Tiểu thuyết trinh thám Pháp đang trỗi dậy

NGỌC TRUNG 12/06/2014 08:06 GMT+7

TTCT - Những gương mặt mới, tác phẩm mới, tham vọng mới, tiểu thuyết đen (còn gọi là tiểu thuyết trinh thám kinh dị) đang trỗi dậy tại Pháp.

Một thế hệ nhà văn đã thành công trong việc xây dựng cho mình thương hiệu riêng, khiến các nhà văn viết tiếng Anh cũng phải ghen tị.

Tiểu thuyết trinh thám Pháp đang hấp dẫn độc giả, nhưng điều này là do báo chí Anh cho biết chứ không phải là giới truyền thông Pháp. Theo họ, sự thịnh hành của truyện trinh thám Bắc Âu, bắt đầu từ Henning Mankell, đang dần kết thúc. Và người Pháp sẽ lên “nắm quyền”. Khắp nơi ở châu Âu, người ta giành mua và đọc sách của Fred Vargas, Dominique Manotti, Olivier Truc, Caryl Férey, DOA... Người Trung Quốc thì đã dịch cuốn Le Deuxième Homme (Người đàn ông thứ hai) của Hervé Commère.

Một nhà xuất bản Mỹ cũng đã mua bản quyền các truyện trinh thám kinh dị của Pierre Lemaitre, trong đó có tác phẩm Alex ra mắt năm 2011 và sẽ được James B. Harris dựng thành phim. Từ lâu nay, người Pháp vẫn chê bai chính mình trong lĩnh vực này. Họ khắt khe với tác giả người Pháp hơn tác giả người Anh hay Mỹ. Nhưng tình hình đang thay đổi.

Theo Le Figaro, sau những năm huy hoàng 1980-1990 với Pennac, Daeninckx, Pouy, Vautrin, Benacquista, Dantec, Izzo, tiểu thuyết trinh thám Pháp đã dần dần bị yếu thế. Phần lớn các tác giả này không viết tiểu thuyết trinh thám nữa mà chuyển sang các thể loại khác.

Trong những năm trì trệ, các tên tuổi lớn đã quay trở lại. François Guérif - biên tập viên Nhà xuất bản Rivages, giám đốc Hiệp hội Văn chương và phê bình điện ảnh Pháp - đã động viên Pascal Dessaint, Jean-Hugues Oppel và Hervé Le Corre (Le Corre hiện được xem là một trong những tác giả nổi tiếng nhất trong thể loại này).

Về phần mình, Aurélien Masson, người phụ trách Série noire, loạt tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng của Nhà xuất bản Gallimard, đã thành công trong việc xây dựng một đội ngũ gồm Caryl Férey, Antoine Chainas, Marcus Malte, Jérôme Leroy, DOA. Đội ngũ này ngày càng lớn mạnh với thêm nhiều nhà văn nổi tiếng gia nhập như Frédéric Jaccaud hay Éric Maravélias.

Còn Viviane Hamy, người thành lập nhà xuất bản cùng tên, thì đã thúc đẩy Dominique Sylvain, Fred Vargas, Alexis Ragougneau, Antonin Varenne (hiện cộng tác với Nhà xuất bản Albin Michel) sáng tác. Sự lớn mạnh của tiểu thuyết trinh thám Pháp hiện nay có thể là nhờ vào các loạt phim truyền hình hình sự Mỹ (chiếu ở Pháp), trong đó phần lớn kịch bản đều do các nhà văn trinh thám viết. Chẳng hạn, loạt phim The wire (Đường dây tội phạm) do các tác giả Mỹ George Pelecanos, Richard Price, Dennis Lehane sáng tác.

Theo Le Figaro, các nhà văn Pháp đã tìm ra một cách viết mới, có lẽ trực quan hơn - một phương thức mới để làm nổi bật câu chuyện của họ. Họ cũng đã tìm được nguồn tài trợ cho phép họ làm việc thoải mái hơn và chuyên tâm vào việc viết lách.

Cuối cùng, bằng chứng cho thấy sự hưng thịnh của tiểu thuyết trinh thám Pháp chính là các giải thưởng văn học. Năm 2011, Romain Slocombe đã có tên trong danh sách đề cử giải Goncourt. Năm 2013, Pierre Lemaitre đã nhận được giải thưởng danh giá này, dù cuốn tiểu thuyết đoạt giải không thuộc thể loại trinh thám. Và như Caryl Férey đã nói: “Giải Goncourt cho tiểu thuyết trinh thám, tại sao không?”.

Bốn cây bút mới của dòng tiểu thuyết đen

Nicolas Mathieu: Sinh năm 1978 tại Épinal (tỉnh Vosges). Để kiếm sống, anh làm thư ký cho các buổi họp công ty. Năm 2008, khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, anh đến Hénin-Beaumont.

Nicolas Mathieu

Nếu không rời Épinal, có thể Mathieu sẽ không bao giờ viết được cuốn tiểu thuyết đầu tiên với sức mạnh như vậy. Cuốn Les damnés de la terre (Những người đau khổ trên trái đất) được viết theo từng đoạn ngắt quãng, là tiếng nói của các nhân vật xen kẽ nhau và đầy màu sắc. Không ai có thể ngang bằng với Mathieu trong việc chứng minh rằng “những kẻ đểu giả cũng dũng cảm như bất kỳ ai khác”.

Michaël Mention

Michaël Mention: Sinh năm 1979 tại Marseille, ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay Le Rhume du pingouin (Đợt cảm lạnh của chim cánh cụt) vào năm 2008. Năm 2013, cuốn Sale temps pour le pays (Thời kỳ tồi tệ cho đất nước) đã nhận giải thưởng lớn dành cho tiểu thuyết đen Pháp tại liên hoan Beaune. Tác phẩm này lấy cảm hứng từ những sự kiện trong cuộc điều tra về Peter Sutcliffe - kẻ giết người hàng loạt tại Yorkshire (Anh).

Đây là tập đầu tiên trong bộ ba tiểu thuyết về đề tài hình sự. Cuốn sách này khiến người đọc liên tưởng ngay đến Quatuor du Yorkshire của David Peace. Chính Mention cũng không hề phủ nhận ảnh hưởng của cuốn sách này lên tác phẩm của mình. Tuy nhiên, Mention đã thành công vì vượt qua được cái bóng của Peace để tạo nên nét riêng trong tác phẩm.

Jérémie Guez

Jérémie Guez: Sinh năm 1988 tại Sables d’Olonne. Mới 25 tuổi nhưng Guez đã có lối viết của những nhà văn lớn. Tác phẩm thứ hai của anh, Balancé dans les cordes (tạm dịch: Cân bằng trên dây), đã đoạt giải thưởng SNCF dành cho tiểu thuyết trinh thám năm 2013.

Cuốn sách này lấy bối cảnh của Đông Dương những năm chiến tranh 1946-1954. Trong tác phẩm này, người đọc sẽ được đến Sài Gòn, Hà Nội, biên giới Việt - Trung. Mỗi nhân vật trong sách đều được miêu tả với những nét rất riêng, điều thường thấy trong các tiểu thuyết trinh thám của những nhà văn có phong cách viết tốt.

Éric Maravélias

Éric Maravélias: Năm nay 54 tuổi, sống ở miền nam nước Pháp. Cuốn La Faux soyeuse (phỏng dịch: Cứ tưởng là tơ) của ông nằm trong loạt truyện trinh thám Série noire của Nhà xuất bản Gallimard. Tác phẩm này không có một chút lãng mạn và hoàn toàn khô khốc. Đó là cái nhìn tàn nhẫn về một thế giới không có niềm vui, màu sắc và ước mơ. La Faux soyeuse được ví như viên kim cương của dòng tiểu thuyết đen.

(Theo bình chọn của Le Figaro)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận