​Thời của hoài nghi

LÊ MINH NHỰT 19/06/2015 21:06 GMT+7

Cách nay năm năm, có một lần mấy anh công nhân công ty cây xanh mang cưa đến hạ cây còng đang xanh rờn lá mọc trước cổng cơ quan, nhiều người hiếu kỳ xúm lại gay gắt phản đối: con đường này đẹp nhất thị xã nhờ có hàng cây; hôm nay cưa một, biết đâu mai mốt mấy cha nổi hứng cưa hết toàn bộ thành ra sa mạc à?

Tranh: ĐỨC TRÍ

Toán công nhân hơi bất ngờ nhưng anh cầm cưa có vẻ mặt lầm lì cứ leo lên cần cẩu, rồi ra hiệu cho đồng nghiệp nâng mình lên cao để tỉa từng cành. Sau cùng, anh lạnh lùng đưa lưỡi cưa cắt từng đoạn thân cây xuống. Suốt cả giờ anh nhẫn nại giữa bao lời “thị phi” của đám đông bên dưới. Khi cắt sát gốc cây để kết thúc công việc, anh trỏ vào từng đoạn thân cây nằm xếp lớp dưới chân, giọng khô khốc: “Coi vậy mà không phải vậy, bộng tuốt rồi, nó chết từ trong chết ra! Không cưa để nó ngã đè chết mấy người à?”.

Hôm ấy, chắc anh công nhân kia cũng không ngờ mình vừa đưa ra một ví dụ vô cùng sinh động cho lý thuyết về tính mâu thuẫn giữa hiện tượng với bản chất. Và biện pháp giải quyết của anh cũng cực kỳ đơn giản như chính cuộc sống tự nó vốn vậy, chỉ với vài nhát cưa. Cao thủ hơn, anh còn kín đáo lên lớp cho đám đông đang sượng sùng vây xung quanh, ngắn gọn chỉ bằng câu “coi vậy mà không phải vậy”.

Ban đầu bạn cũng ở trong đám đông phản đối đó. Không phải trong tim bạn đã nuôi dưỡng sẵn từ đời thuở nào một tình yêu thiên nhiên lớn lao, hôm ấy gặp đúng thời điểm thích hợp phát tiết, mà đơn giản chỉ vì từ lâu bạn có thói quen nhìn vào đám đông để tin chắc chân lý đang thuộc về phía ấy. Cho đến khi bạn học được bài học mang tên “coi vậy mà không phải vậy”. Bài học ấy được trí óc bạn kỳ công nuôi dưỡng, tắm táp nên mỗi ngày cứ mỗi lớn dần, đến nỗi năm năm sau bạn đã trở thành một kẻ hoài nghi. Thỉnh thoảng, bạn còn cảm thấy thương hại cho cái gọi là niềm tin vì biết đâu chúng từng bị đùa cợt, tung hứng, thậm chí còn bị xé manh mún và quy thành những con số phần trăm vô cảm.

Không chỉ mình bạn, mà dường như đa số (cũng lại là số đông) xung quanh bạn hiện tại đều thường trực niềm hoài nghi, cứ như họ đều mắc phải một thứ bệnh truyền nhiễm, mà bạn là cá thể mang mầm bệnh đầu tiên và cũng chính bạn phát tán trực tiếp nó vào những người xung quanh. Triệu chứng của thứ bệnh này rất dễ nhận thấy: tỉ như đang uống cà phê trước cơ quan, có một thằng nhóc trong bộ dạng nhàu nhĩ cứ như mới chui ra từ một lùm cây bụi cỏ nào đó, tay xách lủng lẳng những tổ ong ruồi mà bọng mật và tàng ong vẫn còn bám trên cây kèo mời bạn mua giúp. Ngay lập tức, trong đầu bạn lại nảy ra ý nghĩ: trăm phần trăm là đồ giả mạo! Mặc dù bạn biết chắc chẳng tài thánh nào lại có thể rút mật từ những lỗ li ti trên tổ ong và bơm ngược vào trong thứ tương tự như mật.

Hay có lúc bạn nhiễm thông tin từ các phương tiện truyền thông nặng đến mức cho rằng mọi người xung quanh mình ai cũng có một vài bộ phận nào đó trong cơ thể là đồ giả. Cực đoan hơn, hễ nhác trông thấy trên tivi một người có hình dong hồng hào, béo tốt bạn nghĩ ngay người đó hẳn là tham nhũng hoặc không thì cũng ăn của hối lộ; hôm nay còn chỉ trỏ thề thốt đấy, nhưng chắc gì ngày mai đã không ở trong bộ dạng của kẻ tội đồ.

Rồi trong cơn cáu tiết vì cơn nóng hầm hập được biếu không từ trên mái tôn của căn phòng trọ, bạn cồn cả chạy tìm một mảnh đất cất nhà (ở nơi mà một hạt bụi đất đã trở thành một vốc vàng) thì lại cấm cảu khi trông thấy một ngôi biệt thự sang trọng cửa đóng im ỉm: đó đích thị là “đồ cúng” của một quan chức mà bạn quen mặt. Và đã quá nhiều lần niềm hoài nghi của bạn đã được thực chứng.

Đã xa lắc rồi thời bạn tin đến mức cắm đầu cắm cổ rằng khi thả một quả táo ăn dở xuống dòng kênh, mình sẽ cứu được người sắp chết đói ở một châu lục xa xôi nào đó. Bây giờ khi bơi giữa muôn trùng bất an do niềm hoài nghi tạo ra, bạn hạnh phúc (?) khi tự dỗ dành mình: còn hơn là bịt mắt bưng tai chìm lút trong màn đêm an toàn của miền man trá.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận