Thế giới sau “vụ 11-9 của nước Pháp”: Những thay đổi đánh vào quyền tự do ngôn luận 

MINH NHIÊN ( TỔNG HỢP) 01/02/2015 02:01 GMT+7

Vụ tấn công ngày 7-1 vào tòa soạn tuần báo biếm Charlie Hebdo đang khiến các chính phủ trên thế giới có những điều chỉnh về luật lệ để phù hợp với các điều kiện mới.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May cho rằng “những cuộc đời vô tội đang bị đe dọa” nếu nhà cầm quyền không được phép theo dõi thông tin của những người bị tình nghi khủng bố - Ảnh:PA

Anh: Tự do học thuật bị đe dọa

Đó là nỗi lo được một số báo chí Anh nêu lên hôm 14-1, đúng một tuần sau cuộc khủng bố còn được gọi là “vụ 11-9 của nước Pháp” làm 17 người chết.

Một dự luật chống khủng bố mới được Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May đệ trình hồi tháng 11-2014 (đề nghị cho phép Bộ Nội vụ Anh được quyền buộc các trường đại học điểm chỉ những sinh viên nào có nguy cơ trở thành khủng bố, đồng thời cấm những diễn giả nào được cho là “cực đoan”) đã được đưa ra điều trần lần hai ngày 13-1 ở London.

Dự luật nêu rõ việc không chấp hành chỉ thị này có thể khiến các đại học bị đưa ra tòa.

Lo sợ dư chấn của vụ khủng bố ở Pháp có thể tác động đến việc thông qua luật, một ủy ban hỗn hợp về nhân quyền - cơ quan giám sát của Nghị viện Anh - đã cảnh báo dự luật này có thể vi phạm tự do học thuật.

Trong khi các chuyên gia chỉ ra sự nhập nhằng của khái niệm “khủng bố” thì Martin Hall, cựu hiệu phó Đại học Salford, đã gọi dự luật này là hà khắc, dự liệu rằng nó có thể được sử dụng để chống lại những người hoạt động ở các lĩnh vực khác, từ quyền động vật tới chống chiến tranh hạt nhân hay bất cứ hình thức đối lập có tính cấp tiến nào.

Ông còn cảnh báo “nguy cơ chúng ta biến thành cảnh sát tư tưởng”, cho rằng đây là phản ứng không tương xứng của nhà nước đối với chủ nghĩa khủng bố. Ông Hall chỉ ra: thống kê dân số năm 2011 cho thấy có 2,7 triệu tín đồ Hồi giáo sống ở Anh và hiện Bộ Nội vụ Anh đang “quan tâm” tới chỉ khoảng 500 cá nhân, vì vậy “vấn đề đặt ra là tính hiệu quả và tương xứng”. Ủy ban giám sát kêu gọi các đại học phải được tách ra khỏi luật chống khủng bố mới này.

Tờ Telegraph ngày 14-1 cho biết thêm một hướng dẫn đi kèm dự luật chống khủng bố còn đề nghị tư vấn cho cả thầy cô ở nhà trẻ để họ có thể nhận diện những học sinh “có những tư tưởng cực đoan” và có “nguy cơ trở thành khủng bố”.

Điều luật này bị chỉ trích không khả thi và “quá tay”. Những nhà phê bình còn cáo buộc chính phủ bắt các giáo viên phải “do thám” học sinh mình. Bình luận về việc này, David Davis, nghị sĩ bảo thủ, mỉa mai: “Vậy liệu các giáo viên có phải báo cáo là cực đoan về một đứa trẻ nếu nó khen ông cha xứ của nó?”.

Thay cho việc “do thám”, bà Isabella Sankey, giám đốc chính sách của Tổ chức nhân quyền Liberty, cho rằng chính phủ nên “tập trung vào những dự án hỗ trợ các thanh niên dễ bị tổn thương, để họ không rơi thẳng vào tay bọn khủng bố bởi một dự luật làm xói mòn các nguyên tắc dân chủ và biến chúng ta thành một đất nước của những kẻ bị tình nghi”.

Một dự luật khác cũng đang được Anh thúc đẩy là dự luật dữ liệu truyền thông, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet và công ty điện thoại di động phải lưu lại các hồ sơ lướt Internet của người dùng, bao gồm cả phương tiện truyền thông xã hội, email, các cuộc gọi, hồ sơ chơi game và cả tin nhắn điện thoại trong 12 tháng.

Tuy nhiên, do gặp sự phản đối của các đảng phái và do thiếu đa số nên dự luật đã không được thông qua. Thủ tướng David Cameron sau vụ tấn công ngày 7-1 đã nhắc lại dự luật này, cho biết nếu Đảng Tories thắng cử vào ngày 7-5 năm nay thì ông sẽ lại đệ trình để thông qua dự luật.

Mỹ: “Cơ hội” cải tổ NSA?

Theo tờ District Sentinel, chỉ vài phút sau khi vụ thảm sát 7-1 được công bố, nhiều chính khách Mỹ đã khai thác vụ tấn công cho những mục đích chính trị của mình.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsay Graham đã kêu gọi “xem vụ tấn công khủng khiếp này như một cơ hội để đánh giá lại tình hình an ninh quốc gia” và tiếp đó nhắc tới khả năng cải tổ Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), chỉ trích việc cắt giảm ngân sách quốc phòng đang khiến Mỹ “dễ bị tổn thương”.

Thượng nghị sĩ Kelly Ayotte hưởng ứng đồng nghiệp mình bằng việc chỉ trích kế hoạch đóng cửa nhà tù Guantanamo. (Có lẽ không cần nhắc lại ngân sách chi cho do thám của Mỹ trong năm ngoái đã lên tới 50 tỉ USD và là một trong những ngân sách cho việc này lớn nhất thế giới, cũng như lời tổng thống G. Bush đánh giá nhà tù Guantanamo là “công cụ tuyên truyền cho kẻ thù chúng ta”).

Cựu giám đốc NSA cũng lên truyền hình quốc gia biện hộ cho việc NSA thu thập thông tin điện thoại của người Mỹ “giờ đây đã không phải là quá đáng sợ” (mặc cho thực tế là chương trình do thám này, được cựu điệp viên NSA Edward Snowden tố giác, đã không thể ngăn chặn tấn công khủng bố).

Nhà bình luận Farhang Jahanpour cho biết chỉ vài ngày trước vụ tấn công ở Paris, Pen America công bố một kết quả thăm dò về “Tác động của việc giám sát hàng loạt đối với các tác giả quốc tế”. Kết quả cho thấy việc giám sát tràn lan của Mỹ và các chính phủ khác đã tạo một hiệu ứng tiêu cực về tự do ngôn luận, dẫn đến tự kiểm duyệt.

Ông nói: “Sẽ là bi kịch nếu việc giết một số nhà báo ở Paris đã tạo ra việc tự kiểm duyệt nhiều hơn và làm sụt giảm tự do ý kiến”.

Đức: Tìm cách đối thoại

Ngay sau vụ tấn công, Liên minh dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel và các nghiệp đoàn cảnh sát đã kêu gọi phải tăng cường ngăn ngừa các cuộc tấn công khủng bố trên đất châu Âu. Họ kêu gọi Đức nên có luật cho phép thu thập dữ liệu của công dân mình cũng như được lưu các dữ liệu này trong một thời gian dài, tương tự ở Mỹ.

Liên minh xã hội Cơ Đốc giáo (CSU, một đồng minh của CDU) cũng đề nghị cho phép thu thập dữ liệu công dân. Không chỉ thế, CSU còn muốn tăng cường giám sát các diễn đàn trên mạng xã hội, thay đổi một số điều khoản trong Luật hình sự Đức để ngăn ngừa việc tài trợ và vận động cho các tổ chức khủng bố.

Bên cạnh nỗi lo khủng bố chung từ cuộc tấn công 7-1, nước Đức còn nỗi lo riêng phải đối phó. Đó là những cuộc biểu tình chống Hồi giáo hóa phương Tây (gọi tắt là PEGIDA) diễn ra liên tục nhiều tuần qua vào mỗi thứ hai kể từ tháng 10-2014 ở các thành phố lớn tại Đức.

Tòa soạn báo Hamburger Morgenpost đã bị tấn công do in lại các biếm họa tiên tri Mohammed của Charlie Hebdo. Chính vì vậy mà ngay sau vụ tấn công Charlie Hebdo, Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas đã kêu gọi những người tổ chức PEGIDA hoãn biểu tình để không làm tình hình thêm căng thẳng.

Tuy nhiên, ông không ủng hộ việc siết chặt các luật chống khủng bố. Theo lời ông, cần phải tiến hành công việc giáo dục và đối thoại với các tín đồ Hồi giáo để “không phải rơi vào bẫy khủng bố. Hạn chế tự do và rời xa những nguyên tắc nhà nước pháp quyền chính là điều bọn khủng bố mong muốn”, như ông khẳng định.

Nhưng có vẻ như trong nội bộ chính quyền Đức vẫn chưa có tiếng nói thống nhất. Chẳng hạn, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thoma de Maiziere (thuộc Đảng CDU) cho biết đang thảo luận với các đồng nhiệm EU về việc cung cấp thông tin du khách hàng không để đối chiếu với danh sách những kẻ tình nghi hầu tìm ra những nghi can khủng bố, mặc dù một dự luật như thế đang bị Nghị viện châu Âu đóng băng.

Đề nghị cấm tạp chí Charlie Hebdo ở Nga của nghị sĩ Saint Petersburg V. Milonov đã bị bác bỏ - Ảnh: YouTube

Nga: “Không khuyến khích đăng biếm họa”

Ở chiều ngược lại, người Nga có vẻ thận trọng hơn trong thông tin báo chí liên quan đến vụ tấn công Charlie Hebdo. Ngay sau vụ tấn công, nghị sĩ Saint Petersburg Vitali Milonov đã gửi thư đến giám đốc Cơ quan giám sát Liên bang Nga (Roskomnadzor, chuyên phụ trách công tác giám sát các phương tiện truyền thông thuộc Bộ Thông tin và truyền thông đại chúng Nga) A.Zharov Milonov đề nghị đưa Charlie Hebdo vào danh sách văn hóa phẩm cực đoan bị cấm ở Liên bang Nga.

Lý do của Milonov: những tạp chí loại này là “một hình thức tự sát tinh thần của xã hội vì cho phép xúc phạm những nền tảng văn hóa của xã hội châu Âu”. Tuy nhiên Roskomnadzor đã bác bỏ đề nghị của Milonov.

Không lâu sau đó, ngày 12-1, đại diện Roskomnadzor ở tỉnh Kamchatka đã gửi tới báo chí địa phương thư nhắc nhở “không nên đăng biếm họa của các nhà hoạt động tôn giáo” và “không khuyến khích dẫn lại thông tin báo chí nước ngoài ủng hộ đăng biếm họa các nhà hoạt động tôn giáo”.

Đến ngày 16-1 thì Roskomnadzor đã chính thức đưa lên trang web của mình khuyến cáo các báo Nga không đăng biếm họa “các vị thánh của các tín ngưỡng”. Hành động này sẽ được xem như gieo rắc hận thù tôn giáo, dân tộc; vi phạm các “Luật về truyền thông đại chúng” và “Luật chống các hoạt động cực đoan” ở Nga.

Có lẽ không cần nhắc rằng vấn đề dân tộc và tôn giáo cũng là những đề tài hết sức nhạy cảm ở Liên bang Nga, nơi đã trải qua hai cuộc chiến tranh ở Chechnya - nước cộng hòa tự trị trong lòng Liên bang Nga có đa số dân là người Hồi giáo. Nhà tài phiệt Nga Mikhail Khodorkovsky đang sống ở Thụy Sĩ, ngay sau vụ thảm sát đã kêu gọi báo Nga đăng lại các biếm họa của Charlie Hebdo.

Lập tức, Tổng thống Chechnya Ramzan Kadyrov đã gọi Khodorkovsky là “kẻ thù của tất cả tín đồ Hồi giáo”, nhắc rằng “người Hồi giáo không bao giờ vẽ tranh hay làm phim về đấng tiên tri”. Cùng lúc, ông R. Kadyrov cũng chỉ trích tổng biên tập Đài phát thanh “Tiếng vọng Matxcơva” A. Venediktov.

Ông này tổ chức trên trang web của đài một thăm dò về việc có nên vẽ biếm họa đấng tiên tri Mohammed như một cách để đáp trả lại vụ tấn công Charlie Hebdo không. Ông Kadyrov nói hành động này là “mưu toan xúc phạm người Hồi giáo Nga và toàn thế giới”. Phó thủ tướng Nga D. Rogozin thì viết trên tài khoản Twitter của mình: “Khủng bố là điều ác. Không có gì biện hộ (cho hành động này).

Nhưng tự do ngôn luận không thể được đánh tráo bằng tự do xúc phạm các cảm xúc sâu sắc của con người”.       

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận