Thế giới đòi tăng cường minh bạch

HỮU NGHỊ 14/12/2011 12:12 GMT+7

TTCT - Có gì khác biệt trong địa hạt tham nhũng thế giới năm 2011 so với các năm trước, nhất là khi năm 2011 sắp hết này được đánh dấu bởi cái gọi là “Mùa xuân Ả Rập”?

Phóng to
“Chiếm lấy Phố Wall” là một dạng phản kháng chính quyền Mỹ đã có những chính sách ưu đãi một số nhóm lợi ích trong giới tài chính dẫn đến hậu quả công nợ ngày nay - Ảnh: Reuters

Thông cáo báo chí của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI - Transparency International) về bảng chỉ số tham nhũng (CPI - Corruption Perceptions Index) 2011 vừa công bố hôm 1-12 bắt đầu bằng một tựa đề rất “cổ điển” “2011 - khủng hoảng về quản trị”, nhưng khác các năm trước bằng tựa đề phụ: “Làn sóng biểu tình trong năm 2011 cho thấy sự nổi giận trước tình trạng tham nhũng trong chính trị và khu vực công” (1).

Khủng hoảng cầm quyền

Có thể thấy hai vấn đề trong tựa đề chính và phụ đó. Trước hết, vấn đề bản chất và muôn thuở: tham nhũng luôn là một biểu thị đồng thời là hậu quả của sự khủng hoảng trong cầm quyền của các chính quyền liên quan. Kế đến là vấn đề đặc thù của năm 2011: làn sóng biểu tình, như đã và đang thấy tại hầu như khắp nơi, từ các nước Ả Rập bắt đầu là Tunisia, Ai Cập... đến tận Mỹ và Liên minh châu Âu với phong trào “Chiếm lấy Phố Wall...” hoặc “Những người phẫn nộ” (ở Tây Ban Nha, Pháp...). Và theo TI, làn sóng đó phản ánh “sự nổi giận trước tình trạng tham nhũng trong chính trị và khu vực công”.

Chỉ số CPI xây dựng trên cơ sở kết hợp số liệu từ các cuộc thăm dò ý kiến và khảo sát liên quan đến tham nhũng do các tổ chức có uy tín và độc lập thu thập. CPI phản ánh quan điểm của giới chuyên gia và quan sát trên toàn thế giới, bao gồm cả những người sống và làm việc tại các quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá.

Hầu hết các nước thuộc phong trào “Mùa xuân Ả Rập” đều nằm ở nửa dưới của bảng xếp hạng với điểm số thấp hơn 4. Trước khi phong trào này diễn ra, một báo cáo từ tháng 5-2010 (2) của TI về khu vực này đã vạch rõ nguy cơ từ đâu: “Chủ nghĩa gia đình trị, bè phái, ô dù cùng khắp mà chỉ có một sự thức tỉnh hạn chế nhằm buộc chính quyền có trách nhiệm giải trình”.

Khi công bố CPI 2011, TI tiếp tục có nhận xét cố hữu về cách thức cầm quyền của không ít chính quyền: “Tham nhũng tiếp tục hoành hành tại rất nhiều quốc gia trên thế giới. Chỉ số này cho thấy một số chính phủ đã thất bại trong việc bảo vệ người dân khỏi nạn tham nhũng, cho dù đó là sự lạm dụng nguồn lực (tài nguyên) công, tình trạng hối lộ hay việc giấu giếm ra quyết định (secretive decision-making)”.

Nếu bình thản đọc lại nhận xét này theo chiều ngược lại, sẽ thấy ba yêu cầu cơ bản đặt ra cho các chính phủ là: 1/hãy minh bạch, công khai các quyết định; 2/không để cho tài nguyên quốc gia cứ bị một số nhóm thiểu số lạm dụng; 3/không để cho người dân cứ bị đòi hối lộ.

Nhìn lại các vụ biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall”, ít nhất cũng có thể thấy hai yêu cầu đầu tiên đã không được Chính phủ Mỹ đáp ứng qua những quyết định của Cục Dự trữ liên bang, các gói “giải cứu” đầy nghi kỵ hoặc các chính sách thuế ưu đãi cho người giàu, đặc biệt dưới trào ông Bush (3)... Đó là lý do dẫn đến tình trạng mà theo TI, “cũng cần nêu bật trường hợp Chile, một nước mà thành tích (trong sạch) cao hơn nước Mỹ năm nay là năm thứ nhì” (4).

Trên bảng CPI, Chile xếp hạng 22, Mỹ hạng 24 và Pháp 25. Thành ra việc dân chúng Mỹ xuống đường tại New York và các thành phố khác là do chính quyền đã có những chính sách làm ô danh như ưu đãi một số nhóm lợi ích trong giới tài chính dẫn đến hậu quả công nợ ngày nay.

Chính vì thế TI cảnh báo: “Các cuộc biểu tình trên thế giới, thường được châm ngòi từ tình trạng tham nhũng và bất ổn về kinh tế, cho thấy rõ rằng người dân cảm thấy các nhà lãnh đạo với định chế công của họ thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình”.

Chủ tịch TI Huguette Labelle nhấn mạnh: “Năm nay chúng ta đã thấy tham nhũng được nhắc đến trên biểu ngữ của rất nhiều người biểu tình, bất kể họ giàu hay nghèo. Cho dù đó là châu Âu - nơi đang vấp phải cuộc khủng hoảng nợ hay thế giới Ả Rập - nơi bắt đầu một kỷ nguyên chính trị mới, các nhà lãnh đạo đều cần phải đặc biệt lưu ý tới những đòi hỏi của người dân về một chính phủ tốt hơn”.

Điểm số cao nhờ nỗ lực minh bạch

Bảng chỉ số CPI năm nay tính điểm 183 quốc gia và vùng lãnh thổ theo thang điểm từ 0 (tham nhũng mức độ cao) tới 10 (rất sạch) dựa trên các mức độ cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công. Bảng chỉ số sử dụng dữ liệu từ 17 khảo sát, xem xét các khía cạnh như việc thực thi pháp luật về chống tham nhũng, khả năng tiếp cận thông tin và các xung đột về lợi ích.

New Zealand đứng đầu bảng xếp hạng, tiếp theo sau là Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển. Hai phần ba các quốc gia trong bảng xếp hạng có điểm số dưới 5, bắt đầu là Costa Rica, Lithuania, Oman, Seychelles đồng hạng 50 với 4,8 điểm, “sạch” hơn cả Hungary, Kuwait (đồng hạng 54, với 4,6đ) hoặc Cộng hòa Czech (hạng 57, 4,4đ), thậm chí hơn cả Trung Quốc (hạng 75, 3,6đ).

Ở Đông Nam Á, chỉ có hai nước trên trung bình là Singapore (hạng 5, 9,2đ) và Brunei (hạng 44, 5,2đ), còn thì đều dưới trung bình. Trong số đó, Malaysia đỡ tham nhũng hơn khi xếp hạng 60 (4,3đ), Thái Lan hạng 89 (3,4đ), Indonesia hạng 100 (3đ). Việt Nam (2,9đ) kém sát nút Indonesia chỉ 0,1đ nhưng xếp hạng 112 do có đến 11 nước cùng đồng hạng 100 với Indonesia. Dẫu sao, Việt Nam cũng tăng được 4 bậc và tăng 0,2đ so với năm 2010. Lào cách khá xa với thứ hạng 154 (2,2đ), Campuchia hạng 164 (2,1đ), Myanmar hạng 180 (1,5đ).

Các quốc gia khu vực đồng euro đang đương đầu với cuộc khủng hoảng nợ là những nước châu Âu có điểm số thấp nhất. Chính thất bại của các chính phủ trong việc giải quyết tình trạng hối lộ và trốn thuế là một phần gốc rễ của cuộc khủng hoảng này.

Giám đốc điều hành TI Cobus de Swardt nhận xét: “Năm 2011 chứng kiến một phong trào đấu tranh mạnh mẽ đòi tăng cường minh bạch, khi người dân trên khắp thế giới yêu cầu chính phủ của họ phải có trách nhiệm giải trình. Các nước có điểm số cao cho thấy nếu duy trì những nỗ lực cải thiện tính minh bạch thì có thể thành công và mang lại lợi ích cho dân chúng”.

__________

(1) 2011 - a crisis in governance, http://www.transparency.org/news_room/latest_news/press_releases/2011/2011_12_01_cpi.
(2)
http://www.transparency.org/news_room/in_focus/2010/nis_report_regional_me.
(3) Xem Tuổi Trẻ Cuối Tuần: Hồ sơ: “Chiếm lấy Phố Wall”, “Mỹ: Làm sao tăng thuế nhà giàu được!”.
(4) Corruption Perceptions Index 2011: Why aren’t all countries at the top?, by Alejandro Salas, 30. November 2011.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận