13/07/2016 09:30 GMT+7

Ai cất nhắc ông Trịnh Xuân Thanh?

C.V.KÌNH - M.QUÂN
C.V.KÌNH - M.QUÂN

TTO - Ông Trịnh Xuân Thanh chính thức bị xác định trách nhiệm. Điểm lại quá trình thăng tiến, nhiều ý kiến cho rằng không thể không xem xét trách nhiệm của những người liên quan tới việc cất nhắc ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang - Ảnh: báo Hậu Giang
Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang - Ảnh: báo Hậu Giang

Vụ ông Trịnh Xuân Thanh được ông Lê Văn Cuông - nguyên phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa - đánh giá là “con voi chui lọt lỗ kim”, cho nên cần làm rõ vai trò của những người đã đề bạt ông này lên vị trí cao hơn.

Bộ Công thương “bỏ qua” trách nhiệm của ông Thanh

Ngày 12-7, sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận, trả lời Tuổi Trẻ, ông Phùng Đình Thực - nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) - cho biết việc ông Trịnh Xuân Thanh về làm phó chánh văn phòng Bộ Công thương là do Bộ Công thương tự làm văn bản nêu sẽ điều động về bộ (chứ không phải PVN đề nghị, giới thiệu).

Còn về đánh giá trách nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, ông Thực khẳng định những đánh giá của PVN thời điểm đó khá rõ và đến nay vẫn còn lưu ở tập đoàn.

Lần giở lại đánh giá của PVN do ông Phùng Đình Thực ký thì thấy rất rõ việc PVN đánh giá ông Thanh có trách nhiệm trong việc để Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) thua lỗ khi làm chủ tịch tổng công ty này.

Cụ thể, tại văn bản ngày 4-9-2013, tức là sát thời điểm ông Thanh được điều về Bộ Công thương, ông Phùng Đình Thực - với tư cách bí thư đảng ủy, chủ tịch PVN - đánh giá trực diện ông Thanh: “Đồng chí Trịnh Xuân Thanh có phần trách nhiệm”.

Tại thời điểm đó, việc PVC lỗ là thông tin công khai trên sàn chứng khoán nhưng Bộ Công thương vẫn quyết định nhận người, rồi liên tục điều động, điều chuyển và tạo cơ hội rất lớn cho ông Trịnh Xuân Thanh.

Chỉ đến khi Ủy ban Kiểm tra trung ương khẳng định ông Thanh không đủ tiêu chuẩn đi luân chuyển và phải chịu trách nhiệm về việc để PVC thua lỗ, thì người dân mới được biết bản chất vấn đề. Điều này, theo ông Lê Văn Cuông, là một điển hình của câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”.

“Cần làm rõ xem động cơ của việc bổ nhiệm, cất nhắc ông Thanh. Nếu do chạy chọt thì phải xử lý nghiêm. Nếu chỉ kiểm điểm, kỷ luật nhẹ sẽ dễ sinh nhờn thuốc” - ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Cuông cho rằng với kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương, việc xem xét dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự Đảng Bộ Công thương và bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2010 - 2015 (tức ông Vũ Huy Hoàng) là cần thiết.

Theo ông Lê Văn Cuông, việc xem xét trách nhiệm của ông Vũ Huy Hoàng với tư cách người đứng đầu - bí thư Ban cán sự, bộ trưởng Bộ Công thương - là bước tiếp theo cần làm, bởi quy định đã nêu rõ.

Lý do: dù có thông qua Ban cán sự Đảng của bộ nhưng thực tế công tác nhân sự thường do người đứng đầu quyết định. Trước khi điều động, bổ nhiệm ai đó sẽ phải xem xét kỹ quá trình công tác, các hồ sơ liên quan. Cho nên sẽ khó có thể nói ông bộ trưởng không nắm rõ trách nhiệm của ông Thanh khi PVC lỗ.

Trong ngày 12-7, dù không nêu trực tiếp vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh nhưng Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định bộ này đã tiến hành rà soát công tác cán bộ và sẽ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền các vấn đề về công tác cán bộ trong giai đoạn trước đây.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định quan điểm Bộ Công thương sẽ không né tránh mà kiên quyết xử lý dứt điểm các vấn đề trong công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là các vấn đề về quy hoạch, luân chuyển, đề bạt cán bộ.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí - cũng cho biết đang tiến hành việc kiểm điểm trách nhiệm theo yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra trung ương. Do đang tiến hành nên ông Sơn từ chối cho biết chi tiết.

Vì sao ông Thanh về làm phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Minh Chắc - nguyên bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - cho biết khi còn đương chức, ông có thay mặt Ban thường vụ Tỉnh ủy ký văn bản đề xuất gửi Ban Tổ chức trung ương xin bổ sung cho Hậu Giang thêm một phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách mảng công nghiệp.

“Tỉnh lúc đó đang có dự án Trung tâm điện lực Sông Hậu do Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN làm chủ đầu tư, quy mô lớn, công suất 5.200 MW, vốn đầu tư trên 43.000 tỉ đồng mà tại địa phương không có người am hiểu lĩnh vực này” - ông Chắc giải thích.

Theo ông Chắc, khoảng tháng 7-2013, sau khi ông Lê Hồng Tịnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (trước khi luân chuyển về Hậu Giang là tổng giám đốc Công ty Điện lực dầu khí) - được trung ương điều động ra Hà Nội trở lại, tỉnh đề xuất trung ương bố trí một giám đốc sở lên giữ chức phó chủ tịch thay thế, nhưng trung ương không đồng ý.

Lý do: Hậu Giang chỉ được bố trí ba phó chủ tịch, nếu thêm một phó chủ tịch thì phải là người từ trung ương giới thiệu luân chuyển hoặc thuyên chuyển có thời hạn về địa phương.

Sau khi được chấp thuận về chủ trương, tỉnh nhận được một số gợi ý giới thiệu tiến cử ông Trịnh Xuân Thanh, lúc đó đang công tác tại Bộ Công thương, là người am hiểu trong ngành điện dầu khí. Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang thấy hợp lý nên có làm việc với lãnh đạo Bộ Công thương về trường hợp này và được đồng ý.

“Thực tế là vậy, Ban Tổ chức trung ương có văn bản chấp thuận. Còn việc ông Thanh trước đó có sai sót như thế nào bên dầu khí chúng tôi không nắm được” - ông Chắc nói.

Trong một diễn biến khác, ngày 12-7, một nguồn tin của Tuổi Trẻ cho hay dù ông Trịnh Xuân Thanh hiện không còn giữ chức phó chủ tịch, chỉ còn là tỉnh ủy viên, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Hậu Giang, nhưng trong khoảng nửa tháng nay ông Thanh không có mặt tại Hậu Giang, cuộc họp Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gần nhất vào ngày 8-7 cũng không có ông Thanh tham dự. Phòng làm việc của ông Thanh tại lầu 2 trụ sở UBND tỉnh cửa luôn đóng kín.

 “Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng chưa bố trí công việc mới cho ông Thanh, chờ kết luận và chỉ đạo của trung ương” - nguồn tin cho hay.

Đủ cơ sở không công nhận tư cách ĐBQH đối với ông Thanh

Kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra trung ương về việc không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV đối với ông Trịnh Xuân Thanh đã được cơ quan chuyên môn của Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, xử lý trong ngày hôm qua (12-7).

Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết sau khi xem xét vụ việc, tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc Hội đồng bầu cử quốc gia cho rằng đã có đầy đủ cơ sở để xử lý đối với trường hợp này. “Kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương về những khuyết điểm, vi phạm mà cá nhân ông Thanh phải chịu trách nhiệm là rất rõ ràng” - vị này nói.

Ngày 15-7, Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ tổ chức phiên họp, sau đó công bố nghị quyết xác nhận ĐBQH khóa XIV cho những người trúng cử có đủ tư cách ĐBQH.

“Mỗi người trúng cử có đủ tư cách ĐBQH sẽ được trao giấy chứng nhận, người không đủ tư cách ĐBQH sẽ không được trao. Hội đồng bầu cử quốc gia không nhất thiết phải ra nghị quyết riêng về việc không công nhận tư cách ĐBQH đối với ông Thanh” - nguồn tin giải thích.

LÊ KIÊN

C.V.KÌNH - M.QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên