Thêm hai đường cao tốc cho miền Tây

PHƯƠNG NGUYÊN 04/05/2008 18:05 GMT+7

TTCT - Các “xương sống” đang xây dựng và những tuyến mới đang được qui hoạch sẽ tạo đà phát triển mạnh cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong năm, mười năm tới...

Phóng to

Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang được xây dựng

TTCT - Các “xương sống” đang xây dựng và những tuyến mới đang được qui hoạch sẽ tạo đà phát triển mạnh cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong năm, mười năm tới...

Cao tốc ĐBSCL - Phnom Penh

Liên chính phủ VN - Campuchia đã thống nhất chủ trương xây dựng tuyến đường cao tốc từ ĐBSCL đi Phnom Penh. Tuyến cao tốc này được Bộ GTVT đề nghị trình lên Chính phủ trong chiến lược phát triển dài hạn đường cao tốc của VN từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050.

Theo Bộ GTVT, nguồn vốn để làm công trình này có hai hướng. Một là vay ưu đãi một phần và vay thương mại một phần có Nhà nước bảo lãnh. Hai là làm BOT, bù lợi nhuận chênh lệch tính ra từ bất động sản. Cần Thơ và An Giang đã làm việc với Bộ GTVT và Chính phủ Campuchia.

Hiện tuyến cao tốc TP.HCM đi Trung Lương đã được xây dựng gần xong. Tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ cũng sẽ được tiến hành trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức nói: “Trước mắt tập trung vào các “đầu mối” luồng quanh Chánh Bố, nam sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, sân bay Cần Thơ, mở rộng cảng Cần Thơ... thì bộ mặt của ĐBSCL cũng sẽ khác đi rồi”.

Ông Trần Thanh Mẫn, chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết con đường này dài 230km. Từ Cần Thơ lên tới biên giới thuộc tỉnh An Giang là 110km, phần còn lại trên đất bạn dài 120km. Dự kiến vốn làm phần đường từ Cần Thơ đi An Giang khoảng 2,3 tỉ USD, phần phía Campuchia cũng tương ứng như vậy, tổng cộng khoảng 4,5 tỉ USD. Con đường này mở lối ra đi giữa ruột hai tỉnh Cần Thơ và An Giang để khai thác và phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ... cho khu vực trung tâm miền Tây.

Ông Nguyễn Tấn Quyên, bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho biết hiện nay Cần Thơ và An Giang đang chuẩn bị đề cương để đầu tháng sáu tới sẽ đàm phán với các đối tác là các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ. Dự kiến đường cao tốc với tám làn xe, rộng 95m. Dọc tuyến này sẽ bố trí, qui hoạch những khu đô thị, thương mại... Dự kiến năm 2009 sẽ khởi động dự án. Điểm đầu của dự án nằm gần Cái Tắc của tỉnh Hậu Giang, đi qua các địa danh Nhơn Nghĩa, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ (Cần Thơ), Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Đốc (An Giang) và sang Campuchia.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cà Mau

Phóng to
Lãnh đạo Cần Thơ và Kiên Giang cũng vừa có buổi làm việc, khảo sát tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn Cần Thơ và Kiên Giang. Tuyến đường này được xem là “xương sống” thứ hai của ĐBSCL sau tuyến quốc lộ 1 hiện hữu. “Xương sống” này sẽ có điểm đầu tại cầu Mỹ Thuận và điểm cuối tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau).

Ông Nguyễn Tấn Quyên cho biết Chính phủ đã thống nhất chủ trương cho xây dựng tuyến này. Dự kiến tuyến cao tốc này dài 160km, giai đoạn I có sáu làn xe, giai đoạn II có tám làn xe, chiều rộng mặt đường 95m, lượng ôtô lưu thông 25.000-30.000 chiếc/ngày đêm; vận tốc thiết kế 120km/giờ. Tổng vốn đầu tư 3,7 tỉ USD theo phương thức BOT, trong đó 3,2 tỉ làm đường, 500 triệu USD xây cầu Cần Thơ 2 bắc qua sông Hậu.

Cầu Cần Thơ 2 sẽ được bắc qua cù lao Tân Lộc, có hai nhịp chính, có vòng xoay từ cầu nối xuống cù lao để khai thác tiềm năng du lịch sinh thái đặc trưng của cù lao này. Trước đó, khi khảo sát tại tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - nói sự hình thành tuyến đường này tạo điều kiện phát triển hệ thống đô thị của bốn tỉnh thành là Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang và Cà Mau; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trong toàn vùng, nó cũng là tuyến đường liên tỉnh để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch vùng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận