"Theo đuổi sự ưu tú thì thành công sẽ theo đuổi ta"

TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện 01/04/2013 02:03 GMT+7

TTCT - Trao đổi với bạn Phạm Thành Trung, sinh viên xuất sắc hệ cử nhân tài năng của ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Những kẻ lạc đường

LTS: Tiếp sau tâm sự “phá cách” của các bạn trẻ không chấp nhận “lạc đường”, Câu chuyện cuộc sống số này phỏng vấn và ghi nhận ý kiến của những bạn trẻ giữ được cho mình niềm hăng say hoặc thoát ra khỏi những tình thế khó khăn. Họ đã vượt qua bằng cách nào?

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Phạm Thành Trungcho biết: “Giữa phổ thông với đại học có nhiều khác biệt, bản thân tôi cũng không khỏi có những khoảng hẫng, có những điều lạ lẫm khi bước vào một môi trường học tập mới. Ví dụ như đang lao vào học môn chuyên ngành ở cường độ cao khi còn ở phổ thông, năm đầu tiên đại học sinh viên phải tiếp cận với các môn học đại cương, nhiều môn học trái hẳn với sở thích, sở trường của mình.

Thầy cô ở trường đại học cũng không tỉ mỉ, tận tình mà đòi hỏi sinh viên phải chủ động, tự học, tự nghiên cứu nhiều hơn. Có những kỹ năng trước đây tôi không nghĩ là cần thiết thì ở bậc học cao lại thấy nó vô cùng cần như khả năng làm việc nhóm, khả năng sắp xếp kế hoạch học tập, khả năng tự tìm nguồn tư liệu, tự tiếp cận với các nguồn kiến thức khác nhau để bổ trợ cho học tập, nghiên cứu...

Còn một vấn đề khác nữa là sự thiếu hụt vốn hiểu biết xã hội, khả năng hòa đồng và tham gia các hoạt động xã hội... Nếu không vượt qua được những trở ngại này thì rất có thể sẽ dẫn đến việc chán học, thậm chí thù ghét một số môn học và sa sút trong kết quả học tập”.

* Vậy Trung vượt qua sự hẫng hụt này bằng cách nào?

- Tự tìm hứng thú cho mình để duy trì đam mê. So với nhiều bạn trẻ, tôi thấy mình may mắn là được lựa chọn và đeo đuổi điều mình đam mê. Nó là chất xúc tác cho tôi vượt lên khó khăn.

Phạm Thành Trung - Ảnh: T.V.H.
* Không phải ai cũng tạo được hứng thú nếu như khi vào trường đại học phải vượt qua những môn học chán ngắt, hay đứng trước một môi trường học không như mình hình dung, mơ ước?

- Không biết các bạn khác thế nào nhưng với tôi, tự tạo cho mình một thách thức là điều khiến tôi bị cuốn vào việc học, việc nghiên cứu và duy trì được niềm say mê. Khi mới vào trường, tôi đăng ký tham gia Olympic cơ học sinh viên toàn quốc. Kiến thức cơ học tôi mới chỉ được giới thiệu qua hồi phổ thông nên gần như không biết gì cả. Nhưng tôi muốn thử sức và gò mình vào việc phải chạy đua. Tôi xác định nếu không đoạt giải thì cũng có một trải nghiệm, một bài học.

* Lần đó bạn đoạt giải nhất đúng không?

- Vâng. Năm nay tôi cũng đăng ký thi Olympic cơ học, nhưng tôi chọn một mảng cũng mới tinh với mình là thủy lực. Hiện tại là thời gian tôi lao vào tìm hiểu về nó. Một thứ hoàn toàn xa lạ thôi thúc tôi khám phá và cố gắng để làm chủ kiến thức về nó. Những cái đích nhỏ ở mỗi chặng thế này khiến tôi không bị rơi vào trì trệ.

* Nhưng dù sao đó cũng không phải là hoạt động học tập chính thức. Trung vừa nói có những môn học trái với chuyên môn và khá nhiều những điều xa lạ mà tân sinh viên cần thích nghi... Hình như đây cũng là giai đoạn “điểm rơi” của khá nhiều sinh viên từng có thành tích đáng kể ở phổ thông?

- Tôi cũng có vài người bạn học giỏi ở phổ thông, rồi bị sa sút dần do “chọn sai ngành”, do không thích nghi được với điều kiện học tập mới, do thất vọng vì môi trường đại học không như các bạn ấy hình dung... Nhưng điều đó chỉ xảy ra khi mình không tự đặt cho mình đích đến... Những cái đích gần, xa hơn một chút và cao hơn nữa.

Năm thứ nhất, khi phải học những môn đại cương tôi cũng hụt hẫng, nhưng để mình không buông, tôi tự gò mình vào một nề nếp khắc nghiệt và cụ thể. Ví dụ như không bỏ tiết, đi học đúng giờ, nghiêm túc nghe giảng, ghi chép đầy đủ, đọc sách, nghiên cứu về vấn đề đang học... Tôi có cảm giác sự nghiêm túc của mình tạo hứng thú cho thầy cô... Các thầy cô cũng giảng hay hơn, nhiệt tình hơn.

* Nhưng môi trường đại học, sinh viên không chỉ tiến bộ nhờ “đọc - chép” nghiêm túc?

- Đúng vậy, ý tôi là hãy rèn cho mình từ việc nhỏ thì sẽ vượt qua được việc lớn hơn dễ dàng. Tự mình tạo ra áp lực, tạo ra môi trường khắc nghiệt cho mình, lúc đầu cũng mệt nhưng khi đã đi được một chặng đường, nhìn lại sẽ thấy mình đã vượt xa hơn lúc nào. Quan trọng là tạo cho mình được thói quen làm việc với cường độ cao.

* Trung nhận xét thế nào về môi trường học tập hiện tại? Là một sinh viên có năng lực và đam mê, liệu điều kiện học tập hiện tại có thể thỏa mãn yêu cầu của bạn chưa?

- Tôi may mắn được học tại những ngôi trường tốt cả ở phổ thông và đại học so với mặt bằng chung ở Việt Nam. Nhưng sắp tới tôi vẫn đi du học. Tôi đã có học bổng vào học Trường ĐH Bách khoa Paris. Tôi đã nghiên cứu kỹ về nơi sẽ đến. Không phải trường ở nước ngoài hơn ta ở điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, phòng thí nghiệm, tài liệu sinh động hơn mà là quan điểm chọn lựa và đào tạo sinh viên.

Ví dụ có trường đại học ở Mỹ ngoài khả năng ngoại ngữ của người học còn đề cao năng lực hoạt động xã hội. Còn trường tôi sẽ tới ngay từ năm thứ nhất họ tung sinh viên vào thâm nhập thực tế công việc để hình dung về vấn đề mình sẽ học, sau đó mới trở lại trường...

* Khi đặt cho mình vô số cái đích trong học tập, liệu Trung có xa rời các hoạt động khác và cảm thấy mình thiếu hòa đồng?

- Khi bước vào trường đại học, tôi nhận ra ngay những điều mình thiếu cần bổ sung. Hoạt động xã hội, tìm hiểu các vấn đề đời sống, cả kỹ năng làm việc chung với bạn bè cũng là điều cần bổ sung. Tôi tham gia một số chương trình sinh viên tình nguyện, các hoạt động của khoa, trường.

Thỉnh thoảng tôi chơi đàn trong một nhóm nhạc. Việc chơi này cũng là cách học lấy điều mình cần. Ví dụ soạn và biểu diễn một bản hòa tấu, tôi không thể một mình làm lấy mà cần sự hợp tác, bổ trợ của các bạn trong nhóm. Không có ai hoàn hảo nhưng có thể có sản phẩm tốt nếu biết kết hợp sức mạnh của nhiều người.

* Câu chuyện mình vừa nói với nhau có thể tóm tắt lại là thách thức có thể tạo nên hứng thú và động lực để đạt được những cái đích mà mình đặt ra trên con đường học tập?

- Vâng, tôi rất thích xem bộ phim Ba chàng ngốc của Ấn Độ. Trong đó có một câu thoại mà tôi rất thích là “Theo đuổi sự ưu tú thì thành công sẽ theo đuổi ta”.

Lựa chọn thực dụng sẽ giết chết niềm say mê

Môi trường đại học rất khác với phổ thông, nhất là đối với những sinh viên sống xa nhà. Có vô vàn cám dỗ như game, các thú vui chơi giải trí, trong khi phải sống xa gia đình, tự lập, tự học, tự chủ trong cuộc sống. Tốt nhất là rời xa những cám dỗ ngay từ khi mới đặt chân vào trường, nếu không lâu dần khi đã dấn sâu vào nó, khi đã hình thành thói quen lười biếng, trì trệ sẽ khó thay đổi.

Trong môi trường đại học sẽ không có ai giục giã chuyện học, không có thầy cầm tay chỉ việc. Nếu không muốn sa sút, nếu thật sự muốn có kiến thức thật, đáp ứng công việc thực tế thì chỉ có một con đường: học. Có những môn học, tài liệu hoàn toàn là tiếng Anh. Muốn đọc được sách chuyên ngành phải đi học tiếng Anh chuyên ngành. Đọc được thì mới chiếm lĩnh được kiến thức và khi đó mới có thể bước những bước đầu tiên trên con đường để thành nghề.

Cách chọn cho mình một con đường an toàn và thực dụng đang là xu thế phổ biến của nhiều sinh viên. Và để có được sự “an toàn”, những kiểu học đối phó để có bảng điểm đẹp, bằng đẹp cũng xảy ra. Nhưng nhìn lại thật kỹ thì thấy cách lựa chọn đó giết dần niềm say mê, nhiệt huyết và mong muốn chinh phục tri thức. Đó cũng là cách lựa chọn dễ khiến người trẻ sinh chán nản, thỏa hiệp với bản thân.

LÝ BÌNH LẬP
(sinh viên năm 3 ngành điện tử viễn thông Trường ĐH Bách khoa Hà Nội)

Thay đổi không có gì là xấu

Bạn tôi học giỏi, dưới áp lực của gia đình và những người xung quanh, bạn lúc nào cũng nỗ lực hết mình trong việc học và kết quả như mọi người mong đợi (mọi người chứ chưa chắc là bạn mong đợi) bạn tốt nghiệp loại giỏi, đứng đầu cả một khóa. Ra trường, làm việc ở một công ty lớn, những tưởng như vậy là ổn. Sáu tháng sau chúng tôi gặp lại, trông bạn tiều tụy, mệt mỏi.

Bạn tâm sự: “Mình không biết tất cả những gì mình làm có phải vì mình không, chắc không phải. Mình cũng không biết mình có yêu công việc hiện tại không, chắc cũng không. Nhưng giờ nghỉ việc mình sẽ phải đối diện với gia đình, mà nghỉ việc mình cũng chẳng biết xin vào làm gì với ngành đã học. Người ta cứ tưởng tốt nghiệp đại học loại giỏi là ghê gớm lắm, nhưng giờ mới thấy loại gì không phải là vấn đề, quan trọng là làm được việc gì. Quan trọng hơn nữa là phải biết sống cho chính bản thân mình chứ không phải là một ai khác”.

Sau một thời gian mệt mỏi, dằn vặt, cảm thấy không có lối thoát đến mức phải đi điều trị tâm lý với bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh, sau đó bạn tôi lấy hết can đảm chỉ để... nghỉ việc.

Thật buồn cười khi sống cho chính bản thân mình mà phải đắn đo và khó khăn đến như vậy. Sau đó bạn chỉ làm những việc part-time, những việc chưa bao giờ làm, từ bán hàng đến tiếp thị sản phẩm, bồi bàn... và dành dụm hết khoản tiền kiếm được để đi phượt. Tôi cho rằng hành trình mà bạn tôi đã làm chính là việc đi tìm lại chính con người mình, tìm lại đâu là niềm vui, là sở thích, là cái mà mình thật sự muốn chứ không phải dư luận, gia đình, người thân mong muốn.

Thay đổi không có gì là quá xấu, có thể ban đầu bạn cảm thấy mọi chuyện không ổn, nhưng rồi nếu quyết tâm và kiên định bạn sẽ nhận ra thay đổi để đón nhận những điều mới, để “cứu lấy” chính tương lai mình vì hẳn chúng ta không thể sống mãi trong cảm giác lạc lối!

kimhau...@yahoo.com

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận