Tiền, vàng, dầu khí... trong cục diện 2013

HỮU NGHỊ 24/02/2013 06:02 GMT+7

TTCT - Cuộc chiến tỉ giá tiền tệ đã được hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng nhà nước thuộc nhóm G20 (kết thúc cuối tuần trước tại Matxcơva, Nga) “đậy đệm” lại bằng một thông cáo chung.

Theo đó, khu vực đồng euro cần “nỗ lực bền bỉ nhằm tiếp tục xây dựng liên minh kinh tế và tiền tệ của mình mạnh mẽ hơn”, còn Mỹ và Nhật nên “giải quyết những bất ổn liên quan đến tình hình tài khóa”.

Phóng to
Thị trường Ấn Độ có nhu cầu rất lớn về tiêu thụ vàng - Ảnh: Reuters

Cụm từ “những bất ổn liên quan đến tình hình tài khóa” đã được dùng thay cho tội danh phá giá tiền tệ hầu tránh khởi động một cuộc chiến tiền tệ thật sự, sau khi Nhật Bản hạ tỉ giá đồng yen cách đây hai tháng.

Khi đồng yen hạ giá

Bên cạnh một đồng euro đang suy yếu vì gánh nợ chung, đồng đôla Mỹ và mới đây là đồng yen Nhật cứ tự hạ tỉ giá, tạo lợi thế xuất khẩu cho hàng hóa và dịch vụ các nước này, đang là những sức ép đối với các nền kinh tế khác.

Thấm thía hơn cả có lẽ là Trung Quốc, nước vẫn đang thành đạt nhờ xuất khẩu thặng dư, nay phải đứng trước vấn nạn tỉ giá đồng yen.

Truyền hình CCTV của Trung Quốc than thở: “Theo các nhà phân tích, các nỗ lực (kích thích kinh tế và hạ giá đồng yen) từ hai tháng qua đã không đem lại mấy kết quả. Những người hoài nghi nhất... thì quả quyết rằng một đồng yen mạnh sẽ có thể giúp nền kinh tế châu Á hạ giá thành liên quan đến các sản phẩm nhập khẩu vào Nhật mua bằng đôla, tỉ như dầu hỏa. Các số liệu cho thấy giá dầu hỏa ở Nhật tăng từ hai tháng qua. Thành ra việc hạ giá đồng yen lại dẫn đến tăng giá hàng loạt, kể cả giá lương thực và hàng tiêu dùng thường nhật.

Một số nhà phân tích e rằng một đồng yen hạ giá hơn sẽ tăng gánh nặng cho các gia đình Nhật..., tỉ như giá chuối tăng 30%. Các nhà phê bình còn lo ngại rằng biện pháp kích thích kinh tế của Nhật không đủ mạnh để tạo ra một sự tăng trưởng lâu dài, trái lại tác động đến các nước châu Á khác. Hôm thứ ba, đồng yen chỉ còn trị giá 92,40 yen ăn 1 USD” (1).

Có la làng cũng dễ hiểu do lẽ tháng 2 năm ngoái, 78,5 yen còn đổi được một USD (2). Khi đồng yen hạ giá như thế, hàng xuất khẩu sang Nhật sẽ đắt đỏ hơn... Tất nhiên, nếu phải trả nợ bằng đồng yen thì nay gánh nợ sẽ lại nhẹ hơn, song liệu có thể bù lại được doanh số xuất khẩu có thể thất thu?

Ẩn náu nơi vàng

Việc đồng yen tự phá giá từ hai tháng qua, tiếp nối việc đồng USD cứ không ngừng tuột giá sau mỗi chương trình “in tiền” của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) gọi là để mua lại trái phiếu (hiện ở mức 85 tỉ USD/tháng), năm ngoái giá vàng tiếp tục cao là điều không tránh khỏi, nhất là đối với Trung Quốc, nước đang nắm trong tay quá nhiều trái phiếu Mỹ, vàng chính là chỗ ẩn náu cần thiết.

Rudy Martin, nhà tư vấn đầu tư hàng đầu của Mỹ, cảnh báo xu thế lớn đương thời là để giải quyết vấn nạn tăng trưởng ì ạch và thâm thủng ngân sách bao la, các ngân hàng trung ương đang ồ ạt in tiền, khoảng 7.000 tỉ USD trên toàn cầu, dưới dạng trái phiếu, tạo ra một khối tài sản “bong bóng” lớn chưa từng thấy trong lịch sử thế giới. Để đáp trả, các nước khác bám chặt lấy vàng và bạc.

Trong năm 2012, các ngân hàng trung ương đã mua vào hơn 536 tấn vàng, một kỷ lục trong 50 năm qua. Chưa hết, theo Rudy Martin, trong ba năm tới Trung Quốc dự tính mua vào hơn 1.000 tấn vàng. Không chỉ thế, Trung Quốc còn định mua cả mỏ vàng, Rudy Martin cho biết (3).

Báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết năm ngoái tổng cầu về vàng cả thế giới lên đến 236,4 tỉ USD, cao nhất từ trước tới nay; giá vàng bình quân trong quý 4-2012 lên đến mức kỷ lục là 1.721,8 USD/ounce, cao hơn kỷ lục trước đó là vào quý 3-2011 đến 1%. Giá vàng bình quân năm 2012 là 1.669 USD/ounce, tăng 6% so với giá bình quân 1.571,5 USD của năm 2011.

Marcus Grubb, giám đốc điều hành phụ trách đầu tư của WGC, đưa ra một số nhận xét đáng lưu ý: 1/ Các ngân hàng trung ương đã chuyển từ bán ra vàng sang mua vào vàng, và nay đang mua vào ở quy mô cao nhất từ gần nửa thế kỷ qua; 2/ Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục là những thế lực nắm vàng; 3/ Ở Ấn Độ, cho dù chính phủ đã có một số biện pháp nhằm làm giảm cầu về vàng, song vàng vẫn đóng vai trò quan trọng trong một xã hội có hệ thống tài chính kém phát triển.

Nhận xét cuối cùng này ắt hẳn không dành riêng cho Ấn Độ, đồng thời cũng ngụ ý “dục tốc bất đạt” nhắn nhủ bất cứ những nhà hoạch định chính sách nào khi muốn thâu tóm (thị trường) vàng.

Dầu khí: ai nắm trong tay sẽ thắng

Tháng 4-2011, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo đến năm 2016, Trung Quốc sẽ vọt lên trở thành nền kinh tế có GDP lớn nhất thế giới. Thế nhưng đến đầu năm 2013, một số nhà tư vấn đầu tư Mỹ đã dự báo Mỹ đang khôi phục kinh tế và sẽ giữ vững vị trí quán quân của mình nhờ vào nguồn dầu khí khổng lồ mới bắt đầu khai thác.

Byron King, chủ bút chuyên san đầu tư Outstanding Investments, mới đây hoan hỉ loan báo: “Hãy sẵn sàng cho một kỷ nguyên thịnh vượng mới đưa nước Mỹ trở lại đỉnh cao!”. Theo Byron King, đã qua rồi thời mà, theo một số người, nước Mỹ bị chôn sống trong gánh nợ, chìm lỉm suốt trong khó khăn và nạn thất nghiệp! Nay “giấc mơ Mỹ không chỉ còn đó mà còn có thể sớm sáng rực hơn bao giờ”.

Theo Byron King, hiện đã có 5 triệu chỗ làm mới trong các nhà máy ở Mỹ, song trong tương lai sẽ có thêm rất nhiều công ăn việc làm mới, như từng thấy qua các kỷ nguyên xây dựng đường sắt, công nghiệp thép, điện tử, công nghệ cao... Kỷ nguyên mới này là kỷ nguyên dầu khí (lần thứ nhì) của Mỹ. Thí dụ “sống” điển hình là hạt Dimmit ở Texas: cách đây ba năm, đây là hạt nghèo đứng hàng thứ 19 ở Mỹ, song nay lại cung cấp công ăn việc làm trị giá lên đến 3,1 tỉ USD tiền lương và phúc lợi! Giáo xứ Desoto ở bang Louisiana, thị trấn Youngstown ở bang Ohio cũng thế.

Lý do khiến Byron King phấn khởi không chỉ do việc mới phát hiện các mỏ dầu Bakken ở Bắc Dakota hay mỏ khí Marcellus ở các bang Pennsylvania và New York..., mà còn là sự kết hợp giữa phát hiện mỏ dầu khí mới với việc phát triển công nghệ mới.

Việc tạo ra những nhu cầu mới từ đó dẫn đến điều gọi là “Re-made in America” (tạm dịch “sản xuất trở lại tại Mỹ”). Những mỏ dầu khí mới này không chỉ có trữ lượng khổng lồ, tỉ như mỏ Bakken với 167 tỉ thùng, tương đương lượng dầu tiêu thụ tại Mỹ trong một thế kỷ (với mức tiêu thụ hiện nay)... mà còn là những “mỏ công ăn việc làm” mới! Như mỏ Eagle Ford trong ba năm qua đã cung cấp 66 triệu thùng dầu và 48.000 chỗ làm mới.

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu năng lượng đặt tại Washington, trữ lượng các mỏ dầu mới này là 1.000 tỉ thùng, tức gấp bốn lần trữ lượng dầu của Saudi Arabia. Thử hình dung sẽ thấy biết bao chỗ làm mới. Đó là chưa nói đến những chỗ làm mới trong các công nghiệp phục vụ, hỗ trợ khai thác dầu khí...

Tất nhiên, theo Byron King, điều đó không có nghĩa là giá dầu sẽ bị đưa về ngưỡng 30 USD/thùng (như trước chiến tranh Iraq), song “sẽ không còn những cú tăng giá mỗi khi có một cơn bão ập vào, hay do Trung Quốc khát dầu hoặc OPEC tìm cách siết vòi lại... Sẽ không còn lệ thuộc vào mấy ông vua ở Trung Đông hoặc các nước bất ổn vì thiếu dầu. Giá dầu sẽ cân đối hơn và trong tầm tay hơn...”.

Vẫn còn sớm để nói về những khai thác mới này, song cũng có thể xác minh về các nguồn trữ lượng mới này nơi Bộ Năng lượng Mỹ, cụ thể là bản điều trần trước Hạ viện Mỹ ngày 5-2 vừa qua. Từ đó có thể thấy Trung Quốc thật sự đang khát dầu khí (trong khi Mỹ đang dư thừa) và hiểu thêm tại sao lại quá khát khao làm chủ biển Đông. Con đường trở thành đệ nhất siêu cường còn gập ghềnh lắm và có khi lạc lối.

__________

(1): http://fr.cntv.cn/program/journaldeleconomie/20130206/102860
(2): http://www.x-rates.com/average/?from=USD&to=JPY&amount=1&year=2012
(3): http://finance.uncommonwisdomdaily.com/reports/GTT/149/2/?ccode=0213135483129GTT&em=ducddster@gmail.com&sc=UWD&ec=5483129&p=2

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận