Thể thao mạo hiểm: Từ chuyện cái bản đồ địa hình...

HUY THỌ 28/06/2020 14:06 GMT+7

TTCT - Bản đồ địa hình được bán rộng rãi ở nhiều nước, giúp các vận động viên thể thao mạo hiểm chuẩn bị tốt nhất cho thử thách của mình, song ở Việt Nam, khó mà mua được...

Tôi có quen một chàng trai trẻ người Việt đang làm công tác nghiên cứu khoa học tại nước ngoài, người cũng là tín đồ của môn Rogaining. Đây là một môn thể thao khá thịnh hành tại Úc, New Zealand và một số nước châu Âu, đã có Liên đoàn Rogaining thế giới, có giải vô địch thế giới.

Một chặng rogaining ở Úc (Ảnh: We are explorers)

Môn thể thao này là một dạng chạy bộ địa hình nhằm rèn luyện thể lực; kỹ năng làm việc nhóm (thi theo nhóm từ 2-5 người/nhóm); kỹ năng đọc bản đồ địa hình, đi rừng...

Hồi cung đường ưa thích của dân đi phượt là Tà Năng - Phan Dũng xảy ra sự cố chết người, anh bạn trẻ này nêu cho tôi một câu hỏi: “Hình như ở Việt Nam không thấy bán đại trà các bản đồ địa hình được cập nhật từng năm? Nếu có bản đồ kiểu ấy - nó hết sức chi tiết đến từng con lạch, mô đất... - thì nguy hiểm sẽ giảm đi rất nhiều cho người đi phượt. Ở Úc và nhiều nước khác, bản đồ địa hình được bán đầy trong các nhà sách”.

Các bản đồ địa hình được bán rộng rãi ở nhiều nước để người tham gia thể thao mạo hiểm nghiên cứu kỹ lộ trình thử thách của mình và chuẩn bị tốt nhất cho nó.

Đúng thế, bản đồ địa hình ở VN ta vừa lạc hậu vừa không bán rộng rãi.

Vừa rồi, khi xảy ra sự cố đau lòng ở Đà Lạt, anh bạn trẻ lại trò chuyện với tôi về những chuyện liên quan. Anh kể về một sự thay đổi lớn với mình sau 10 năm ở nước ngoài, đó là sự quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và an toàn của bản thân khi tham gia hoạt động thể thao. Dự một giải đấu, hay một chuyến đi mạo hiểm nào, anh đều phải đọc thật kỹ các yêu cầu về sức khỏe, trả lời một cách thật trung thực mọi câu hỏi của nhà tổ chức đặt ra cho người tham gia.

Chuyện này khá xa lạ với người Việt, khi tôi hỏi nhiều runner thì đều nhận được một thái độ thờ ơ đối với thủ tục “miễn trừ trách nhiệm” - thủ tục mà ở VN thường chỉ được xem là nhằm giúp nhà tổ chức “thoát nạn” nếu có sự cố, hơn là giúp runner thực sự nhìn nhận nghiêm túc “nội lực” bản thân và cả tính an toàn trong công tác tổ chức giải.

Anh bạn trẻ còn cho tôi biết, mỗi năm anh đóng gần 200 đôla Úc cho bảo hiểm cấp cứu bằng trực thăng! Đơn giản bởi nếu không may gặp nạn trong những chuyến thi đấu, tập luyện thể thao ở rừng núi, chỉ có phương tiện cấp cứu bằng trực thăng là hiệu quả nhất. Khoản tiền đó không nhỏ, nhưng thiết yếu với những người ham thích các môn thể thao đường rừng như Rogaining.

Những chuyện đó xem ra còn khá xa lạ ở VN. Vì vậy, những sự cố xảy ra trong các hoạt động thể thao có tính phiêu lưu, mạo hiểm ở nước ta - vốn mới du nhập vài năm gần đây - thường để lại hậu quả đau lòng.

Đó đều là những bài học xương máu thật sự với người tổ chức, người tham dự trong tương lai, là thái độ cần thiết phải có, chứ không phải sự tránh né, bưng bít.

Vận động viên Luce Douady

Luce Douady, cô gái người Pháp được xem là “thiên tài leo núi”, vừa tử vong cách đây không lâu khi mới 16 tuổi, sau một sơ sẩy dẫn đến cú rơi từ độ cao 150m. Đó thật sự là một tai nạn thương tâm, nhưng không vì thế mà người ta kêu gọi tẩy chay môn leo núi. Vấn đề là làm sao để thể thao - một hoạt động vốn rất lành mạnh và luôn đáng cổ xúy - có thể tiếp tục trong sự an toàn. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận