Tìm “Danh phận” cho cây cổ thụ Sài Gòn

QUANG KHẢI 06/05/2016 01:05 GMT+7

TTCT - Sài Gòn vốn hình thành trên nền vùng rừng nhiệt đới trước khi người Pháp đô hộ. Hàng trăm năm sau, đô thị Sài Gòn vẫn còn đó những dấu tích hệ thực vật phong phú với nhiều loài cổ thụ nằm rải rác trên đường phố, trong công viên.

Hàng cây cổ thụ rợp bóng mát trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM. Ảnh: Hữu Khoa
Hàng cây cổ thụ rợp bóng mát trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM. Ảnh: Hữu Khoa


Trải qua nhiều thăng trầm, Sài Gòn vẫn trầm mặc với nhiều hàng cây cổ thụ rợp bóng mát. Nhưng “số phận” của chúng đang ở giữa lằn ranh quá mong manh “tồn tại hay không tồn tại” của nhu cầu bảo tồn và yêu cầu phát triển.

“Rừng” cổ thụ trên phố

Theo các tài liệu xưa, xà cừ được người Pháp đem về trồng tại nhiều đô thị ở VN như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Đồng Nai. Trong bức ảnh “La Route de Saigon” được chụp đầu thế kỷ 20, đường từ Chợ Lớn dẫn ra Bến Nghé, nay là đường Nguyễn Trãi (Q.5), là một con đường đất nằm giữa hai hàng cây xà cừ. Hiện trên tuyến đường này vẫn còn dấu tích của một số cây xà cừ đại thụ.

Ai từng một lần đi qua đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ Lê Duẩn đến Nhà máy đóng tàu Ba Son) chắc không khỏi xuýt xoa bởi những hàng cổ thụ thẳng tắp. Chỉ một đoạn đường dài chừng hơn 300m có tới bốn hàng cây, đa số là cổ thụ, trong đó có những cây to hai người ôm không xuể, vươn cành lá sum sê che mát cho con đường.

Những người cao niên sống lâu năm ở Sài Gòn cũng không nhớ chính xác hàng cổ thụ này được trồng từ bao giờ, chỉ biết loáng thoáng sau khi Pháp xây dựng xưởng sửa chữa và đóng tàu Ba Son (hoàn thành năm 1888) thì đã thấy có hàng cây xung quanh.

Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP (Công ty cây xanh) cũng không còn hồ sơ lưu trữ lý lịch hàng cây này. Hỏi các bậc lão thành trong ngành cây xanh họ cũng chỉ biết chung chung “có từ trước khi xây dựng xưởng Ba Son”.

Sau năm 1975, khi tiếp quản, trong số hồ sơ lưu lại không thấy nhắc đến hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng (có thể do bị thất lạc). Đến năm 2000, Công ty cây xanh mới cho kiểm kê, đánh số toàn bộ 264 cây xà cừ trên tuyến đường này để tiện quản lý.

Trải qua gần 130 năm (lấy mốc 1888), hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng trở thành hàng cổ thụ đẹp nhất Sài Gòn, lưu lại nhiều kỷ niệm đẹp của người dân Sài Gòn qua những biến động lịch sử. Vì vậy, thông tin hàng cây cổ thụ sắp bị bứng đi để nhường chỗ cho các công trình hạ tầng giao thông khiến không ít người xót xa, tiếc nuối.

Hàng cây xà cừ cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng có tuổi đời trên 130 năm tuổi - Ảnh: Thuận Thắng
Hàng cây xà cừ cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng có tuổi đời trên 130 năm tuổi - Ảnh: Thuận Thắng

 

Không còn bao lâu nữa, hình ảnh một trong những con đường có hàng cổ thụ đẹp nhất Việt Nam, gắn liền với ký ức của người dân Sài Gòn có thể sẽ không còn.

Nếu như “điểm nhấn” đường Tôn Đức Thắng là hàng cây xà cừ (sọ khỉ - tên khoa học là Khaya senegalensis, xuất xứ từ Senegal, châu Phi) thì tại nhiều tuyến đường khác là sự hiện diện của cây dầu con rái (Dipterocarpus alatus) - loài cây bản địa xuất hiện ở nhiều tỉnh thành VN.

Mặc dù là loài cây bản địa nhưng để có những tuyến đường với những hàng cây dầu cao vút che bóng mát tồn tại đến ngày nay phải kể đến sự bảo tồn, phát triển loại cây này trên đường phố của người Pháp.

Trên các tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Quang Khải, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Hưng Đạo, Huyền Trân Công Chúa, Sương Nguyệt Anh, Bùi Thị Xuân... vẫn hiện diện những hàng cổ thụ cao ngút tầm mắt.

Đặc biệt trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngoài hàng cây cổ thụ to cao hai bên đường còn có Trường Trưng Nữ Vương với bờ tường dài mang nét hoài cổ được nhiều đạo diễn chọn làm bối cảnh cho nhiều thước phim Sài Gòn xưa.

Theo thống kê của Công ty cây xanh, hiện nay trên địa bàn TP còn khoảng 5.500 cây cổ thụ, được phân bố rộng khắp trên địa bàn TP từ các công viên như Tao Đàn, Gia Định... đến các tuyến đường kể trên. Trong các loài cổ thụ đó, chiếm phần lớn vẫn là xà cừ, sao đen, dầu con rái. Số lượng cổ thụ này ngày càng ít dần do mưa bão, già bệnh và phải nhường chỗ cho sự phát triển hạ tầng.

Hàng cây cổ thụ rợp bóng mát trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM. Ảnh: Hữu Khoa
Hàng cây cổ thụ rợp bóng mát trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM. Ảnh: Hữu Khoa

 

Làm hư cây, phạt tù

Không phải đến khi có thông tin hàng cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng có thể nhường chỗ cho metro, cầu Thủ Thiêm 2, người dân Sài Gòn mới có ý kiến xung quanh việc bảo tồn cổ thụ. Việc gìn giữ, phát triển hệ thống cây xanh đã được “luật hóa” cách đây hơn trăm năm.

Người Pháp sau khi đô hộ phát triển đô thị Sài Gòn đã đưa ra hàng loạt quy định trong việc gìn giữ, phát triển cây xanh, thậm chí quy định xử phạt những trường hợp xâm hại cây xanh. Nhà báo Trần Nhật Vy từng chắt lọc những tư liệu lịch sử liên quan đến vấn đề này, thể hiện trong cuốn sách Từ Bến Nghé tới Sài Gòn của ông.

Để bảo vệ cây trồng trong TP, giám đốc Nha nội vụ người Pháp tên là Vial đã ra thông báo nhắc lại những điều liên quan từ nghị định tháng 5-1865: “Kẻ nào làm hư gãy một cây hay nhiều cây mà đã biết là cây của người khác, thì sẽ bị phạt giam tù không dưới 6 ngày không trên 6 tháng” hay “nếu làm hư mất nhánh hay là nhiều nhánh thì sẽ bị phạt từ 6 ngày cho đến 2 tháng theo giá một cây mà tính chung chẳng đặng quá 2 năm (điều 447)”.

Để nhấn mạnh việc bảo vệ cây trong TP, ngày 22-10-1866, thống đốc Nam kỳ La Grandière đã ký văn bản “hiệp theo điều lệ về việc sửa trị cùng các việc đàng sá ở nơi Saigon”.

Văn bản chỉ có một điều, ba mục nêu: “Những kẻ nào có ý làm thiệt hại cho những cây trồng bị phạt từ 1 quan cho tới 10 quan, phạt giam tù từ 1 ngày cho đến 5 ngày”. Chưa hết, ngày 16-9-1875, thống đốc Nam kỳ Duperré còn ra nghị định chung kèm với bản đồ quy hoạch cây rừng quanh TP, nơi nào, cây nào được đốn chặt, loại cây nào thì không được.

Muốn đốn chặt cây phải có giấy phép của các cơ quan có thẩm quyền. Theo nhà báo Trần Nhật Vy, có thể nhờ những quy định này mà cây trồng ven đường Sài Gòn đẹp và được duy trì đến hôm nay. Những hàng cây này chính là những lá phổi nhỏ lọc khí hậu TP mát mẻ, thanh sạch.

Trong cơn lốc đô thị hóa, cộng thêm mưa bão... những hàng cổ thụ mất dần, nhường chỗ cho các tòa nhà cao tầng, công trình hạ tầng giao thông. Dự án metro số 1, khu vực nhà ga trung tâm phải đốn hàng loạt cổ thụ trên đường Lê Lợi, khu vực công viên 23 Tháng 9 và sắp tới đây khi triển khai dự án metro, cầu Thủ Thiêm 2, hàng cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng đang trong số phận bấp bênh.

Bức ảnh “La Route de Saigon”  -Ảnh: tư liệu
Bức ảnh “La Route de Saigon” -Ảnh: tư liệu

 

Tìm “danh phận” cho cây cổ thụ

Đốn 1 cây, trồng lại 3 cây

Một chuyên gia cây xanh cho biết hiện nay rất nhiều nước khi làm một con đường hoặc công trình công cộng, nếu “đụng” đến một cây cổ thụ thì phải “nắn” để tránh việc đốn hạ cây. Một số quốc gia còn quy định việc đốn hạ cây xanh phải trồng lại cây mới theo nguyên tắc “đốn 1 trồng 3”.

Tại Sài Gòn, việc tìm “danh phận” cho những hàng cổ thụ đã được đặt ra từ rất nhiều năm nay nhưng quan điểm nhất quán về bảo tồn và phát triển chưa rõ.

Từ những năm 2005, trước làn sóng chặt cây xanh xây nhà cao tầng, nhiều nhà khoa học đã có ý kiến cần bảo tồn hệ thống cổ thụ trên đường phố, công viên Sài Gòn.

Tháng 8-2005, Khu quản lý giao thông đô thị TP.HCM thuộc Sở Giao thông vận tải (bấy giờ là Sở Giao thông công chính) đã đề xuất danh sách 14 tuyến đường có cây xanh cần được bảo tồn như:

Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Huyền Trân Công Chúa, Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Anh (Q.1); Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Cừ (Q.1 - Q.5), Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1 - Q.3)...

Bên cạnh đó còn có 25 cá thể cây xanh quý hiếm trên đường phố, khuôn viên, chùa chiền như: xoay lông, cẩm lai, giáng hương, trắc, chiêu liêu, dầu con rái, đỗ mai, gõ ninh, ngân chày, săng mã... và những cây xanh gắn liền với những địa danh (cây cau vườn trầu vùng Bà Điểm Hóc Môn), cây có giá trị lịch sử - văn hóa, các mảng xanh đã quy hoạch hoàn chỉnh như công viên cũng nằm trong danh mục cần bảo tồn.

Tuy nhiên vì nhiều lý do, đề xuất này vẫn chưa được phê duyệt.

Vốn bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của hàng cổ thụ trên những con đường ở Sài Gòn, ông Nguyễn Trịnh Kiểm, chánh văn phòng Hiệp hội Công viên cây xanh VN, đã thu thập rất nhiều tư liệu, hình ảnh về những hàng cây và con đường này để tham gia cuộc thi “Những con đường xanh, đẹp nhất VN” do Hiệp hội Công viên cây xanh VN dự định tổ chức vài năm trước.

Ông Kiểm cho biết theo đánh giá sơ bộ của nhiều người, hàng cổ thụ trên tuyến đường Tôn Đức Thắng được xem là một trong những hàng cổ thụ đẹp nhất VN còn lại từ thời Pháp và có nhiều cơ hội đoạt giải cao. Tuy nhiên, “khi các nơi gửi hồ sơ dự thi thì có tình trạng gãy đổ cây xanh, trong đó có cây xà cừ ở Hà Nội, nên cuộc thi chưa thực hiện được” - ông Kiểm cho biết.

Sau lần ấy, ông Kiểm vẫn đau đáu đi tìm “danh phận” cho những hàng cây cổ thụ trên nhiều tuyến đường ở Sài Gòn. Ông vẫn đang củng cố hồ sơ, hình ảnh, tư liệu để đề xuất với Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường VN công nhận một số hàng cổ thụ là hàng cây di sản. Riêng đối với hàng cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng, theo ông Kiểm, “bứng dưỡng, di dời vẫn hơn là đốn hạ”.■

Để tạo ra một tòa nhà cao vài chục tầng có thể mất vài năm, nhưng để tạo ra một cây cổ thụ phải mất vài chục năm, thậm chí cả trăm năm. Đó là chưa kể những cây cổ thụ còn mang lại một giá trị tinh thần không gì thay đổi được đối với không ít người. Vì vậy, chúng ta cần có cái nhìn trân quý đối với cây cổ thụ của TP, đó cũng là cách trân quý lịch sử hình thành phát triển của Sài Gòn.

Ông Nguyễn Trịnh Kiểm (chánh văn phòng Hiệp hội Công viên cây xanh VN)

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận