22/08/2024 08:37 GMT+7

Thức tỉnh với 'việc nhẹ lương cao'

Thiếu sáng suốt với "việc nhẹ lương cao" không ít người bị sập bẫy, người biến mình thành một kiểu nô lệ, góp tay nhân lên mối nguy cho xã hội khi số người bị lừa tiền tăng thêm mỗi ngày.

Thức tỉnh với "việc nhẹ lương cao" - Ảnh 1.

Minh họa: DAD

Dù rất nhiều thông tin cảnh báo nhưng "việc nhẹ lương cao" sao vẫn khiến không ít người sập bẫy? Vì không tiếp cận được thông tin? Tôi nghĩ là không mà vì sức cám dỗ đồng tiền quá lớn. Không ít người có nguy cơ bị dẫn dụ vào đường dây lừa đảo. 

Nếu không sớm thức tỉnh, nhiều người trẻ sẽ sa chân vào con đường đi lừa người khác, nhân rộng thêm mối nguy cho xã hội.

Có những người khai đã bị bạn giới thiệu đi làm "việc nhẹ lương cao" tại nước ngoài. Sang đó mới vỡ ra môi trường làm việc độc hại. Khó thể tưởng tượng nổi khi người ta được tập huấn những kỹ năng, có sổ tay ghi lại quy trình lừa đảo hẳn hòi. 

Không thể dụ dỗ, lừa tiền người khác (là đồng bào mình) thì bị những hình phạt như: trừ lương, hít đất, đánh đập. Còn muốn được về thì phải mất 70 triệu đồng (hoặc gấp nhiều lần) để chuộc thân...

Mong muốn làm việc với mức đãi ngộ cao người ta lại sa chân vào hang ổ tội phạm. Cái kết đắng chát. Tôi tin rằng ban đầu không phải ai cũng hoàn toàn chấp nhận thành kẻ lừa đảo. Lúc đó không còn cách khác, lỡ sa chân mà không rút ra được khỏi bùn nhơ. 

Nhưng lại phải vấy bùn thêm cho những người khác. Đồng bào mình kéo nhau vào cảnh ngang trái, làm lợi cho những nhóm lừa đảo. Mong kiếm nhiều tiền, mong làm giàu nhưng lại thành công cụ làm giàu bất chính cho người khác. Làm việc có hại cho đồng bào và đất nước mình.

Nếu trước kia thường chỉ đọc, nghe thấy thông tin lao động "việc nhẹ lương cao" bỏ trốn, tiếp nhận người lao động tại nước ngoài hay những chuyến giải cứu kèm tiền chuộc của những cá nhân.

Việc cơ quan chức năng đang tăng cường trấn áp, phá vỡ các đường dây tội phạm quốc tế có người Việt tham gia đang cho thấy cách làm hiệu quả hơn với vấn nạn này.

Qua đó, mong cũng sẽ thức tỉnh và răn đe mọi người với những lời quảng cáo công việc đầy rủi ro trên mạng. Thức tỉnh với bẫy "việc nhẹ lương cao", đã có nhiều vụ việc với đầy những câu chuyện đắng ngắt. 

Chiêu trò lừa đảo vô cùng tinh vi nhưng không đủ gây tác hại khi mọi người đã thức tỉnh thay vì vẫn lơ mơ, mộng mị với nó.

Sáng suốt, kiềm chế lòng tham trước những thông tin quảng cáo hứa hẹn lương cao xứ lạ. Không có kiểu kiếm tiền nào dễ dàng nhàn hạ như quảng cáo khi chúng ta không biết rõ mình sẽ làm việc gì, làm ở đâu.

Sự thức tỉnh không phải là chữ nghĩa to tát, đó chính là nhận rõ hơn giá trị của những giọt mồ hôi, sức lao động của mình, cũng là cách tránh tất cả các bẫy lừa liên quan đến tài sản, tiền bạc với mình và với cộng đồng.

Những giọt mồ hôi, máu và... bỏ lại vô nghĩa tại xứ người. Và thêm những giọt mồ hôi, nước mắt rơi xuống ở quê nhà từ những người thân, đồng bào mình nếu mọi người vẫn còn chưa thức tỉnh với "việc nhẹ lương cao".

Dễ trở thành công cụ trong bẫy lừa

"Em nghỉ việc rồi", "em cảm thấy tội lỗi vô cùng", đó là 2 tin nhắn một người em Gen Z nhắn tin cho tôi. Bạn kể, sau một thời gian dài thất nghiệp, bạn được nhận vào làm tại một công ty môi giới ở vị trí telesale (tiếp thị, bán hàng qua điện thoại).

Mức lương công ty đưa ra cao hơn mong đợi, nhân sự ở công ty đều mới ngoài 20. Sau một vài ngày học nghề, bắt đầu công việc không bao lâu bạn phát hiện công ty núp bóng đầu tư để lừa đảo. Ngày nào cũng có khách hàng bị "cháy tài khoản" sau khi chuyển tiền gọi là đầu tư.

Một người bạn thân từng làm cho một công ty dưới danh nghĩa đầu tư chứng khoán phái sinh. Bạn kể, gần như khách nào tham gia cũng bị cháy tài khoản. Bạn nghỉ việc vì thấy công việc quá "tội lỗi" sau mời chào chính mình thấy khách "cháy túi".

Từ ngày sở hữu một số kênh website, fanpage đến các nhóm trên mạng xã hội tôi nhận được nhiều lời mời đăng bài tuyển dụng, quảng cáo đầu tư... từ những cá nhân/tổ chức "giấu mặt".

Họ luôn hỏi thuê nhóm, thuê mặt bằng trên web, fanpage... để đăng các kiểu quảng cáo rất mơ hồ như tuyển cộng tác viên làm tại nhà, đăng bài viết kêu gọi từ thiện, tuyển việc làm ngay thu nhập cao, đầu tư sinh lời cực nhanh...

Nếu tôi đồng ý, tôi sẽ có thu nhập khá cao. Ví dụ chỉ cần phê duyệt bài đăng lên nhóm Facebook tôi có thể nhận ngay tiền triệu qua tài khoản.

Nhưng tôi từ chối vì biết rằng đó là bẫy lừa, nếu tôi đồng ý thì tôi sẽ trở thành công cụ cho kẻ giấu mặt lừa đồng bào mình.

Thật đáng buồn, nhiều người trẻ chấp nhận việc như trên là một "nghề" kiếm tiền nhanh. Trước vụ bắt 155 nghi phạm trong đường dây lừa đảo, báo chí cũng đã đăng tải nhiều vụ án về app vay tiền, phía sau đó, nhiều người trẻ trở thành công cụ cho các nhóm lừa đảo. Rồi những cuộc gọi tặng quà tri ân, đầu tư chứng khoán, hỗ trợ lấy lại tiền... đầu dây bên kia là những giọng rất trẻ.

Đằng sau những cái bẫy lừa tiền, hại đồng bào mình là người trực tiếp hoặc gián tiếp góp một tay để kẻ xấu tiếp cận cộng đồng của mình, tạo thêm "đất diễn" cho tội phạm lừa đảo.

Những lời khai từ vụ 155 người bị bắt giữ tại Lào sẽ mở ra một góc thực tế từ việc những người trẻ hưởng lợi từ việc tham gia các nhóm lừa tiền.

Thu nhập của họ có thể hơn 20 triệu đồng/tháng (và có thưởng nếu có nhiều "nạn nhân" vào tròng). Ngược lại, họ có thể bị phạt, bị trừ tiền, bị đánh... đến mức không còn đường về với chính mình như trước khi trở thành công cụ trong vòng xoáy lừa đảo.

Thức tỉnh với "việc nhẹ lương cao" - Ảnh 2.Sao lại giăng bẫy hại đồng bào mình?

Đã và đang có chuyện người Việt tiếp tay đưa đồng bào mình vào nguy hiểm, rủi ro khi bị lừa mất hết tài sản, lâm cảnh khốn cùng vì nợ nần. Vì sao những thanh niên trẻ khỏe mạnh lại chọn công việc này?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên