Tiền máu

LÊ QUANG 15/05/2020 20:05 GMT+7

TTCT - Ở Trung Mỹ có một quốc gia nho nhỏ mà học sinh nào cũng phải biết đến trong tiết địa lý, nhờ tám chục cây số kênh nhân tạo nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Chỉ ngồi thu phí tàu bè đi tắt qua đây mà Panama thuộc hạng giàu có nhất với nền kinh tế toàn cầu hóa bậc nhất khu vực.

Ảnh: The Daily Beast
Ảnh: The Daily Beast

Lâu nay, quốc gia này nỗ lực đánh bóng tên tuổi để trở thành gương mặt điển hình của Trung Mỹ. Nhưng rồi tất cả sụp đổ trong một ngày đen tối năm 2016: “Hồ sơ Panama” bị lôi ra ánh sáng với hơn 214.000 công ty ma, để lộ chóp tảng băng mang tên “thiên đường thuế”. Còn gì khuất dưới nước nữa, không chỉ ở Panama?

Từ đó trở đi, Panama chỉ còn được nhắc đến như thiên đường của dân tị nạn... thuế, tương tự như quần đảo Virgin (thuộc Anh), quần đảo Cayman, Trinidad và Tobago, Gibraltar... Doanh nghiệp nào có chi nhánh ở những nơi này được miễn hoặc đóng thuế rất ít, thường cũng dễ lánh sự nhòm ngó hay truy nã của nhà chức trách.

Nhưng trốn thuế kiểu “vặt vãnh” chỉ là ngón của mấy người rủng rỉnh bậc trung lưu. Các đại gia thực sự không cần chơi ú tim ở mấy hòn đảo xa, mà đem tiền mua bất động sản vàng hay đội bóng đá nổi danh ở Anh, Tây Ban Nha hay Pháp. Và không hiếm khi đồng tiền đem lậu qua đó dính máu, không chỉ theo nghĩa bóng.

Công ty ma, tài khoản ma

“Công ty ma” là các doanh nghiệp chỉ hiện diện qua một văn phòng có máy tự động trả lời điện thoại hay đôi khi chỉ có một hộp đựng thư gắn trên cửa. Có họ hàng mật thiết với chúng là một loại tài khoản ma mà tên chủ tài khoản nhiều khi được mã hóa thành một dãy số.

Dù khái niệm “ma” có âm hưởng tiêu cực, cả công ty lẫn tài khoản ma đều hợp pháp, ít nhất là ở cái thời mà nhân viên phòng thuế còn đi gõ cửa từng nhà vào cuối quý. Nhưng hôm nay chúng ta đang sống ở năm 2020, và đã từ lâu tính từ “ma” gây khó chịu hơn nhiều.

Ban đầu có những quốc gia nhỏ cả về diện tích lãnh thổ lẫn tài nguyên, nếu chỉ dựa vào nội lực thì khó mở mày mở mặt, như Cayman, Singapore, Lebanon, Liechtenstein... Họ bèn hứa hẹn thu thuế thấp hoặc miễn thuế cho những ai nhập hộ khẩu (tức sống trên 183 ngày mỗi năm) ở đó, nhằm mời các ngôi sao thể thao hay nghệ sĩ thu nhập cao đem tài khoản khủng của mình qua.

Huyền thoại bóng nỉ Boris Becker khai man hộ khẩu chính ở Monaco, chủ tịch CLB bóng đá Bayern Munich Uni Hoeness chôn tiền bên Thụy Sĩ, Pablo Escobar ngày còn chưa lộ mặt trùm ma túy Colombia đã lập tài khoản ở Florida. Như đã nói, những món “tiết kiệm” đó là tiền tỉ, nhưng xét về thủ tục là hợp pháp.

Dần dần, các ông lớn cũng biết đường đó. Tập đoàn buôn hoa quả Chiquita Brands International, xưa nay phải nộp 35% thu nhập cho Washington, liền nuốt một công ty cạnh tranh ở Ireland là Fyffes rồi diễn vở sáp nhập, từ đó trở đi đăng ký đại bản doanh ở một đảo xa của Ireland, là nước chỉ đánh thuế thu nhập 12,5%.

Tập đoàn dược phẩm Pfizer từ khi lãi to với Viagra cũng nhăm nhe thôn tính AstraZeneca (Anh) với mục đích tương tự. Một báo cáo của Quốc hội Hoa Kỳ cho thấy trong 10 năm qua, 47 doanh nghiệp lớn đã rời Mỹ để né thuế, so với 20 năm trước đó chỉ có 29 công ty ra đi.

Nơi kẻ cắp, sát thủ và nhà độc tài hội ngộ

Khi “Hồ sơ Panama” thành chủ đề chính của báo chí năm 2016, một nhà báo đã làm phóng sự điều tra như chưa đồng nghiệp nào từng làm trước ông. Jim Henry thực ra không làm báo mà được mời tham gia phân tích “Hồ sơ Panama” trong vai trò một kinh tế gia. Ông là kinh tế trưởng của McKinsey & Co., công ty tư vấn doanh nghiệp số một thế giới, và làm việc ở General Electric.

Henry so sánh các tài liệu hoàn toàn công khai như thống kê, báo cáo định kỳ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các cơ quan thống kê khác trong 45 năm qua. Ông dò theo các chênh lệch nhỏ nhất, dù “có vẻ không đáng kể” nhưng có thể tiết lộ những món tiền đi chệch luồng, cuối cùng nhờ các cơ quan công tố và bộ phận giám sát ngân hàng kiểm tra chéo. Công việc tỉ mẩn này được thuật lại trên trang mạng Mỹ The Daily Beast, rốt cục đã đưa ra ánh sáng 31.000 tỉ euro.

Đây là số tiền (chưa đầy đủ) mà các chính khách tham nhũng, nhà độc tài và người trốn thuế ăn cắp và ăn cướp rồi đem giấu vào những địa chỉ ma từ Bermuda đến Liechtenstein. 1/3 số tiền trên đến từ 150 quốc gia và khu vực nghèo mạt rệp trên trái đất này, phần còn lại từ Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc và New Zealand. Số tiền đó giúp ta hiểu ra vì sao một số quốc gia tương đối giàu có mà vẫn đói nghèo đến khó tin.

Lấy ví dụ Guinea Xích Đạo, một nước châu Phi có trữ lượng dầu lớn và từ năm 1979 bị cai trị bởi Teodoro Obiang, một nhà độc tài lên ngôi nhờ đảo chính quân sự. GDP đầu người ở nước này ngang ngửa với Anh và Pháp, nhưng xếp hạng về Chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) lại là 138!

31.000 tỉ euro là một số tiền lớn, rất lớn, tương ứng với 15% giá trị tất cả của cải trên hành tinh này. Tuy nhiên, cũng nên phân bạch các dòng tiền ăn cướp hay gọi cho nhã là thất thoát. Ở các nước tiên tiến thì đó đơn giản là tiền lách qua sở thuế bằng đủ trò như khai man, giấu thu nhập, gửi vào tài khoản Thụy Sĩ..., vì các nước đó không bị nhà độc tài tham nhũng nào cai trị (bù lại thì có các Lionel Messi và Gérard Depardieu không thích đóng thuế).

Ở 150 nước nghèo nhất quả đất thì khác: hệ thống thuế ở đó quá yếu, đã thế luật pháp lỏng lẻo và bị thao túng. Chính phủ mấy nước đó vay tiền và nhận viện trợ vô tội vạ, rồi cứ thế rút ruột mà đút túi vì không ai giám sát. 10.500 tỉ euro trong số tiền trên, theo Jim Henry, là từ những nước như Nga, Trung Quốc, Malaysia, Mexico và Venezuela.

Ai tinh ý sẽ thấy, trừ Trung Quốc, đó đều là các nước có ngành khai thác dầu mỏ do nhà nước độc quyền quản lý. Số tiền “thất thoát” hầu như sẽ mất hẳn, vì bọn thụt két không dại đặt tiền vào các cửa dễ bị lộ cao như đem gửi ngân hàng trong nước hay mua cổ phiếu, mà thường chuyển tới thiên đường thuế hoặc đầu tư vào các dự án bất động sản.

À, thì ra bất động sản!?

Bất động sản xưa nay vẫn là lĩnh vực kiếm tiền có thể lúc ít lúc nhiều, nhưng luôn chắc chắn. Mấy sự kiện dồn dập gần đây, bắt nguồn từ Trung Đông khói lửa đạn bom, củng cố thêm cho nhận định trên.

Cuối tháng 4 vừa qua, trong khi cả thế giới nín thở chịu đựng khủng hoảng corona, bộ máy tư pháp Paris sau nhiều tháng chuẩn bị đã đi dần đến hồi kết một phiên tòa vô cùng khó khăn. Trên ghế bị cáo, nói một cách hình tượng, là chính thể độc tài gây bao tang thương cho người dân Syria.

Từ năm 2015, Pháp đã bắt đầu cáo trạng truy tố Tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad về tội phạm chiến tranh, bản án cụ thể trong tháng 4 thì như màn duyệt trước, nhằm vào người chú Rifaat al-Assad.

Một vụ điều tra tương tự diễn ra song song ở Tây Ban Nha. Nhân vật cựu tổng thống và cựu bộ trưởng quốc phòng 82 tuổi này bị buộc tội thụt két ở quê nhà chừng 600 triệu euro để mua nhiều bất động sản ở châu Âu. Ở quê nhà, Rifaat được anh cả (tức Hafez al-Assad, cha và người tiền nhiệm của tổng thống hiện nay) trao nhiệm vụ dập tan cuộc nổi dậy chống chính quyền ở thành phố Hama hồi năm 1982, cuộc đàn áp dẫn tới cái chết của 30.000 người.

Từ đó, Rifaat có biệt danh “Đồ tể thành Hama”. Bản thân Rifaat lại định lật đổ anh mình, nhưng vì thất bại mà “tay trắng” lưu vong qua Pháp và Tây Ban Nha, nơi ông ta bắt đầu sắm nhà cửa, lâu đài, ngựa đua.

Gia đình al-Assad còn một số họ hàng và tay chân nữa ở châu Âu, tất cả đều sống khác hẳn hàng triệu người Syria đang lưu vong khắp toàn cầu. Theo thông tin của tổ chức phi chính phủ Global Witness, gia đình Makhlouf - anh em họ và cố vấn của tổng thống đương nhiệm - đầu tư ít nhất 40 triệu đôla vào một tòa tháp đôi ngay trung tâm Matxcơva. Món đầu tư qua đường Nga là mẹo lách chế tài của Liên minh châu Âu.

Dĩ nhiên, chừng nào chưa chứng minh được thì khó nói các khoản đầu tư trên là phi pháp, song những núi tiền ở xa quê nhà luôn tương phản một cách khó hiểu với mức sống tùng tiệm của thần dân nước họ, chưa kể đến cuộc nội chiến thảm khốc với con số thương vong không ai thèm đếm, với vũ khí hóa học, trẻ con cầm súng, và hàng triệu người tan nhà nát cửa...

Nói tiền ăn cướp ăn cắp dính máu là vậy!■

Nhìn cành biết rễ

…là một thành ngữ Ả Rập thông dụng, dường như phản ánh rất chung cách đánh giá con người hay sự việc qua biểu hiện bên ngoài. Đối với người ngoại quốc, thật khó phân biệt người Ả Rập đến từ nước nào, vì văn hóa của cả khu vực ít dị biệt lớn. Cách cai trị xã hội của họ cũng vậy.

Husni Mubarak làm tổng thống Ai Cập ba chục năm thì bị hạ bệ rồi tống vào ngục vì lệnh bắn chết 850 người biểu tình. Người ta định giá tài sản riêng của ông chừng 4,6 tỉ đôla, gia đình ông sở hữu bất động sản đắt đỏ ở khắp Ai Cập, Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Các con ông đều có tên trong “Hồ sơ Panama”.

Muammar al-Gaddafi, vị quốc trưởng luôn diễn vai quân nhân giản dị (không thèm lên quá chức đại tá!) nhưng nuôi toàn gái đẹp làm “cận vệ” và tiêu xài như tiền là giấy, khi chết thảm cũng để lại tài sản chừng 4 tỉ đôla và một đất nước Libya tan nát.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận