"Tôi không thích dìm con người vào bi kịch"

CÁT VŨ THỰC HIỆN 26/12/2007 07:12 GMT+7

TTCT - Là một người hiền lành, ít nói trong đời thường, nhưng hầu hết những phim Đinh Đức Liêm đạo diễn đều bộc lộ sự dữ dội ẩn chứa trong những tình huống xung đột cũng như trong tính cách của từng nhân vật.

Phóng to
TTCT - Là một người hiền lành, ít nói trong đời thường, nhưng hầu hết những phim Đinh Đức Liêm đạo diễn đều bộc lộ sự dữ dội ẩn chứa trong những tình huống xung đột cũng như trong tính cách của từng nhân vật.

Những nhân vật trung tâm trong phim anh đều bước vào đời với bàn tay trắng, đôi khi còn tệ hơn, bị rơi xuống tận đáy xã hội nhưng bằng ý chí, lòng quyết tâm và một trái tim cháy bỏng nỗi khát khao được sống cho ra người, họ đã sẵn sàng chịu sự va đập để tự hoàn thiện, trở thành những nhân tố tích cực.

Bộ phim Giọt đắng (21 tập) đang chiếu trên HTV9 (lúc 18g từ chủ nhật đến thứ ba hằng tuần) là một lát cắt trong mạch sáng tác đó của Đinh Đức Liêm.

* TTCT: Những tập đầu vừa phát sóng, bộ phim Giọt đắng cho người ta cảm giác như phim được thực hiện dựa theo nguyên mẫu của ông chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ? Nghe đâu so với những bộ phim nhiều tập nổi đình nổi đám trước đây của mình, anh có vẻ không hài lòng lắm khi hoàn thành bộ phim này?

- Đạo diễn Đinh Đức Liêm: Tác giả kịch bản Giọt đắng là anh Quý Hải, nguyên trưởng Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị. Anh Quý Hải lúc đầu quả có ý viết như một phim chân dung, nhưng bản thân anh Đặng Lê Nguyên Vũ không muốn như thế nên trong quá trình viết phân cảnh, tôi đã chỉnh sửa với nội dung hoàn toàn hư cấu mà cá nhân người sáng lập ra thương hiệu cà phê Trung Nguyên chỉ còn là một cảm hứng ban đầu mà thôi.

Nhân vật chính trong Giọt đắng của tôi là Lê Văn (do Thanh Phương đóng), một sinh viên y khoa học cho đến khi tốt nghiệp bác sĩ để chiều theo ý muốn của gia đình. Còn bản thân anh, ngay trong thời kỳ sinh viên đã tự mày mò, tìm công thức pha chế cà phê kiếm sống, với ước muốn thoát nghèo và đã hình thành nên một con đường đi riêng cho mình. Trở thành một ông chủ hãng cà phê nổi tiếng song cho đến hết phim, Lê Văn vẫn còn ôm ấp khát vọng đưa cà phê VN trở thành một thương hiệu uy tín toàn cầu.

Thật ra, một nội dung như vậy chỉ kể vài dòng là hết chuyện, nhưng bộ phim hay hoặc dở lại “ăn thua” nhau ở các tình tiết. Giọt đắng cho tôi cơ hội để đề cập sâu hơn về cuộc sống sinh viên, từ chuyện học hành, bươn chải kiếm tiền tự lập cho đến chuyện tình yêu. Tôi không muốn bộ phim như là một bản minh họa hình ảnh cho câu chuyện được viết trên giấy mà không ít người đã từng được nghe biết qua báo chí, vậy nên tôi đã nghĩ thêm ra nhiều chuyện để tung hứng.

Tỉ như nhân vật bà mẹ của Thương do Siu Black thủ diễn. Tôi muốn bà không phải là một bà mẹ hiền lành, bao dung như thường thấy, mà đó là “một con chim sơn ca về già” hơi khác người, cách ngăn cản chuyện tình yêu con cái của bà cũng không giống ai. Nhưng rất tiếc là tôi đã không thể thực hiện ý đồ tung tẩy như mình mong muốn nên với tôi, bộ phim chỉ đạt khoảng 50% trong sáng tạo.

Phóng to

* Phần lớn sự thành công của những bộ phim mà Đinh Đức Liêm đạo diễn như Thời đại đàn bà con gái, Giã từ dĩ vãng, Đồng tiền xương máu, Hạnh phúc mong manh, Người đàn bà yếu đuối, Miền đất phúc... là nằm ở sự chân thực trong nghệ thuật phản ánh cuộc sống, đặc biệt là nỗi thống khổ của con người.

Những người biết chuyện đều cho rằng đó là nhờ Đinh Đức Liêm đã gửi gắm ít nhiều nỗi niềm riêng của mình vào cảnh đời chung của các nhân vật trong phim? Vậy phải chăng tiêu chí của anh là mượn cái chúng ta để nói về cái tôi?

- Tiêu chí làm phim của tôi là phim phải hấp dẫn và nội dung phim phải mang tính chân thực, nói chung đó là những vấn đề mà xã hội đang quan tâm. Tôi không chỉ khai thác nỗi khổ mà cả niềm vui của con người, trong đó sự lạc quan giúp con người vượt lên số phận là nét chủ đạo. Tôi không thích cảnh con người bị dìm trong những bi kịch. Có nghịch cảnh, có bất công nhưng cũng còn có nhiều tình người.

Khi xây dựng những nhân vật cụ thể, những hoàn cảnh cụ thể, những tình huống cụ thể... tất nhiên trước hết tôi phải lấy những kinh nghiệm từ bản thân mình. Những va đập tôi đã trải qua, những nỗi thống khổ tôi đã chịu, cũng như những phương cách giúp tôi thoát ra, đó là những kinh nghiệm quí báu và không có gì chân thực hơn. Vấn đề là phải vận dụng nó như thế nào và liều lượng ra sao để phù hợp với hoàn cảnh của các nhân vật trong phim và khán giả có thể chấp nhận được.

Ngay ở bộ phim đầu tiên tôi bỏ vốn ra làm là Thời đại đàn bà con gái nói về thân phận một anh con trai thất nghiệp, để dễ kiếm việc làm đã phải cạo lông chân, mặc váy, giả làm con gái... cũng là một ý nghĩ ám ảnh tôi khi tôi cầm đơn xin việc tới đâu cũng thấy người ta ưu tiên tuyển chọn nữ giới. Chỉ ở bộ phim Giã từ dĩ vãng, tôi gần như hoàn toàn đặt mình vào nhân vật, hay nói đúng hơn, tôi đưa nhân vật đi theo mình, khóc cái tôi đã khóc, cười cái tôi đã cười. Nhân vật cũng như tôi, dân nhập cư ngoại tỉnh, đã bắt đầu tạo dựng sự nghiệp bằng hai bàn tay trắng, xoay xở đủ nghề và cuối cùng trụ lại được nhờ ý chí, nhờ đôi tay và nhờ lòng vị tha, sự đùm bọc nhân ái của những người xung quanh.

* Là một trong số không nhiều những đạo diễn có nhiều phim truyền hình dài tập tạo cơn sốt trong khán giả, bây giờ anh còn lo sợ điều gì nữa?

- Tôi sợ mình sẽ bị lặp lại chính mình. Làm phim mà không có gì mới, cứ cũ kỹ là bị... “chết” ngay! Mỗi lần cầm trong tay một kịch bản, tôi lại trăn trở, gọt giũa, sửa chữa sao cho phim mình không phải là một bản minh họa và cố tránh những gì mình đã làm ở các phim trước. Không phải kịch bản nào cũng có cái cho mình trăn trở, nhưng tôi luôn đặt yêu cầu: ra phim là phải chinh phục được khán giả. Ngoài phim Giã từ dĩ vãng có nhiều nhân vật gai góc nhờ gắn bó nhiều với kỷ niệm riêng trong đời mình, ở phim Cỏ dại (3 tập), tôi đưa một cô gái quậy phá lên làm nhân vật chính, còn ở Miền đất phúc (53 tập) là dịp để tôi thể hiện kiến thức về kinh tế đã học được ở đại học, “giải tỏa” được nỗi ấm ức cho không ít người bị lao đao vì chuyện bi hài thời bao cấp.

* Hiện nay, người ta đang đua nhau làm phim truyền hình nhiều tập để giành sóng quảng cáo, anh nghĩ gì về tình trạng này?

- Xu hướng xã hội hóa phim truyền hình là xu hướng tất yếu tạo sự cạnh tranh sòng phẳng. Những ai có thực tài sẽ tồn tại. Những ai chạy theo ảo ảnh, theo phong trào tất yếu sẽ bị đào thải. Bây giờ con đường mới mở, chỗ trống còn nhiều, ai cũng có cơ hội để nhảy vào, nhưng rồi qui luật thị trường sẽ tự điều chỉnh nên chẳng có gì phải lo. Người ta đổ xô đi làm phim chứng tỏ xã hội đang có nhu cầu.

Vấn đề không phải ở chỗ nhiều hay ít mà là ở chất lượng. Phim không được khán giả công nhận không thể coi là phim thành công. Các kênh đang rất ưu ái cho phim Việt nhưng đây cũng là một nỗi lo cho người làm phim. Chuyện người ta mở đường và chuyện phim có đến được trái tim người xem hay không là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Tôi nghĩ phim phải mang những vấn đề đời sống thì người xem mới quan tâm. Cách thể hiện cũng đòi hỏi phải mới mẻ, cá tính hóa nhân vật, ngôn ngữ đối thoại phải hay, nếu nhợt nhạt, phim sẽ khó chinh phục khán giả.

* Theo anh, vì sao phim truyền hình Hàn Quốc chinh phục được trái tim người xem VN? Anh có học được điều gì ở họ không?

- Phần lớn phim truyền hình Hàn Quốc có câu chuyện gần gũi, cách thể hiện trẻ trung, mới mẻ và trong một chừng mực nào đó, đời sống ngoại lai tạo giấc mơ cho người xem. Nhưng làn sóng phim Hàn hiện nay cũng đã bị lặp lại và một khi có ít sự sáng tạo thì khán giả sẽ chán. Tôi học được ở phim Hàn Quốc cách xử lý tình tiết tinh tế, chọn lựa diễn viên tương đối chính xác và các tình huống thắt mở rất hợp lý.

* Phim của Đinh Đức Liêm thường tạo được sự chú ý cho người xem khi phát sóng, phải chăng do anh biết cách chạy theo khán giả? Theo anh, người làm phim thường chịu áp lực nào nhiều nhất?

- Đã làm nghề đạo diễn phim tất phải chịu nhiều áp lực: với nhà sản xuất, với các cộng sự, trong đó áp lực lớn nhất là khán giả. Mọi cái mình có thể vượt qua được nhưng không qua được khán giả. Tôi không bao giờ chủ trương chạy theo khán giả vì thật sự mình cũng khó mà biết được khán giả muốn gì. Tôi thường làm điều ngược lại, là tìm cách cuốn khán giả theo mình.

Long đong buổi khởi nghiệp

Tốt nghiệp khoa kinh tế chính trị Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, Đinh Đức Liêm về dạy học tại Trường Sĩ quan chính trị. Giữa lúc rảnh rỗi, anh viết một kịch bản phim gửi tới Hãng Phim truyện VN, được đạo diễn Trần Đắc xem qua và nhân lúc Trường đại học Điện ảnh và sân khấu sắp tuyển sinh, ông khuyên Liêm nên ghi danh dự thi. Liêm đã đậu thủ khoa cùng với Lưu Trọng Ninh và sau bốn năm học, anh tốt nghiệp đạo diễn năm 1988.

Trong khi bạn bè có “gốc gác” đã về làm việc tại các hãng phim nhà nước, Liêm không được nơi nào nhận nên liều ôm theo đứa con mới 8 tháng tuổi xuôi tàu vào Nam. Sau khi làm thư ký trường quay, rồi phó đạo diễn cho phim Người không mang họ của đạo diễn Long Vân, anh lại thất nghiệp phải xoay xở đủ nghề để sống. Ở nhà thuê, vay vốn mở cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, lập tổ hợp may gia công... vừa làm chủ vừa làm công, chỉ trong vài ba năm anh đã mua được nhà.

Tuy đã sống được nhưng trong anh vẫn luôn đau đáu chuyện làm phim nên đến năm 1992, anh “mạnh dạn” bán nhà, góp vốn cùng người bạn làm phim Thời đại đàn bà con gái. Phim làm xong, anh tự đem đi chiếu và thấy phim cũng khá ăn khách. Nhưng vì không có kinh nghiệm nên mới chiếu được khoảng chín ngày anh đã thấy băng của phim mình tràn ngập thị trường, bị ăn cắp bản quyền, mất sạch vốn. Trắng tay, anh lại về tiếp tục nghề may gia công.

Một hôm, ngồi buồn, đọc được truyện ngắn Hạnh phúc mong manh của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, anh bèn xin chuyển thành kịch bản phim và đem kịch bản nộp vào Hãng TFS, được nhà biên kịch Nguyễn Hồ, giám đốc hãng, đề nghị mua kịch bản. Anh không bán mà xin được làm đạo diễn kịch bản của mình. Sau khi gọi điện thoại ra Bắc kiểm tra chuyện học hành điện ảnh của Liêm, giám đốc Nguyễn Hồ đồng ý cho anh làm thử. Phim làm xong được HTV phát sóng, còn Liêm sau đó được hãng phim cho ký hợp đồng. Đến nay, anh đã công tác tại TFS được cả thảy 12 năm.

* Những phim Đinh Đức Liêm đã thực hiện:

- Thời đại đàn bà con gái (truyện video)

- Hạnh phúc mong manh (3 tập)

- Giã từ dĩ vãng (10 tập)

- Đồng tiền xương máu (13 tập)

- Cỏ dại (3 tập)

- Đón con về (3 tập)

- Vai diễn đầu đời (3 tập)

- Người đàn bà yếu đuối (58 tập)

- Công ty thời trang (15 tập)

- Miền đất phúc (53 tập)

- Giọt đắng (21 tập)

* Phim đang thực hiện:

- Đam mê (50 tập)

Những diễn viên thành danh qua phim của Đinh Đức Liêm:

- Thanh Nga (Giã từ dĩ vãng)

- Quyền Linh (Thời đại đàn bà con gái, Đồng tiền xương máu)

- Chi Bảo (Đồng tiền xương máu)

- Trần Kim Ngân (Người đàn bà yếu đuối)

- Trương Minh Quốc Thái (Người đàn bà yếu đuối)

- Lý Thanh Thảo (Cỏ dại)

- Thanh Phương (Công ty thời trang, Miền đất phúc, Giọt đắng)

- Bình Minh (Công ty thời trang)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận