“Tôi là phi công chiến đấu cơ Su-30 MK2”

ĐỨC BÌNH 01/04/2016 01:03 GMT+7

TTCT - 24 tuổi, Trần Thanh Luân tốt nghiệp Trường Sĩ quan không quân và là một trong sáu phi công trong số 44 người của lớp phi công đầu tiên do Việt Nam đào tạo được đưa thẳng lên lái máy bay chiến đấu hiện đại nhất Đông Nam Á - “hổ mang chúa” Su-30 MK2.

Phi công Trần Thanh Luân, gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam 2015


Qua bốn năm, với 500 giờ bay an toàn, phi công Trần Thanh Luân - người lái tiêm kích Su-30 hiện đại trẻ nhất Việt Nam (thời điểm 2012) - được đánh giá cao và được bầu là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2015. Thượng úy Trần Thanh Luân hiện là biên đội trưởng phi đội 1, trung đoàn 935, Sư đoàn không quân 370 - đơn vị tiêm kích chủ lực của không quân Việt Nam.

Đam mê...

Phi cong TranThanhLuan (thu 2 tu phai qua) voi mo hinh Su-30 cùng các gương mặt trẻ VN tiêu biểu - Ảnh: Việt Dũng
Phi cong TranThanhLuan (thu 2 tu phai qua) voi mo hinh Su-30 cùng các gương mặt trẻ VN tiêu biểu - Ảnh: Việt Dũng

 

Bước ra sân khấu giao lưu trước vài trăm khán giả trong chương trình truyền hình trực tiếp lễ trao giải 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015 (tối 21-3), thượng úy phi công Trần Thanh Luân (sinh năm 1988) nói: “Giờ tôi có thể tự tin nói rằng mình là phi công chiến đấu thực thụ trên chiến đấu cơ Su-30 MK2”.

Nghe anh tự mình nói lên câu này, tôi biết chàng phi công trẻ phải cực kỳ tự tin. Sự tự tin ấy của Luân khiến nhiều khán giả ngồi dưới hội trường rất ấn tượng.

Luân thẳng thắn ngay khi mở đầu câu chuyện: “Công tác trong đơn vị đặc thù của quân đội nên việc tiếp xúc với báo chí của tôi cũng hạn chế.

Tuy nhiên vẫn có những bài báo viết về đơn vị, về cá nhân mà tôi cũng như anh em trong đơn vị thấy khi thì hời hợt quá, khi lại chi tiết quá khiến chỉ huy giật mình vì những bí mật trong nghề, trong ngành đã bị... bật mí.

Qua báo chí, tôi chỉ muốn mọi người hiểu rõ hơn về công việc, nhiệm vụ của chúng tôi. Phi công, nhất là phi công lái máy bay chiến đấu là nghề cực kỳ vất vả và nguy hiểm. Tôi không thể chọn được nghề mà là nghề chọn tôi. Rất may chúng tôi có đam mê, khát vọng được làm chủ bầu trời, được lái những chiến đấu cơ bảo vệ vùng trời Tổ quốc”.

Luân kể ngay từ khi còn học phổ thông ở quê nhà Xuân Giang (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), mỗi lần thấy máy bay bay qua, anh lại ngước lên trời xanh và thầm ước một ngày mình sẽ được lái những chiếc máy bay.

Cơ duyên đến với Luân khi năm 2006, Quân chủng phòng không không quân về Nghi Xuân để tuyển phi công. Luân nhanh chóng nộp đơn dự tuyển. Dù quy trình sơ tuyển cực kỳ nghiêm ngặt, nhiều khâu nhưng anh đều vượt qua, là người duy nhất trong số hàng trăm thanh niên trong huyện dự tuyển qua được vòng sơ tuyển.

Tiếp tục ra Hà Nội thi vòng trong, Luân trúng tuyển và cùng 43 thanh niên khác trên mọi miền Tổ quốc trở thành học viên phi công khóa đầu tiên của Trường Sĩ quan không quân, được đào tạo phi công ngay tại Việt Nam.

Luân là con trai duy nhất trong gia đình có mẹ là giáo viên, bố là sĩ quan công tác tại huyện đội Nghi Xuân. “Có tiền, có mơ ước thì có thể học lái máy bay dân dụng, nhưng để lái được máy bay chiến đấu thì là do nghề chọn người.

Và khi biết mình đam mê, khát khao trở thành phi công lái máy bay chiến đấu, gia đình mình dù không có ai theo ngành phòng không không quân nhưng đều ủng hộ”.

Thời điểm đó (2006), Việt Nam chưa có loại máy bay chiến đấu hiện đại như Su-30 MK2. Khi đó Luân và gia đình vẫn thi thoảng nghe thông tin về những vụ tai nạn máy bay. Tuy nhiên với khát khao được bay, Luân học cật lực suốt sáu năm trời.

“Có những điều tôi không thể tiết lộ, không thể mô tả được, chỉ biết học lái máy bay chiến đấu thì phức tạp hơn máy bay dân dụng rất nhiều. Mỗi loại máy bay có những điều kiện, nguyên tắc và quá trình học hỏi, tập luyện rất công phu, bài bản và vô cùng vất vả. Không phải ai học xong cũng có thể lái được.

Cũng có những người học rất giỏi, lái mô hình rất thạo, nhưng ra huấn luyện thực tế thì lại là một chuyện khác. Rất gian khổ. Nếu anh không đam mê, không gặp những người thầy là những phi công giỏi, không chịu khó học hỏi, tập luyện thì không thể thành công” - Luân tâm sự.

Chính bằng sự đam mê cộng với nỗ lực hết mình để học nghề, năm 2012, Luân đã tốt nghiệp thủ khoa với kết quả cực kỳ ấn tượng. Từ kết quả này, và thấy được sự tự tin, đam mê trong Luân nên lãnh đạo chỉ huy nhiều cấp đã đồng ý chuyển thẳng Luân lên lái tiêm kích hiện đại nhất: Su-30 MK2 mà không phải trải qua lái bất cứ loại máy bay nào.

“Tôi rất may mắn khi tốt nghiệp được chuyển thẳng về trung đoàn 935, nơi hội tụ những phi công giỏi nhất để học hỏi thêm. Nếu chỉ đam mê không, chưa chắc tôi đã được như hôm nay. Tôi biết ơn những người thầy đã tận tình chỉ bảo để hôm nay tôi trưởng thành, tự tin và bản lĩnh hơn trong nghề”.

Máy bay Su-30 MK2 tập luyện tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai  -Thuận Thắng
Máy bay Su-30 MK2 tập luyện tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai -Thuận Thắng

 

Tự tin làm chủ bầu trời

Trong lễ trao giải 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015, một phóng sự ngắn về Luân đã được chiếu. Hình ảnh một chàng trai trẻ cao lớn bận đồ phi công màu xanh da trời bước đến chiếc máy bay tiêm kích đa năng Su-30 MK2 được ống kính dõi theo.

Anh vào buồng lái cùng các đồng đội ngồi phía sau. Buồng lái chi chít các nút điều khiển. Luân thao tác và chiếc tiêm kích lao vút lên bầu trời. Với tốc độ thiết kế gấp hai lần tốc độ âm thanh, chiếc Su-30 MK2 nhanh chóng biến mất trên bầu trời, rồi trong tích tắc, chiếc máy bay lại sà xuống, bay nghiêng xoẹt qua màn hình...

Những hình ảnh ấy khiến khán phòng im phăng phắc, rồi bùng nổ trong tiếng vỗ tay. Khi màn hình tắt, thượng úy Trần Thanh Luân cao lớn trong bộ quân phục phòng không không quân chỉnh tề bước ra sân khấu.

Hỏi Luân cảm tưởng khi ngồi trên chiếc máy bay tiêm kích hiện đại nhất Việt Nam, anh cười: “Rất cảm xúc. Nhưng những cảm xúc đó không thể át được sự tập trung cao độ của người phi công. Thật sự, mỗi lần bay trên bầu trời Tổ quốc, nhất là khi bay qua quần đảo Trường Sa, thấy biển xanh nước biếc, những chiếc tàu đánh cá của ngư dân, rồi hình dung những lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên các hòn đảo, những người lính, những ngư dân đang dõi theo cánh bay của mình mà xúc động vô cùng.

Những lúc đó, mình càng cảm thấy tự hào về quê hương đất nước và càng thấy trách nhiệm của mình trong công việc, thấy mình cần phải tiếp tục cống hiến, hoàn thành mọi nhiệm vụ dù có đánh đổi bằng cả xương máu của mình”.

Luân cho biết đến thời điểm này, qua bốn năm anh đã có khoảng 500 giờ bay an toàn. Theo Luân, số giờ bay đó là con số “mơ ước” của mỗi phi công, nhất là với thế hệ của anh.

Với Su-30 MK2, bay an toàn không chỉ cất cánh, hạ cánh an toàn, mà còn phải thực hiện những thao tác kỹ thuật cực kỳ phức tạp, bởi đây là chiến đấu cơ hiện đại, mang trên mình nhiều loại thiết bị vũ khí, khí tài. Không phải ai cũng hiểu hết công việc, sự vất vả, hi sinh của những người phi công trẻ.

Chẳng thế mà tại các vòng sơ khảo, chung khảo bình xét 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, lực lượng quân đội có nhiều đề cử nhưng trung tá Thái Đức Hạnh, trưởng Ban thanh niên quân đội, vẫn phải “thuyết minh” thêm để nói về tính đặc thù của ngành phi công, cùng những thành tích cực kỳ ấn tượng của Luân...

Để nói về độ khó, sự vất vả của phi công chiến đấu, Luân tạm so sánh: “Máy bay dân dụng thì có chế độ hạ cánh tự động và khi hạ cánh, tốc độ giảm chỉ còn khoảng 200-250 km/h, nhưng với máy bay chiến đấu như Mic hay Su thì không có chế độ tự động đó, phi công phải “mắt nhìn, tay làm, miệng nói”, và lúc hạ cánh dù tốc độ đã giảm thì những chiến đấu cơ này vẫn như thân chuối trượt, với tốc độ hạ cánh cao gấp đôi máy bay dân dụng”.

Lúc chia tay, Luân bộc bạch thêm: “Bộ Quốc phòng đã tin tưởng, gửi gắm kỳ vọng vào lớp trẻ để lần đầu tiên tự đào tạo phi công chiến đấu, rồi giao cho mình chiến đấu cơ hiện đại nhất. Mỗi lần cất cánh, bay lên bầu trời là mình mang theo bao nhiêu kỳ vọng. Vì thế mình phải tập trung cao độ và trên hết mình phải luôn nuôi dưỡng đam mê, rèn luyện bản lĩnh, giữ vững tinh thần để làm chủ chiếc máy bay. Chiếc máy bay còn hơn cả tính mạng mình”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận