Tiếng Anh và... nỗi sợ hãi

LÊ TẤN THỜI 02/04/2013 23:04 GMT+7

TTCT - “Sao lại áp chuẩn châu Âu cho chúng tôi?”, thắc mắc này không phải một mà của rất nhiều giáo viên khi được hỏi về đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 mà TTCT đã đề cập.

Theo đề án này, Bộ Giáo dục - đào tạo xem giáo viên là những người học tiếng Anh chứ không phải là người dạy tiếng Anh!

Người học tiếng Anh cần một trình độ tiếng Anh phù hợp với công việc của mình. Người dạy tiếng Anh lại khác, cần có được khả năng sư phạm theo yêu cầu cấp lớp. Khả năng sư phạm ở đây được hiểu là những phương pháp giảng dạy sinh động tạo hứng thú cho học trò.

Hướng giải quyết thế nào nếu những giáo viên đạt chuẩn B2 theo yêu cầu lại không có khả năng sư phạm để truyền tải đến học trò những kiến thức, kỹ năng cần thiết theo yêu cầu chương trình?

Thực tiễn đã chứng minh có những người đạt được học vị, học hàm rất cao nhưng lại không có khả năng đứng lớp để truyền đạt kiến thức cho học trò. Nhiều người dễ dàng đạt điểm cao khi làm bài viết ở lớp học tiếng Anh nhưng gặp lúng túng khi giao tiếp.

Sự tự tin khi sử dụng tiếng Anh, nhất là trong giao tiếp, phải được hình thành từ buổi ban đầu và người thầy phải thật sự là người “truyền lửa” cho học trò mình. Ở những trung tâm ngoại ngữ có uy tín, khi tuyển dụng, bên cạnh những chứng chỉ về năng lực giảng dạy tiếng Anh, ứng viên phải chứng tỏ khả năng đứng lớp của mình thông qua những tiết dạy thực thụ. Khi đáp ứng được nhu cầu chuyên môn, họ sẽ được tuyển dụng.

Đành rằng khả năng tự rèn luyện là ý thức của từng người, nhưng chúng ta cũng cần có một định hướng chiến lược phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, cũng như tạo cơ hội cho các thầy cô giáo trau dồi và phát triển khả năng ngoại ngữ của mình để họ tự tin hơn khi đứng trên bục giảng.

Không ai nghi ngờ về sự cần thiết phải rà soát, đánh giá và nâng cao khả năng, kỹ năng cho giáo viên. Nhưng có thể sẽ hồ nghi khi một kế hoạch mang dáng vẻ hoành tráng lại xa rời thực tế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận