Thu hút chuyên gia nước ngoài: ​Tạo một môi trường làm việc thật

NGUYỄN VĂN TUẤN 09/12/2014 15:12 GMT+7

TTCT - Bộ Khoa học và công nghệ đang có dự án thu hút các chuyên gia khoa học công nghệ từ nước ngoài. Đây là một chủ trương hợp lý trong quá trình hội nhập quốc tế. Nhưng một số khó khăn có thể thấy trước được.

Giáo sư Trần Thanh Vân (giữa) đã tổ chức thành công hội nghị Gặp gỡ Việt Nam hằng năm tại Quy Nhơn, thu hút nhiều chuyên gia thế giới và Việt Nam. Nhưng để họ có thể làm việc lâu dài,  cần một môi trường khoa học thật sự - Ảnh: Trường Đăng
Giáo sư Trần Thanh Vân (giữa) đã tổ chức thành công hội nghị Gặp gỡ Việt Nam hằng năm tại Quy Nhơn, thu hút nhiều chuyên gia thế giới và Việt Nam. Nhưng để họ có thể làm việc lâu dài, cần một môi trường khoa học thật sự - Ảnh: Trường Đăng

Đọc lý lịch khoa học của các nhà khoa học được trao giải thưởng Nobel năm nay, chúng ta dễ dàng thấy họ là những “người quốc tế”. Có nhiều người “lưu lạc” cả chục năm trước khi quay về “cố quốc”, nhưng cũng có người không quay về nước. 

Bài học từ nước ngoài 

Tiêu biểu cho trường hợp hồi hương và có đóng góp quan trọng là bà May-Britt Moser, một trong ba người được trao giải Nobel y sinh học năm nay. Sau khi xong chương trình tiến sĩ ở Na Uy, bà sang làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ ở Anh, và trong thời gian này bà đã định hướng cho các nghiên cứu tương lai.

Bà quyết định quay về Na Uy, và với sự hỗ trợ của trường đại học, bà thành lập một phòng nghiên cứu (lab) và nghiên cứu về thần kinh. Trong thời gian ở Na Uy, bà và chồng đã phát hiện các tế bào định vị dẫn đến giải Nobel, đem lại vinh quang cho khoa học Na Uy. 

Một trường hợp “quy cố hương” khác là giáo sư Peter Doherty. Ông là người gốc Úc, nhưng là công dân Mỹ, được trao giải Nobel y sinh học năm 1996. Sau khi tốt nghiệp cử nhân về thú y, ông sang Anh theo học chương trình tiến sĩ.

Xong tiến sĩ, ông quay về Úc làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ và ở đây ông làm những nghiên cứu sau này được trao giải Nobel. Sau thời gian hậu tiến sĩ, ông được một đại học Mỹ bổ nhiệm chức danh giáo sư và đứng đầu một lab. Sau khi được trao giải Nobel, ông được Chính phủ Úc mời về Úc lại. 

Những trường hợp trên cho thấy nghiên cứu khoa học là một hoạt động mang tính quốc tế. Bất cứ ai trên thế giới đều có ý tưởng và có thể dấn thân vào việc thực hiện ý tưởng đó. 

Thật vậy, vấn đề quan trọng nhất trong khoa học vẫn là con người và ý tưởng. Ý tưởng thường xuất phát từ các nhà nghiên cứu độc lập (thuật ngữ tiếng Anh là PI - Principal Investigator). Trong nghiên cứu khoa học, các nhà nghiên cứu độc lập đóng vai trò rất quan trọng. Đó là những người có định hướng nghiên cứu, có tên tuổi trên trường quốc tế, và có khả năng điều hành một lab.

Việt Nam có lẽ cần thu hút những người cấp này, chứ không đơn thuần là các nhà nghiên cứu trẻ cấp tiến sĩ hay hậu tiến sĩ như Chính phủ tuyên bố. Một khi đã có PI thì việc thu hút nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ mới có hiệu quả. 

- 72% giám đốc các lab nghiên cứu trọng điểm cấp quốc gia Trung Quốc là do các chuyên gia Hoa kiều hồi hương đảm trách.

- Tính đến năm 2010, gần 40% giáo sư và nhà khoa học trong các đại học Hàn Quốc là Hàn kiều hồi hương hoặc từng du học. 

Khó khăn thấy trước 

Việc thu hút các nhà khoa học nước ngoài hay gốc Việt có thể gặp phải vài trở ngại có thể thấy trước được. Những khó khăn này có thể kể đến là vấn đề cạnh tranh quốc tế, ổn định sự nghiệp, và nhất là vấn đề lương bổng.  

Các nhà khoa học có tài thường được khắp nơi chào đón và rất khó thu hút họ. Trong môi trường cạnh tranh ác liệt hiện nay giữa các đại học trên thế giới, trường nào cũng muốn tuyển những nhà khoa học đẳng cấp quốc tế, những người mà họ nghĩ sẽ góp phần tạo tên tuổi cho trường đại học.

Viện nghiên cứu nơi tôi đang làm việc năm nào cũng có kế hoạch “chiêu dụ” các nhà khoa học đang lên hay nhà khoa học xuất sắc khắp thế giới. Có những nhà khoa học chúng tôi đã gần hoàn tất thủ tục tuyển dụng thì địa phương lại cho thêm đặc quyền và đặc lợi, và thế là chúng tôi đành bỏ cuộc…  

Đối với các nhà khoa học người Việt ở hải ngoại, Việt Nam có một lợi thế: đó là tình cảm quê hương. Nếu có lựa chọn giữa các nước, ví dụ như giữa Singapore và Việt Nam, tôi đoán phần lớn nhà khoa học Việt Nam sẽ chọn Việt Nam dù Singapore có thể trả lương cao hơn Việt Nam. 

Đối với những người đã có sự nghiệp ổn định, đã gầy dựng một cơ sở vật chất vững vàng, họ rất ngại chuyển sang một nước khác. Đối với các nhà khoa học loại này, việc di chuyển lab sang một nước khác là một thách thức rất lớn. Vấn đề không phải chỉ là cá nhân họ và gia đình, thông thường họ còn phải chuyển cả các nghiên cứu sinh, các phụ tá lab và chuyên gia đi cùng. 

Đồng lương luôn là một yếu tố quan trọng. Dù yêu nước đến lý tưởng cỡ nào, người ta vẫn phải sống với thực tế, và thực tế bị chi phối bởi “cơm áo gạo tiền”. Một nhà khoa học không chỉ cần có đồng lương đủ sống, mà còn phải đủ để tích lũy cho tương lai. Một giáo sư (full professor) ở các nước phương Tây thường có lương từ 15.000-20.000 USD/tháng (tùy ngành và chức vụ), chưa kể đến một số phụ cấp riêng cho một số ngành. 

Môi trường làm việc luôn là một yếu tố quan trọng. Ở Việt Nam, đã có nhiều tiến sĩ được đào tạo từ nước ngoài về không có được cơ hội để theo đuổi sự nghiệp khoa học, chưa nói đến cơ hội phát huy nghề nghiệp. Hệ quả là có nhiều tiến sĩ phải sống vất vưởng ngay trên quê nhà mình, và họ phải tìm đường đi nước ngoài.

Có nhiều lý do cho tình trạng này, nhưng tựu trung vẫn là thiếu cơ sở vật chất và văn hóa. Ai cũng biết cơ sở vật chất dành cho nghiên cứu khoa học ở Việt Nam còn rất kém, chưa đáp ứng cho những nghiên cứu chuyên sâu. Có nơi có cơ sở vật chất tốt nhưng lại bị tình trạng “đắp chiếu”. Nhưng đáng sợ hơn có lẽ là yếu tố văn hóa, tương tác giữa người với người.

Việt Nam dĩ nhiên có những giá trị văn hóa đặc thù, đang trong quá trình hội nhập thế giới. Trong điều kiện bình thường, các nhà khoa học nước ngoài được chào đón và tạo điều kiện để nghiên cứu tốt, nhưng ở cấp quan hệ cá nhân, người Việt thường có tính đố kỵ, ganh tị dẫn đến tình trạng bất hợp tác. Không một nhà khoa học có tài nào có thể “sống” nổi trong một môi trường như thế. 

 Trong bối cảnh quốc tế và toàn cầu hóa, địa điểm mà nhà khoa học làm nghiên cứu có lẽ không quan trọng bằng bản thân nhà khoa học. Dù là ở Việt Nam hay châu Âu, với phương tiện có sẵn, ai cũng có thể làm nghiên cứu về hệ gen và bệnh tật. Cái khác biệt có lẽ là uy tín và kinh nghiệm của nhà khoa học. 

Một vài gợi ý  

Theo tôi, việc thu hút các nhà khoa học nước ngoài, kể cả kiều bào, về làm việc ở Việt Nam là một chính sách đúng. Trong quá khứ đã có vài chương trình như thế, nhưng mức độ thành công còn quá thấp.

Có nhiều lý do cho tình trạng đó, kể cả cơ chế làm việc chưa được xác định cụ thể và rõ ràng, cơ sở vật chất còn hạn chế, đồng lương chưa đủ hấp dẫn để thu hút kiều bào. Lần này, dự án thu hút các chuyên gia khoa học công nghệ từ nước ngoài có nhiều điểm mới tích cực hơn các chương trình cũ. 

Tôi nghĩ rất khó để Bộ Khoa học và công nghệ đề ra những chi tiết cụ thể cho tất cả trường hợp. Bộ chỉ nên tạo ra cái khung chính sách chung, còn chi tiết về hợp đồng làm việc và lương bổng nên để cho trường đại học hay viện nghiên cứu phụ trách.

Lý do là mỗi chuyên ngành khoa học đòi hỏi những chi tiết cụ thể khác nhau, và không thể nào có một bộ tiêu chuẩn hay quy định cho tất cả các ngành khoa học. Là người đã có lab nghiên cứu ở nước ngoài và Việt Nam, tôi nghĩ đến những yếu tố sau đây để đảm bảo thành công:

Thứ nhất là sẵn sàng đầu tư cho việc thành lập lab nghiên cứu. Một nhà khoa học độc lập cấp PI mà không có lab nghiên cứu thì coi như chẳng có đất dụng võ. Nhưng để thành lập một lab mới đòi hỏi thời gian, tiền bạc, cơ sở vật chất và nhân sự.

Do đó, điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất là trường đại học hay viện nghiên cứu phải có hành động cụ thể hỗ trợ thành lập lab. Dĩ nhiên, việc thành lập không phải một sớm một chiều là xong, do đó cần phải cho họ thời gian cần thiết (ít nhất là một năm, thậm chí lâu hơn trong điều kiện ở Việt Nam). 

Thứ hai là trao quyền độc lập cho nhà khoa học. Tôi đề nghị giảm can thiệp vào sự điều hành của lab đến mức tối thiểu. Thay vào đó là trao quyền tự quản tài chính, quyền tuyển dụng nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ và phụ tá cho người đứng đầu lab.

Thứ ba là đồng lương hợp lý.  Dĩ nhiên, ai cũng biết Việt Nam không thể đủ khả năng trả lương cho các nhà khoa học hàng đầu như ở các nước tiên tiến. Mặt khác, các thành phố lớn của Việt Nam như TP.HCM và Hà Nội có cuộc sống rất đắt đỏ chẳng kém gì các nước tiên tiến, đó là chưa nói đến môi trường sống vẫn còn rất thấp.

Do đó, vấn đề lương bổng trở nên khó khăn vì phải quân bình giữa khả năng trả lương và cuộc sống ổn định của nhà khoa học. Một nhà khoa học cấp PI, từng đứng đầu một lab nghiên cứu ở nước ngoài và có tiếng trên trường quốc tế, khó có thể chấp nhận mức lương dưới 5.000 USD/tháng.

Đối với nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ, mức lương từ 1.500-2.500 USD/tháng là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, đây là vấn đề mà trường đại học phải thương lượng với nhà khoa học. 

Những yếu tố trên có lẽ chưa đầy đủ, nhưng là những yếu tố chính cho sự thành công trong việc chuyển lab nghiên cứu, vốn là một quyết định lớn đối với nhà khoa học vì có thể ảnh hưởng đến tương lai của nhà khoa học. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận