Tôi được gì khi dạy trường quốc tế?

MAI PHƯỢNG 19/11/2017 00:11 GMT+7

TTCT - Có nhiều điểm khác biệt về văn hóa và triết lý giáo dục (và cả kinh doanh) giữa hai khu vực trường công - tư nên so sánh sẽ rất khập khiễng.

.
.

 Có hai lý do tôi rời trường công: Thứ nhất, chương trình tôi đang dạy lúc ấy (chương trình tăng cường tiếng Anh ở một trường PTCS, Q.1, TP.HCM) chuyển sang một loại giáo trình mà theo tôi là không thực sự lôi cuốn người học và cả người dạy. Tôi thấy mình không thể làm được những điều như mình muốn.

Thứ hai, tôi muốn làm mới mình, bằng một thay đổi kiểu “kế hoạch 5 năm”. Cần nói thêm rằng tiền lương tôi nhận được từ trường quốc tế khi mới về tuy có cao hơn ở trường công lập, nhưng mức chênh lệch không phải là quá hấp dẫn để thành mục tiêu chính khiến tôi ra đi.

Trải nghiệm ở cả hai khu vực công - tư đã giúp tôi học được rất nhiều điều. Môi trường trường công đã giúp nuôi dưỡng ước mơ làm giáo viên, lớp học trò mà tôi nhớ nhất cũng từ 5 năm trường công này. Không có 5 năm đó, tôi nghĩ mình sẽ không có được như ngày hôm nay.

Có nhiều điểm khác biệt về văn hóa và triết lý giáo dục (và cả kinh doanh) giữa hai khu vực trường công - tư nên so sánh sẽ rất khập khiễng. Tôi xin kể thực tế làm một giáo viên trường tư của mình như một đúc kết về điều mà tôi cho rằng rất quan trọng: người giáo viên luôn cảm thấy mình mới và phải tự làm mới mình.

Thời gian làm việc: 7h30-16h30 và làm toàn thời gian chứ không phải có tiết mới đến lớp như giáo viên trường công lập. Thường thì giáo viên kết thúc giờ học chính khóa trước 15h, dành thời gian còn lại cho các hoạt động ngoại khóa, soạn giảng, chấm bài, tiếp học sinh.

Trung bình từ 8-12 tuần, giáo viên có một kỳ nghỉ khoảng 1 tuần, như một điều chỉnh phù hợp với nhịp sinh học vì nghỉ ngơi sẽ giúp tái tạo năng lượng.

Giáo viên: Đa năng, có thể dạy được nhiều môn, biết nhiều kỹ năng... Một giáo viên dạy môn kinh tế học hay một giáo viên dạy toán cuối tuần có thể chơi guitar bass trong một nhóm nhạc. Giáo viên luôn phải tự học, học vì thấy cần thiết cho mình, cho công việc.

Chương trình học: Giáo viên toàn quyền quyết định theo bộ khung hướng dẫn và trao đổi với đồng nghiệp cùng bộ môn.

Ví dụ: Chương trình tú tài quốc tế: Môn văn học ngôn ngữ thứ nhất (first language) quy định có bốn học phần, mỗi học phần học từ 2 đến 4 tác giả, các tác giả và tác phẩm được lựa chọn trong một danh sách do Tổ chức Tú tài quốc tế (IBO = International Baccalaureate Organisation) quy định. Giáo viên dựa vào hướng dẫn và những quy định cụ thể cho từng học phần, phù hợp sở thích cá nhân và năng lực học sinh của từng khóa mà chọn tác phẩm để dạy.

Bài đánh giá học sinh được chia làm hai phần: thi nói (chiếm 30%) và thi viết (chiếm 70%). Các bài thi nói đều thi tại trường, do giáo viên của trường đánh giá nhưng theo những tiêu chí rất cụ thể của IBO.

Giáo viên chấm thi phải đánh giá công tâm vì IBO có cách hiệu chỉnh điểm rất thú vị: Họ sẽ nghe lại một số bài thi nói đã ghi âm và xem giáo viên cho điểm từng tiêu chí có rộng hay chặt quá hay không. Nếu quá rộng tay, họ sẽ “kéo điểm” của tất cả các bài thi do giáo viên đó chấm xuống. Dĩ nhiên, không giáo viên nào muốn học trò giỏi của mình bị kéo điểm oan nên phải cố gắng chấm thật công bằng.

Với các bài thi viết của IBO, nhà trường phải tổ chức cho học sinh làm bài thi đúng các quy định chặt chẽ về lưu trữ đề, ngày giờ mở đề, cách gác thi, cách nộp bài... như bao trung tâm khảo thí quốc tế khác. Chỉ cần làm sai là phải giải trình, chưa tính đến nguy cơ bị tước bằng tổ chức thi thì việc mất uy tín là rất nghiêm trọng.

Đánh giá, kiểm tra học sinh: Kiểm tra chéo. Ngoại trừ các kỳ thi để cấp bằng quốc tế, giáo viên được chủ động quyết định trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh (tự ra đề, tự lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá).

Đánh giá học sinh không bằng con số tuyệt đối (điểm 10) mà bằng xếp loại A, B, C... Và còn có các đánh giá thái độ học tập (như tham gia bài học trên lớp, chuẩn bị bài vở, làm bài tập về nhà, trung thực trong học tập, hòa nhã với bạn bè, lễ phép với giáo viên). Bảng điểm của học sinh còn có lời nhận xét của từng giáo viên bộ môn.

Đây là một công việc khá “nhằn” với giáo viên trường quốc tế. Cách đây 9 năm khi mới lần đầu viết nhận xét bằng tiếng Anh với trung bình khoảng 100 từ cho một học sinh, tôi đã phải học rất nhiều để viết cho tế nhị, rõ ràng, dễ hiểu với phụ huynh, để họ thấy được ưu - khuyết của con em mình, đồng thời có mục tiêu và hướng dẫn cụ thể để các em phấn đấu.

Những nhận xét này sẽ nằm trong học bạ điện tử của các em khi chuyển trường nên giáo viên phải cân nhắc như “khuôn vàng thước ngọc”. Các giáo viên sẽ đọc, kiểm tra chéo các nhận xét này để đảm bảo không có sai sót, nhầm lẫn.

Họp phụ huynh: “Ba mặt một lời”: ngoài những lần họp chung, phụ huynh sẽ có từ 2-3 cuộc họp riêng với giáo viên bộ môn hằng năm, thực ra là buổi nói chuyện giữa giáo viên - phụ huynh - học sinh nên học sinh được khuyến khích tham gia để “ba mặt một lời” cùng trao đổi về mọi mặt cho học sinh tiến bộ hơn. Những nói chuyện ngắn 10-15 phút/một môn học rất hiệu quả: giáo viên, phụ huynh và học sinh hiểu thêm về nhau và những kỳ vọng đối với con em mình.

Đánh giá giáo viên: Giáo viên được đánh giá thông qua cấp trên, học sinh và một chuyên viên đánh giá không thuộc nhà trường. Cấp trên theo dõi việc giáo viên hoàn thành các công việc được giao và công việc tự nguyện.

Học sinh sẽ đánh giá các giáo viên bộ môn mà mình học về kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm, môi trường học tập, mục tiêu giáo dục, theo dõi tiến bộ của học sinh, tài nguyên dạy học và kỹ năng quản lý lớp học cũng như sự quan tâm đến học sinh (bản đánh giá bao gồm hàng chục câu hỏi chi tiết cho từng mặt và học sinh làm riêng với chế độ ẩn danh).

Kết quả sẽ được tổng hợp từ tất cả học sinh các lớp giáo viên dạy. Chuyên viên bên ngoài sẽ dự giờ dạy của giáo viên (thường là hai tiết, một tiết báo trước và một tiết bất ngờ). Nhà trường nhấn mạnh việc giáo viên tự nhìn nhận đánh giá mình. Trước đợt đánh giá, ban giám hiệu sẽ yêu cầu giáo viên nêu những mục tiêu phấn đấu của mình và gặp từng giáo viên để trao đổi về các mục tiêu này.

Đợt đánh giá kết thúc bằng việc chuyên viên đánh giá cùng ngồi lại với giáo viên xem xét những mục tiêu phấn đấu đề ra, chỉ ra những mặt giáo viên có thể làm tốt hơn hoặc gợi ý tham khảo, học hỏi các giáo viên đồng nghiệp có kinh nghiệm...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận