"Tôi không muốn có "cục gạch" trong phim Nỗi buồn chiến tranh"

HẢI NGUYÊN thực hiện 18/09/2008 19:09 GMT+7

TTCT - Thời gian gần đây khán giả yêu điện ảnh trong nước khá háo hức trước thông tin tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh được đạo diễn người Mỹ Nicholas Simon đưa lên màn ảnh. Rồi đột ngột, trên một tờ báo điện tử lại có thông tin Bảo Ninh tuyên bố sẽ không dính líu gì tới bộ phim này. Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, nhà văn Bảo Ninh phân trần: “Mọi việc không nghiêm trọng như thế”.

Phóng to
Nhà văn Bảo Ninh
TTCT - Thời gian gần đây khán giả yêu điện ảnh trong nước khá háo hức trước thông tin tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh được đạo diễn người Mỹ Nicholas Simon đưa lên màn ảnh. Rồi đột ngột, trên một tờ báo điện tử lại có thông tin Bảo Ninh tuyên bố sẽ không dính líu gì tới bộ phim này. Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, nhà văn Bảo Ninh phân trần: “Mọi việc không nghiêm trọng như thế”.

* Ông nói rằng sự thật không nghiêm trọng như báo chí đã đăng, vậy thực hư câu chuyện này là thế nào?

- Cách đây hơn hai tháng, qua điện thoại phóng viên VietNamNet là người đầu tiên cho tôi biết êkip làm phim Nỗi buồn chiến tranh đã được thành lập, kế hoạch làm phim đã được xác định và bắt đầu triển khai. Rồi cũng chính phóng viên VietNamNet cho tôi biết các công tác chuẩn bị cho việc làm bộ phim đã tạm ngưng. Cũng đã hình dung như thế nên tôi không ngạc nhiên. Đúng là có bất đồng giữa tôi và nhà biên kịch, chúng tôi đang cố vượt qua.

* Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh đã gây tiếng vang ở trong nước và ngoài nước từ đầu những năm 1990 và một số đạo diễn người Việt đã có ý định chuyển thể sang kịch bản điện ảnh. Ông có thể cho biết lý do tại sao ông lại đồng ý cho một đạo diễn nước ngoài chuyển thể chứ không phải là một đạo diễn người Việt?

- Có biết bao nhiêu tác phẩm văn học Việt Nam mặc dù là chất liệu tuyệt vời để làm phim hay mà chưa hề được dự tính làm phim.

Cuốn Nỗi buồn chiến tranh của tôi cũng có đôi dịp được các nhà làm phim Việt Nam tính đến. Tôi đồng ý chứ. Nhưng cũng chỉ bàn luận thế thôi với nhau. Người nói chuyện đó với tôi là đạo diễn Khánh Dư. Nhưng để ký kết thì chưa. Tôi với nhà sản xuất và đạo diễn hiện nay của dự án này quen biết nhau từ lâu. Họ là bạn tôi và là độc giả của cuốn Nỗi buồn chiến tranh. Chúng tôi nhất trí làm thành phim cuốn này. Thuận lợi thì rất rõ và có thể thấy ngay, nhưng khó khăn thì chúng tôi lại không thấy được ngay từ đầu.

Phóng to

* Trước nay có rất nhiều chuyện lùm xùm giữa tác giả nguyên tác và tác giả kịch bản của bộ phim, nhưng đó là sau khi bộ phim đã ra đời. Chuyện không thống nhất giữa ông và đạo diễn có phải do ông muốn mạch phim tập trung vào mặt trái của chiến tranh, còn Nicolas Simon tập trung vào tình yêu của hai nhân vật chính?

- Tôi không nghĩ đây là chuyện lùm xùm. Tôi chưa đồng ý với kịch bản hiện nay dù nó đã được viết đi viết lại nhiều lần. Việc làm phim đã được cơ quan có thẩm quyền chuẩn y, đồng thời còn có nhiều thuận lợi khác nữa từ báo chí, dư luận khán giả, các địa phương và cơ quan có liên quan, song không vì được hưởng những thuận lợi ấy mà đoàn làm phim có thể tự hài lòng với mình. Kịch bản còn sạn thì phải gắng làm cho hết sạn, đơn giản vậy thôi. Gọi là sạn chứ trong văn học và điện ảnh, một hạt sạn là một cục gạch.

* Đạo diễn Nicholas Simon đã đề nghị ông ngồi lại để đối thoại về bộ phim nhưng ông đã từ chối vì những ý kiến của ông trước đó không được hồi đáp?

- Điều ấy không hẳn đúng. Chúng tôi liên tục làm việc với nhau nhưng vẫn chưa đồng thuận về nhiều điểm trong kịch bản. Cho dù quen biết đã lâu nhưng châm chước cho nhau chuyện này là không nên. Đạo điễn Nicholas Simon cũng hiểu như vậy.

* Ông có e ngại chuyện này sẽ khiến tiến độ của bộ phim chậm lại, hoặc nó sẽ khiến nội dung bộ phim sẽ sai lệch hoàn toàn với tinh thần nguyên tác của Nỗi buồn chiến tranh?

- Làm hay không làm tiếp bộ phim là do nhà sản xuất và những người đứng đầu các hãng phim quyết định. Còn tôi và biên kịch phải ngồi với nhau mà sửa kịch bản để gắng đừng sai lệch, nhất là sai lệch hoàn toàn như bạn nói với tinh thần của Nỗi buồn chiến tranh. Vì với tôi, chính tinh thần đó khiến tôi viết cuốn sách và muốn nó thành phim.

Phóng to

* Vậy cuối cùng chuyện không vui này sẽ được giải quyết như thế nào, bởi khán giả đang rất mong chờ một Nỗi buồn chiến tranh trên màn ảnh được thể hiện bởi nhà làm phim nước ngoài?

- Tôi cũng mong chờ. Mong chờ một bộ phim hay. Tôi hi vọng nhiều ở tài năng của đạo diễn. Nhà sản xuất cũng mong chờ và hi vọng như vậy. Nhưng đạo diễn làm được phim hay bằng cách nào khi kịch bản chưa hay? Sự chưa hay này không phải vì đạo diễn không biết viết kịch bản mà vì anh ấy không phải người Việt Nam, không phải là một anh lính bộ binh trong chiến tranh chống Mỹ, không phải con trai Hà Nội của thập niên 1960-1970 nên anh ấy gặp khó, quá khó.

Không thể chỉ bằng sự tự mường tượng, không thể chỉ bằng nghe kể, bằng đọc sách báo và xem phim tư liệu mà bù đắp được. Tôi lăn vào làm cùng anh ấy với niềm hi vọng anh ấy sẽ vượt được khó khăn to lớn ấy để có được một kịch bản tốt mà làm phim cho thuận lợi, phát huy được năng lực đạo diễn của mình và cả của diễn viên nữa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận