Thử định giá thiên nhiên

PHAN BẢO 22/11/2021 18:05 GMT+7

TTCT - Chúng ta vẫn nói thiên nhiên, hệ sinh thái, đa dạng sinh học cực kỳ có giá trị, nhưng cụ thể là bao nhiêu? Các nhà khoa học đang thử đưa ra “mức giá” cho sự hữu ích mà thiên nhiên mang lại cho đời sống con người.

 
 Một con đười ươi ở Bornea. Ảnh: Flickr/sunriseOdyssey

Bảo tồn Borneo: kiếm được nhiều hơn phá đi trồng cọ

Borneo - hòn đảo lớn nhất châu Á - là nơi mà nay vẫn còn một trong số những khu rừng nguyên sinh cuối cùng ở Đông Nam Á. Đây là một điểm nóng đa dạng sinh học, nơi du khách vẫn có thể đi bộ qua những khu rừng cổ và hang động thời tiền sử. Thậm chí ngày nay, vô số loài mới và kỳ lạ vẫn được phát hiện trên đảo này.

Theo tạp chí Forbes, Trung tâm đa dạng sinh học Sarawak (SBC) đã thành lập một thư viện tài nguyên thiên nhiên bao gồm hơn 25.000 chiết xuất từ thực vật và 29.000 chiết xuất khác từ vi khuẩn trên đảo Borneo và chia sẻ nguồn tài nguyên này với các nhà khoa học và đối tác trên toàn thế giới. Trong số đó có silvestrol, một hợp chất chống ung thư và kháng virus được chiết xuất từ cây Borneo’s Aglaia stellatopilosa. Tiềm năng của chất này là rất lớn bởi các loại thuốc điều trị ung thư có giá trị lên tới 6,49 tỉ đôla.

SBC cũng đang hợp tác với Tập đoàn Mitsubishi và Tập đoàn CHITOSE để nuôi trồng vi tảo trên đảo Borneo. Đây là sinh vật đơn bào sống bằng năng lượng mặt trời, có thể sử dụng làm thức ăn gia súc, có khả năng sản xuất đường và dầu với số lượng đủ để làm nhiên liệu và hóa chất công nghiệp.

SBC cũng đang tiên phong kết hợp các cộng đồng địa phương để khám phá những ứng dụng mới của đa dạng sinh học trên đảo. Dựa trên kiến thức truyền thống của các cộng đồng bản địa, các nghiên cứu khoa học đã tìm thấy giá trị đa dạng sinh học của Borneo ở cấp độ phân tử.

Forbes nhận định: bảo tồn các khu rừng hiện có ở Borneo là điều cần thiết để tìm ra các loài độc đáo không chỉ có giá trị kinh tế lớn mà còn có tác động đáng kinh ngạc đến sức khỏe và hạnh phúc của con người. Những giá trị này vượt xa thứ mà các đồn điền dầu cọ - trồng trên đất rừng bị phá - mang đến.

 
 Ảnh: Shutterstock

Định giá thế nào?

Hình thức định giá thiên nhiên phổ biến nhất có lẽ là chuyện quy phát thải carbon ra tiền để hành khách chọn trả thêm vào giá vé, nhằm bù đắp lượng khí thải khi đi máy bay. Nhưng không dễ để định giá những “dịch vụ hệ sinh thái” như rừng cung cấp nhà cửa, thực phẩm và tài nguyên cho con người và động vật hay cây cối giúp giảm ô nhiễm không khí, giảm nguy cơ lũ lụt và duy trì chất lượng đất... Gỗ đốn từ rừng có thể quy ra giá trị thị trường nhưng đặt giá cho quá trình bảo vệ chúng để giảm nguy cơ lũ lụt tàn phá ở một thị trấn địa phương thì thường không thể.

Năm 1989, nhãn hiệu nước đóng chai Vittel, hiện thuộc sở hữu của Tập đoàn Nestle, trả tiền cho nông dân sống ở thượng nguồn nguồn nước của công ty để đảm bảo nước trong tầng ngậm nước luôn sạch. Ngày nay, nhiều tổ chức, trong đó có The Lifescape Project, cho rằng việc đặt giá cho các dịch vụ hệ sinh thái như Nestle đã làm cần được phổ biến.

“[Việc đặt giá cho các dịch vụ hệ sinh thái] là một công cụ thực sự mạnh mẽ để đàm phán với những người ra quyết định và hoạch định chính sách, cũng như giải thích cho họ hiểu những gì họ đang làm thực sự có tác động kinh tế tiêu cực trực tiếp, ngay cả khi điều đó khó nhận thấy” - Adam Eagle, giám đốc điều hành của Tổ chức The Lifescape Project, nói với BBC.

Từ cảm hứng của dự án Vittel, The Lifescape Project cùng với Công ty cơ sở hạ tầng AECOM và các chủ đất địa phương khởi xướng dự án Natural Capital Laboratory (NCL) năm 2019, nhằm tính toán chính xác số tiền mà con người thu được từ việc phục hồi thiên nhiên.

Nằm ngay giữa Birchfield, một khu rừng thương mại lâu đời nằm ẩn mình trong cao nguyên Scotland, NCL là một dự án tái hoang dã khác biệt rộng 40ha. Ở đó, máy bay không người lái bay trên cao để theo dõi mức độ và tình trạng của các môi trường sống khác nhau bên dưới, từ rừng cây bị đốn hạ gần đây cho đến một đầm lầy than bùn mới được phát hiện. Dưới mặt đất, bẫy ảnh và thiết bị ghi âm ghi lại bằng chứng về sự đa dạng của các loài sinh vật sống trên cạn. Song song việc theo dõi những biến đổi đó, các nhà nghiên cứu cũng đang bận rộn.

Các nhà nghiên cứu của NCL đang cố tìm cách xác định giá trị tài chính của những dịch vụ hệ sinh thái, bằng cách ghi nhận và phân tích những thay đổi về sinh thái và đa dạng sinh học tại rừng Birchfield khi nó trải qua quá trình tái hoang dã. Hiện tại, dự án chỉ mới theo dõi mực nước của các đầm lầy trong khu rừng để vạch ra cơ sở cho việc đặt giá và dự định sẽ thực hiện vài cuộc kiểm tra để chỉ ra sự khác biệt sau khi thực hiện các hoạt động tái hoang dã trong những năm tới. Từ đó, họ sẽ có thể tính ra lợi nhuận ròng của việc khôi phục các đầm lầy than bùn dựa trên tác động giảm thiểu lũ lụt, chất lượng nước và lưu trữ carbon.

Dự án còn bao gồm việc thiết kế một công cụ hạch toán vốn tự nhiên để theo dõi các môi trường sống và các loài hiện có cũng như giá trị tiền tệ của các dịch vụ hệ sinh thái mà chúng cung cấp. Vào cuối năm đầu tiên, ước tính lợi ích điều tiết khí hậu của dự án đạt giá trị hằng năm lên đến 20.710 đôla, tiếp theo là quy định chất lượng không khí 8.100 đôla và điều tiết lũ lụt 6.100 đôla.

Năm 2019, Na Uy cam kết trả 150 triệu USD cho Gabon để quốc gia này bảo vệ rừng, vốn bao phủ hầu hết lãnh thổ, theo Sáng kiến Rừng Trung Phi (CAFI) do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn. Sau khi có đánh giá độc lập về tỉ lệ phá rừng từ năm 2016 - 2017, Gabon đã nhận khoản chi đầu tiên 17 triệu USD. Tương tự, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên The Nature Conservancy đã trả khoản nợ quốc gia gần 22 triệu đôla giúp Seychelles để đổi lấy việc bảo vệ các vùng đầm lầy nước lợ của đảo quốc Đông Phi này. Các đầm lầy này là một môi trường sống giống như một bể chứa carbon lớn và là nơi cư trú của các loài nguy cấp, bao gồm cả đồi mồi, rùa biển và cá nhám búa. 

Coi chừng phản tác dụng

Theo giáo sư về tính bền vững và quy hoạch đô thị Sarah Bekessy, trưởng nhóm nghiên cứu khoa học bảo tồn liên ngành tại Đại học RMIT (Melbourne, Úc), việc nhìn các đa dạng sinh học qua lăng kính dịch vụ hệ sinh thái có thể bỏ qua nhiều mảng tự nhiên quan trọng, chẳng hạn những gì còn sót lại từ việc dọn đất làm nông nghiệp. Theo Bekessy, một mảnh đất nhỏ bé và xơ xác vẫn có nhiều giá trị về đa dạng sinh học, song thường bị bỏ qua vì kích thước và tình trạng của chúng trông không có vẻ gì là “có giá”.

Chính Adam Eagle của The Lifescape Project cũng nhận xét rằng mặc dù dịch vụ hệ sinh thái là một khái niệm hữu ích, nó lại không bao quát được tất cả giá trị trong thế giới tự nhiên. “Tất cả không chỉ tính theo bảng Anh, theo xu hay đôla. Có một cái gì đó vô hình mà chúng ta đang thiếu” - anh nhận định.

Bekessy còn cho rằng chăm chăm định giá thiên nhiên có mặt trái của nó: ta cứ xem các hệ sinh thái là nơi trữ carbon mà quên mất chúng là những hệ thống phức tạp. Nếu ta chặt một cái cây trước nhà và trồng một cây ở nơi khác, sẽ đạt mục tiêu trung hòa phát thải carbon, nhưng đổi lại là sự mất mát mỗi khi bước chân ra khỏi nhà. Phong trào bù đắp carbon có thể dẫn đến việc đổ xô lấy đất trồng rừng, tưởng là tốt nhưng vô hình xóa đi những đặc tính đa dạng sinh học có giá trị nhưng ít được chú ý kể trên. 

Mặt khác, thị trường trao đổi tín dụng carbon có thể ảnh hưởng đến các cộng đồng bản địa có liên quan. Theo Alain Frechette, giám đốc phân tích chiến lược và gắn kết toàn cầu của Tổ chức phi chính phủ Rights and Resources Initiative (RRI), khi các quốc gia xác định và thiết kế các khu vực để thực hiện các nghiên cứu về giảm phát thải hay đánh giá tiềm năng chống biến đổi khí hậu, họ quên tính đến những con người đã và đang sinh sống ở đó hàng chục, hàng trăm năm, vì thế có thể ảnh hưởng sinh kế của họ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận