Thương mại mở: Xu thế khó đảo ngược

C. VĂN 28/06/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Một dạng thức thương mại mới sẽ tái định hình thế giới, không chỉ được thúc đẩy bởi hàng hóa, mà bởi ý tưởng và dữ liệu.

Nếu toàn cầu hóa có một biểu trưng, thì chiếc tàu container đi biển sẽ là ứng cử viên nặng ký. Những chiếc “công” 40 feet (12 mét), thường cao khoảng 2,4 mét chất chồng lên nhau trên một con tàu khổng lồ có thể băng qua các đại dương đại diện cho thời đại mà những khối lượng lớn hàng hóa có thể đi khắp thế giới với chi phí khá phải chăng.

5.000 chiếc tàu container

Người tiêu dùng ngày nay có thể lựa chọn hàng hóa với sự đa dạng cả về chủng loại lẫn xuất xứ chưa từng thấy. Một chai vang California hay Úc giờ đã là chuyện không có gì quá xa xỉ với một người Việt Nam. 

 
 Ảnh: Viện Brookings

Giày chạy sản xuất ở Indonesia hay Ấn Độ, điện thoại iPhone của Mỹ hay Samsung của Hàn Quốc… đều di chuyển hàng chục nghìn kilômet trước khi tới tay người sử dụng.

Ở một thời điểm bất kỳ trên các đại dương ngày nay, ta có thể đếm được trung bình 5.000 chiếc tàu container. 

Dù số lượng có thể đã giảm đôi chút do cú sốc đại dịch Covid-19, tình trạng Trung Quốc đóng cửa và cuộc chiến ở Ukraine, thương mại, cả về hàng hóa lẫn ý tưởng, vẫn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Bản thân điều đó không có gì mới mẻ. Cơ sở lý luận cho nó có lẽ được nêu ra đầu tiên bởi kinh tế gia người Anh David Ricardo vào nửa đầu thế kỷ 19. Ý tưởng trọng thương của ông, ra đời khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt đầu tăng tốc, biện minh cho việc gỡ bỏ những rào cản thương mại. 

Các phát minh như điện tín, tàu hơi nước đi xuyên đại dương cũng giúp thương mại và đầu tư nước ngoài nở rộ. 

Doanh nhân Anh bỏ tiền mở nhà máy thép ở Mỹ, làm đường sắt ở Argentina và khai mỏ vàng ở Nam Phi, người Pháp làm đường sắt ở Đông Dương, khai thác than và mở đồn điền cao su, những thương vụ “FDI” của sơ kỳ lịch sử hiện đại. Số lượng và khoảng cách con người đi lại cũng tăng nhanh chưa từng có tiền lệ.

Nhưng cuộc toàn cầu hóa thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 không giống những gì chúng ta thấy ngày nay. 

Thời bấy giờ, chỉ có châu Âu thực sự được tận hưởng một thế giới toàn cầu và một lượng lớn thương mại quốc tế tập trung vào những hàng hóa thương phẩm phục vụ nhu cầu của châu lục đó: trà, cà phê, đồng, sắt, than đá, cao su… 

Những sự đứt gãy đầu tiên với toàn cầu hóa và thương mại tự do diễn ra vào nửa đầu thế kỷ 20: hai cuộc Thế chiến và cuộc Đại suy thoái.

Toàn cầu hóa hậu hiện đại

Giai đoạn toàn cầu hóa thứ hai bắt đầu từ cuối những năm 1940, với Thỏa thuận chung về thuế quan và thương mại (GATT, tiền thân của WTO) được vài chục quốc gia ký kết. 

Thương mại tự do hơn thúc đẩy sản xuất: tới năm 1957, tổng giá trị hàng hóa chế tạo xuất khẩu của thế giới đã bằng với giá trị hàng hóa nguyên liệu thô, và vượt qua vào năm 1960, bất chấp việc ngành dầu mỏ tăng trưởng mãnh liệt. 

Tuy nhiên, nhiều nước Á, Phi và Mỹ Latin vẫn chưa được kết nối với nền kinh tế thế giới. Năm 1967, châu Á ước tính chỉ chiếm 1% tổng xuất khẩu hàng khô (dry cargo) của thế giới.

Tới những năm 1980, ba xu hướng mới bùng nổ làm thương mại toàn cầu đảo lộn một lần nữa.

Thứ nhất là những thay đổi với vận tải biển bằng container. Năng suất của ngành vận tải đường dài bùng nổ ở Mỹ, tăng trưởng 29% trong giai đoạn 1985 - 1987. Hàng trăm công ty mọc lên cung cấp dịch vụ liên vận: xe tải, đường sắt, cảng biển, tất cả kết nối với nhau. 

Đây là điều hoàn toàn mới mẻ: lần đầu tiên trong lịch sử các hãng tàu có thể chuyển hàng hóa từ Singapore tới St Louis chỉ bằng một cuộc điện thoại, một lần chi trả và đảm bảo hàng tới đúng giờ.

Thay đổi lớn thứ hai là chi phí thông tin liên lạc giảm mạnh. Cước các cuộc gọi quốc tế từng cực đắt, việc trao đổi làm ăn thường tiến hành bằng điện tín, với bất lợi là khó có thể thảo luận các quyết định chiến lược phức tạp. 

Nhờ các tuyến cáp dưới biển mới, chi phí gọi điện thoại quốc tế giảm mạnh: số lượng cuộc gọi quốc tế từ Mỹ tăng gấp 3 lần giai đoạn 1980 - 1987.

Cuối cùng, chi phí điện toán xuống thấp vào cuối những năm 1980. Máy tính trở nên phổ biến hơn và có thể nén lượng dữ liệu lớn để trình bày kết quả trên màn hình thay vì những bản in cồng kềnh. Phần mềm cũng bắt đầu xuất hiện để tính toán công tác kho vận tối ưu. 

Một công ty ở Chicago giờ có thể sở hữu dữ liệu sản xuất thời gian thực từ một nhà cung cấp ở Hong Kong, tạo ra sự kết nối chưa từng thấy.

Ba thay đổi đó giải phóng nhiều doanh nghiệp toàn cầu khỏi những hoạt động từng cực kỳ thâm dụng lao động: giấy tờ sổ sách, theo dõi vận tải, quản lý nhà máy, liên lạc với nhiều đầu mối vận tải… 

Nhờ việc dỡ bỏ kiểm soát biên giới trong khối Liên minh châu Âu (EU) năm 1987, Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (ký năm 1992), và thỏa thuận ở Vòng đàm phán Uruguay của WTO (123 nước, 1994), thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng xuống còn gần bằng không.

Tất cả làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt nền kinh tế thế giới. Hàng hóa chế tạo vận tải biển chiếm chưa tới một nửa tổng giá trị thương mại toàn cầu những năm 1980; tới cuối những năm 1990, tỉ lệ đó là ba phần tư. 

Không chỉ thành phẩm hay hàng hóa nguyên vật liệu, hàng hóa trung gian - tức linh kiện và cấu phần chờ được lắp ráp - giờ cũng được chở khắp toàn cầu. 

Tới cuối những năm 1990, những hàng hóa này, khóa kéo làm ở Nhật Bản để gắn vào quần áo may ở Trung Quốc hay chip làm ra ở Mỹ đưa tới lắp ráp vào thiết bị điện tử ở Malaysia, chiếm 29% thương mại quốc tế, và ngày nay lên tới 70%. Chuỗi cung ứng cực dài này chính là toàn cầu hóa thế hệ ba.

Lãnh đạo các doanh nghiệp toàn cầu háo hức với cơ hội tiết kiệm chi phí nhờ chuyển sản xuất sang các nước có lao động rẻ. 

Họ ngày càng ít chú ý tới rủi ro của chuỗi cung ứng quá dài, quá nhiều nhà cung cấp. Dần dần, các công ty sở hữu thương hiệu trên đỉnh chuỗi thức ăn không còn hiểu biết gì nhiều về nhà cung cấp của nhà cung cấp của họ. Cho đến khi Covid-19 ập đến.

Nhưng thương mại quốc tế đã quá lớn và quá thiết yếu đến mức ngay cả một đại dịch toàn cầu cũng không thể gây ra sự đứt gãy kéo dài. 

Báo cáo Cập nhật thương mại toàn cầu của UNCTAD (Hội nghị Thương mại và phát triển Liên Hiệp Quốc) tháng 2-2022 cho biết năm 2021, thương mại hàng hóa thế giới vừa lập kỷ lục lịch sử với tổng giá trị 28,5 nghìn tỉ USD (GDP của Mỹ năm 2021 là 23 nghìn tỉ USD), tăng 25% so với năm 2020 và 13% so với 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Thương mại mở và toàn cầu hóa, do đó, là không thể đảo ngược, bất chấp mọi biến cố lớn lao đã và vẫn đang xảy ra.■

Các thỏa thuận mới của WTO

Sau một tuần họp bàn căng thẳng mà Ấn Độ đe dọa phủ quyết mọi thỏa thuận không cho phép họ duy trì chương trình cấm xuất khẩu và dự trữ lương thực, trong khi Trung Quốc và Mỹ vẫn rất căng thẳng với nhau, ngày 17-6 WTO cuối cùng cũng đã công bố được một số quyết định quan trọng sau vòng đàm phán Geneva:

Mở rộng việc sản xuất vắc xin Covid-19: Một thắng lợi lớn với các nước đang phát triển. Họ sẽ được miễn trừ các bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới vắc xin Covid-19 nhằm tự sản xuất lấy. “Thỏa thuận này cho thấy chúng ta có thể hợp tác để khiến WTO phù hợp hơn với nhu cầu của người dân bình thường”, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai bình luận.

Ngăn chặn trợ cấp cho đánh bắt cá bất hợp pháp: Thỏa thuận còn khiêm tốn so với mục tiêu của những cuộc thương lượng đã kéo dài hơn 20 năm. Các nước nhất trí sẽ ban hành quy định cấm trợ cấp cho hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không được khai báo và không được kiểm soát, nhưng các khoản trợ cấp nhà nước cho nhiên liệu, đóng tàu đánh cá và những lĩnh vực khác vẫn chưa được giải quyết.

Tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ số: Việc không đánh thuế các dịch vụ, hàng hóa số hóa và giao dịch thương mại điện tử sẽ được duy trì ít ra là tới 31-3-2024, tức hội nghị bộ trưởng tiếp theo. Nhiều nước đang phát triển nhìn nhận việc họ không thể đánh thuế các hãng công nghệ khổng lồ là một tổn thất cho nguồn thu ngân sách.

Cải cách WTO: Cuối cùng, WTO đồng ý bắt tay vào tiến trình cải cách tổ chức, dù việc triển khai trên thực tế ra sao sẽ là vấn đề cần… bàn tiếp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận