Tìm về Á Đông

QUANG THI 21/05/2014 22:05 GMT+7

TTCT - Nếu chỉ xem tranh mà chưa biết mặt Nadège David thì không ai nghĩ đó là tranh của một phụ nữ Pháp, bởi tinh thần, bút pháp, bố cục... trong tranh rất thuần Á Đông.

Nadège David bên một bức tranh tại triển lãm

Những bức tranh của Nadège David được vẽ bằng mực tàu trên giấy dó

Ngoài đời, Nadège là một phụ nữ mềm mại, nữ tính. Điều này có vẻ trái ngược với chuyên môn cô được đào tạo hơi “khô” là thạc sĩ triết học chính trị ĐH Sorbonne và thạc sĩ triết học chính trị đương đại ĐH Paris VIII (Pháp). Nhưng tranh của Nadège là sự kết hợp của hai phạm trù hơi “mâu thuẫn” đó: vừa có sự mềm mại, đầy trí tưởng tượng của nữ tính nhưng cũng vừa tỉ mẩn, chi li trong từng nét vẽ như một phương pháp phân tích của triết học.

Tên gọi của triển lãm là ‘Ho®s-Sol’ (Soil-Less®) (*), một cái tên rất “triết học”. Ngay cả những bức tranh của Nadège cũng không đặt theo những cái tên thông thường, mà chỉ là những ký hiệu được mã hóa. Một điều dễ thấy là những bức tranh hay tượng sắp đặt của Nadège đều liên quan đến đối tượng duy nhất: động vật.

Đó là những xác ve sầu, con ếch trong ba tác phẩm sắp đặt. Những bức tranh trẻ em với thú nhồi bông gợi cảm giác thân thuộc, hay hình những động vật thối rữa do bị bắn giết gợi nhắc lịch sử những cuộc tàn sát thú vật...

Tại sao vậy? Tác giả giải thích: “Điều đó xuất phát từ suy nghĩ đầu tiên của tôi là giữa con người và động vật khác nhau chỗ nào. Khi tìm định nghĩa về con người, tôi bắt đầu từ động vật. Liệu cả hai có khác nhau gì không? Có giới hạn nào đó giữa con người và động vật hay không?”.

Những suy nghĩ đó được Nadège chuyển tải bằng những bức tranh thuần Á Đông. Nadège cho rằng cô đã nghiên cứu và thích thú rất nhiều với hội họa châu Á. Từ đó những bức tranh của cô với những chi tiết, bố cục, tạo hình... rất gần tranh Nhật Bản, với mực tàu là chất liệu mà cô không thể cưỡng lại được bởi màu đen huyền nhiệm của nó.

Vẽ - công việc sáng tạo nghệ thuật là một không gian đem đến sự bay bổng, tự do cá nhân, như giải thích của Nadège: “Khi bạn viết một đề án nào đó về triết học hoặc chính trị, bạn phải tốn rất nhiều công sức, viết dài, nhưng thật khó để thể hiện bản thân qua công việc đó. Trong khi hội họa có thể giúp bạn thể hiện cái tôi một cách thoải mái và trọn vẹn hơn”.

Làm việc, vẽ, triển lãm ở TP.HCM cũng mang đến cho Nadège một trải nghiệm mới lạ. Cô trải lòng rằng chính những đồ dùng như cây kim, sợi chỉ, đồ trang sức hay những xác ve sầu, xác con ếch... đã đem lại cho cô cảm giác thích thú, kích thích được sáng tạo để tạo nên tác phẩm.

(*): Triển lãm tổ chức từ ngày 8-5 đến 7-6-2014 tại lầu 2, số 151/3 Đồng Khởi, TP.HCM.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận