Thơ không có chỗ cho sự lười biếng

VŨ THÁI HÀ 23/04/2021 06:05 GMT+7

TTCT - Nếu có một chỗ nào đó mà người viết phải đặt dụng ý vào từng con chữ thì chỗ đó chính là thơ. Không được như thế thì thơ đã đánh mất chính nó.

 
 Bức tranh Nhà thơ (The Poet) của Egon Schiele (1911)

Cái gì tồn tại cũng có lý do của nó; và thơ cũng vậy. Mặc kệ khen chê và cả những câu hỏi lắm khi sỗ sàng kiểu “Thơ có mài ra mà ăn được không?!”, thơ cứ ra đời và tồn tại, dù khi khoan khi nhặt, khi nhiều khi ít. Thơ tồn tại bởi người ta vẫn làm thơ và đọc thơ, như một lẽ thường.

Khởi đầu là thơ; lời ấy chắc không ngoa. Thủa hồng hoang, khi chưa có giấy bút hay mực in, để lan tỏa một thông điệp, chia sẻ với nhau một câu chuyện, thơ là lựa chọn tự nhiên và tốt nhất cho sự toàn vẹn của nội dung ban đầu khi truyền miệng: vần điệu và nhạc tính giúp thơ bảo toàn nguyên trạng và nhờ thế tránh được chuyện tam sao thất bản. Sử thi của các dân tộc là những minh chứng rõ ràng, khi chúng đi xuyên qua hàng nghìn năm để đến và kể cho chúng ta câu chuyện gần như nguyên vẹn.

Cũng là một lẽ tự nhiên khác, từ ngữ trong thơ phải hàm súc và gợi nhớ, bởi nếu không thì người ta sẽ rất dễ quên và nhầm lẫn. Văn xuôi còn có chỗ cho sự lười biếng, có những câu, những chữ, những đoạn không mang một công năng gì ghê gớm, mà chỉ là một trạm dừng chân nghỉ mệt của người viết; nhưng thơ thì không. Mọi từ ngữ trong thơ đều phải được chắt lọc và được lựa chọn kỹ càng để nếu không làm nên vần điệu hay cấu thành nên nhạc tính, nó cũng phải gợi nhớ đến nội dung, mà đúng ra là bất cứ từ ngữ nào trong thơ cũng phải làm được tất cả những điều đó cùng một lúc.

Khởi đầu của thơ là vần điệu và nhạc tính, sau cái khởi đầu ấy là khả năng tác động trực tiếp đến tình cảm và suy nghĩ của người đọc. Người làm thơ càng chắt lọc bao nhiêu, người đọc thơ càng rung động bấy nhiêu. Đứng trước thơ mà không rung động thì hoặc là chưa… đọc hoặc là chưa… thơ; ngoài ra không có khả năng nào khác!

Thế giới sống ngày càng trở nên bất định trong nhận thức của con người, trong đó mọi thứ đều liên đới đến nhau và cái gì cũng có thể xảy ra; khi mà con người vừa mới định vạch ra cho thế giới một con đường thì cũng là lúc họ nhận ra rằng chẳng có con đường nào cho thế giới mà họ đang sống, bởi họ chẳng có thể dự báo được gì. Thế giới tất định đã lùi dần về quá khứ như một giả định chưa kịp kiểm chứng. Nhận thức của con người về thế giới đã thay đổi. Đấy là lúc mọi thứ đều bị đem ra truy vấn như một cách để tìm lại, để khám phá lại bản chất của sự vật. Cái vốn dĩ được nhận thức như thế này thì giờ đây bị lật lên để xem có thể là như thế kia được không.

Và thơ cũng vậy! Thơ có cần vần điệu không? Thơ có cần nhạc tính không? Từ ngữ trong thơ có cần phải được chắt lọc thật kỹ càng không, hay là bất cứ từ ngữ nào trong bất cứ văn cảnh nào cũng có thể được đưa vào thơ? Hay nói cách khác, đâu là thuộc tính cốt tủy của thơ, đâu là yếu tố mà nếu bỏ nó đi thì thơ không còn là thơ nữa? Vừa truy vấn vừa thể nghiệm, người ta thử bỏ vần điệu khỏi thơ, rồi thử để cho thơ nói về những chuyện vốn không được xem là nên thơ cho lắm, và thử đưa vào thơ những từ ngữ bình dân giản dị, không mang nhiều tính hình tượng. Có lúc người ta vẫn còn nhận ra cái kết quả của sự thể nghiệm ấy là thơ, có lúc không. Chưa có kết luận thật rõ ràng nào được rút ra; các thể nghiệm vẫn còn được tiếp tục, cùng với các tranh cãi. Và những tranh cãi ấy là bình thường, bởi dầu thế nào, một không khí đối thoại vẫn là cần thiết.

Cảm nhận về một thế giới sống phi cấu trúc đã ngày càng rõ rệt hơn ở mỗi con người, bởi công cụ nhận thức về thế giới đã thay đổi và bởi chính thế giới cũng đang thay đổi. Một cách triết lý, cái thế giới mà con người sống và nhìn thấy đang ngày càng giống với thế giới hậu hiện đại mà các triết gia tưởng tượng ra từ hàng thế kỷ trước. Thơ cũng biến đổi cùng với tiến trình nhận thức đó; càng lúc thì con người càng thấy là suy nghĩ và tình cảm không có lý do gì để phải bó buộc ở trong các niêm luật.

Thơ đã rời khỏi cung đình và không gian văn hóa đặc quyền; thơ đã tự do và thơ đã không vần. Câu hỏi “cái gì là thơ và cái gì không phải là thơ” chưa và có khi chẳng bao giờ có câu trả lời dứt khoát, mà lý do chính là bởi vì ai cũng… ích kỷ: người viết thì ích kỷ giữ lấy cái định nghĩa thơ của riêng mình, người đọc thì ích kỷ giữ lấy sự rung động - hay sự không rung động - của riêng mình, mà chẳng ai chịu nói ra!

Dù thế nào chăng nữa, thơ không có chỗ cho sự lười biếng. Nếu có một chỗ nào đó mà người viết phải đặt dụng ý vào từng con chữ thì chỗ đó chính là thơ. Không được như thế thì thơ đã đánh mất chính nó. Ở phía bên kia, nếu thơ không khiến người đọc xúc động ngay lập tức và khiến người ta phải nhớ nó, thì thơ đã bỏ rơi sứ mệnh của mình.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận