Tò he phố Hội

HOÀNG MY 29/06/2017 13:06 GMT+7

TTCT - Hội An bình yên, lác đác du khách, thơ mộng và lãng mạn vô cùng.

Minh họa: Trần Thái
Minh họa: Trần Thái

 

Cả bọn chúng tôi dạo chơi lòng vòng, nếm thử nhiều món ăn, mua sắm lụa là, ngắm chùa Cầu, sông Hoài, lồng đèn và tạo dáng chụp hình xong xuôi hết rồi, mới chợt “bắt gặp” tò he bên đường.

Tôi chưa từng thấy tò he lần nào trong đời trước đó, chẳng hiểu sao vẫn lập tức biết đấy là tò he khi hình ảnh thoáng lướt qua trước mắt. Như khi bất ngờ đối diện một người vốn không biết mặt, nhưng đã bao lần được nghe kể, nghe miêu tả, bồi hồi bằng cả yêu thương lẫn nhung nhớ nhiều dịp vậy.

Tò he được “ghim gút” trong tâm tưởng tôi vì má. Má tôi người Bắc, lấy chồng rồi sinh con ở miệt miền Tây, cả thời thanh xuân quẩn quanh ở xứ.

Nhưng ký ức về cuộc hành trình dài, di chuyển lần hồi từ miền ngoài vào tận phương Nam thì vẫn còn mồn một. Má thường kể cho chúng tôi nghe về những con tò he có thể phát ra âm thanh du dương nếu biết cách thổi.

Lũ con nghe riết thành quen, đủ để thả cho trí tưởng tượng bay bổng về những miền đất má và ông bà đã đặt chân đến, sinh sống ít tháng đến vài năm, rồi ngơ ngác rời khỏi. Nên chỉ cần thoáng qua thôi là tôi nhận ra ngay món quà trẻ thơ ấy...

Rất nhiều cửa hàng lưu niệm ở Hội An có bán kèm dăm con tò he, xếp chung một cái mâm tre với cơ man móc khóa, vòng tay, kẹp tóc...

Nhưng có một “cửa hàng” tò he khiến những lần về sau tôi luôn ghé lại là của một bà cụ gầy gò, đặt ngay lề đường trên con phố khá sầm uất. Bà chỉ bán tò he và mấy bức tượng đất sét mộc, tạo hình cô gái ôm bình, cậu con trai nhỏ đang tè, mấy con heo đất, gà mái...

Bà cụ ngồi nép vào bậc cửa, phía sau là cái nón lá và dăm món đồ dùng lặt vặt xơ xác của người già quen lam lũ.

Chẳng biết vì bà cụ tuổi phải ngoài bảy mươi, vẫn cần mẫn và lặng lẽ bán buôn ở góc ấy hay bởi những con tò he mà tôi hay nghĩ về chốn ấy, như một phần chẳng thể tách rời trong những kỷ niệm về phố cổ.

Nhớ dịp đầu tiên, tôi mua về bốn con tò he, lựa đúng con giáp của vợ chồng con cái trong nhà, dẫu biết là lũ trẻ còn quá bé để cầm chơi, chồng tôi thì bận rộn tới mức chẳng có thời gian để liếc mắt qua...

Ghé Hội An thêm nhiều lần nữa, chẳng lần nào quên đến mua tò he của bà cụ năm ấy. Đầu mùa hè năm nay, khi gia đình tôi đi Hội An du lịch, tôi hài lòng với ý nghĩ hai con sẽ được tận mặt gặp gỡ bà cụ bán tò he, biết mấy con vật xinh xẻo đang được trưng bày trang trọng ở kệ kiếng nhà mình là từ chốn nào.

Bà cụ đã già lắm, rất chậm... Mấy mẹ con tôi ngồi tỉ mẩn lựa từng con tò he để trò chuyện lâu hơn cùng bà. Hỏi thăm, giật mình biết bà đã tám mươi có lẻ, tôi chạnh lo, nghĩ không biết lần tới nữa quay lại phố cổ liệu còn được gặp bà. Và chợt thấy sợ hãi với ý nghĩ mỗi khi ra đây chẳng còn có nơi thân quen để tìm về.

Tôi chỉ cho lũ trẻ thấy những cái lỗ hổng be bé trên con vật được làm bằng đất nung, mô phỏng mười hai con giáp tuổi tác theo quan niệm của người Việt mình. Kha khá tò he được gói ghém cẩn thận, rồi tôi dặn: “Con sẽ mang tặng rồi chỉ cho bạn cách thổi tò he nhé!”.

Mỉm cười hình dung tiếng tò he ngồ ngộ theo nhịp thổi trẻ con sẽ vang lên trong căn hộ nhỏ, tò mò chuyền tay nhau giữa sân trường...

Những năm tháng xa xăm đầy hoài niệm của mẹ của bà, và hồn phố sẽ mãi còn đó, đơn giản qua những con tò he có phần lạc lõng giữa điện thoại thông minh, máy tính bảng cùng mấy trò game hấp dẫn bọn nhóc thời bây giờ...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận