![]() |
Một buổi học đấu kiếm của học viên Học viện Matsushita - Ảnh: Reuters |
Với niềm tin “thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á”, năm 1979 Konosuke Matsushita, ông chủ của Công ty điện tử Matsushita (tiền thân của hãng Panasonic), đã khai sinh Học viện Matsushita chuyên đào tạo những nhà lãnh đạo trẻ cho nước Nhật.
Lãnh đạo phải biết quét sân
Trong một căn phòng tràn ngập hương trầm, bảy nam học viên đang im lìm đối mặt với bức tường mặc cho những xao động xung quanh. Họ đang thực hành thiền, một môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo chính trị gia của Học viện Matsushita.
Hằng năm Học viện Matsushita chỉ tuyển chọn 5-6 học viên có độ tuổi từ 22-35 để theo học chương trình đào tạo trong ba năm. Mục tiêu của việc tuyển chọn rất hạn chế này nhằm rèn luyện các học viên sống thành một cộng đồng nhỏ gắn bó với nhau ngay từ khi còn theo học tại học viện. “Bạn thật sự bị buộc phải nghĩ về cách mà bạn có thể đóng góp cho cộng đồng, cách mà bạn có thể làm thay đổi xã hội. Thông qua đó, bạn học được cách nói lên suy nghĩ của mình” - Hironori Sato, một cựu học viên nay là thành viên của hội đồng thành phố Tokyo, kể về thời gian học của mình.
Trong suốt khóa học, học viên sẽ được rèn luyện về tuân thủ kỷ luật, tinh thần tự lập từ những điều cơ bản nhất trong cuộc sống. Hằng ngày họ phải dậy từ 6 giờ sáng và bắt đầu công việc quét sân trường. Báo Japan Today giải thích: đây là môn học để rèn “tính ngăn nắp cơ bản”, bởi muốn sắp xếp trật tự một nước Nhật thì trước hết ngay từ lúc này các chính trị gia tương lai phải biết cầm chổi dọn dẹp sạch sẽ nơi mình học hành.
Ngoài ra, trong thời gian đầu, học viên còn phải học thiền và đấu kiếm. Hai môn học này, như giảng viên Kazuhiro Furuyama của học viện cho biết, có tác dụng giúp họ tỉnh táo và sáng suốt khi đưa ra những quyết định hóc búa cho tương lai của đất nước. Song song với các chương trình rèn luyện tinh thần và thể lực kiểu Nhật, các học viên phải độc lập nghiên cứu các đề tài chính trị mà họ đã tự chọn trước khi nhập trường với toàn bộ kinh phí do học viện tài trợ.
Tạo ra sự thay đổi
Nhật Bản đang tồn tại kiểu chuyển giao “quyền lực truyền đời” mà như các chuyên gia đã chỉ rõ đây là nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng thiếu hụt các nhà lãnh đạo giỏi của xứ sở phù tang hiện nay. Gần 40% các nghị sĩ của Đảng Dân chủ tự do (LDP) và 20% của Đảng Dân chủ trong Hạ viện Nhật Bản là con em của các gia đình có thế lực về chính trị.
Trong khi đó ở Học viện Matsushita, hầu hết học viên đều không là “con dòng cháu dõi” của các dòng tộc chính trị nổi tiếng ở Nhật. “Chính vì thế, học viên khi vào trường này đều phải có định hướng chính trị rõ ràng, đồng thời định hướng đó phải được nuôi dưỡng bằng tình yêu tổ quốc chứ không phải bằng những tham vọng cá nhân” - giảng viên Kazuhiro Furuyama nhấn mạnh.
Trong các cuộc bầu cử, các chính trị gia tốt nghiệp từ Học viện Matsushita luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ xuất thân từ tầng lớp trên, bởi các ứng cử viên có gia thế chính trị thường nhận được sự hậu thuẫn rất lớn về mọi mặt trong vận động tranh cử.
Học viện Matsushita cho dù chưa thể là giải pháp đầy đủ cho tình trạng thiếu hụt lãnh đạo của nước Nhật hiện nay, nhưng rõ ràng nó đang đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi kiểu làm chính trị cha truyền con nối đã phần nào làm lụi tàn những tài năng chính trị xuất thân từ các tầng lớp bình dân khác trong xã hội Nhật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận