Thời trang của dân ăn đũa

CHIÊU VĂN 04/12/2018 22:12 GMT+7

TTCT - Thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới Dolce & Gabbana vừa gặp rắc rối lớn ở Trung Quốc vì những đoạn băng quảng cáo và tin nhắn trên Instagram đầy tranh cãi mô tả một người mẫu châu Á dùng đũa ăn... bánh pizza.

 

Những hình ảnh và video, được cho là do người đồng sáng lập hãng thời trang Ý, Stefano Gabbana, đăng tải, đã phát tán cực nhanh trên mạng xã hội. Trong đấy, một người mẫu châu Á chật vật dùng đũa xử lý các món đồ ăn Ý (mì Ý và bánh pizza).

Sau khi bị chỉ trích là có nội dung phân biệt chủng tộc, có vẻ như đã có lời qua tiếng lại giữa Gabbana và những người bình luận, trong đó nhà thiết kế người Ý miệt thị đất nước và người dân Trung Quốc khi ông bảo vệ đoạn quảng cáo.

Làn sóng chỉ trích lập tức dậy lên khắp mạng xã hội và ngoài đời thực, ở Trung Quốc. Vào đầu tuần, hàng loạt ngôi sao giải trí Trung Quốc tuyên bố tẩy chay D&G. Các hình ảnh và đoạn video với người sở hữu sản phẩm của hãng này đốt hoặc cắt xé hàng D&G cũng xuất hiện khắp nơi. Tệ nhất, hãng thời trang Ý buộc phải tuyên bố hoãn sự kiện quảng bá lớn đã lên lịch của họ tại Thượng Hải thứ tư vừa rồi, 28-11.

Cả Gabbana và hãng thời trang sau đó đã đăng các tin nhắn nói tài khoản Instagram của họ bị tấn công. Trên tài khoản cá nhân của mình, Gabbana đăng những từ “không phải tôi” đè lên tấm hình có các bình luận được cho là của ông.

Tuy nhiên, như thế là chưa đủ để thuyết phục người dùng ở thị trường đông dân nhất hành tinh, một phần bởi lẽ các đoạn video gây tranh cãi đã xuất hiện đồng thời trên các trang Instagram, Facebook, Twitter và Weibo của D&G.

Trong một đoạn video, đăng ngày 25-11, một người mẫu châu Á đang loay hoay dùng đũa gắp một miếng pizza lớn với nhạc Hoa ở nền, và giọng bình luận đầy vẻ kẻ cả: “đừng dùng đũa thay dao” và “dùng đũa như một chiếc xẻng xúc bánh”.

Trong một đoạn khác, cũng người mẫu đó ăn món mì Ý bằng đũa, trong khi lời bình có vẻ đọc nhầm tên “Dolce & Gabbana”, được cho là nhại cách người Trung Quốc thường phát âm sai tên hãng thời trang này.

 

Điều trớ trêu là trong khi D&G với xã hội Trung Quốc - như nhiều nền kinh tế đang phát triển khác ở châu Á - là một chỉ dấu cho đẳng cấp và địa vị, thì sự xúc phạm với đôi đũa - vốn là một dụng cụ cực kỳ bình dân đã gắn bó hàng nghìn năm cùng những dân tộc ăn lúa gạo - lại là không thể chấp nhận. 

Khảo cổ học cho thấy người Trung Quốc đã dùng đũa từ ít ra là năm 1.200 trước Công nguyên, và tới khoảng năm 500, đôi đũa đã lan khắp lục địa châu Á, từ Việt Nam tới Nhật Bản. 

Sự nổi lên của đũa, và suy tàn của dao, trên bàn ăn ở châu Á cũng chịu ảnh hưởng lớn từ Khổng giáo và Phật giáo. Những người ăn chay không muốn thấy dao, một vật để giết chóc, trên bàn, trong khi những người “quân tử” cần hành xử cao khiết, và một đôi đũa tượng trưng cho điều đó tốt hơn là những bộ đồ ăn cắt xé (dao - nĩa) kiểu phương Tây.

Dễ hiểu một thứ công cụ lâu đời như thế có thể nhạy cảm như thế về mặt văn hóa, điều giải thích tại sao sai lầm của D&G vấp phải sự chống đối quyết liệt. 

“Các người không yêu Trung Quốc, chỉ yêu tiền mà thôi - người mẫu lai Hoa Pháp Estelle Chen (Trần Du), một trong những người đã tẩy chay sự kiện ngày 28-11 của D&G, viết trên Weibo - Trung Quốc giàu có, nhưng là giàu giá trị, giàu văn hóa, và giàu bản sắc. Người dân đất nước đó sẽ không chi tiền vào một thương hiệu không tôn trọng những điều đấy”.

Trong bài đăng Facebook được chia sẻ rất nhiều, một tài khoản tự nhận là sinh viên Coco Qiu ở Đại học California nói đoạn video là “cực kỳ phân biệt chủng tộc” và được tạo ra “với dụng ý rõ ràng là gây sự chú ý của dư luận, có thể là kích động sự giận dữ, vì mục đích quảng cáo và lợi nhuận”.

D&G, trong cơn bão lửa, cuối cùng đã phải khấu đầu tạ tội. Ngày 25-11, Gabbana, cùng người đồng sáng lập Domenico Dolce, xuất hiện trên một đoạn video xin lỗi, mặc áo đen tay dài, ngồi cầm tay nhau trong một khung cảnh trang trọng. 

“Chúng tôi sẽ không bao giờ quên trải nghiệm này và chắc chắn nó sẽ không lặp lại - Gabbana nói - Từ sâu thẳm trong tim, chúng tôi xin được tha thứ”. Rồi họ kết thúc đoạn băng với việc nói “xin lỗi” bằng tiếng Hoa. Sự thành khẩn sẽ là rất cần thiết: doanh số từ khách người Hoa của D&G, cả trong nước lẫn hải ngoại, chiếm 30% tổng doanh thu hằng năm của họ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận