Tình trạng lâm sàng của NATO

DANH ĐỨC 15/11/2019 23:11 GMT+7

TTCT - Tuyên bố gây sững sờ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc phỏng vấn với tuần báo Anh The Economist đăng tải hôm 7-11 vừa qua, rằng NATO đã “chết não”, liệu có phản ánh thực tế, và nếu có thì được bao nhiêu, hay chỉ là một nhận định chủ quan?

Ông Macron đang có cảm giác bị nước Mỹ quay lưng. Ảnh: CNN
Ông Macron đang có cảm giác bị nước Mỹ quay lưng. Ảnh: CNN

Thật ra, cuộc phỏng vấn đã được thực hiện từ hôm 21-10 tại điện Elysées. Từ hôm đó cho đến hôm công bố 7-11, tức trong vòng nửa tháng, “nước đã chảy qua cầu” khá nhiều dưới chân ông Macron để xác thực những nhận xét của ông là đúng, chí ít cũng với ông. 

Tất nhiên, cái nhìn này của ông, mà The Economist nhận xét ngay với ông là “quá ảm đạm”, không phải là những phản ứng nhất thời trước một tình hình cụ thể, mà là những diễn giải lâu dài từ nhiều diễn biến trên thế giới, mà tiếc thay, theo ông, châu Âu lại ở bên lề.

Chính vì thế, phát biểu NATO đã “chết não” trong cuộc phỏng vấn chỉ là một cách thể hiện khác của điều ông từng nói tới, cả với The Economist lẫn với các cử tọa khác, tất nhiên có chọn lọc, tỉ như ở Hội nghị các đại sứ Pháp lần thứ 27 trước đó hôm 27-8.

NATO đã “chết não”?

Trong cuộc phỏng vấn dài khoảng 9.000 từ, ông Macron đã 20 lần đề cập tới Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Phát biểu “Đối với tôi, đây là tình trạng “chết não” của NATO” xuất hiện ở phần đầu cuộc phỏng vấn trong đoạn về châu Âu, sự thay đổi chính sách của Mỹ bắt đầu “từ 10 năm qua, chớ không chỉ với chính quyền Donald Trump”, từ thời ông Barack Obama với phát biểu “Tôi là một tổng thống của Thái Bình Dương”, mà theo ông Macron, đã được nâng lên làm học thuyết. Tất nhiên, khi nghe nói NATO đã “chết não”, không thể không đặt câu hỏi: “Bộ não đó đặt ở đâu?”.

Đối với một tổng thống mà thời đi học từng làm tiểu luận triết học về bậc thầy “xảo thuật chính trị” Machiavelli, thì việc ông Obama có bớt nhìn tới châu Âu, mà nhìn đi chỗ khác, cụ thể là “nhìn vào Trung Quốc và lục địa Mỹ”, nhìn “địa chính trị trong góc độ của các khối thương mại”, là chuyện đương nhiên, thậm chí là “rất thông minh” từ góc nhìn của người Mỹ.

Ông Macron còn giải thích giùm ông Obama tại sao ông này đã “buông” Trung Đông, không can thiệp vào Syria. Vấn đề là nếu như ông Obama đã khởi sự, thì ông Trump không chỉ tiếp tục con đường đó mà còn đạp ga bạo hơn: “Lần đầu tiên, chúng ta có một tổng thống Mỹ không chia sẻ ý tưởng về dự án của châu Âu, và chính sách của Hoa Kỳ tách bạch với dự án này”.

Từ đó, châu Âu, nước Pháp, không thể tự bó tay, ông Macron nói: “Chúng ta phải thấy được các hậu quả của chính sách đó... chiếc ô bảo vệ từng giúp châu Âu mạnh mẽ hơn, nay không còn duy trì mối quan hệ tương tự nữa. Đây là lý do tại sao chúng ta phải tự nghiền ngẫm lại nền quốc phòng và an ninh của chúng ta, các yếu tố chủ quyền của chúng ta”.

Theo ông, chính “chính sách mới của ông Obama đã trở thành vấn đề và dẫn đến sự suy yếu chung của Hoa Kỳ và châu Âu”, gọi chung là phương Tây. Ông Macron lấy thí dụ cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học ở Syria năm 2013-2014, mà ai cũng nhớ rằng tổng thống Obama vào giờ chót đã quyết định không “bấm nút” can thiệp, dù trước đó chính ông từng nêu ra “lằn ranh đỏ” với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. “Điều này đánh dấu sự sụp đổ đầu tiên của khối phương Tây, bởi vào thời điểm đó, các cường quốc khu vực đã bảo nhau rằng “phương Tây rất yếu ớt”. Những gì ngầm bắt đầu từ đó, đã thể hiện lồ lộ trong những năm gần đây”.

Từ đó, ông đi tới kết luận: “Hiện trạng chúng ta đang sống, theo tôi, là cái “chết não” của NATO. Ta phải sáng suốt [nhìn ra]”. Tờ The Economist giật mình hỏi lại: “Cái “chết não” của NATO ư?”.

Ông Macron trả lời bằng những mô tả: “Hãy nhìn thẳng sự việc. Bạn có các đối tác ở cùng một khu vực trên quả địa cầu song lại không có bất cứ sự phối hợp nào trong quyết định chiến lược của Hoa Kỳ với các đối tác NATO. Không hề có. Chúng tôi đang chứng kiến sự xâm lược của một đối tác NATO khác, Thổ Nhĩ Kỳ, trong một khu vực mà lợi ích của chúng tôi bị đe dọa, mà chẳng hề có sự phối hợp nào. Đã chẳng hề có một sự lên kế hoạch hay phối hợp nào từ NATO. Thậm chí NATO còn chẳng làm gì để giảm xung đột”.

Cụ thể là chuyện Mỹ từng thành lập liên quân bao gồm NATO để can dự ở Syria, rồi nay ông Trump đơn phương “rút lính Mỹ ra”, chẳng hề hỏi ý đồng minh nào, mặc cho Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên “nửa dơi nửa chuột” muốn làm gì ở đó tùy thích!

Ankara cũng đã tiếp tục mua hệ thống phòng không tên lửa S-400 từ Nga bất chấp khuyến cáo của các đối tác NATO. Hoa Kỳ thậm chí đóng băng một chương trình do họ dẫn đầu nhằm sản xuất máy bay F-35 mới cho Thổ Nhĩ Kỳ bởi vụ mua bán này.

 Tại sao tôi nói về cái chết não? Đó là do NATO, với tư cách là một hệ thống, đã không đảm bảo sự đúng mực của các thành viên, từ lúc mà một thành viên cảm thấy họ có quyền đi theo con đường riêng, do chính Hoa Kỳ “đầu têu”... Nếu chế độ Bashar al-Assad quyết định đánh trả Thổ Nhĩ Kỳ, liệu chúng ta có tham chiến?

Ông Macron trả lời The Economist

Hay ông Macron quá lời?

Những rạn nứt trong khối liên minh là không thể phủ nhận. Việc Mỹ có phần lơ là “ái thiếp” NATO cũng khó chối cãi: ông Trump mới đây thậm chí tận dụng bài phát biểu dịp ông tuyên bố đã tiêu diệt được thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi để nhiếc móc châu Âu, trong khi lại cảm ơn Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, và thậm chí là cả chính quyền Syria vì đã giúp ông “lập chiến công”, qua đó ghi điểm với cử tri Mỹ.

Tất cả sẽ khiến cuộc gặp của các nhà lãnh đạo NATO dự kiến diễn ra vào ngày 3 và 4-12 tới tại Anh căng thẳng hơn, nhưng nhìn lại lịch sử, NATO từng sống sót qua những rạn nứt và cãi cọ như thế này trước kia: chính Pháp đã rút khỏi cấu trúc chỉ huy của khối quân sự này năm 1966 và chỉ chính thức tái gia nhập năm 2009.

Phát ngôn của ông Macron cũng đã lập tức tạo ra làn sóng phản bác, trước hết là từ chính châu Âu. Truyền hình Đức DW ngày 12-11 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer nói NATO vẫn là “hòn đá tảng có vai trò quyết định” với nền quốc phòng châu Âu.

Wolfgang Ischinger - chủ tịch Diễn đàn An ninh Munich, cựu đại sứ Đức tại Mỹ và cựu thứ trưởng ngoại giao - cũng phê bình nhận định của ông Macron. “Các đối tác Mỹ của chúng tôi đã tăng cường sự hiện diện ở châu Âu. Họ đang lên kế hoạch cho một cuộc tập trận lớn vào năm tới, lớn nhất từ trước tới nay. Nên chúng ta không thể nói là NATO đã “chết não””.

Giới lãnh đạo Đức, tuy là đầu tàu châu Âu, nhưng với quá khứ phức tạp và lề thói thận trọng xưa nay, cũng nhìn thấy các vấn đề với NATO, nhưng họ muốn những thay đổi từ từ hơn là đảo lộn. Chi tiêu quốc phòng sẽ phải tăng lên, để đạt tới mức mục tiêu 2% GDP của NATO vào năm 2031. Đức cũng cần một cách tiếp cận chủ động hơn, thậm chí là sử dụng quân đội ở nước ngoài thường xuyên hơn cho các hoạt động bảo an ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Vấn đề thực sự của châu Âu với NATO không phải là “chết não”, mà là các nước châu Âu rất nhiều khi không nhất trí được với nhau. Những bất đồng này khiến các tiến bộ thực sự trong EU là bất khả. Về phía Mỹ, cuộc tranh luận cũng gây nhiều bối rối. Giới lãnh đạo kỳ cựu trong chính sách đối ngoại ở cả hai đảng vẫn cam kết với việc bảo vệ châu Âu và NATO, nhưng tình hình đang thay đổi nhanh chóng.

Không rõ là ứng viên tổng thống của cả hai đảng vào năm 2020 sẽ có thái độ thế nào với vấn đề này. Thêm vào đó, việc Trung Quốc ngày càng nổi lên như địch thủ số 1 của Mỹ hiện giờ cũng khiến Hoa Kỳ phải đặt lại câu hỏi về NATO lẫn châu Âu trong chiến lược toàn cầu của họ.

Trong khi ông Macron đã quá lời ở một mức độ nào đó với một liên minh vốn vẫn thường có quan hệ trục trặc với Pháp, tổng thống Pháp có lý khi cho rằng tình thế tĩnh tại như hiện nay là đáng lo ngại với châu Âu.

Phương Tây đã đóng vai trò trung tâm của thế giới được ít ra là 3 thế kỷ, những người vẫn còn tin vào điều đó sẽ không thể coi sự cố kết của những giá trị chung ở đó là điều đương nhiên. Giống như mọi thứ khác, để sinh tồn, liên minh xuyên Đại Tây Dương giờ phải vùng vẫy để thích nghi với một thế giới đang thay đổi quá nhanh.■

Trong bài phỏng vấn, ông Macron còn dẫn ra dự án của ông, Sáng kiến can thiệp châu Âu, một liên minh các nước (bao gồm cả Anh) sẵn sàng cho khủng hoảng, cũng như thỏa thuận hợp tác quốc phòng châu Âu được Đức ủng hộ, tên gọi PESCO.

Ông cũng chỉ ra Quỹ quốc phòng châu Âu mới với ngân sách rất lớn, 13 tỉ euro (14 tỉ USD) chi cho nghiên cứu và trang thiết bị, cùng một thỏa thuận Đức - Pháp sản xuất chung xe tăng và máy bay chiến đấu thế hệ mới. Nhưng tất cả những điều này, ông Macron khẳng định: “Được thiết kế chỉ là để bổ sung cho NATO”. Nước Pháp hiểu rõ từ các chiến dịch chống khủng bố của họ ở vùng Sahel là trong vấn đề an ninh, châu Âu phụ thuộc sâu sắc vào Mỹ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận