Thư Paris: Trong mất mát, người Pháp vẫn lãng mạn và thực tế theo cách riêng

THUẬN (VIẾT TỪ PARIS, PHÁP) 20/04/2019 20:04 GMT+7

TTCT - Người ta bắt đầu tranh luận về việc tìm kiếm đá tảng và gỗ sồi, quy tụ và đào tạo gấp các thợ đẽo đá và thợ mộc chuyên làm mái có chuyên môn cao, đặc biệt có hiểu biết về tay nghề của thế kỷ 12 và 13, việc tạm trưng bày kho báu quý giá kia ở các bảo tàng lớn như Louvre...

16 pho tượng quý giá may mắn đã được dời đi trước khi vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: cbsnews.com
16 pho tượng quý giá may mắn đã được dời đi trước khi vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: cbsnews.com

Tối thứ hai, điện thoại bỗng liên tiếp báo có tin nhắn, tôi lơ mơ mở ra xem mới hay Notre-Dame de Paris đang cháy, bạn bè, độc giả chia buồn với tôi. Thời đại Internet nên người ở xa tường tận nhiều thứ hơn người sống ngay bên cạnh. Qua màn hình vô tuyến, nhìn cột khói cao ngất trên nóc nhà thờ, ngọn lửa đỏ rực cả góc trời, rọi xuống sông Seine, tôi hiểu đây là một ca khó. 

Trời mấy hôm nay không một giọt mưa, nhà thờ trông ngoài thì phong độ nhưng mái làm từ gỗ và đã xập xệ, đặc biệt là do độ cao, riêng tháp nhọn, còn gọi là tháp mũi tên, trên cùng có gà trống Gaulois biểu tượng của nước Pháp, cao 93 mét tính từ nóc.

Vừa mới đây, báo chí Pháp viết nhiều về công trường trùng tu khổng lồ đang diễn ra tại mái nhà thờ Đức Bà Paris: giàn giáo được làm từ nửa triệu ống thép mất mấy tháng mới lắp xong, tuần vừa rồi họ đã kết thúc một công việc quan trọng trong kế hoạch sửa sang làm đẹp cho địa danh đã hơn 800 tuổi, đó là lần lượt chuyển xuống mặt đất để mang đi tu sửa 16 pho tượng đồng, mỗi pho cao 3 mét và nặng 250 ký. 

Những pho tượng này vẫn được gắn xung quanh bệ của tháp nhọn, không được lau rửa kể từ đợt đại trùng tu do kiến trúc sư Viollet-le-Duc chỉ đạo vào cuối thế kỷ 19.

Ý nghĩ va chạm lanh canh khiến nỗi sợ cũng không thể đóng đinh trong đầu. Thậm chí khi đọc tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng phải sử dụng máy bay phun nước để dập lửa, tôi còn phì cười. Hàng tấn nước nặng như thế mà trút từ cao xuống thì sẽ gây ra một lực kinh khủng, không chỉ mái mà tường cũng sẽ sụp, toàn bộ bên dưới sẽ bị ngập và rối loạn, chưa kể là lụt bất ngờ sẽ gây nguy hiểm cho đường sá, tàu điện ngầm và khối dân cư xung quanh...

Đây là khu phố cổ nhất Paris, nơi đất rất hẹp người rất đông chứ không phải rừng Bắc Cali hoang vắng. Cứu được nhà thờ mà phải thí mạng dân lành thì còn gì ý nghĩa. Văn hóa, nhân văn, lịch sử, truyền thống, đức tin... chỉ là những từ ngữ khoa trương yếu ớt của nhân loại.

Tôi hình dung gánh nặng đè lên vai đội lính cứu hỏa đêm đó. 3 tiếng sau khi xảy ra tai nạn, người đội trưởng chỉ dám dè dặt phát biểu: rất cố nhưng không dám bảo đảm dập tắt đám cháy. Tin tức cập nhật từng phút khiến người ta như ngồi trên đống lửa, thật là đúng với nghĩa đen Paris lúc ấy: phút này lửa đã tiến đến 1/3 mái, phút kia lửa đang tấn công bộ xà và dầm, phút kia nữa mái nhọn mũi tên vừa đổ, phút tiếp theo gác chuông bắc đã nguy kịch lắm rồi, gác chuông nam sắp làm mồi cho bà hỏa...

Nhưng sống ở đây, chứng kiến nhiều sự kiện không kém nguy kịch, như loạt hành động khủng bố của Hồi giáo cực đoan vài năm trước, tôi hiểu cái cách người Pháp chọn để đối đầu với hoạn nạn. Hơn nữa, đó là một nền văn hóa rất có ý thức trong việc giữ gìn di sản, có kinh nghiệm trong ngành phục chế. 

Tôi nhớ lại chuyện thành phố Saint Malo xinh đẹp nghe nói đã được tu sửa hoàn toàn sau khi bị biến thành gạch đá bởi các trận ném bom cuối Thế chiến 2, trong đó có thánh đường Saint Vincent nổi tiếng và nhiều di tích lịch sử.

Ngay trong đêm thứ hai đã có lời kêu gọi quyên góp cho Notre-Dame de Paris. Sáng hôm sau đã nhận được lời hứa khoảng 300 triệu euro từ hai gia đình tỉ phú Arnault và Pinault. Đó là mặt nổi của giới showbiz. Những công dân vô danh, không giàu, thậm chí mới đây còn tham gia phong trào “áo vàng” biểu tình đòi chính phủ giảm thuế, tăng thu nhập, nhưng đã được giáo dục từ nhỏ về tinh thần từ thiện, đã ủng hộ một cách âm thầm.

Khi biết tin cuối, rằng tháp mũi tên bị đổ, 2/3 mái bị sập, khu hậu bị phá hủy nặng nhưng cấu trúc chung, mặt tiền, hai tháp chuông và những gì được coi như quý giá nhất như tranh, tượng, thánh tích và 2 cây đàn orgues... đã được cứu thoát, người Pháp nói ngay về phục dựng. Notre-Dame de Paris sẽ như thế nào trong năm, mười năm tới, có lẽ là câu hỏi không khó trả lời, nhưng đằng sau đó, ai cũng hiểu là khối lượng công sức khổng lồ sẽ phải bỏ ra. 

Người ta bắt đầu tranh luận về việc tìm kiếm đá tảng và gỗ sồi, quy tụ và đào tạo gấp các thợ đẽo đá và thợ mộc chuyên làm mái có chuyên môn cao, đặc biệt có hiểu biết về tay nghề của thế kỷ 12 và 13, việc tạm trưng bày kho báu quý giá kia ở các bảo tàng lớn như Louvre...

Người Pháp là như thế, luôn thực tế và cũng lãng mạn theo cách riêng của mình, ngay cả trong những giờ khắc gian truân nhất.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận