21/08/2020 07:49 GMT+7

Thuê mặt bằng: giữ quá khổ, ở không xong

NGỌC HIỂN - BẢO NGỌC
NGỌC HIỂN - BẢO NGỌC

TTO - Dịch COVID-19 quay trở lại, nhiều doanh nghiệp (DN) vốn đã rơi vào tình cảnh khó khăn từ đợt dịch trước lại thêm khó khăn, nhất là khi "phong trào" giảm giá cho thuê mặt bằng đã lắng xuống.

Thuê mặt bằng: giữ quá khổ, ở không xong - Ảnh 1.

Một chi nhánh của Kingdom tại quận 1 (TP.HCM) hiện đóng cửa để phòng dịch theo yêu cầu của UBND TP - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thực tế, do thành công chống dịch COVID-19 đợt 1, không ít người cho thuê có mặt bằng đẹp vẫn kỳ vọng tình hình dịch bệnh sẽ lắng xuống, nhu cầu thuê sẽ tăng lên, vì vậy họ vẫn giữ giá thuê.

Tuy nhiên, xu hướng chung là người cho thuê đã giảm giá một vài tháng, thậm chí giảm đến cuối năm để hai bên cùng tiếp tục làm ăn.

Dù đã được giảm giá nhưng rất nhiều người kinh doanh đã quyết định đóng cửa, trả mặt bằng, bởi họ hiểu rằng dịch còn quá phức tạp, giữ mặt bằng không khéo ăn hết cả vốn.

Canh cánh gánh nặng mặt bằng

Đại diện một chuỗi thức uống lớn tại VN cho biết các DN thời điểm này đều không thể mang câu chuyện pháp lý để "nói chuyện" với chủ mặt bằng bởi không còn cách ly xã hội mà chỉ một số ít DN đóng cửa, song thực tế tâm lý ngại đến trực tiếp cửa hàng mua sắm trong thời điểm này là có thật.

Từ đầu tháng 8 đến nay, 15 cửa hàng kinh doanh thời trang của Công ty thời trang Nguyên Sa (Catsashop) doanh thu sụt giảm đến 50% so với tháng 7 khi người dân hạn chế đi lại, e dè mua sắm.

Trong khi đó, công ty này vẫn phải "gánh" trên vai một chi phí mặt bằng rất lớn, hơn 400 triệu đồng cho 15 cửa hàng ở TP.HCM. Vừa mới gượng dậy sau một thời gian đóng cửa, kinh doanh ế ẩm ở đợt dịch đầu tiên, chủ DN buộc phải tính đến phương án thương thảo lại với chủ nhà mong tìm phương án hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thùy Linh Cát - giám đốc Công ty thời trang Nguyên Sa - cho biết đã đặt vấn đề với một số chủ nhà, song khoảng thời gian hỗ trợ đợt dịch trước đã hết hiệu lực, các chủ nhà vẫn chưa đồng ý sẽ tiếp tục hỗ trợ chi phí mặt bằng.

Để có chi phí cầm cự thời điểm này, DN đã phải đi vay ngân hàng duy trì lương cho nhân viên, chi phí văn phòng và nặng nhất là tiền mặt bằng. "Nếu chủ nhà chia sẻ khó khăn bằng cách giảm 20-30% tiền thuê nhà trong lúc này sẽ giúp DN rất nhiều, giảm bớt một phần nỗi lo về mặt bằng" - bà Cát nói.

Tương tự, 2 trong 6 hệ thống địa điểm kinh doanh của chuỗi dịch vụ thuộc Kingdom (TP.HCM) cũng buộc phải đóng cửa để chấp hành quy định phòng dịch của UBND TP khiến DN này thêm bội phần khó khăn.

Dù các hệ thống dịch vụ khác của công ty này như karaoke, nhà hàng vẫn được duy trì hoạt động song lượng khách sụt giảm trầm trọng. Sau đợt cách ly xã hội trước, lượng khách quay trở lại sử dụng các dịch vụ chỉ còn khoảng 60%, đợt bùng phát dịch lần này công ty chỉ ghi nhận lượng khách còn khoảng 30%.

DN này buộc phải cắt giảm, cho nhân viên nghỉ không lương. Tuy vậy, DN vẫn đối diện với vô vàn chi phí, nhất là mặt bằng khi phải trả tiền thuê mặt bằng cao như trước.

Phố cổ Hà Nội: 50% trả lại mặt bằng

COVID-19 quay trở lại, từ cuối tháng 7 đến nay, hàng loạt cửa hàng kinh doanh tại các khu vực buôn bán sôi động nhất Hà Nội như chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào, phố Huế, chùa Bộc... tiếp tục rơi vào cảnh đìu hiu.

Nhiều chủ kinh doanh khách sạn, cửa hàng spa, shop thời trang trên phố Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Ngang, Nguyễn Hữu Huân buộc phải đóng cửa vì không có khách. Khu vực chợ Đồng Xuân vốn là nơi buôn bán sầm uất nhất phố cổ Hà Nội nhưng những ngày này cũng vắng người qua lại. Hầu hết là các chủ quầy buôn đến mở cửa, giữ chỗ, buôn bán qua ngày.

Anh Tuấn, chủ một cửa hàng kinh doanh điện thoại di động trên phố Hàng Ngang, chia sẻ gần 6 tháng nay doanh thu bán hàng của cửa hàng đã giảm 70%, khách mua hàng chỉ lác đác một vài người, khác hẳn so với không khí mua bán tấp nập trước khi có dịch bệnh.

Theo anh Tuấn, nếu phố cổ không mất đi không khí buôn bán sầm uất do dịch bệnh thì các cửa hàng kinh doanh mặt tiền, thậm chí trong các ngõ ngách của phố cổ cũng có khách thuê.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, không có khách du lịch, đặc biệt khách quốc tế ghé thăm phố cổ, các hoạt động phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, khu vực chợ Đồng Xuân bị dừng lại, hầu hết các cửa hàng kinh doanh, buôn bán của 36 phố phường đều ế ẩm, hàng loạt chủ cửa hàng kinh doanh đã trả lại mặt bằng.

Lý do vì giá thuê cửa hàng kinh doanh khu vực phố cổ Hà Nội khá cao, nhiều hộ kinh doanh tại đây không chịu được chi phí thuê nhà buộc phải trả lại mặt bằng kinh doanh để cắt lỗ. Theo khảo sát của Công ty Savills VN, hơn 50% khách thuê cửa hàng kinh doanh khu vực phố cổ Hà Nội đã trả lại mặt bằng thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Không chỉ các diện tích mặt tiền nhỏ lẻ bị trả lại, hàng loạt mặt tiền diện tích rộng cả trăm mét vuông cũng đang đóng cửa chờ khách thuê.

Như tòa nhà có mặt tiền kim cương rộng 110m2 trên phố Hàng Tre, tòa nhà 450m2 phố Đông Kinh Nghĩa Thục, hay tòa nhà 100m2, mặt tiền 14m, cao 5 tầng trên phố Phan Chu Chinh đã rao cho thuê nhiều ngày nay nhưng chưa thấy có hoạt động kinh doanh trở lại.

Năm 2021 còn khó hơn

Ông Tạ Quang Hùng - giám đốc marketing Kingdom - cho biết doanh nghiệp dự báo khó khăn còn tiếp diễn, nhất là vào năm 2021 nên đã xây dựng kịch bản cho các tình huống xấu hơn nữa.

Thời gian qua, nhiều khách hàng còn tiền tiết kiệm để chi xài, nhưng đến 2021 mức chi trong ngành dịch vụ dự đoán sẽ sụt giảm mạnh do khách hàng siết chặt chi tiêu. Doanh nghiệp giờ chỉ kỳ vọng sớm kiểm soát được dịch, để tiếp tục kinh doanh, có dòng tiền duy trì cả hệ thống.

Giá thuê có giảm nhưng vẫn quá cao

Dù giá thuê mặt bằng kinh doanh phố cổ Hà Nội đã giảm từ 10 - 30% nhưng nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng vẫn rất cao nên khó thu hút khách thuê.

Một mặt bằng rộng 30m2 trên phố Hàng Đào được rao giá thuê 33 triệu đồng/tháng. Nhà 36m2 mặt tiền phố Chả Cá rao giá thuê 42 triệu đồng/tháng, nhà 3 tầng, 1 tum rộng 45m2 giá thuê 75 triệu đồng/tháng.

Đợt 2 khó hơn đợt 1

Anh Nguyễn Đức Nhật Thuận (chủ một tiệm ăn tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết ngay khi dịch tái bùng phát, lượng khách đến tiệm ăn đã giảm 30 - 40%. "May mắn là số lượng khách đặt đồ ăn trực tuyến tăng lên, phần nào cứu vãn được dòng tiền" - anh Thuận tâm sự.

Trong khi đó, ông Võ Văn Hùng - giám đốc một DN chuyên lắp đặt thiết bị karaoke và kinh doanh karaoke tại TP.HCM - cho biết ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề từ đầu năm cho đến nay khi một thời gian dài không thể kinh doanh, nhu cầu lắp đặt thiết bị của DN ngưng trệ nay càng thêm đình đốn.

Theo ông Hùng, khi xảy ra COVID-19 đợt 1, DN vẫn phải duy trì nhân viên, đến đợt 2, dù chưa đóng cửa nhưng lượng khách sụt giảm, dịch vụ lắp đặt cũng không phát triển dẫn đến ông phải cho nhân viên nghỉ tạm thời.

Nhiều Nhiều 'chủ nhà thiện lương' chủ động giảm giá thuê mặt bằng

TTO - Nhiều doanh nghiệp cho biết tiếp tục nhận tín hiệu vui khi được giảm giá cho thuê, thậm chí có chủ nhà không tính tiền thuê nhà.

NGỌC HIỂN - BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên