Thử thách sống xanh của học sinh TP.HCM

TRỌNG NHÂN 04/05/2019 04:05 GMT+7

TTCT - Trong khi lướt Facebook, tôi vô tình bắt gặp những dòng trạng thái cực kỳ dễ thương của các học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Tôi dừng lại thật lâu để đọc từng con chữ, ngắm nghía từng bức ảnh với sự trẻ trung và trong sáng của các em.

Các bạn trong CLB Sao La làm eco brick trong một buổi sinh hoạt chung. Ảnh: TRỌNG NHÂN
Các bạn trong CLB Sao La làm eco brick trong một buổi sinh hoạt chung. Ảnh: TRỌNG NHÂN

“Hôm nay ra căngtin, mình vẫn theo thói quen gọi món trà chanh Lipton yêu thích. Chị ấy cứ nhìn thấy mình là tự động hỏi: “Ly lớn như mọi khi phải không em?”. “Như mọi lần thì đúng là vậy nhưng mà hôm nay em không lấy ly lớn chị ơi, em lấy đầy bình này nhé chị!”. Và chị nhân viên vẫn vui vẻ rót đầy bình cho mình”.

“7 ngày sống xanh”

Trên đây là một trong số rất nhiều câu chuyện thú vị cùng các bức ảnh được gửi về chiến dịch “7 ngày sống xanh”, do CLB hoạt động vì môi trường Sao La của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tổ chức.

Trong chương trình, người tham gia phải “sống xanh” trong vòng 7 ngày bằng cách lần lượt thực hiện 7 thử thách, rồi đăng tải trên mạng xã hội nhằm thu hút thêm sự chú ý từ gia đình, bạn bè, thầy cô. Những thử thách gồm: ngày 1 đem theo hộp đựng khi mua đồ ăn; ngày 2 mua hàng bằng túi vải; ngày 3 mang theo bình cá nhân khi mua nước; ngày 4 ăn chay; ngày 5 tự pha nước uống; ngày 6 thu gom pin cũ; ngày 7 làm eco brick (những chai nhựa bên trong nhét thật đầy túi nilông).

Giản dị, dễ thương và trong sáng là những gì người xem dễ nhận thấy trong các chùm ảnh dự thi của học sinh. Không màu mè hay kỳ công photoshop, những bạn tham gia đơn giản chỉ thực hiện các thử thách gắn liền với cuộc sống của mình, rồi viết một vài dòng mô tả chân thật pha chút dí dỏm, hài hước đúng với lứa tuổi.

Bạn Nguyễn Kiến Phương Chi (lớp 11TH Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), phó chủ nhiệm CLB Sao La, chia sẻ nét học trò, sự chân chất nhưng tươi mới và nhiều màu sắc chính là những gì mà CLB muốn hướng tới trong các tác phẩm của chiến dịch “7 ngày sống xanh”.

“Chiến dịch sống xanh này dù chỉ kéo dài trong vòng 7 ngày nhưng học sinh có thể tiếp tục thói quen trong nhiều tháng, nhiều năm tiếp theo” - Nguyễn Trịnh Như Ý (lớp 11TH Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), phó chủ nhiệm CLB Sao La, nói.

Thu hút nhiều người tham gia

Bạn Nguyễn Hà Minh Tú (lớp 11D Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), chủ nhiệm CLB Sao La, cho hay 7 thử thách trong chiến dịch được ban chủ nhiệm cân nhắc rất kỹ về tính khả thi, đồng thời đã thử nghiệm trên 30 bạn cộng tác viên của CLB trước khi áp dụng rộng rãi. Chương trình bắt đầu từ tháng 2-2019.

Do là năm đầu tiên tổ chức, CLB đặt mục tiêu khiêm tốn chỉ 20-30 người tham gia (không tính các thành viên trong CLB). Tuy nhiên, số lượng thực tế khiến tất cả phải bất ngờ: có đến 50 bạn dự thi. “Tụi mình nghĩ sau khi những bài đầu tiên được các bạn chia sẻ trên mạng xã hội, các bạn khác thấy thú vị nên đã tham gia” - Minh Tú nói.

Bất ngờ hơn, CLB còn nhận được bài dự thi từ gần 15 học sinh ngoài trường gồm các ngôi trường nổi tiếng ở TP.HCM như THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TP.HCM, THPT Nguyễn Hữu Huân, THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Bạn Nguyễn Trịnh Như Ý hào hứng kể: “Một vài thầy cô chủ nhiệm cũng bị học sinh... “dụ” tham gia cuộc thi nữa”.

Kết thúc chiến dịch, đại diện CLB Sao La đã chấm điểm cho các bài đăng để tìm ra 1 giải nhất, 2 giải nhì và 3 giải ba. Tiêu chí bao gồm: đúng hạn, hình ảnh đẹp, câu chuyện hay và tạo được sự lan tỏa. Giải thưởng cho cuộc thi cũng rất hấp dẫn bao gồm các bộ ống hút inox, túi vải thân thiện môi trường, những chiếc vòng tay “thương hiệu” Sao La làm bằng giấy tái chế.

“Trước giờ không ít bạn cứ nghĩ bảo vệ môi trường là việc gì đó khó làm, là chuyện của người khác. Qua chiến dịch “7 ngày sống xanh”, tụi em muốn truyền đi thông điệp: những hành động rất đơn giản trong cuộc sống như đem bình cá nhân mua nước, đem túi vải mua đồ... lại có tác động tích cực tới môi trường” - Như Ý nói.

Bạn Trần Mỹ Huyền (lớp 11D Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) cho biết tham gia chiến dịch chỉ để hiểu thêm về những hoạt động nào sẽ có lợi cho môi trường, nhưng bất ngờ lại giành giải nhất chung cuộc. Huyền chia sẻ thử thách bạn nhớ nhất trong “7 ngày sống xanh” là việc tự đem nước chuẩn bị ở nhà cho ngày học ở trường mà không phải mua bên ngoài.

“Sau 7 ngày sống xanh, mình còn tìm hiểu được về việc phân loại rác, biết được những khó khăn của việc xử lý khi các loại rác lẫn lộn với nhau. Trước giờ mình toàn để chung, nhưng sau chiến dịch mình chủ động phân loại rác theo từng thùng riêng. Hiện giờ mình vẫn đem hộp đồ ăn vào lớp, mình cũng từ bỏ thói quen lấy ống hút hay bọc nilông ở căngtin rồi” - Huyền chia sẻ.

“Dư âm” chiến dịch cũng đọng lại trong suy nghĩ của nhiều bạn đã hoặc không tham gia thử thách. Như Ý cho biết trước khi thực hiện dự án, dường như chỉ có người trong CLB mới sử dụng bình nước cá nhân hoặc dùng lại ly nhựa ở căngtin, nhưng hiện giờ rất nhiều bạn trong trường sử dụng chúng. Đồng thời, nhiều thầy cô cũng mang những bình nước rất đẹp có chữ “Lê Hồng Phong” vào trường sử dụng.

“Tụi mình cũng đến căngtin trình bày chiến dịch của mình và hỏi xem các cô có thể hỗ trợ gì không. Thế là các cô trong căngtin có ý tưởng sẽ giảm 1.000 đồng cho mỗi ly nước mua bằng bình cá nhân của các bạn. Ngoài ra, nếu dùng lại ly nhựa của căngtin mua cho lần sau cũng được giảm giá” - Minh Tú kể và cho biết điều này cũng một phần giúp các bạn có động lực hơn để hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa như ly hay ống hút...

Bước đầu đạt được thành công, những thành viên trong CLB như được tiếp thêm sức mạnh để thực hiện những hoạt động khác. Tới đây, CLB sẽ tổ chức một buổi triển lãm ảnh với chủ đề ô nhiễm môi trường biển tại sân trường, trong đó điểm nhấn sẽ là một bức tượng cao 2m về một chú rùa biển đang khổ sở vì mắc vào rác thải đại dương.

“Trong hè, chúng mình sẽ bắt tay vào làm một chương trình với loạt video về môi trường ở TP.HCM, về rác thải, về bảo vệ động vật, nhất là chó mèo trong TP” - Minh Tú nói.

Những chiếc vòng tay bằng giấy được chính các bạn thực hiện để gây quỹ cho CLB Sao La.  Ảnh: TRỌNG NHÂN
Những chiếc vòng tay bằng giấy được chính các bạn thực hiện để gây quỹ cho CLB Sao La. Ảnh: TRỌNG NHÂN

Cần sự hợp tác từ nhiều phía

Ở một ngôi trường khác, hoạt động vì môi trường của mình đã cho Trần Châu Kiều Oanh và Đỗ Ngọc Uyên (cùng học lớp 12 chuyên Anh Trường trung học Thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM) những bài học quý báu.

Nhận thấy hộp xốp chiếm đa số trong rác thải hằng ngày, Oanh và Uyên nảy ra ý tưởng đưa hộp làm từ bã mía vào căngtin trường và mỗi học sinh muốn sử dụng sẽ phải trả thêm 3.000 đồng, như một cách bù lại chi phí nhập hộp từ nước ngoài.

“Hộp bã mía 100% làm từ thiên nhiên nên tốn ít thời gian phân hủy hơn. Tụi mình sau đó tổ chức các chương trình vận động các bạn sử dụng và chịu thêm một khoản nhỏ tiền để bảo vệ môi trường” - Oanh nói.

Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng thực hiện, Oanh cho biết lượng hộp bã mía bán ra chỉ 6-7 hộp/ngày, chưa thấm vào đâu so với tổng 1.000 hộp nhập về ban đầu. Cô Lê Thị Lan Anh, phó hiệu trưởng Trường trung học Thực hành, cho rằng một phần vì thói quen từ cộng đồng xung quanh còn ảnh hưởng khá lớn: các em dễ dàng mua đồ ăn bằng hộp xốp từ hàng quán bên ngoài, thuận tiện hơn nhiều so với mua hộp bã mía hay mang hộp cá nhân.

“Muốn thay đổi thói quen phải cần thời gian, vì việc sử dụng hộp xốp nhựa hiện nay rất rẻ tiền và thuận tiện” - cô Lan Anh cho biết.

Riêng Oanh, dù dự án chưa thành công nhưng giúp bạn nhận ra rằng bảo vệ môi trường muốn hiệu quả phải từ nhiều phía. Chẳng hạn hạn chế rác thải nhựa trong cuộc sống không chỉ từ người mua hàng, mà còn nằm ở việc người bán có tạo điều kiện cho các sản phẩm này hay không bởi người mua hàng cần thêm những lợi ích, như được giảm giá, để kích thích chọn các mặt hàng bảo vệ môi trường.

“Đặc biệt, nhà trường nên có nhiều hoạt động hơn để có thể giữ được “lửa” bảo vệ môi trường đến khi các hoạt động trên trở thành thói quen của học sinh” - Oanh đề xuất.■

Những tín hiệu tích cực

CLB Sao La được thành lập năm 2007 và trực thuộc Đoàn trường Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Cô Đặng Ngọc Trâm Anh, bí thư Đoàn trường, cho biết ngoài Sao La, trường còn nhiều CLB khác thường xuyên có những chương trình ý nghĩa nhằm nâng cao ý thức của học sinh trong việc bảo vệ môi trường. Trường cũng đã chủ động đặt những thùng rác cho học sinh có thể tự ý thức phân loại.

Sắp tới, CLB Công tác xã hội của trường sẽ lên kế hoạch vệ sinh cầu vượt đi bộ phía trước cổng trường một tuần một lần... Qua nhiều hoạt động, theo cô Trâm Anh, ý thức học sinh đã tiến bộ rất nhiều. “Những việc nhỏ như khi sinh hoạt tập thể trên sân trường xong biết dọn chỗ của mình, khi ăn xong biết đem rác vào đúng thùng phân loại, thậm chí khi thấy lá cây trên hành lang các em cũng chủ động dọn dẹp” - cô Trâm Anh nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận