Thôi làm “mỏ dầu miễn phí”, được không?

TRƯỜNG SƠN 13/04/2018 01:04 GMT+7

TTCT - Chúng ta đã trở thành những “người lao động số” mà các công ty như Facebook hay Google đang khai thác nhưng không trả một đồng tiền công nào. Nhưng những gã khổng lồ công nghệ sẽ phải móc hầu bao chi cho việc khai thác dữ liệu người dùng. Chuyện này có viễn tưởng?

Người “lao động số” oằn vai làm giàu cho những
Người “lao động số” oằn vai làm giàu cho những "ông khổng lồ" công nghệ. Ảnh: scalar.usc.edu

 

Luật chơi căn bản của những gã khổng lồ như Facebook hay Google là miễn phí (có điều kiện) cho người dùng để đổi lấy dữ liệu cá nhân của họ. Vậy, chấm dứt chuyện miễn phí và buộc “ai muốn lấy dữ liệu của tôi thì xòe tiền ra” là đề xuất hợp lý, nhưng tính khả thi của nó lại gây tranh cãi.

Làm thêm mà không biết

Cần câu cơm chính của các gã khổng lồ này là hiển thị nội dung đúng ý từng người dùng (chẳng hạn nhạc số hợp gu hay video ưa thích) và quảng cáo trúng đích (targeted ad), tức dựa vào thông tin cá nhân của người dùng mà chọn lựa quảng cáo, thông điệp kiểu “đo ni đóng giày” cho họ. Nhãn hàng chuyên dành cho phụ nữ biết chắc rằng quảng cáo của họ sẽ không hiển thị cho người dùng là đàn ông và trẻ nít để phí ngân sách.

Để làm hài lòng nhà quảng cáo và cung cấp nội dung, các công ty Internet này phải dựa vào dữ liệu người dùng, thu thập, phân tích và “nghiền ngẫm” chúng bằng các thuật toán. Vậy nếu không còn dữ liệu, mô hình kinh doanh nói trên sẽ sụp đổ. Đây là cơ sở để người dùng có quyền buộc các dịch vụ trực tuyến nào trả tiền để mua dữ liệu từ họ.

The Economist ngày 11-1 dẫn lại một bài báo của nhóm học giả đến từ Đại học Stanford, Đại học Columbia và của Công ty Microsoft, cho rằng mỗi chúng ta đang “làm thêm” nhiều việc mà không biết. Mỗi sáng thức dậy, khi ta cầm điện thoại, post một thứ gì đó lên Facebook, dò bản đồ đến cửa hàng thực phẩm, là ta đã “tạo ra dữ liệu làm nên nguồn tài nguyên quan trọng nhất cho Thung lũng Silicon”.

Các tác giả cho biết trong nền kinh tế tạo ra dữ liệu ngày nay, chúng ta đã trở thành “người lao động số” (digital laborer), làm giàu cho Google và Facebook. Vì thế, bài báo lập luận theo hướng “kinh tế chính trị” rằng phải thay đổi quan hệ giữa các công ty Internet lớn và người dùng, theo nghĩa xem dữ liệu “không phải là tư bản mà là lao động”, nghĩa là dữ liệu phải được coi là tài sản của người tạo ra nó, trừ khi họ đồng ý cung cấp nó cho các công ty để đổi lại tiền công.

Các tác giả tin rằng dữ liệu “mua bằng tiền” sẽ tốt hơn là thu thập ngầm. “Thay vì đoán xem một người thích gì khi họ đi loanh quanh trong khu mua sắm, các công ty có thể hỏi thẳng họ đã ghé thăm các cửa hàng nào và đang săm soi món hàng nào, sau đó trả tiền cho họ” - bài báo viết.

Trong bài viết “Khi dữ liệu là yếu tố tối quan trọng trong thời đại robot, chẳng phải bạn nên được trả tiền cho dữ liệu của mình hay sao?” trên The New York Times ngày 6-3, tác giả Eduardo Porter cũng cho rằng “những gã Goliath công nghệ” cần phải chi tiền cho từng mẩu dữ liệu mà họ thu thập. Điều này có nghĩa status trên Facebook của bạn, bức ảnh trên Instagram, món hàng đã mua trên Amazon cần phải được “trả tiền công khai”.

Tương tự nhóm tác giả của bài báo nói trên, Porter cho rằng khi dữ liệu được “thuận mua vừa bán”, chất lượng thông tin sẽ tăng và điều này cực kỳ hữu ích cho nền kinh tế thông tin đang trong quá trình phát triển. Chẳng hạn, Facebook sẽ trả tiền để người dùng tag các bức ảnh nhất định nhằm giúp mạng xã hội này để huấn luyện trí tuệ nhân tạo (AI), hay cung cấp bản dịch chất lượng cao để hoàn thiện tính năng dịch tự động.

Mua bán dữ liệu cũng ngăn các gã khổng lồ Internet làm giàu từ tài nguyên miễn phí và chiếm lĩnh thị trường dữ liệu số. Vị thế của Facebook sẽ bị lung lay nếu các đối thủ của nó chấp nhận trả tiền để thu hút người dùng.

Eric A. Posner, học giả từ Trường Luật ĐH Chicago, cho rằng mô hình này có thể lan rộng sang các ngành nghề khác chứ không chỉ Internet. “Sẽ nhiều công ty nói với người dùng rằng: “Này, chúng tôi sẽ trả tiền cho dữ liệu của bạn”, và họ sẽ nhận ra dữ liệu của mình đang bị thao túng bởi các công ty hiện nay nhiều đến mức nào” - Posner nhận xét. The New York Times cho rằng cần phải xét lại quan hệ giữa người dùng và công ty Internet vì điều này giúp trả lời câu hỏi quan trọng nhất trong kỷ nguyên công nghệ: Ai quản lý dữ liệu?

... Nếu vậy thì bao nhiêu?

Bắt Facebook trả tiền để lấy thông tin người dùng là ý tưởng táo bạo, và lo ngại về các rào cản để hiện thực hóa nó, cũng như ý kiến trái chiều là không tránh khỏi.

Chẳng hạn vì phải bỏ tiền mua dữ liệu, YouTube hay Facebook có thể sẽ thu phí một số tính năng nào đó để bù lại phần chi phí này. Ngoài ra, sẽ cần có hệ thống để định giá dữ liệu người dùng vì một khi đã chấp nhận trả tiền, Facebook hay Google có quyền mong đợi dữ liệu thu về sẽ “đáng đồng tiền bát gạo”. Bức ảnh cún con ta đăng lên Facebook có thể chẳng đáng một xu, song một bản dịch từ hai ngôn ngữ hiếm thì lại cực kỳ có giá.

Andreas Weigend, trưởng nhóm nghiên cứu dữ liệu của Amazon, cho rằng có thể tạo ra thuật toán để giải quyết các vấn đề trên, nhưng điều này tốn kém không cần thiết và sẽ rất khó để tính toán được mức chi công bằng, đẹp lòng tất cả.

Chẳng hạn bạn đưa bức ảnh chụp nhóm bạn trong tiệc sinh nhật “lên phây” và nó được thích, chia sẻ rất nhiều. Facebook sẽ thu thập dữ liệu về những người có liên quan, nhưng ai sẽ là người nhận tiền - người đưa nó lên mạng hay chia đều cho những ai có mặt trong tấm ảnh? Và những người tương tác - like, share, comment - cũng góp phần tạo ra dữ liệu, họ có phần không?

Cũng theo Weigend, dữ liệu người dùng đáng giá khi tính ở quy mô lớn, tức hằng hà sa số mẩu thông tin, trước khi được “tinh lọc” bởi các thuật toán, chứ tính riêng từng người thì chẳng đáng là bao. “Giả sử Facebook chia lợi nhuận của nó cho tất cả (hơn 2 tỉ) thành viên, mỗi người chỉ nhận được 5 đôla, theo số liệu năm 2016” - Weigend lý giải.

Chuyên gia này cũng cho rằng các trải nghiệm mà Facebook mang lại, như kết nối bất tận, livestream, đã là rất đáng giá đối với người dùng, “và như vậy bạn đã được “trả tiền” rồi còn gì?”.

Một vấn đề khác, theo Weigend, là cứ chăm chăm “dữ liệu tôi đáng giá bao nhiêu”, ta sẽ quên mất bản chất của vấn đề: dữ liệu sinh ra, được Facebook “phù phép”, rốt cuộc cũng chỉ để giúp ta trải nghiệm và đưa ra các quyết định tốt hơn.

Nếu một người dùng Facebook dưới cái tên giả, không kết bạn với ai, cũng chẳng chia sẻ gì, họ sẽ thấy mạng xã hội này không có gì hữu ích, vì không có gì để Facebook phân tích để mang đến trải nghiệm cá nhân hóa cho người đó.

Và Facebook thật ra không bị ảnh hưởng gì bởi những người dùng “thà chết không chia sẻ” này. Với hơn 2 tỉ người dùng, những trường hợp này chỉ là hạt cát giữa đại dương, Facebook vẫn còn cả biển thông tin, dữ liệu để phục vụ lợi ích của mình. “Và như đã nói, dữ liệu của mỗi cá nhân người dùng thì gần như chẳng đáng một xu” - Weigend thẳng thừng.

Trả tiền cho việc thu thập dữ liệu người dùng, được không?

Trào lưu #deleteFacebook vì lẽ đó khó có thể thành công khi cần phải thừa nhận một điều rằng Facebook đã lớn mạnh đến mức người ta khó lòng quay lưng lại với nó. Cũng như không ai có thể hình dung cuộc sống không có Google sẽ như thế nào.

Bài báo của The New York Times cũng cho rằng sẽ là ngây thơ nếu nghĩ rằng Google và Facebook sẽ chủ động đề nghị móc hầu bao để thu thập thông tin của ta, ngay cả khi điều đó sẽ nâng chất dịch vụ của họ.

Nếu không thể bắt Facebook trả tiền, vậy có giải pháp nào không? Weigend cho rằng người dùng cần được quyền chủ động hơn, chẳng hạn kiểm soát dữ liệu và được biết Facebook làm gì với những gì mình đã chia sẻ. “Điều này sẽ đảm bảo ta có thể đưa ra lựa chọn tốt nhất cho bản thân mà vẫn có thể hưởng lợi từ các gợi ý, trải nghiệm mà Facebook hay các công ty công nghệ mang lại” - tác giả kết luận.■

Có một nghịch lý là chúng ta lo ngại tương lai robot chiếm hết việc làm của con người, nhưng chính chúng ta lại là nguồn dữ liệu để huấn luyện AI phát triển hơn. Nếu các công ty AI chi tiền để mua dữ liệu, những người có khả năng mất việc sẽ được bù đắp phần nào và có thể góp phần vào công cuộc phát triển AI với vai trò “người lao động số”.

Tiến sĩ Luke Stark, nhà nghiên cứu quyền riêng tư trực tuyến thuộc Đại học Dartmouth (Mỹ), cho rằng nếu Facebook không chịu trả tiền để mua những gì ta chia sẻ, thôi thì hãy để ta chi tiền nhằm bảo toàn dữ liệu, và không bị mang tiếng “xài chùa” để rồi phải đánh đổi.

Theo đó, Facebook có thể thiết lập chế độ thu phí, chẳng hạn 100 USD/năm, và cam kết không thu thập và mang bán dữ liệu của những người chấp nhận mức phí này.

Kịch bản này khả thi về mặt lý thuyết, song vấn đề là liệu bao nhiêu người sẵn sàng trả tiền cho thứ mà họ đang xài miễn phí, nhất là khi chúng ta vô tư dùng đồ miễn phí và thực sự quan tâm rất ít đến dữ liệu của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận