Tò he ơi!

PHẠM TĂNG 30/03/2010 11:03 GMT+7

TTCT - Ông ơi con này là con gì? Mẹ ơi cái này là cái gì? Đó là lời mấy đứa trẻ ở đường Phạm Ngũ Lão, thành phố Huế thốt lên khi thấy ông lão ngồi nặn những con tò he (ảnh).

Phóng to
Ảnh: Phạm Tăng

Trên mảnh đất trống nhỏ ven đường, ông lão vẫn ngồi im nặn những con tò he ngộ nghĩnh, những con tò he được nhiều đứa trẻ ở vùng nông thôn yêu thích, nhưng đã xa lạ ở chốn thị thành nơi những đứa trẻ sành các trò chơi điện tử hơn.

Hôm nay trời bắt đầu trở rét, nhưng ông lão vẫn ngồi đó với bàn tay run run nặn tò he. Mặc cho người qua đường không để ý, có vẻ như nặn tò he là thú vui trong cuộc đời ông.

Sẩm tối

Nhật ký thân mến,

Trời sẩm tối, chiếc xe bò lên đèo Cả. “Mệ ơi, cu em có khóc không? Có đòi con không hử mệ?” - giọng một phụ nữ xứ Nghệ khe khẽ trong chiếc xe ca chạy hướng Bắc - Nam. Giọng chị như không thể thoát ra được trong không gian chật cứng người. “Mệ ở nhà chăm cháu cho con với nha mệ, con làm có tiền rồi về” - giọng nói đứt quãng và chị òa khóc nức nở. Anh chồng ngồi cạnh cúi mặt xoa hai bàn tay chai sần vào nhau. Yên lặng. Có tiếng một vài phụ nữ thút thít khóc theo.

“Bây giờ ai không đồng ý nạp thêm năm chục thì xuống đây, không nói nhiều! Chạy từ đó vô đây có bảy trăm bạc mà kêu cái gì. Nhà xe lỗ mà còn phải chấp nhận chạy đây này. Tiền làm luật cũng tăng gấp đôi chứ ít gì. Nhanh nhanh thông cảm lẫn nhau tí bà con ơi” - tay lơ xe đầu trọc nói với giọng vừa hăm dọa vừa ngọt ngào. Cánh tay xăm đầy rồng rắn tham lam thu tiền.

... Sẩm tối mẹ biết con sẽ nhớ mẹ, sẽ khóc đòi mẹ nên lòng người mẹ phải tha hương đau như cắt. Sẩm tối chủ xe hay đòi tiền xe, nâng giá xe vì biết sẽ dễ hù dọa những con người đang mệt mỏi, yếu đuối phải xa quê trên chiếc xe nhét người chật như nêm.

Cho đời chút ơn

Một buổi sáng dậy trễ, tôi tấp đại vào một quán ven lề gọi tô bánh canh lót dạ. Tôi cũng không để ý nếu như chị ngồi cùng bàn không có vẻ rất lạ. Ban đầu tôi nghĩ chị là một người mẹ cho con ăn sáng rồi dắt bé đến trường vì chiếc cặp trẻ con hơi bẩn và cũ để trên ghế.

Chị có nước da trắng, khuôn mặt trông rất duyên, nhất là chiếc mũi cao và gọn, mái tóc chị hoe vàng một cách tự nhiên. Tôi và chị lặng lẽ ăn. Ăn xong chị lúi húi lấy tiền thì cô chủ quán khoát tay có ý nói không cần. Chị mỉm cười, vẫn tiếp tục lục trong túi lấy một thứ gì đó. Đó là tiền “đô” mà tôi vẫn thấy khi những đám tang đi qua. Chị lấy ra một đồng rất phẳng phiu, rút một tờ giấy gói “tờ đôla” ấy đặt dưới chỗ chị bán hàng một cách kín đáo gọn gàng, rất lịch sự, kiểu như ta muốn giúp đỡ người khó khăn nào đó nhưng tránh cho họ sự ngại ngùng.

Không giải thích nổi, tôi tò mò hỏi chị chủ quán: “Em thấy chị vừa rồi có vẻ là lạ?”. “Ừ em ạ, chị ấy trả bằng tiền đô... mà là đôla âm phủ đó”. Chị vừa nói vừa mở tờ giấy gói ra cho tôi xem. “Trước đây chị ấy hay ăn ở quán chị, rồi hình như bị người yêu bỏ nên bị tâm thần. Có lần ăn rồi trả tiền như vậy chị thấy thương quá nên vẫn cho ăn không tính tiền”.

Tôi quên cả việc trễ giờ làm. Câu chuyện mà tôi chứng kiến khiến tôi hiểu rằng cuộc đời cũng có lúc cay đắng khắc nghiệt nhưng đâu đây vẫn còn những tấm lòng. Những tấm lòng nhân ái, những tấm lòng “cho đời chút ơn”.

Trên xe buýt

Gửi Nhật ký,

Tôi đã 70 hơn nhưng nhờ trời cũng còn khỏe. Xe máy là phương tiện lưu thông chính của tôi. Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng sử dụng xe buýt. Ngồi trong xe buýt có máy lạnh ngắm đường phố Sài Gòn thật tuyệt vời.

Hôm nọ, vào giờ cao điểm, tôi chật vật bước lên xe đông người, phần lớn là học sinh Trường nghề Cao Thắng. Các em mặc áo màu xanh râm ran như ong vỡ tổ. Bỗng nhiên nhiều em đồng loạt đứng dậy làm tôi giật mình tưởng sắp có chuyện gì. Thì ra các em tưởng mình là người duy nhất nhường chỗ cho tôi. Tôi ngồi xuống và nói cảm ơn. Ánh mắt tôi hướng về các em vì tôi muốn cảm ơn không chỉ một người, trong đó cả cảm ơn nhà trường...

Bỗng dưng tôi nhớ mái trường của tôi khi tôi còn bé tẹo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận