Thế lưỡng nan của chiếc bánh trăng rằm

PHAN BẢO 08/09/2022 05:54 GMT+7

TTCT - Theo đà phát triển của xã hội, bánh trung thu ngày càng bị soi dưới con mắt của các nhà dinh dưỡng học, "lãng phí học". Nhưng cũng như gà tây trong các lễ hội Âu - Mỹ, thức quà truyền thống với dân châu Á này có lẽ là món ăn ghét không đặng, bỏ chẳng xong.

Thế lưỡng nan của chiếc bánh trăng rằm - Ảnh 1.

Ảnh: Mashable

Thú gì cái bánh trung thu?

Hằng năm, cứ đến mùa Trung thu, một ‘cuộc thi’ không có ban tổ chức lẫn hội đồng giám khảo diễn ra trên khắp châu Á. Các ‘thí sinh’ không tiếc công sức, thời gian, tiền bạc tìm mua những hộp bánh trung thu càng độc, lạ càng tốt để mang đi biếu tặng, dẫu biết rằng nhiều khi có hộp sẽ nằm trong thùng rác. Đôi ba lời xuýt xoa "Hộp bánh này đẹp ghê!" từ người nhận hẳn cũng khiến họ thấy bõ công lắm chứ.

Không rõ ngòi bút đa nghệ Andrew Sun của báo South China Morning Post (SCMP) có tham gia ‘cuộc thi’ thường niên này không, nhưng chắc chắn anh chẳng thú gì với mấy cái bánh trung thu. Anh cho rằng trên thực tế, mọi người đều ghét chúng. Trong bài viết bày tỏ quan điểm về món quà trung thu đăng trên SCMP hôm 25-8, anh viết: "Dẫu biết bánh trung thu có bề dày lịch sử vô cùng phong phú, nhưng giờ đã là năm 2022, sao ta vẫn ăn những chiếc bánh cứng ngắc, nhiều đường, đầy calo và cholesterol này?".

Sun miêu tả góc nhìn về bánh trung thu của người Hong Kong, nơi tờ SCMP đặt trụ sở, như một mối quan hệ vừa yêu vừa ghét: Người ta cho rằng ai cũng thích những chiếc bánh trung thu truyền thống, nhưng thực tế thì ai cũng ghét chúng.

Sun nói anh không thể ăn nổi quá một góc nhỏ của một chiếc bánh trung thu, vượt quá ‘khẩu phần’ đó, anh sẽ cảm thấy như một tảng mỡ đang thành hình trong ruột. Để tránh chủ quan, Sun định bụng tham khảo ý kiến của bạn bè và những người thích bánh trung thu. Nhưng rốt cuộc, anh chẳng thể tìm thấy một ai thích món này. Theo Sun, hẳn ai cũng vui vẻ mà nhấm nháp chút bánh trung thu cho có cái-gọi-là mừng rằm tháng 8, nhưng mê mẩn nó thì chắc là không, bởi nhận xét chung của mọi người về món bánh này thường là quá ngọt, quá béo.

Ấy vậy mà cứ đến mùa thu, ai ai cũng mở hầu bao chi cho những chiếc bánh trung thu đựng trong những hộp quà được thiết kế độc đáo - và dĩ nhiên không hề rẻ - để làm quà cho bạn bè và người thân như một lời nhắn nhủ bất thành văn: "Cô ơi, chú ơi, cháu đây rồi. Cháu biết cô chú sẽ không ăn hết đâu nhưng cháu có nhiệm vụ phải mua tặng cô chú một hộp mỗi năm". Viết đến đây, nhà báo châu Á này mới chợt ngộ ra phong tục này mới giống với bánh Giáng sinh của phương Tây làm sao.

Thế lưỡng nan của chiếc bánh trăng rằm - Ảnh 2.

Một gợi ý thiết kế hộp bánh trung thu cầu kỳ. Ảnh: Ernest Packaging Solutions

Nhưng mang bánh đi biếu vẫn đơn giản hơn nghĩ cách làm sao từ chối khéo khi bị ông bà mình ép "ăn miếng bánh trung thu đi con". Nghe có vẻ hơi thô, nhưng Sun cho rằng không phải ông bà thương yêu mấy đứa cháu gì cho cam, chẳng qua họ đang cố tống khứ đi nhiều chừng nào đỡ chừng đó mấy cái bánh có thì thừa, mà không có thì thiếu. Dựa trên kinh nghiệm (không biết có phải là đau thương không) của bản thân, anh gợi ý rằng cắt nhỏ bánh ra sẽ giúp bọn trẻ hảo ngọt ‘tiêu thụ’ chúng nhiều hơn.

Cảnh khó xử vì bánh trung thu cũng diễn ra ở nơi Sun làm việc. Anh lấy làm tội nghiệp cho những đồng nghiệp ngoại quốc còn bỡ ngỡ với văn hóa phương Đông, trót nghĩ rằng không ăn hết một chiếc bánh trung thu ngay một lúc là ‘thất lễ’. Thế là trong lúc Sun và những người khác gõ phím tanh tách sau màn hình máy tính, có một chàng ngoại quốc dành cả buổi chiều cố hết sức xơi cho xong chiếc bánh trung thu.

Trong những năm gần đây, rất nhiều công ty cho ra đời những phiên bản bánh trung thu được cách tân hiện đại - bắt đầu bằng việc biến tấu phần nhân ngọt và dày bản bên trong thành nhân bơ sen, bơ mè, đậu xanh, đậu đỏ và nhiều loại hạt. Sau đó, các nhà sản xuất khoác áo mới cho lớp vỏ bên ngoài với bánh trung thu vỏ tuyết (snow skin) - lấy cảm hứng từ vỏ bột gạo nếp của bánh mochi - một món tráng miệng của Nhật Bản. Những nhà sản xuất chocolate theo sau với bánh trung thu vị chocolate, các chuỗi cà phê thì làm bánh có vị cà phê mocha. Tiếp đến là cơn sốt với bánh trung thu nhân kem. Và cho đến nay, trên thị trường có muôn vàn phong cách, kiểu dáng bánh trung thu.

Nếu chưa biết phải lựa chọn mùi vị nào, bao bì cũng là một tiêu chí để tham khảo vì một món quà hấp dẫn cũng cần một bề ngoài ấn tượng, mặc dù đến cuối mùa trung thu thì những chiếc hộp lạ mắt, đắt đỏ kia cũng sẽ bị chôn vùi nơi bãi rác. Trước đây, nhiều phụ nữ trung niên thường tận dụng những chiếc hộp rỗng bắt mắt này để đựng đồ lặt vặt hoặc trang sức, nhưng giờ chính họ cũng đã quá tải với chúng.

Tuy nhiên bất kể bánh trung thu có hương vị và kiểu dáng phong phú đến đâu, Sun hoài nghi phải chăng người ta đã đánh giá quá cao về chúng. Anh cho rằng: "Không phải mọi phong tục đều cần được giữ gìn và tiếp nối. Đó là lý do tại sao ta ngừng ăn vây cá mập và bó chân bé gái mới sinh". Cuối cùng, anh kêu gọi "hãy ngừng giả vờ rằng tất cả chúng ta đều yêu thích bánh trung thu".

Thế lưỡng nan của chiếc bánh trăng rằm - Ảnh 3.

Bánh trung thu vỏ tuyết. Ảnh: nyonyacooking.com

Các nhà sản xuất đã và đang nỗ lực biến tấu món quà trung thu này để chúng không chỉ bắt mắt hơn, độc đáo hơn, mà còn bổ dưỡng hơn. Bánh trung thu vỏ tuyết là một trong những đại diện tiêu biểu đáp ứng được mục tiêu bảo vệ sức khỏe, bởi chúng có kích thước nhỏ (25g, so với bánh trung thu thông thường loại nhỏ nhất là 150g) và chỉ chứa khoảng 93 calorie.

Một số bí kíp ăn uống để giảm tác động tiêu cực của món bánh trung thu: tránh ăn món này vào buổi sáng khi bụng rỗng và sau bữa tối, không ăn quá 3 lần 1 tuần - mỗi lần không quá 1/4 chiếc bánh truyền thống hoặc 1 nửa chiếc bánh vỏ tuyết, và đã ăn bánh trung thu rồi thì không nạp thêm bất kỳ thực phẩm giàu năng lượng nào khác.

Truyền thống khó phai

Bài viết của Andrew Sun nhanh chóng thu hút nhiều lượt bình luận trên SCMP, nhưng theo cách hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ của anh.

Một tài khoản có tên Gavin "kịch liệt phản đối" những lời chê bai trong bài viết và khẳng định rằng: "Bánh trung thu ngon mà. Tôi đánh hơi thấy sự ghen tị từ anh Andrew Sun đây, bởi bánh trung thu trong tiếng Anh được gọi là moon cake chứ không phải sun cake". Tài khoản có tên Siu Lun Y. bình luận: "Lại một phản ứng thái quá. Làm gì có ai bị bệnh tim vì ăn một cái bánh trung thu mỗi năm". Còn tài khoản Perry L. thẳng thừng chỉ trích: "Càng nhiều lượt click vào cái tựa giật tít câu view này thì anh này càng được nhiều tiền thôi". Tương tự, nhiều tài khoản khác nhìn chung đều bày tỏ sự yêu thích đối với bánh trung thu.

"Tôi cảm thấy như bánh trung thu là một loại thực phẩm phân cực rõ ràng. Người ta hoặc là yêu chúng, hoặc là ghét chúng" - Suzanne Nuyen, một nhà báo, blogger chuyên về ẩm thực, nói với today.com. Nhưng cô cũng nói thêm: "Tôi không nghĩ rằng bánh trung thu truyền thống sẽ mai một. Vẫn sẽ có chỗ cho nó. Chúng đã tồn tại rất lâu rồi".

Là một người gốc Việt, Nuyen xem Trung thu là khoảng thời gian đặc biệt. "Giống như rất nhiều ngày lễ quan trọng trong văn hóa của tôi, Trung thu là để dành cho gia đình. Niềm vui lớn nhất là được gặp mẹ tôi vào dịp này hằng năm" - cô nói.

Còn với Arthur Kao, giám đốc tiếp thị của hiệu bánh Sheng Kee có tuổi đời hơn 40 năm ở thành phố Brisbane, bang California (Mỹ), cộng đồng mới là trọng tâm của bánh trung thu và Tết Trung thu. Kao nói: "Đối với rất nhiều người Mỹ gốc Á và đối với tất cả chúng tôi - những người sinh ra ở đây hay di cư đến đây, Trung thu có ý nghĩa rất lớn. Nó giống như lễ Tạ ơn, là dịp để đi chơi tùy ý, xả stress và thực sự chia sẻ không gian và thời gian bên gia đình".

Thế lưỡng nan của chiếc bánh trăng rằm - Ảnh 5.

Một gia đình cùng làm bánh trung thu. Ảnh tư liệu The Star

Khó phủ nhận chuyện lãng phí

Andrew Sun đã đúng về một điều: ngày càng có nhiều cảnh báo về sự lãng phí của bánh trung thu. Anh dẫn một khảo sát do Nhóm bảo vệ môi trường Green Power thực hiện cho biết người Hong Kong vứt đi hơn 1,9 triệu chiếc bánh trung thu năm 2019. Một nửa số người được Green Power phỏng vấn cho biết họ không muốn nhận bất kỳ chiếc bánh trung thu nào. Hơn nữa, 90% nói thêm rằng họ thích những món quà thay thế hơn - chẳng hạn như giỏ trái cây, hoặc chỉ đơn giản là mọi người góp mặt đông đủ trong bữa tiệc sum họp gia đình để thưởng trăng, và hay hơn nữa là tham gia vào màn tranh nhau trả tiền cho bữa tối vốn là nét đặc trưng không thể thiếu trong văn hóa Á châu.

Nếu con số 1,9 triệu trên chưa đủ gây hoang mang thì số lượng 2,9 triệu bánh trung thu bị bỏ phí ở vùng lãnh thổ này năm 2018, theo số liệu của tổ chức thiện nguyện Food Grace, có thể sẽ khiến người ta nghĩ lại.

Nhiều người nghĩ rằng có thể mang những chiếc bánh trung thu còn nguyên này tặng lại cho những người thiếu thốn. Nhưng than ôi, một khảo sát của Food Grace cho thấy trung bình chỉ có 1/3 các gia đình Hong Kong làm như vậy. Điều này có nghĩa rằng điểm đến cuối cùng của gần 2 triệu bánh trung thu ở Hong Kong trong mùa thưởng trăng năm 2018 không đâu khác chính là bãi rác.

Trong khi đó, hơn 1 triệu người Hong Kong đang phải vật lộn từng ngày để có được những bữa ăn bổ dưỡng, theo tổ chức cứu hộ thực phẩm Feeding Hong Kong. Không chỉ lãng phí về mặt thực phẩm, hơn 40% bao bì đóng gói bánh trung thu là không cần thiết, theo Hội đồng Môi trường Singapore. Chưa kể, nhiều mẫu bao bì thuộc loại không thể tái chế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận