Thử nghiệm, hỏng hóc & không ai chịu trách nhiệm

VĨNH HÀ 25/12/2020 23:45 GMT+7

TTCT - Một bảng tổng kết về trách nhiệm và hậu quả, cho vấn đề giáo dục quan trọng nhất trong năm khi bắt đầu thực hiện chính sách “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”.

Sự kiện lớn nhất của ngành giáo dục trong năm 2020 là việc bắt đầu thực hiện chính sách “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK)” sau nhiều năm chuẩn bị. Trước khi bước vào năm học mới, các trường tiểu học trên cả nước được quyền chọn 1 trong 5 bộ SGK cho học sinh lớp 1. Những tưởng sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực cải cách giáo dục, cuối cùng lại thấy 5 bộ sách đều có nhiều sai sót. Năm nay cũng là năm đầu tiên có SGK biên soạn, xuất bản theo hình thức xã hội hóa.

“Sự cố Cánh diều”

“Cánh diều” (tên 1 trong 5 bộ SGK) trở nên đặc biệt bởi đấy là bộ sách duy nhất không phải của NXB Giáo Dục Việt Nam - đơn vị giữ thế độc quyền xuất bản SGK đã từ rất, rất lâu.

Không chỉ ngay lập tức chiếm gần 30% thị phần cung ứng SGK lớp 1, bộ Cánh diều còn có những lợi thế cạnh tranh riêng: 2/3 số tổng chủ biên, chủ biên bộ sách này trước đó đã được Bộ GD-ĐT mời tham gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới). Ông Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 đồng thời là tổng chủ biên SGK Tiếng Việt của nhóm này, còn khẳng định một ưu thế khác: SGK Tiếng Việt 1 rất dễ dạy do không thay đổi quá nhiều so với sách hiện hành, giáo viên không qua tập huấn cũng dạy được.

“Cánh diều” tưởng cứ thế bay lên, nhưng gặp ngay sự cố. Từ một số ý kiến của phụ huynh phàn nàn về ngữ liệu trong sách Tiếng Việt 1 của Cánh diều, làn sóng bức xúc, phản ứng với bộ sách này mạnh lên như cơn bão. Một loạt bài trong sách Tiếng Việt của Cánh diều bị cho là phản cảm, thiếu tính giáo dục, không chuẩn về từ ngữ, ngô nghê và thiếu cảm xúc.

Không dừng ở phản ánh của giáo viên, phụ huynh, “sự cố Cánh diều” cũng gây tranh luận dữ dội trong giới chuyên gia. Có những phản biện thẳng thừng. PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt - viện trưởng Viện Ngôn ngữ và văn hóa phương Đông, nguyên chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội - thậm chí cho rằng những nội dung được cho là chưa phù hợp, hay “sạn” của sách phải được gọi đúng là những lỗi sai cơ bản cả về phương pháp biên soạn, ngữ liệu, tri thức về ngôn ngữ học, về mục đích dạy tiếng Việt. Muốn dùng để dạy phải biên soạn lại, không thể sửa chữa kiểu chắp vá.

Tất nhiên vẫn có những ý kiến cảm thông từ phía giáo viên. Cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho rằng ngữ liệu của sách Cánh diều đảm bảo được những yêu cầu cơ bản về nhận biết, luyện nghe - nói - đọc - viết các âm, vần, tiếng... cho trẻ lớp 1 với dung lượng phù hợp, góp phần phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết cho học trò. Nhưng những ý kiến này lạc dòng trong sự bức xúc chung lâu nay của xã hội đối với vấn đề giáo dục.

Dưới áp lực dư luận, Bộ GD-ĐT yêu cầu cả nhóm tác giả biên soạn và hội đồng thẩm định môn tiếng Việt lớp 1 thay đổi, bổ sung ngữ liệu mới, sửa chữa một số từ, ngữ trong sách bằng một tài liệu in bổ sung cấp miễn phí cho học sinh đang chọn học sách này. Một lần nữa, tài liệu điều chỉnh, bổ sung gây ra cơn bực mình thứ hai trong dư luận, vấp phải vô số ý kiến phản đối. Sau cùng, người ta có một ấn tượng rằng bộ sách như vậy là thất bại.

Dư luận không thể không nhớ lại những chuyện ầm ĩ trước đó. SGK Tiếng Việt của nhóm Cánh diều từng có 100% thành viên hội đồng thẩm định bỏ phiếu “đạt” ngay từ vòng đầu, trong khi các bộ sách khác bị yêu cầu chỉnh sửa lên xuống. Và đỉnh điểm là việc đánh trượt SGK Tiếng Việt Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên cũng ngay từ vòng đầu.

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mới bộ Cánh Diều. Ảnh: Quang Định

Hồi hai của bi kịch

Cơn bối rối chỉnh sửa bổ sung chưa xong, hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 2 nhồi thêm một huyên náo mới: họ bất ngờ loại hoàn toàn các bản mẫu đăng ký. Môn tiếng Việt lớp 2 là môn duy nhất chưa có SGK lớp 2, dù đã có 3 bản mẫu gửi thẩm định.

Để hình dung được những bất lợi của vụ này, cần nhớ là sau kế hoạch duyệt sách là vô số việc: các địa phương chọn sách, tập huấn sử dụng sách, chuẩn bị kế hoạch in, phát hành. Tất cả phải đảm bảo kịp thực hiện trong năm học tới.

Chẳng ai thực sự rõ lý do loại tất cả các bản mẫu sách Tiếng Việt lớp 2 do sách biên soạn còn nhiều lỗi, hay do dư âm của “sự cố Cánh diều” khiến hội đồng thẩm định chịu áp lực? Sau “sự cố Cánh diều”, lãnh đạo Bộ GD-DT siết chặt việc thẩm định. Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt 2 có khá nhiều thành viên từng thẩm định sách lớp 1 nên cũng không đứng ngoài được cơn bão dư luận. Đặc biệt, chủ tịch hội đồng thẩm định môn này là GS Trần Đình Sử phải thay giữa chừng càng khiến những người ở lại hội đồng chịu áp lực lớn.

Theo nguồn tin của TTCT, các bản mẫu sách lớp 2 cũng nhiều “sạn” và là điều chủ yếu dẫn tới việc sách bị loại ở đợt thẩm định đầu. Tới đây, lại thấy “sự cố Cánh diều” có chút ít công lao bởi nếu không, biết đâu những “hạt sạn” vẫn bị lọt vì sự nể nang, chủ quan - điều mà hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt lớp 1 đã phải thừa nhận khi phải giải thích về “sự cố Cánh diều”.

Và rồi không chỉ Cánh diều chao đảo, NXB Giáo Dục VN cũng gây bất ngờ khi gửi kết quả rà soát cho Bộ GD-ĐT đề xuất chỉnh sửa ở hàng chục trang sách. Nhiều nhất vẫn ở SGK Tiếng Việt, trong đó có bộ sách phải sửa ở 37 trang, có sách phải sửa ở 24 trang là những chỉnh sửa ngữ liệu, cắt bớt từ ngữ, thay từ khó, giảm yêu cầu để phù hợp với học sinh... Sửa có dễ không? Hẳn là không, nên chủ tịch hội đồng thành viên NXB Giáo Dục Nguyễn Đức Thái mới xin bộ được chỉnh sửa trong lần tái bản các bản mẫu SGK sắp tới để phục vụ năm học 2021-2022. Bộ GD-ĐT đã từ chối, yêu cầu phải thực hiện điều chỉnh ngay trong năm học này.

Như vậy, lần đầu tiên thực hiện sách SGK xã hội hóa cũng là lần đầu xảy ra tình trạng SGK phải sửa ngay khi mới đưa vào sử dụng vài tháng, giữa năm học. Thế lưỡng nan là: chờ tái bản thì học sinh lớp 1 năm nay phải học hoàn toàn với các sản phẩm lỗi, nhưng sửa ngay cũng đau đầu vì SGK được lựa chọn theo từng trường. Và sửa chữa như đề xuất sẽ khiến các bộ SGK lớp 1 năm nay khó mà sử dụng vào năm sau.

Với những giải thích, trần tình của bộ rằng lắng nghe và tiếp thu để sửa SGK là điều bình thường, rằng với chương trình mở thì giáo viên có quyền chủ động lựa chọn, sử dụng tài liệu dạy học để phù hợp điều kiện địa phương, đối tượng học sinh... nhiều chuyên gia vẫn gọi đấy là sự bao biện. Bởi SGK vẫn là tài liệu cần chuẩn chỉ, đảm bảo tính khoa học, sư phạm và ổn định lâu dài, không thể sáng đúng chiều sai, ngày mai lại sửa.

 Minh họa

Bài học vỡ lòng về quy trình và trách nhiệm?

Tựu trung, câu chuyện của SGK như đã thấy chính là câu chuyện mang đầy tính chất vấn. Chất vấn về sự nể nang của hội đồng thẩm định - nơi được kỳ vọng sẽ đặt những tiêu chí khách quan và khoa học lên hàng đầu. Và là nơi đã không thể hiện thẩm quyền phê duyệt của mình một cách tận tụy khi có những lỗi sai bị phát hiện - yêu cầu sửa - không sửa - vẫn biểu quyết thông qua ở mức tối đa. Nhiều sạn và điểm không hợp lý ở sách của các bộ khác cũng chỉ được phát hiện sau khi rà soát, chứ không phải do hội đồng thẩm định.

SGK lớp 1 đưa vào sử dụng bị kêu nặng với nhiều bài có dung lượng kiến thức lớn và yêu cầu quá cao với học sinh. Chính NXB Giáo Dục VN cũng thừa nhận và xác định cần “giảm yêu cầu”, “cắt bớt hoặc thay thế ngữ liệu”... Điều này cho thấy sự bất ổn từ khâu biên soạn, thực nghiệm.

Người ta không thấy được vai trò giám sát của Bộ GD-ĐT trong toàn bộ sự cố lớn nhất năm này. Việc giám sát quy trình biên soạn, trong đó có thực nghiệm của các đơn vị xuất bản SGK chỉ được làm trên giấy (qua kiểm tra hồ sơ các bộ SGK gửi thẩm định) mà không có biện pháp giám sát thực tế. Khâu tập huấn sử dụng SGK giao phó hoàn toàn cho đơn vị xuất bản sách và địa phương, dẫn tới có đơn vị làm qua loa, “giới thiệu cái hay, cái tốt” thì nhiều, nhưng sử dụng SGK ra sao cho hiệu quả và phù hợp từng đối tượng, điều kiện của học sinh lại không thấy nói.

Sau cùng, nhưng quan trọng, là thiếu vắng một hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ cho SGK được xã hội hóa. Giá của SGK là một ví dụ, với cuộc “đấu” giữa những đề xuất đưa vào danh mục Nhà nước định giá và sự phản đối của các đơn vị xuất bản.

Chừng ấy bài học của một năm triển khai SGK xã hội hóa liệu có đủ để thúc đẩy một quy trình đúng đắn, minh bạch và khoa học hơn từ nay về sau? Để làm cho đúng ở các khâu biên soạn, thẩm định, thực nghiệm và tập huấn giáo viên? Để chuyện xã hội hóa biên soạn và xuất bản SGK tường minh và sát thực tiễn, không có đất cho sự cạnh tranh thiếu lành mạnh? Và để xã hội có được chút an tâm về điều gọi là “chất lượng giáo dục” mà họ khao khát, đòi hỏi lâu nay?■

Trước khi thực hiện chính sách “một chương trình, nhiều bộ SGK”, Bộ GD-ĐT đã cam kết sẽ có những chốt chặn để bảo đảm SGK không sai sót, được biên soạn đúng chuẩn mực. Chốt chặn quan trọng nhất là Hội đồng quốc gia thẩm định SGK có nhiệm vụ rà soát từng cuốn SGK theo các tiêu chí đánh giá do Bộ GD-ĐT ban hành.

Vậy mà cả 5 bộ SGK lần đầu tiên được biên soạn theo phương thức “xã hội hóa” xảy ra nhiều sai sót đến thế nhưng lại không có một ai đứng ra nhận trách nhiệm đầy đủ, từ các tác giả, nhóm biên soạn đến nhà xuất bản, hội đồng thẩm định và cuối cùng là bộ trưởng Bộ GD-ĐT - người ký duyệt cho phép sử dụng SGK. Cho đến giờ, không ai phân tích cho cặn kẽ vì sao để xảy ra những sai sót này.

Việc đòi hỏi một sự phân tích thấu đáo như thế không phải nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận, mà để tìm con đường khắc phục sai sót cho các bộ sách đã ra đời, ngăn ngừa sai sót ở các bộ sách khác sẽ dồn dập ra đời trong nay mai. Không có sự nhìn nhận thấu đáo thì vẫn sẽ còn cách sửa sai chắp vá, không giải quyết triệt để những khiếm khuyết và sai sót của SGK.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận