Thế giới phẳng của kinh hoàng 

HỮU NGHỊ 07/10/2017 21:10 GMT+7

TTCT - Chỉ trong vài phút, sân festival nhạc đồng quê, nơi hơn 2 vạn người hâm mộ thể loại nhạc này tụ họp, bỗng biến thành một bãi chiến trường, xác người chết la liệt, người bị thương tứ phía rên la... 59 người chết, 527 người bị thương.

Khán giả tìm cách thoát khỏi nơi nguy hiểm. -Ảnh: Reuters
Khán giả tìm cách thoát khỏi nơi nguy hiểm. -Ảnh: Reuters

 

Những câu chuyện mịt mùng 

Một ngày sau thảm kịch này, chỉ biết câu chuyện nhân viên an ninh khách sạn dò theo tiếng súng lên tới tầng 32 thì bị bắn, một nhân viên trúng đạn vào đùi; đội đặc nhiệm SWAT lên hỗ trợ, tông cửa vào thì thấy xác chết của một người tự bắn vào chính mình, tên là Stephen Craig Paddock, 64 tuổi, nguyên là một nhà đầu tư địa ốc thành công kiêm “thần bài” quen mặt ở “thành phố Tội lỗi” (Sin City) này, cư dân thị trấn Mesquite cách Las Vegas 80 dặm cùng 23 khẩu súng.

Có thể tin giải thích trên là thật, thật tựa như tin chính thức sau vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy, khẳng định thủ phạm là Lee Oswald, rồi sau đó là cả một câu chuyện dài...

Thật mau mắn, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lên tiếng cho hay nghi phạm, tên tuổi nhà chức trách Mỹ vừa công bố ấy, là một tân tín đồ mới cải đạo vài tháng nay.

Ai đã cải đạo nghi phạm, tiếp xúc hồi nào, như thế nào để mà cải đạo, cải đạo hồi nào, IS chưa trưng ra bằng chứng.

FBI nhanh chóng bác bỏ tin này, quả quyết nghi phạm không liên quan gì tới IS. Thực hư chưa rõ, dẫu sao đây cũng là “câu chuyện” thứ nhì, có điều ít có lý hơn “câu chuyện” thứ nhất, nếu tin rằng cái xác tìm thấy đích thực là của người tự sát tên là Stephen Craig Paddock.

“Câu chuyện” thứ ba có thể là: biết đâu có một băng nhóm nào đó đã “làm” vụ này, chuẩn bị sẵn một “xác sống” là người có tên Stephen C. Paddock ấy, rồi hạ sát sau khi bắn giết xong xuôi và cao bay xa chạy, để lại xác chết đó để đánh lạc hướng, nhà chức trách cũng tạm chấp nhận cái xác chết đó là nghi phạm, bởi chưa chắc chắn rằng người nổ súng chính là người chết tìm thấy trong căn phòng đó.

Giả thuyết đầy tính “âm mưu” này hứa hẹn một “câu chuyện dài”.

Trong thực tế của ngày thứ hai (2-10), trên mạng đã lan truyền những tin tức khác xuất phát từ FB và tìm kiếm của Google, như thủ phạm là kẻ cực tả, theo Đảng Dân chủ Mỹ, dù cả FB và Google đều bác bỏ các thông tin này.

Còn quá sớm để quả quyết một giải thích nào. Song, điều chắc chắn là với vụ việc kinh hoàng chưa từng thấy này ở nước Mỹ, mọi tự hào của vị tổng thống được cho là gắt gao bảo vệ biên giới nhất, quen chê lãnh đạo các nước khác là dại, như thủ tướng Đức có điên mới rước cả triệu dân tị nạn vào rồi bây giờ lãnh đủ mọi màn khủng bố, trở nên hư vô.

Tấm bản đồ của nạn khủng bố

Thảm họa Las Vegas xảy ra chỉ hai tuần sau vụ khủng bố hôm 15-9 làm ít nhất 22 người bị thương khi một quả bom phát nổ trên một tàu điện ngầm ở London.

Trước đó, cũng ở London, hôm 3-6 một xe tải húc vào người đi bộ trên cầu London, 7 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Một kẻ khủng bố khác đã đâm người tại chợ thị trấn Borough. Nửa tháng trước đó, hôm 22-5, bên ngoài buổi hòa nhạc của ca sĩ Ariana Grande ở Manchester, 22 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương bởi một kẻ đánh bom tự sát có liên hệ rõ ràng với một mạng lưới khủng bố có tổ chức.

Đúng hai tháng trước đó, hôm 22-3, 5 người, trong đó có 1 nhân viên cảnh sát, đã chết trong vụ tấn công ở cầu Westminster trong khi hơn 40 người bị thương trong một cuộc tấn công khủng bố bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở London. IS sau đó đã nhận trách nhiệm.

Tây Ban Nha cũng nếm kinh hoàng hôm 17-8 với vụ một xe tải nhỏ tông vào dòng người trên phố ở thành phố Barcelona làm 14 người bị thương. Một cuộc tấn công ở Cambrils gần đó một ngày sau đó đã để lại 1 người chết. IS cũng tuyên bố là “tác giả” của các vụ tấn công này.

Ở Pháp, lực lượng an ninh tuần tra chống khủng bố trở thành mục tiêu. Hôm 20-4, trên đại lộ Champs Elysees ở Paris, một kẻ tấn công đã phóng ra khỏi xe và nã súng tự động vào một chiếc xe cảnh sát đang đậu, giết chết viên cảnh sát trong xe trước khi bắn vào những người khác đang đứng trên vỉa hè gần đó, làm bị thương 2 người, trước khi bị cảnh sát bắn chết. IS nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Trước đó, hôm 3-2, một người đàn ông cầm súng la lớn “Vinh danh đấng Allah” đã tấn công những người lính trong một khu mua sắm gần điện Louvre ở Paris...

Những tưởng chỉ châu Âu mới lãnh họa khủng bố, nào ngờ Nga cũng không thoát. Hôm 3-4, một vụ đánh bom tự sát trên tàu điện ngầm ở Saint Petersburg, thành phố lớn thứ hai của Nga làm hơn chục người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Chỉ bốn ngày sau, Thụy Điển, không ân oán giang hồ gì với nước nào, bỗng dưng bị tấn công. Hôm 7-4, 5 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương khi một chiếc xe tải do một người đàn ông lái, lao vào một phố mua sắm dành cho người đi bộ...

Người đàn ông 39 tuổi này thừa nhận là thành viên của IS và nói với cảnh sát rằng đã “đạt được những gì đề ra”.

Dường như ở đâu có xảy ra khủng bố, IS cũng lên tiếng nhận là thủ phạm. Một sự thừa nhận hết sức “tự nhiên” từ mấy năm qua.

Có thể IS đích thực là thủ phạm, cũng có thể IS là cái “bình phong”, muốn dựng lên một “lý lịch thành viên IS” dễ như bỡn. Có thể có ai đó sử dụng “bình phong” IS để “đứng tên”cho những gì mình làm.

Từ sau vụ nhân viên tình báo Pháp ra tay ở New Zealand, tháng 7-1985, đánh chìm chiếc tàu “Rainbow Warrior” của Tổ chức môi trường GreenPeace vốn đang chống việc Pháp thử bom hạt nhân trên biển, 2 nhân viên hành động của Pháp bị bắt, các cơ quan tình báo ít “tự biên tự diễn” mà thường ủy thác cho tầng tầng lớp lớp “đầu gấu” để nếu những sát thủ này có bị bắt cũng không biết lưới của họ gồm những ai mà khai.

Một vấn đề khác là các “con sói đơn độc”. Có thể trong khi ra tay, thì “con sói” đúng là “đơn độc”, song điều đó không có nghĩa là “con sói” đó không thuộc về một “bầy sói” nào.

Thế giới kinh hoàng rất “phẳng” trong ý nghĩa đó.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận