Thơ có thể đắt khách?

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 09/04/2022 02:00 GMT+7

TTCT - Từng có những đêm thơ sinh viên đông nghẹt hồi thập niên 1980, những cuộc trình diễn thơ ồn ào gây ra bao cãi cọ ở sân Văn Miếu hồi thập niên 2010, những cuộc đọc thơ nho nhỏ tại một quán nhỏ Hà Nội và những nhà thơ đang quyến rũ độc giả trên Facebook…

 Buổi đọc thơ của tác giả Myan diễn ra với chừng non hai chục người tham dự trong tháng 3-2022 tại Hà Nội. (Ảnh: nhà thơ Myan cung cấp)

 Nhiều người tuổi trung niên vẫn giữ ấn tượng sâu đậm về những đêm thơ của sinh viên hồi thập niên 1980. Người viết bài này khi ấy là một đứa trẻ con, được theo chân người chị đến dự đêm thơ đông nghẹt do sinh viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức tại Trung tâm phương pháp Câu lạc bộ Trung ương, 16 Lê Thái Tổ (Hà Nội) vào trung tuần tháng 11-1988, hơn ba mươi năm sau vẫn còn nhớ sự sôi động hiếm có ấy, nơi những vần thơ là thứ duy nhất lôi cuốn tuổi trẻ đến dự.

“Các nhà thơ sẽ trả lời ngay tại chỗ”

Khi các phương tiện giải trí nghe nhìn còn rất hạn chế, những buổi giao lưu văn hóa nghệ thuật vô cùng được chờ đợi. Dẫu thế, công chúng thời nay khó mà hình dung rằng có lúc những đêm thơ đã thu hút hàng ngàn người trẻ tuổi đến nghe thơ và đọc thơ. 

Có lẽ nhu cầu được chia sẻ những cảm hứng văn chương trước đám đông là một phần lý do, cùng niềm khao khát có một không gian biểu đạt cho tuổi trẻ vào lúc Đổi Mới bắt đầu ở Việt Nam. Mặc dù có nhiều không gian có thể làm được điều đó như sân khấu ca nhạc, hội diễn văn nghệ, thậm chí cuộc thi hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất diễn ra cùng khoảng thời gian, nhưng đêm thơ vẫn là một sự khác biệt, khi ở đó, những sinh viên trẻ tự đọc thơ của họ - những bài thơ chứa đựng tâm sự, nỗi niềm của tuổi trẻ. 

Không khí chắt lọc của câu chữ vẫn có sự quyến rũ của một thời đại vừa bước chân vào không gian của văn học Đổi Mới, khi những trang báo đăng những bài thơ, truyện ngắn mang bút pháp mới cũng đồng thời đăng những phóng sự điều tra chống tiêu cực và các bài xã luận “Nói và làm”.

Nhà thơ Hàm Anh còn lưu giữ những trang sổ chép tay những bài thơ đọc trong đêm thơ năm 1988 cùng dòng lưu bút của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Sĩ Đại. Cô sinh viên năm thứ hai Phan Thanh Thủy đứng chung sân khấu với tác giả của Chiếc lá đầu tiên, sau sự kiện này trở thành gương mặt nổi bật của thơ trẻ Việt Nam, giành được học bổng tại Trường viết văn Gorky (Liên Xô). Cho dù chị về sau chuyển hướng phong cách thơ với bút danh mới và công việc ở lĩnh vực khác, sự khởi đầu bằng những câu thơ đọc trong đêm Hà Nội ấy không thể nói là không quan trọng.

Các buổi đọc thơ hay nói chuyện thơ thời chiến tranh và bao cấp đã khá phổ biến, như của các thi sĩ nổi tiếng Xuân Diệu, Chế Lan Viên… Nhưng việc các tác giả không chuyên và sinh viên tự đọc thơ trong những chương trình của riêng họ lại là điều mới mẻ. Có lẽ vì sự tái xuất của các nhà thơ tiền chiến và kháng chiến trong những đêm thơ cùng thời gian chính là một môi trường khiến những đêm thơ sinh viên có được sự cộng hưởng to lớn.

Vào thời gian bản lề của công cuộc Đổi Mới, các tác giả văn học lãng mạn như Thơ Mới, Tự lực văn đoàn, các bài hát nhạc trữ tình “tiền chiến” hay mỹ thuật Đông Dương được tái bản hoặc được dạy lại trước hết trong các khoa ngữ văn các trường đại học, tạo ra một sự đa dạng hóa thế giới thẩm mỹ, khiến cho việc làm thơ và đọc thơ không còn gắn với chức năng ngôn luận truyền thống soi rọi từ các “cây đa cây đề” nữa. Chính những bậc trưởng thượng cũng tái xuất với những khuôn hình đa diện và phức tạp hơn, như Văn Cao với tập thơ Lá và Hoàng Cầm với tập thơ Men đá vàng, đều được in năm 1988.

Một đoạn tin năm đó giới thiệu “Đêm thơ Văn Nghệ” - được tổ chức nhân kỷ niệm 40 tuần báo Văn Nghệ, tại Thư viện Hà Nội vào tối 19-3-1988, có sự tham gia của Tế Hanh, Chính Hữu, Văn Cao, Phạm Hổ, Hoàng Cầm, Hữu Thỉnh, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật. Điều đặc biệt của đêm thơ là “dành thì giờ cho bạn đọc, bạn viết trực tiếp đặt câu hỏi về tất cả những gì bạn quan tâm đến những tác giả có mặt hoặc vắng mặt, về những vấn đề liên quan đến phong trào thơ. Các nhà thơ sẽ trả lời ngay tại chỗ” (Hà Nội Mới, 19-3-1988). Việc tương tác giữa người làm thơ và người yêu thơ có tính chất trực diện như thế có lẽ không khác với các hoạt động trao đổi trên mạng xã hội ngày nay, khi các nhà thơ cũng sử dụng Facebook hay blog để đăng thơ mình trước khi in thành một tập thơ phát hành hạn chế.

 
 Bức tranh Nhà thơ của Oksana Cherkas, họa sĩ người Belarus.

Thời khắc lợi thế của thơ

Sau một giai đoạn kéo dài tới chục năm diễn ra những buổi đọc và trình diễn thơ của Sân thơ Trẻ trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam vào Tết Nguyên tiêu hằng năm ở sân Thái Học, Văn Miếu (Hà Nội), các buổi giao lưu thơ ít đặt ra những vấn đề biểu đạt hơn so với những chuyên luận và một vài nhóm quan tâm đến thơ trên mạng. 

Tới giữa thập niên 2010, các đêm thơ rầm rộ thưa thớt dần. Các hội sách dày đặc thời gian này gần như không có những buổi ra mắt các tập thơ.

Bên lề chương trình giao lưu giữa các tác giả Đức và Việt có tên “Sóng đôi văn học” (Literature Tandem) từ 3 đến 13-11-2018 do Viện Goethe tổ chức, một số buổi đọc thơ được tiến hành ở quán cà phê Tổ Chim Xanh. Dưới chủ trì của nhà thơ - dịch giả Nhã Thuyên, các nhà thơ đọc thơ bằng tiếng mẹ đẻ, và khi cần, những nhà thơ trẻ dùng một vài câu thơ tiếng Anh hoặc tiếng giả thanh để cả đôi bên có thể đồng thanh đọc. 

Người viết bài này, tham gia với tư cách tác giả viết văn xuôi, đã cảm thấy mình thực sự thua thiệt so với các nhà thơ. Những câu thơ có nhạc tính, có âm vang của các nguyên âm, các nhấn nhá thanh điệu hay phụ âm bật môi, được diễn tả bằng cảm xúc và điệu bộ, có thể khiến người nghe ở ngôn ngữ khác cảm nhận được. Trong các cuộc giao lưu, những tập thơ song ngữ là một công cụ hiệu quả, nhất là khi các tác giả hướng đến độc giả nước ngoài.

Những cuộc giao lưu thơ thực tế thời nay không chỉ để quảng bá sách, mà còn sôi động theo hướng tổ chức những buổi kỷ niệm sự nghiệp các nhà thơ danh tiếng. Loạt chương trình thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ với sự chủ trì của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cùng nhiều bạn trẻ dưới cái tên “Thư viện Mây Trắng” gây được chú ý lớn, bắt đầu từ khoảng sân nhỏ trong quán Ơ Kìa Hà Nội tại ngõ phố Hoàng Hoa Thám, xê dịch đến những sân khấu như Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace tại Tràng Tiền. 

Ở đó có cả phần đọc đoạn thơ trong bài Mây trắng của đời tôi (Lưu Quang Vũ) bằng nhiều thứ tiếng, do một số đại sứ hay người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội góp giọng cùng sự tham gia của một số nghệ sĩ sân khấu (Lan Hương, Đỗ Kỷ, Lê Khanh) hay ca sĩ như Mỹ Linh. Loạt sự kiện này đã khuấy động sự quan tâm của truyền thông, phần vì những câu thơ của đời thơ cặp đôi đã có màu sắc huyền thoại thời bao cấp, phần vì cách thức thể hiện có yếu tố phụ trợ hiệu quả của trình diễn.

“Là lối em không về qua”

Trái ngược với định kiến thơ không bán được cho ai, chỉ in để làm sách tặng, thơ của một vài tác giả trẻ hiện nay nằm trong danh mục sách bán chạy, chí ít cũng được giới trẻ trích dẫn khá nhiều. Những câu thơ của Nguyễn Thiên Ngân hay Nguyễn Thế Hoàng Linh thậm chí có thể gây sốt. Nhiều bạn trẻ đã trích dẫn những câu thơ sau để giãi bày tâm trạng: Em ơi, đừng yếu đuối/ Một tẹo thôi đã buồn/ Làm sao đi đến cuối/ Giữa cuộc đời đao gươm.

Bài thơ trên nằm trong tập Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời (2015) của Nguyễn Thiên Ngân được tái bản nhiều lần, ngay sau khi phát hành qua mạng đã đạt số lượng 12.000 bản in - con số mà ngay cả các tác giả tản văn cũng mơ ước. 

Các nhà thơ không còn hình ảnh đầu bù tóc rối, nói năng hành xử xa lạ thời cuộc, mà nhiều tác giả đã thành hiện tượng truyền thông bắt mắt. Những nhà thơ trẻ tỏ ra khá mẫn cảm với những tác động của không gian số và phương tiện đồ họa thị giác. Không chỉ tương tác tích cực với độc giả hằng ngày qua những dòng tâm trạng chia sẻ trên Facebook, các tập thơ của Nguyễn Phong Việt nhất quán theo một thiết kế với dòng tên các tập được lấy từ chữ viết tay của tác giả. 

Ngay cả thơ dịch cũng vẫn có một lượng độc giả trung thành, nhất là những người kiên định duy trì một chốn cá tính cho việc chuyển ngữ như dịch giả kín tiếng Nguyễn Huy Hoàng với blog hoanghannom.

Trải nghiệm về những cuộc giao lưu, kỷ niệm hay ra mắt tập thơ thật sự không thể quy về một xu hướng nào, so với lĩnh vực âm nhạc hay hội họa, hoặc thể loại văn chương khác như tản văn, truyện ngắn. Nếu người ta dễ dàng cảm thấy sự ấm lên của thị trường tranh qua mối quan tâm của truyền thông dành cho các triển lãm hay độ nóng của dòng sách khảo cứu lịch sử qua những buổi thảo luận luôn đông nghịt người tham dự (cả trên những phòng trao đổi trực tuyến lẫn các hội trường thực tế), thì một đêm đọc thơ thành công lại không phải là những buổi “đắt khách”. 

Buổi đọc thơ của tác giả Myan, diễn ra với chừng non hai chục người tham dự cách đây hơn một tuần, chìm đắm trong một một bầu không khí nhẹ nhàng, những nhận xét rụt rè, những câu hỏi lịch thiệp về làm thơ chuyên nghiệp và dịch thơ.

 
 Nhà thơ Myan và nhà báo Uyên Ly trong buổi đọc thơ mới đây tại Hà Nội.

 Vào thời điểm hiện tại, những đêm thơ có còn là một thứ đồ cổ, hệt như sự cổ xưa của thi ca? Giữa thời các buổi giao lưu tương tác bằng công nghệ số trở thành giao thức phổ biến, những buổi đọc thơ lại là thứ có khả năng trụ được dễ hơn nhiều loại hình khác vì sự đơn giản gọn nhẹ của việc đọc, với rất nhiều buổi đọc thơ như vậy trong mùa giãn cách vì dịch COVID-19. Những câu thơ ngắn gọn, vang âm tâm sự riêng tư dưới những biến ảo ngôn từ do chính các tác giả đọc, cô đọng lại ở những dòng âm thanh truyền qua các dữ liệu số, giống như chuyện trò với từng độc giả trước máy tính hay điện thoại cầm tay. 

Ở một góc độ nào đó, tính chất “bảo thủ” của việc đọc thơ đã giúp những đêm thơ không biến mất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận