"Tiếp sức" cùng hành trình tiếp sức...

LÊ ĐỨC DỤC 25/08/2013 05:08 GMT+7

TTCT - Đọc hồ sơ của các tân sinh viên năm học 2013-2014 vừa gửi đến, tôi nhận ra hình bóng của những Hằng, Lập, Hiếu... - các thủ khoa từ trường làng quanh năm đi chăn bò sau buổi học, những thợ hồ, tiều phu đang nuôi giấc mơ thành bác sĩ, kỹ sư... - như mười năm về trước.

Và nhớ lại một câu lạc bộ nhỏ từ những doanh nhân Quảng Trị - viên gạch nền cho ngôi nhà lớn “Tiếp sức đến trường” hiện nay.

Phóng to
Đào Thị Hằng chọn việc về với các làng biển miền Trung, “tiếp sức” cho những phụ nữ đơn thân góa bụa ở xóm chài phục hồi việc làm mắm, ruốc truyền thống - Ảnh: Xuân Vinh

Phóng to
Chín năm trước (2004), Hằng dạy các em học và nghĩ mình không thể nhập học dù cô đỗ thủ khoa ngành trồng trọt Đại học Nông lâm Huế - Ảnh: L.Đ.Dục

Phóng to
Chín năm sau (2013), Hằng nhận bằng thạc sĩ khoa học tại Đại học Adelaide (Úc) - Ảnh nhân vật cung cấp

Mấy tháng trước, khi trở về từ Úc với tấm bằng thạc sĩ khoa học, Đào Thị Hằng nói với chúng tôi: “Nếu không có suất học bổng “Tiếp sức đến trường” của năm học 2004 ấy, rất có thể giờ này em cũng là một phụ nữ lam lũ bên sông Thạch Hãn, bìu ríu với chồng con”. Cô thạc sĩ tài năng này có lẽ hơi tưởng tượng quá xa, nhưng cũng vì câu chuyện này có nguyên cớ hợp lý của nó...

Bước ngoặt cho những cuộc đời...

Tháng 8-2004, khi học bổng “Tiếp sức đến trường” đi vào mùa thứ hai, chúng tôi đã gặp cô thủ khoa Trường đại học Nông lâm Huế ở thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong, Quảng Trị). Cuộc sống cả gia đình cô, với tám người, trông cậy vào chiếc thuyền nan của người bố đi đánh cá trên sông Thạch Hãn. Có tiền vào đại học, với Hằng khi ấy gần như là chuyện không tưởng.

Sau này, cô viết trên Facebook của mình: “Khi được tin nhận suất học bổng trị giá 2,5 triệu đồng (thời điểm 2004) tôi đã nhảy cẫng lên giữa đường và hét to sung sướng: Mình được đi học rồi!”.

Hằng đã đi học đại học. Rồi hơn thế, học xong đại học cô giành được học bổng của chính phủ Úc và New Zealand tiếp tục học về biến đổi khí hậu. Tốt nghiệp thạc sĩ, cơ hội học lên tiến sĩ đang rộng cửa, Hằng trở về Việt Nam đi... bán mắm (xem “Cô thạc sĩ và món mắm thuyền nan” trên Tuổi Trẻ ngày 22-4-2013).

Nhưng câu chuyện về mắm của Hằng lại trĩu nặng tinh thần “tiếp sức”. Cô về những làng biển miền Trung, gặp rất nhiều phụ nữ làng chài mà chồng, con họ - những trụ cột gia đình - đã nằm lại biển khơi trong những trận cuồng phong vốn quá quen với “nghề biển hồn treo cột buồm”. Những phụ nữ góa bụa ấy bươn chải nhọc nhằn để nuôi mình, nuôi con mà con cái hầu như thất học. Nhưng chính họ lại đang giữ gìn những bí quyết làm muối, ủ mắm - cái món ăn làm nên hồn cốt văn hóa ẩm thực của người dân Việt dường như đang bị thất truyền.

Tạo công ăn việc làm cho những phụ nữ miền biển có thu nhập để nuôi con ăn học, vừa góp phần gìn giữ một truyền thống văn hóa ẩm thực, vừa muốn gầy dựng một thương hiệu mắm Việt để có ngày bước ra thế giới... Tất cả những ước vọng ấy đã khiến cô sinh viên nghèo của chương trình “Tiếp sức đến trường” năm nào giờ đây quyết liệt với “sự nghiệp mắm” vừa trĩu nặng ân tình, vừa rạo rực khát vọng của một trái tim trẻ nhiệt huyết.

Con đường mới của Hằng chỉ vừa qua những bước chân đầu tiên nhưng câu chuyện của cô gợi ra nhiều ý tưởng nối dài cho hành trình hơn mười năm qua của tinh thần “Tiếp sức đến trường”.

Với những người góp phần làm nên chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” (dành cho các tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước), ai cũng hiểu rằng sự thành công của những sinh viên hôm nay chắc chắn không chỉ nhờ vào suất học bổng nhỏ nhoi mà các nhà hảo tâm, các bạn đọc của báo Tuổi Trẻ đã tin cậy trao vào tay các em trong buổi ban đầu. Đó còn là sự nỗ lực thấm đẫm mồ hôi của chính các bạn với những năm tháng vừa học vừa làm, đi làm gia sư, chạy bàn, phụ hồ, cửu vạn... để vừa nuôi mình, vừa miệt mài đèn sách!

Và không chỉ có Hằng, nếu không có suất học bổng khởi đầu ấy, cô sinh viên Nguyễn Thị An đã nhập học Đại học Sư phạm cả tháng trời (để không phải đóng học phí) dù em đậu Đại học Y dược Huế với ước mơ thành bác sĩ. Với suất học bổng đủ trang trải cho học phí năm đầu, An đã bền lòng đi qua gần 10 năm, nay là bác sĩ nội trú tại một bệnh viện lớn.

Rồi Hiếu “cà rem”, Lập “phụ hồ”, Thành “thợ may”... những tân sinh viên từng nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” nay có người đã đi làm, có người đang học tập tiếp ở xứ người... Những suất học bổng nhỏ ấy, với bên trao, như một cái siết tay tin cậy để họ an tâm bước vào năm nhất của giảng đường đại học. Nhưng nhiều bạn đã coi đó như một “bước ngoặt cuộc đời” và giúp họ thay đổi được số phận.

Phóng to
Bài báo về Hiếu “cà rem” trên Tuổi Trẻ mười năm trước

Phóng to
Mười năm sau, Hiếu là thầy giáo dạy toán đầy năng lực tại Trường THPT Vĩnh Định ở quê nhà Quảng Trị - Ảnh: L.Đ.Dục

Khởi đầu và tiếp nối...

Năm nay, học bổng “Tiếp sức đến trường” của Tuổi Trẻ bước vào mùa thứ 11. Ở Quảng Trị, câu lạc bộ nghĩa tình Quảng Trị cũng đang kỷ niệm năm thứ 10 phát triển. Mười năm trước, những doanh nhân quê Quảng Trị đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM đã tập hợp trong một câu lạc bộ, ngoài việc hỗ trợ nhau trong công việc, anh em quyết định hằng năm cùng Tuổi Trẻ gầy dựng học bổng “Tiếp sức đến trường” cho con em quê nhà.

Hơn ai hết, những thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ doanh nghiệp Quảng Trị tại TP.HCM hầu hết vốn là những học trò gốc ruộng của quê nghèo, nhờ trì chí học hành và dám dấn thân lập nghiệp mà thành đạt. Bằng uy tín và tình cảm của mình, các anh đã quy tụ được thêm vài chục doanh nhân đồng hương đang làm ăn sinh sống tại Sài Gòn, vì: “Phải đóng góp chút gì cho các em, chính các em sẽ là người sau này về góp phần thay đổi phận nghèo quê nhà, mà trước hết hãy giúp cho các em một điểm tựa để thay đổi số phận mình...”.

Hình ảnh những cô cậu học trò vừa đậu đại học nhưng do gia cảnh khó nghèo đành gác lại giấc mơ giảng đường gợi lại hình ảnh thiếu thốn xa xưa của chính các anh chị. Sau những thông tin về mô hình câu lạc bộ này của Quảng Trị trên báo Tuổi Trẻ, nhiều người bảo nhau: “Quảng Trị nghèo mà còn làm được vậy, tại sao nhiều tỉnh thành có đồng hương rất thành đạt tại đây không tập hợp lại mà làm như thế?”.

Từ Quảng Trị, nay có thêm nhiều câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” của Quảng Ngãi, Quảng Nam - Đà Nẵng, Huế, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh, Tiền Giang... Với tinh thần “hỗ trợ con em quê hương”, hàng ngàn sinh viên trên cả nước đã được những anh chị doanh nhân đồng hương tiếp sức.

Danh sách đóng góp ủng hộ của câu lạc bộ Quảng Trị nay có những cái tên rất lạ như Francis Lee, Phe Hook Chchuon..., những doanh nhân ở tận Singapore hay Campuchia tham gia. Những cuộc họp bàn về tài trợ học bổng của câu lạc bộ nay nghe đủ giọng nói các vùng miền.

Năm ngoái, chắt chiu những đồng lương của một cử nhân vừa ra trường, thầy giáo Lê Minh Hiếu (tức Hiếu “cà rem” ngày nào) đã góp một phần học bổng cho thế hệ đàn em. Năm nay, Đào Thị Hằng cho biết sẽ cùng bạn bè của mình góp thêm vào chương trình năm suất học bổng (trị giá 5 triệu đồng/suất). Những “tín hiệu” khởi đầu này cũng là câu trả lời đầy tin cậy của các bạn khi năm nào, những nhà tài trợ học bổng đã nói rằng: “Các em không nợ gì chúng tôi, nhưng các em nợ thế hệ đàn em của các em”.

Một hành trình “tiếp sức” đúng nghĩa “tiếp sức” vẫn đang được nối kết. Điều đó khiến những người đang chung sức triển khai chương trình học bổng này ở Tuổi Trẻ tin hơn ở cuộc đời, vững tâm hơn với một tuổi mới của hành trình yêu thương và tin cậy, của kỳ vọng và đáp đền...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận