17/08/2013 09:17 GMT+7

Trang "đường rầy" và phận đời nghiệt ngã

LÊ VÂN - HOÀNG MAI
LÊ VÂN - HOÀNG MAI

TT - Với mong muốn không để sự nghèo khó tước đoạt cơ hội đến giảng đường của tân sinh viên nghèo, chương trình “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ đã cam kết với bạn đọc: Tân sinh viên khó khăn, hãy gọi đến Tuổi Trẻ. Và trong sáng 16-8 Tuổi Trẻ đã nhận nhiều cuộc gọi.

MtCsF1KV.jpgPhóng to
Trang và ông bà nội chăm sóc em trai bị bại liệt suốt 17 năm nay - Ảnh: Tự Trung

Nhiều mảnh đời được giới thiệu. Câu chuyện của Trang “đường rầy” dưới dây được giới thiệu bởi ông Trần Ngọc Anh, một độc giả của báo và cũng là người tham gia các chương trình “Tiếp sức mùa thi” nhiều năm qua ở TP.HCM, hỗ trợ thí sinh đi thi đại học.

Giấc mơ lớn trong ngôi nhà ổ chuột

Trưa 16-8, cô bé Trần Thị Thiên Trang ở khu đường ray xe lửa phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM đạp xe như bay về nhà, vui phấp phới trên tay tấm giấy thông báo trúng tuyển kỳ thi đại học năm 2013 vào Trường đại học Kinh tế. Niềm vui lớn vỡ òa trong căn nhà chỉ vỏn vẹn 7m2. Giọt mồ hôi đổ dài trên khuôn mặt hớn hở, Trang ôm lấy cậu em trai bại liệt đang nằm một chỗ trên chiếc ghế bố. Ở góc nhà, ông bà nội đã ngoài 70 tuổi của Trang cũng móm mém cười...

Nhưng niềm vui chỉ ồn ã trong một lúc, Trang lại trở về với tính cách lặng lẽ, ít nói vốn có, nhất là sau khi Trang nói với ông bà nội: “Ngày 9-9 này nhập học đó nội. Người ta kêu mình chuẩn bị gần 3 triệu đồng đóng học phí...”. 12 năm đèn sách trong ngôi nhà ọp ẹp của ông bà nội, cô học trò nhỏ đã nuôi giấc mơ học hành thật tốt để sau này có công việc tốt, không phải lấm lem bươn chải như ông bà, cha mẹ.

Năm năm trước, ba Trang mất vì bệnh chảy máu dạ dày. Ông bà nội Trang đã già yếu, nuốt nước mắt đưa con trai mới hơn 30 tuổi, cùng mẹ Trang gồng gánh nuôi hai đứa cháu nhỏ, thêm em trai của Trang đã 17 tuổi vẫn nằm một chỗ vì bại liệt. Mẹ Trang làm nghề buôn bán nhưng rất khó khăn, thu nhập bấp bênh. Người mẹ trẻ có lẽ quá sức bởi nỗi đau góa bụa, gồng gánh đứa con trai bại liệt suốt 17 năm nên sau khi ba Trang mất hai năm, bà cũng bỏ nhà ra đi không tin tức. Trang kể: “Ba mất, thấy mẹ lạ lắm, thay đổi nhiều, hồi đầu còn lo buôn bán, sau biết xài điện thoại, đi chơi hai, ba hôm không về nhà. Rồi hôm nọ mẹ bỏ đi luôn không thấy về nữa”.

Từ ngày mẹ bỏ đi, ông bà nội phải gồng gánh nuôi chị em Trang. Ông nội ở nhà chăm sóc cậu cháu trai nằm một chỗ, bà nội đi bán vé số, mới đây bà bị đau nhức chân không đi nổi đành ở nhà. Cũng may còn có người cô của Trang phụ thêm ông bà mỗi tháng 1 triệu đồng. Nhưng giữa đất Sài Gòn 1 triệu đó chẳng thấm vào đâu so với cái ăn cái học, bệnh tật của em Trang, rồi chi tiêu cho bốn người. Vậy là trong ngôi nhà quây tạm bợ bằng gỗ, bốn người hai già hai trẻ chống chọi với cuộc sống bấp bênh bữa no bữa đói qua ngày. Cậu em trai Trang được hỗ trợ từ phường hơn 400.000 đồng mỗi tháng, đắp đổi phần nào thuốc men lúc lên cơn bệnh.

“Giá có mẹ ở nhà...”

“Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi má liếm lá ngoài đường” - câu ca dao ấy vận vào cô học trò nhỏ ở sát đường ray như một nỗi buồn mênh mang khó tả. Giận rồi thương, thương mà vẫn giận. Trang kể có lần mẹ về thăm, Trang biết nên không chịu vào gặp, mẹ lên gác gỗ đợi Trang đi học về, Trang bỏ ra ngoài không chịu lên. Nhưng lúc mẹ đi rồi, đêm đó cô học trò nhỏ không sao cầm bút để học, nước mắt cứ nhạt nhòa ướt trang giấy. “Giá có mẹ ở nhà, chị em cũng đỡ phần nào. Nhưng giờ chắc quen rồi, lâu lâu mới nhớ thôi” - cô gái nhỏ nói.

Ở nhà Trang phụ ông bà nội chăm em trai. Thương em lắm nên có lúc dù bận học, thèm đi chơi với bạn, thấy ông bà lụi cụi chăm em, Trang lại ráng sắp xếp thời gian đi học rồi về phụ ông bà. Bà Nguyễn Thị Sa, bà nội của Trang, tâm sự: “Nó thương em lắm. Mẹ bỏ đi rồi nó thay mẹ chăm em, lâu lâu tui giỡn bảo hay là cho em con vô trường người ta nuôi chứ nội ở nhà cũng khổ lắm, con còn đi học nữa, nó không nói gì, chỉ cặm cụi bón cho em ăn, nước mắt ngắn dài. Lúc sau mới bảo tôi: Nội, đừng cho em vào trường, tội em lắm”.

12 năm liền Trang đều là học sinh giỏi. Lúc đi học phổ thông, thầy cô, bạn bè biết Trang khó khăn cũng giúp đỡ rất nhiều, nhờ vậy mà Trang không bị gián đoạn việc học. Kỳ thi vừa rồi Trang thi khối A được 20 điểm, đậu ngành kiểm toán Trường ĐH Kinh tế. Trang bảo học ngành đó để xin vào công việc làm kinh tế, giúp ông bà và em trai đỡ khổ hơn.

Mồ côi cha, mẹ bỏ đi, em bại liệt, ông bà nội già yếu - lý lịch trích ngang của cô tân sinh viên Trường ĐH kinh tế TP.HCM dễ làm nhói lòng người. Trang đã xin đi phụ làm ở một quán ăn, ông bà nội Trang cũng đang phân vân trước khoản vay mà người ta đòi lãi 20-30% mỗi tháng nếu vay cho Trang đi học. Trong căn gác gỗ nhỏ như cái chòi giữa khu dân cư đường sắt, cô bé mồ côi vẫn đang đau đáu với nỗi niềm vào đại học.

10 năm, hơn 35 tỉ đồng

“Tiếp sức đến trường” là một học bổng thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ dành cho học sinh vừa đậu đại học, cao đẳng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trong 10 năm (2003-2012), học bổng đã trao cho hơn 7.000 tân sinh viên khắp các vùng miền cả nước với tổng kinh phí trên 35 tỉ đồng (học bổng đã nâng lên 5 triệu đồng/suất). Năm 2013, báo Tuổi Trẻ dự kiến trao trên 1.000 học bổng (5 triệu đồng/suất và quà tặng) từ đóng góp của các nhà hảo tâm, các CLB đồng hương các tỉnh...

Các tân sinh viên đậu đại học, cao đẳng năm 2013 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần sự trợ giúp từ học bổng “Tiếp sức đến trường” mời gửi thư về ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, email: congtacxahoi@tuoitre.com.vn, ĐT: 0903691691, gặp anh Thái Bình để được hướng dẫn.

_______________________

Hàng trăm cuộc gọi ân tình

Ngay từ sáng sớm 16-8, sau thông điệp “Tân sinh viên khó khăn, hãy gọi Tuổi Trẻ” được đăng tải, số điện thoại “nóng” 0903.691.691 liên tục nhận được các cuộc gọi từ khắp mọi miền đất nước để hỏi về học bổng “Tiếp sức đến trường” 2013.

Một nửa trong số hàng trăm cuộc gọi đó là từ các bạn tân sinh viên, mỗi bạn một hoàn cảnh: mồ côi, cha mẹ bệnh tật, nhà vùng sâu nhưng chỉ có 1-2 sào ruộng... Một số bạn chia sẻ hành trình gian nan 12 năm đèn sách, nhưng giờ có lẽ phải gác lại ước mơ bởi gia cảnh thiếu trước hụt sau. Một số bạn khác lại chia sẻ về chuyện tranh thủ ngày hè làm phụ hồ, bưng bê, cuốc đất... để tự tích cóp hành trang “du học” tại các thành phố lớn.

Rất nhiều cuộc điện thoại từ những “người dưng”. Một nữ tu ở An Giang mong Tuổi Trẻ tiếp sức cho tân sinh viên Đ.P.H. vì ba của H. bị tai nạn mất sức, mẹ làm thuê cuốc mướn nuôi ba con ăn học. Ông Danh, bí thư chi bộ một khu phố, kể vanh vách về tân sinh viên P.V.K. ở huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) từng đạt học sinh giỏi vật lý và vô địch giải đá cầu cấp tỉnh dù gia đình ly tán, thiếu trước hụt sau... Và còn nhiều cuộc gọi như thế để giới thiệu hoàn cảnh của các tân sinh viên có nguy cơ bỏ học.

Không chỉ giới thiệu, nhiều bạn đọc TP.HCM còn sẵn lòng hỗ trợ các tân sinh viên khó khăn đến từ các tỉnh xa. Bà Nguyễn Thị Huệ ở đường Bưng Ông Thoàn (phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9) tâm sự: “Rất vui khi gia đình tôi hỗ trợ chỗ trọ miễn phí cho gần 200 thí sinh trong mùa tuyển sinh ĐH-CĐ vừa qua”, nay mong muốn lo ăn ở cho các tân sinh viên hiếu học vượt khó. Cũng giống bà Huệ, ông Phạm Văn Hiền ở phường 8, quận Gò Vấp cho biết sẵn sàng đón nhận các tân sinh viên hiếu học cùng trang lứa với con trai ông. “Cứ giới thiệu các cháu xứng đáng rồi để tự tôi thu xếp”, ông hối thúc.

Năm nay ông Đào Ngọc Lai, một bạn đọc ở phường 5, quận 8, TP.HCM, cũng có con trai đậu ĐH chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Từng trải nghiệm hoàn cảnh từ quê nhà khó khăn lên TP trọ học nên ông thấu hiểu tâm trạng của các bạn tân sinh viên khó khăn. Ông tâm sự: “Gia đình tôi tuy không có điều kiện giúp đỡ các bạn trẻ này, nhưng tôi xin thay mặt cha mẹ các bạn tân sinh viên khó khăn gửi lời cảm ơn báo Tuổi Trẻ và các nhà tài trợ đã có hành động thiết thực vì thế hệ trẻ”.

Tuổi Trẻ tiếp tục mong chờ những cuộc gọi hoặc thư, email... từ bạn đọc giới thiệu cho báo những hoàn cảnh tân sinh viên ngặt nghèo cần giúp đỡ. Tuổi Trẻ cũng mong chờ sự chung tay của bạn đọc để góp sức nâng bước chân các bạn tân sinh viên nghèo khó với tinh thần: không để nghèo khó tước đoạt cơ hội bước vào giảng đường của những bạn trẻ học giỏi, giàu nghị lực!

LÊ VÂN - HOÀNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên