Thế giới trong cuộc tỉ thí giá dầu

HỮU NGHỊ 21/01/2016 02:01 GMT+7

TTCT - Dầu hỏa đã góp phần tạo thành lịch sử của thế kỷ 20. Sang năm thứ 16 của thế kỷ 21 này, dầu hỏa cũng can dự vào lịch sử không kém.

Giá dầu giảm đã khiến những nhà sản xuất dầu mỏ lớn lao đao         -sayanythingblog.com
Giá dầu giảm đã khiến những nhà sản xuất dầu mỏ lớn lao đao -sayanythingblog.com


Tối chủ nhật 10-1, Hãng tin Mỹ AP đưa tin “Giá xăng dám xuống đến 1 USD/gallon” (1 gallon = 3,785 lít). Thật ra giá khi đó tại một số cây xăng trên nước Mỹ đang là 1,42 USD/gallon, có nơi như ở các bang Alabama, Arkansas, Missouri, Oklahoma và South Carolina giá những 1,75 USD. Song so với những biển báo hơn 3 USD/gallon cách đây không xa lắm, giá hiện tại đã là “cầu thang lên thiên đàng” (nói theo tựa một bài hát của Led Zeppelin) và khả năng giá xăng ở Mỹ xuống còn 1 USD như hồi năm 1999 là không xa.

Nội bộ OPEC: cá lớn nuốt cá bé

Hãng tin AP dự báo do lẽ giá dầu thô hiện đã xuống dưới mức 33 USD/thùng và sẽ còn tiếp tục mất giá đến “tan nát”, giải thích thêm rằng quyết định của hoàng gia Saudi Arabia mới đây tiếp tục giữ lượng dầu xuất khẩu của mình ở mức cao, trong thực tế, đã giải tán OPEC! Thực hư ra sao phải trở lại với cuộc họp của khối này vào đầu tháng 12 vừa qua.

Bloomberg 5-12-2015 loan tin “OPEC sẽ không cắt giảm sản xuất để chặn đứng việc giá dầu rơi”. Sau cuộc họp của các bộ trưởng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ hôm đó tại Vienna, chủ tịch của tổ chức này là Emmanuel Ibe Kachikwu cho biết sẽ tiếp tục bơm ra bán khoảng 31,5 triệu thùng/ngày.

Coi như các nước thành viên OPEC đã gạt qua một bên mục tiêu của họ trước đó là duy trì sản lượng hằng ngày ở mức 30 triệu thùng. Đến tháng 6-2016 OPEC mới quyết định giới hạn sản lượng mới, tổng thư ký tổ chức này là Abdalla El-Badri cho biết.

Lý do của quyết định “vượt rào” từ 30 triệu thùng/ngày lên 31,5 triệu thùng/ngày thay vì giảm sản lượng? Bộ trưởng dầu hỏa Iraq Adel Abdul Mahdi trả lời: “Vì sao OPEC lại phải một mình hi sinh phần của mình trên thị trường? Trong khi Mỹ không có bất kỳ mức trần nào, Nga cũng không có mức trần nào, tại sao OPEC lại cần phải có một mức trần?”.

Một lý luận rất logic! “Dẫn đường” bởi Saudi Arabia, nước sản xuất lớn nhất trong khối, các nước OPEC cứ thế tăng sản lượng trong một thị trường đã hoàn toàn dư nguồn cung, mặc cho các nước sản xuất với chi phí cao phải giảm sản lượng. Tức ngay trong nội bộ OPEC “cá lớn” đã nuốt “cá bé”.

“Lội ngược dòng” cơn lũ tăng sản lượng để giữ nguồn thu đó là Venezuela đơn thân độc mã với đề nghị cả khối cắt giảm 5% sản lượng. Song chẳng ai buồn nghe đến đề nghị này. Ngay cả Iran cũng đã tham gia hàng ngũ các thành viên OPEC không chấp nhận bất kỳ hạn chế sản lượng nào!

Làm thế nào Iran có thể chấp nhận hạn chế sản lượng khi mà nước này, sau khi được tháo gỡ các trừng phạt sau thỏa thuận hạt nhân mới đạt được với Mỹ, mới vừa xuất khẩu dầu trở lại và cũng chỉ phần nào mà thôi? Chí ít Iran cũng phải khôi phục sản lượng 1 triệu thùng/ngày.

Còn Saudi Arabia cho biết không cảm thấy bắt buộc phải cắt giảm sản lượng! Trong khi đó thị trường đang dư cung đến 2 triệu thùng/ngày! Hãi quá, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Eulogio Del Pino cảnh báo nếu thất bại trong việc làm giảm tình trạng thừa cung toàn cầu có thể sẽ đẩy giá dầu xuống thấp hơn 20 USD trong năm tới.

Cho dù có cố giữ sản lượng thì theo các tính toán của Cơ quan Năng lượng quốc tế, doanh thu chung hằng năm của OPEC có thể giảm còn 550 tỉ USD từ mức bình quân trong 5 năm qua là hơn 1.000 tỉ USD, tức trong 5 năm qua các nước OPEC đã mất trắng đến một nửa thu nhập từ dầu hỏa! Thế là để “lương tâm khỏi cắn rứt”, mạnh ai nấy bảo nhau: hãy để các nước sản xuất dầu không thuộc khối OPEC tự cắt giảm!

Biểu đồ giá dầu thế giới-Bloomberg
Biểu đồ giá dầu thế giới-Bloomberg

 

Nga lảo đảo ...

Nga vốn là một trong những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, năm 2013 thu nhập từ dầu khí chiếm đến 68% thu nhập xuất khẩu, đã kinh qua cuộc khủng hoảng giá dầu này như thế nào?

Theo đài Nga Russia Today 9-1-2016, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết quỹ dự trữ của nước này có thể kết thúc trong năm 2016 và trong trường hợp này, Nga sẽ chuyển sang một nguồn dự trữ quốc tế khác của mình là quỹ phúc lợi quốc gia. Quỹ dự trữ được dành riêng để đảm bảo nguồn tài chính của các khoản chi ngân sách liên bang và duy trì cân bằng ngân sách liên bang trong trường hợp giá dầu và thu ngân sách sụt giảm.

Thật ra từ ngày 27-10-2015, Marketwatch.com đã báo động như thế: “Việc Nga đang cạn kiệt quỹ dành cho “những ngày mưa” của mình không phải là điều bất ngờ. Đất nước này, vốn đã dựa vào quỹ dự trữ của mình để lấp đầy các lỗ hổng thâm hụt ngân sách, cho biết quỹ dự trữ có khả năng bị cạn kiệt trong năm 2016”.

Tin tức này là một đòn giáng mạnh khác vào một nền kinh tế đang lảo đảo vì giá dầu giảm cùng các trừng phạt của phương Tây liên quan đến chiến cuộc tại Ukraine. Lần đó, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov đã phát biểu với Thông tấn xã Tass rằng: “Dự trữ của chúng ta giảm hơn phân nửa, gần 40 tỉ USD. Điều đó có nghĩa năm 2016 là năm cuối cùng chúng ta còn có thể chi tiêu bằng vốn dự trữ như thế này. Sau đó chúng ta sẽ hết sạch”.

Tass thuật lại rằng thâm thủng ngân sách Nga năm 2016 dự kiến bằng 6,7% GDP và quỹ dự trữ sẽ chỉ bao biện được gần hết chi tiêu đó thôi chứ không phải tất cả. Bộ trưởng Siluanov còn cảnh báo: “Nếu giá dầu và tỉ giá vẫn như hiện tại, tức giá dầu Urals khoảng 44 USD/ thùng và tỉ giá vẫn là 62 rúp đổi 1 USD thì chúng ta sẽ hụt 900 tỉ rúp”.

Vòng luẩn quẩn “giá dầu - thu, chi ngân sách” khiến ngay cả Tổng thống Putin trong cuộc họp báo cuối năm thường niên cũng bực dọc: “Chúng ta đã tính ngân sách năm tới trên cơ sở giá dầu là 50 Usd/thùng. Lượng giá đó hôm nay đã trở nên quá lạc quan khi giá hiện là 38 USD/thùng. Chúng ta sẽ phải điều chỉnh” (Reuters 17-12-2015).

Còn đồng rúp, hôm thứ tư tuần trước phải mất 75 rúp mới đổi được 1 USD, tỉ giá thấp nhất kể từ tháng 12-2014, Sputnik đưa tin.

Câu hỏi mà Russia Today 5-1-2016 đặt ra là: đồng USD tăng giá có nghĩa gì đối với nền kinh tế Nga? Bức ảnh Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov kế bên bức ảnh chủ tịch Tập đoàn dầu khí Rosneft là ông Igor Sechin tóm tắt tình hình.

Bộ Tài chính muốn buộc các công ty dầu hỏa bán ra nhiều đồng USD thu nhập của các hãng này hơn nữa, đồng thời tăng thuế đánh trên các công ty này gấp ba lần để lấp lỗ hổng ngân sách. Các công ty dầu cho rằng làm như vậy là “bóc sạch”, không cho tái đầu tư phát triển. Quyết định như thế nào tùy nơi Tổng thống Putin.

Song bài toán hậu quả giá dầu không chỉ có thế. Sputnik 31-12-2015 kết sổ: “Lạm phát lên đến 12,9% trong năm 2015, căn cứ theo cơ quan thống kê liên bang. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 2008, khi đó lên đến 13,3%.

Ngoại trừ mỗi năm 2008 đó, lạm phát ở Nga chỉ cao vọt có hai lần suốt 15 năm qua: năm 2001 là 18,8% và năm 2002 là 15,06%. Trước đó, dự kiến lạm phát năm 2015 là 12,2%, song đến tháng 12 các bộ Tài chính và Phát triển kinh tế đã chỉnh lại các dự báo do giá dầu đổ sập, đặc biệt Bộ trưởng Tài chính Siluanov còn đề quyết lên đến hơn 13%”.

Saudi Arabia ngất ngư

Lý do quyết định của OPEC “vượt rào” từ 30 triệu thùng/ngày lên 31,5 triệu thùng/ngày thay vì giảm sản lượng? Bộ trưởng Dầu hỏa Iraq Adel Abdul Mahdi trả lời: “Vì sao OPEC lại phải một mình hi sinh phần của mình trên thị trường? Trong khi Mỹ không có bất kỳ mức trần nào, Nga cũng không có mức trần nào, tại sao OPEC lại cần phải có một mức trần?”.

Một lý luận rất logic! “Dẫn đường” bởi Saudi Arabia, nước sản xuất lớn nhất trong khối, các nước OPEC cứ thế tăng sản lượng trong một thị trường đã hoàn toàn dư nguồn cung, mặc cho các nước sản xuất với chi phí cao phải giảm sản lượng.

Cuộc tỉ thí giá dầu cho thấy ngay những nước “trường vốn” nhất như Nga cũng hụt hơi. Điều đó cũng đúng với hoàng gia Saudi Arabia. Đất nước siêu giàu này cũng đang thâm thủng ngân sách, những 98 tỉ USD năm vừa qua, khoảng 15% GDP, khiến năm tới chính phủ phải cắt ngân sách 14%, đánh thêm thuế mới, Oil Price 31-12-2015 tường thuật.

Thậm chí không đợi bước qua năm mới, chính phủ đã quyết định giảm ngay bù lỗ điện, nước, xăng cho 30 triệu dân nước này - tăng giá xăng 50% từ 0,60 riyal/lít lên 0,90 riyal/lít, tức từ 16 xu/lít lên 24 xu/lít - dẫu sao tính ra cũng mới khoảng 5.600 đồng/lít, dân xứ dầu hỏa mà!

Thật ra việc nước này thâm thủng ngân sách không chỉ do giá dầu tuột mà còn do chi tiêu quân sự quá nhiều, trong đó có việc chu cấp cho các nhóm chống lại chính quyền Assad ở Syria, rồi không kích ở Yemen để dẹp loạn Houthi được Iran hỗ trợ.

Lẽ ra hoàng gia Saudi phải giảm sản lượng để giữ giá dầu, song lại cứ giữ sản lượng bất chấp thâm thủng ngân sách. Oil Price gọi đó là “tự làm mình bị thương”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Dầu hỏa Saudi Ali al-Naimi lại tin rằng làm như thế còn là để tránh nguy cơ Mỹ tăng sản lượng sau khi Mỹ đã khai thác dầu đá phiến và nay vừa cho xuất khẩu dầu trở lại.

Theo Bloomberg 17-9-2015, tân vương Salman bin Abdulaziz cũng đã góp phần vào lỗ hổng ngân sách này khi ông “triều ban” những hai tháng lương hoặc trợ cấp cho công chức, hưu trí, sinh viên, người hưởng an sinh xã hội nhân dịp ông mới lên ngôi vào đầu năm nay, tốn đến 71 tỉ riyal (18,92 tỉ USD).

Vấn đề là nay ông lại cắt bù lỗ điện, nước, xăng... đi ngược với điều vua cha quá cố của ông đã làm để “né” những dư chấn “Mùa xuân Ả Rập” ở nước mình. Dẫu sao chính phủ nước này cũng biết cắt chi tiêu đúng chỗ: dẹp các dự án xây dựng sân vận động mới vốn đang là món chi tiêu ngân sách thịnh hành ở các vương quốc dầu hỏa.

“Nhà giàu” cũng “khóc”. Thế còn “nhà nghèo”?■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận