Thỏa thuận hạt nhân với Iran: Ai được gì? Nhượng gì? Lo gì?

DANH ĐỨC 03/12/2013 21:12 GMT+7

TTCT - Tuy thỏa thuận hạt nhân với Iran chỉ mang tính tạm thời, có giá trị sáu tháng, song những điều khoản mặc cả được có thể kích thích xu hướng hòa hoãn ở Iran mạnh mẽ hơn, qua đó bảo đảm cho một thỏa thuận chung cuộc sau này.

Tất nhiên vẫn có những mối lo muôn thuở từ Israel và Quốc hội Mỹ cùng cánh cứng rắn ở Iran và một số nước láng giềng.

Đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran
Giá dầu giảm sau thỏa thuận hạt nhân Iran

Phóng to
Với thỏa thuận hạt nhân mới đạt được, Iran hi vọng sớm hồi phục kinh tế nhờ xuất khẩu. Trong ảnh là một cửa hàng bán thảm Iran tại Dubai - Ảnh: Reuters

Từ chủ nhật đến sáng thứ hai, trang chủ báo Tehran Times vẫn còn chạy tít “Thỏa thuận đã đạt được”. Cũng tờ báo này loan tin tỉ giá đồng rial của Iran trên thị trường tự do, sau khi thỏa thuận hạt nhân đạt được sáng sớm chủ nhật tại Geneva, tăng một chút: từ 30.000 rial xuống còn 29.400 rial/1 USD. Ắt hẳn đây là tác động đầu tiên và cũng giải thích phần nào thỏa thuận này.

“Sáu tháng" đầy ý nghĩa

Có thể xem sự đón chào này của giới kinh doanh Iran như một ký thác niềm tin thêm nữa cho chính sách hứa hẹn nhiều khởi sắc kinh tế của Tổng thống Hassan Rouhani.

Nếu biết rằng cuối năm ngoái sau 18 tháng bị tăng cường cấm vận kinh tế, đồng rial đã mất đến 2/3 trị giá (gần 40.000 rial mới đổi được 1 USD) thì có thể hiểu tại sao ông Rouhani, với chủ trương hòa hoãn, đã đắc cử tổng thống hồi tháng 6, và sau khi ông lên cầm quyền tỉ giá đã ổn định trở lại ở ngưỡng xấp xỉ 30.000 rial/1 USD (1). Nay với thỏa thuận có thể gọi một cách ngắn gọn là “Sáu tháng” này, người dân Iran được bớt căng thẳng đời sống hơn, từ vật chất đến tinh thần.

Theo bản kế hoạch hành động chung, tên gọi chính thức của thỏa thuận (2), để đổi lại những cam kết của Iran, E3/EU 3 (danh xưng chính thức trong văn bản, tức Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng ba nước đại diện EU) sẽ:

1. Tạm dừng trong sáu tháng những biện pháp cấm vận trước kia nhằm làm giảm doanh thu bán dầu thô của Iran, đồng thời cho phép các khách hàng hiện tại của Iran được mua hợp pháp một lượng dầu thô tương đương lượng trung bình hiện đang mua “chui”, đình chỉ cấm vận các dịch vụ bảo hiểm và chuyên chở dầu xuất khẩu của Iran.

Việc tháo gỡ tạm này giúp cho thu nhập dầu của Iran, cũng với chừng đó lượng dầu được xuất khẩu, tăng hơn do không bị “bù trừ” những rủi ro vì thiếu bảo hiểm và phải chuyên chở “chui”. Sự tháo gỡ tạm này tương ứng với tính chất tạm thời có thời hiệu sáu tháng: Iran thực thi các cam kết của mình thì sẽ tiến tới một thỏa thuận chung cuộc.

“Quà biếu tặng thêm” là cho phép Iran hồi hương một khoản thu nhập dầu hỏa cho đến nay bị giữ ở nước ngoài, có thể lên đến 4,2 tỉ USD, đi cùng với việc tạm đình chỉ cấm Iran xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu cũng như các dịch vụ đi kèm, mua bán vàng và kim loại quý cùng các dịch vụ đi kèm. Ngoài ra, EU sẽ tăng ngưỡng các giao dịch thương mại không bị cấm vận.

2. Nay thiết lập một kênh tài chính đặc biệt gồm một số ngân hàng nước ngoài chuyên biệt (được chỉ định) cùng một số ngân hàng Iran (chưa chỉ định) phục vụ các trao đổi thương mại mang tính nhân đạo (gồm lương thực và nông sản, dược phẩm, thiết bị y tế, chi phí y tế phát sinh ở nước ngoài...), thậm chí thanh toán cả học phí cho sinh viên Iran đang du học.

Đó là lý do báo chí gọi đây là thỏa thuận trị giá 7 tỉ USD.

3. Chưa hết, thỏa thuận còn cho phép Iran nhập và lắp đặt trong nước các phụ tùng cho máy bay hàng không dân dụng, cho phép các dịch vụ kiểm tra sửa chữa liên quan đến an toàn hàng không. Tai nạn máy bay Hãng hàng không Iran Air hôm 9-1-2011, một chiếc Boeing 727 bị rơi khiến 79 người chết, càng cho thấy ý nghĩa việc giải tỏa cấm vận này.

Cũng thế, nay đình chỉ trong sáu tháng các biện pháp trừng phạt đối với công nghiệp ôtô của Iran cùng các dịch vụ đi kèm, nghĩa là sẽ có xe mới và nhất là phụ tùng thay thế...

Chẳng ai muốn bước lên xe hay máy bay thiếu phụ tùng thay thế, thiếu bảo trì cả! Âu cũng là một “đắc thắng” gây phấn khởi ở Iran mà Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif từ Geneva về đến Tehran đã “được” cảm nhận.

Đảm bảo cho cả Iran và Mỹ

Quan trọng hơn cả là bên cạnh các tạm đình chỉ cấm vận kinh tế trên, còn có những cam kết đảm bảo sẽ không có các biện pháp trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hay của EU liên quan đến hạt nhân. Riêng Washington sẽ không được đưa ra biện pháp trừng phạt liên quan đến hạt nhân mới.

Điều khoản sau cùng này tối quan trọng trong bối cảnh Quốc hội Mỹ, nhóm lobby Israel, luôn không ưa các thỏa thuận với Iran và đang định họp vào tháng 12 tới để biểu quyết cấm vận thêm Iran. Cam kết này có được sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm thứ ba tuần trước đích thân cùng Ngoại trưởng John Kerry và cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice gặp các nghị sĩ chủ chốt của nhóm này yêu cầu họ tạm dừng thảo luận về cấm vận bổ sung Iran.

Đây là một điều khoản mang tính chính trị then chốt để Ngoại trưởng Iran Zarif có thể thay mặt chính phủ Rouhani mà “đổi chác” với Mỹ - nước cấm vận chủ chốt. Bất cứ đe dọa cấm vận lơ lửng nào cũng “chạm tự ái dân tộc” của người dân đất nước vốn luôn tự hào từng là đế quốc Ba Tư trong quá khứ không xa lắm.

Nếu có ai đó trong phe cứng rắn nghĩ rằng Iran nhượng bộ quá nhiều thì ngược lại trong nội bộ Mỹ cũng có một nhóm nhất trí với Thủ tướng Israel Netanyahu cho rằng ông Obama “mắc lỡm” ông Rouhani rồi!

Thật ra, vấn đề có nan giải hay không ở chỗ: lợi ích thật sự của mỗi bên là gì? Từ phía Chính phủ Iran hiện nay, đó là quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình (dân dụng chứ không phục vụ quân sự) mà Tổng thống Rouhani đã long trọng tuyên bố trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tháng 9 năm nay; chấm dứt cấm vận, yên ổn sống và làm ăn với các nước, kể cả với Israel, chứ không tận diệt nhau.

Đây là khác biệt căn bản của Tổng thống Rouhani với người tiền nhiệm Mahmoud Ahmadinejad mà nhờ đó ông đã được dân bầu. Ngay cả đại giáo chủ Khamenei thứ tư tuần trước tuy có “dằn mặt” ông Rouhani và Ngoại trưởng Zarif rằng “Tôi không can thiệp vào chi tiết các đàm phán, song có những lằn ranh đỏ phải tuân thủ” (3), nhưng cũng không thể không nhất trí với định nghĩa “quyền sử dụng hạt nhân” và nhu cầu sống hòa bình mà ông Rouhani đã đưa ra trước Liên Hiệp Quốc.

Những cam kết then chốt của Iran ở Geneva đảm bảo điều đó: “Sẽ không làm giàu uranium trên ngưỡng 5%; không thêm địa điểm mới để làm giàu uranium...” đã là “sử dụng hạt nhân vì mục đích hòa bình” rồi.

Vào giờ chót, Ngoại trưởng Zarif đã hóa giải bế tắc từ yêu cầu của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (4) đòi Iran phải ngưng xây lò phản ứng nước nặng Arak bằng cam kết “sẽ không thúc đẩy hơn nữa các hoạt động ở nhà máy làm giàu nhiên liệu Natanz số 1, Fordow số 2, hoặc lò phản ứng Arak 3”. Chừng đó là đủ để các lò phản ứng của Iran “hiền lành” rồi.

Âu - Mỹ có mắc lỡm Iran hay không? Iran có sáu tháng để chứng tỏ sự thành thật và cam kết điều này sẽ do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA) thanh tra hằng ngày. Có thể tin rằng trong bối cảnh hiện tại, các cam kết đó là thật như tin vơđét “Thỏa thuận đã đạt được” mà báo Tehran Times chủ nhật vừa qua đã chạy tít.

Khác biệt giữa Iran ngày nay và Triều Tiên là Iran có cái xuất khẩu để dư ăn dư mặc, và nay quyết “chí thú làm ăn” sau khi đã thấy rằng chỉ trong 10 năm qua, kể từ chiến tranh Iraq làm tăng giá dầu, Nga không những đã trả hết nợ nần của thời ông Yeltsin mà nay cực kỳ giàu có, trong khi Iran mãi lo “cương” nên “nghèo vẫn hoàn nghèo” do bị cấm vận.

(1): http://tehrantimes.com/economy-and-business/112325-irans-rial-rises-24-against-dollar-after-nuclear-deal

(2): http://i.alalam.ir/news/Image/original/2013/11/24/agreement.pdf

(3), (4): http://www.tehrantimes.com/component/content/article/94-headline/112252-iran-will-not-retreat-one-step-from-its-nuclear-rights-leader

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận