn có bố làm nội trợ.

Bây giờ tôi đang làm “ông nội trợ” giai đoạn ba. Con gái tôi định cư ở thành phố vừa sinh con, chồng cháu đi học xa nhà vài năm, thế là vợ tôi phải vào giúp cháu.

Nhà còn hai cha con, tôi vừa nghỉ hưu nên rất phù hợp làm việc nội trợ từ dọn dẹp, lau nhà cho đến đi chợ, nấu ăn. Lo toan gia đình khi vợ vắng nhà, tôi lại thấy vui vì mình có ích cho con cái.

Nhìn lại ba giai đoạn “ông nội trợ” trong cuộc đời tôi thấy mình rất may mắn, không chỉ giúp đỡ được vợ con mà còn khiến cho mình bận bịu, không suy nghĩ bi quan, tiêu cực trong thời gian thất nghiệp...

Cũng nhờ giai đoạn này mà tôi có thời gian gần gũi, nói chuyện với con trai (ngày trước việc gì cháu cũng hỏi mẹ nên tôi mang tâm lý bị “ra rìa”). Có lần tôi đọc được một câu cháu viết trên blog mà thấy mát lòng mát dạ ghê gớm:

“Mình có lẽ chẳng bao giờ được như bố, về tất cả... Bố nói không cần phải giống, không ai giống nhau. Bố chưa từng gượng ép hay kỳ vọng con cái phải làm điều gì, tất cả đều nằm trong câu nói ngắn gọn: Bố muốn con làm việc, yêu đời và vững vàng. Nhớ dành thời gian nói chuyện mỗi ngày với bố và đừng hút thuốc...”.

Cần vượt qua chướng ngại!

Ngày nay, cả nam và nữ ai cũng muốn mình có việc làm ngoài xã hội, có vị trí, thu nhập, được mọi người nể trọng. Người đi làm ngoài xã hội luôn cho rằng người làm việc nhà nhàn hạ, sung sướng hơn, nhưng không ai muốn tình nguyện lui về hậu phương. Cái nhìn không công bằng này đã khiến “nghề” nội trợ bị coi thường, ít ai thông cảm, thậm chí còn bị khinh rẻ.

Người phụ nữ ở nhà chăm lo gia đình đã chịu cái nhìn không công bằng của xã hội, vào trường hợp “ông nội trợ” càng thua thiệt hơn với cách nghĩ xưa nay là đàn ông phải xông pha trận mạc, kiếm tiền, làm chỗ dựa cho vợ con...

Hơn nữa, người đàn ông lui về gia đình còn mang mặc cảm với bạn bè, bà con họ hàng... Nếu không vượt qua chướng ngại vô hình này thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ được. Tôi từng có những cảm giác dằn vặt như thế.

Vợ chồng là chia sẻ. Chồng thất nghiệp, vợ đảm đương tài chính gia đình là việc bình thường, dù gánh nặng kinh tế đặt hết lên vai người vợ là điều không ai mong muốn, nhưng cuộc sống luôn có những điều ngoài ý muốn. Có vào hoàn cảnh mới hiểu người trong cuộc.

Chấp nhận và vui vẻ hoàn thành nhiệm vụ “ông nội trợ” chẳng dễ dàng. Nhưng khi đã vượt qua rồi lại thấy mọi thứ bình thường. Quan trọng nhất với tôi bây giờ là được gần gũi con trai, chăm sóc bữa ăn, nói chuyện với con thân tình - điều không phải người cha nào cũng có cơ hội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận