Thang máy xã hội bị hỏng ?

SÁNG ÁNH 28/06/2018 03:06 GMT+7

TTCT - Khoảng cách giàu nghèo chỉ có tăng trong vòng 25 năm qua và con đường vươn lên đổi vận của các giai cấp, hay các tầng lớp trong xã hội ngày càng nan giải.

Tờ trình mới của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, gồm 37 quốc gia phát triển) mang tựa “Thang máy xã hội hỏng? Cách thức để khuyến khích lưu thông xã hội” (“A Broken Social Elevator? How to Promote Social Mobility”, công bố ngày 15-6-2018) cho thấy điều nói trên.

Nói luôn cho nhanh, tại Hoa Kỳ và Anh, nếu bạn thuộc thành phần 10% nghèo nhất thì phải mất 5 đời mới đạt được mức trung lưu. Nếu ở Pháp hay Đức, bạn mất tới 6 đời. Tại Ấn Độ, Trung Quốc là 7 đời. Tại Nam Phi và Brazil là 9 đời. Còn tại Colombia là 11 đời không thể nhúc nhích, tức là đại khái từ ngày quốc gia này độc lập 200 năm về trước đến nay chẳng có gì về mặt này thay đổi, ai đâu ngồi nguyên đó, con của thầy chùa vẫn quét lá đa và con chủ cửa hàng văn phòng phẩm vẫn bán bút bi, giờ bán thêm dây sạc điện thoại di động.

Riêng tại Đan Mạch (và các nước Bắc Âu nói chung) thì chỉ cần 2 đời, tức là ông bà cặm cụi lao động tích cóp cả đời nay còn có thể nhìn con cháu mà nở mày nở mặt trước khi nhắm mắt.

Điều khiến sự lưu động giữa các tầng lớp xã hội (thang máy đi lên) cần được quan tâm ở mặt kinh tế vì một xã hội đóng băng khó có thể phát triển, tiềm năng và khả năng của những cá nhân (lao động) xấu số sinh ra đời trong một căn nhà lá dột không được phát hiện và tận dụng đúng mức. Kinh tế chung của xã hội mất đi phần tích cực này vì không được vận hành.

Ngược lại, cậu ấm cô chiêu tam đại phú ông phú bà cũng có thể là thành phần tiêu cực trong cỗ máy (thí dụ các ái nữ thuộc thế hệ thứ 3 của Tập đoàn Hanjin sở hữu Korean Air). Ở đây ngoài vấn đề “công lý” hay “đạo đức”, cốt lõi là vấn đề hiệu quả và năng suất của phát triển kinh tế.

Nói cách khác, một nông trại, một nhà máy, một công ty, một tập đoàn, một quốc gia hay một khu vực mà đời này sang đời khác toàn những tay cày èo uột và công nhân thất học thì không thể khá lên. Và nếu đất nước bạn có nhiều người nghèo khó không thoát phận nổi thì dễ hiểu thôi, đó sẽ là một đất nước nghèo khó và không thoát phận trong một thời gian rất, rất lâu.

Điều ghi nhận quan trọng nhất trong báo cáo này là trong 25 năm qua, cách biệt giàu nghèo tăng chứ không hề giảm. Cách biệt giữa 10% thu nhập thấp nhất và 10% giàu nhất (trong các quốc gia thuộc khối OECD) 25 năm trước là 7 lần thì hiện nay là 9,5 lần.

Khi có khủng hoảng kinh tế thì lớp dưới chịu nặng nhất đã đành, nhưng khi kinh tế phát triển thì lớp trên vẫn được hưởng trước. Điều này có lẽ cũng chẳng đợi đến lúc OECD chứng minh bằng con số và khoa học, ông bà ta đã biết “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”.

Nhưng nó một lần nữa cho thấy thuyết “hiệu ứng nhỏ giọt” (trickle down theory) về kinh tế, tức là người giàu sau khi ăn no, túi đầy, những gì còn lại sẽ rơi vãi được xuống người nghèo chỉ là một thuyết vẽ vời sai lạc. Ông bà ta cũng đã biết từ lâu qua đúc kết “nước chảy chỗ trũng”, chẳng hề có sự an ủi hư vô “lọt sàng xuống nia”.
Sự năng động trong lĩnh vực giáo dục, đời con học nhiều hơn đời cha là một cách thoát khó nghèo và giúp... sống thọ hơn. Vẫn theo OECD, tại các quốc gia thuộc tổ chức này, một người nam 25 tuổi tốt nghiệp đại học có xác suất sống lâu hơn những người ít học hơn những 8 năm, còn một người nữ thọ hơn 4,6 năm. Lý do là vì những người này sẽ làm công việc ít nặng nhọc hơn, được sinh sống ở một môi trường tốt đẹp hơn, điều kiện dinh dưỡng, y tế tốt đẹp hơn, nói nôm na là hiếm có cử nhân đại học nào phải gánh lúa trên đường làng nên lơ mơ bị xe công nông “táng”.

Cũng trong tờ trình này lấy thí dụ của Hàn Quốc (hình 1), tuy sự năng động về giáo dục của Hàn Quốc cao và cao nhất nhóm nhưng thu nhập vẫn lẹt đẹt và nghề nghiệp vẫn ở một chỗ, có nghĩa con sãi vẫn cầm chổi quét lá đa dù học vị hơn đời cha.

Đây là tình trạng riêng của quốc gia này, khi sự đầu tư của các gia đình vào học vấn là tối đa mà vẫn chưa thấy kết quả thực tiễn trong đời sống, thể hiện qua thực tế phũ phàng là một số lớn sinh viên tốt nghiệp phải làm thực tập với mức lương ít, hay không lương ở vị trí dưới khả năng trong một thị trường lao động bị đóng băng và đóng chốt.

Tuy những thống kê và kết luận chẳng có gì mới mẻ cả, đã đành là vậy, nhưng báo cáo này cho thấy trong các thập niên vừa qua, tình hình này chỉ có xấu đi chứ không tốt hơn dù kinh tế có phát triển. Cái bánh có lớn hơn, nhưng phần của kẻ dưới lại ít đi so với người trên. Nói ví von, trước có 1 tạ gạo, phần người nghèo thí dụ là 10kg (10%). Giờ có 2 tạ, phần của người nghèo không phải là 20kg mà là 15kg, số còn lại đổ lên phía đầu và tạo một khoảng cách cao hơn. Và các số liệu cho thấy từ năm 1985 - 2015, khoảng cách giữa 10% thu nhập thấp nhất và 10% thu nhập cao nhất đã tăng lên thêm gấp rưỡi.

 

 

Hình 2 cho thấy bên trái là 20% thu nhập thấp nhất theo thời gian (từ giữa thập niên 1980 đến sau 2010) ngày càng thêm bất di bất dịch ở tại chỗ (từ 42% trở thành 57%). Bên phải, thuộc 20% thu nhập cao nhất cũng y như vậy, theo thời gian càng giữ vững thêm vị trí cao (từ 42% trở thành 58%).

Báo cáo mới này là tiếng chuông báo động, nhưng suy nghĩ chung là “biết vậy thôi chứ sao giờ”. Khi được hỏi trong 12 tháng tới, bạn có nghĩ là tài chính của gia đình sẽ khá hơn không thì số người lăn tăn dằn vặt bức bối về việc này (từ năm 1997 - 2015) ngày càng ít (hình 3). Với tâm trạng ấy, không biết rồi làm sao mà khá lên được.■

Tham khảo toàn văn báo cáo tại: https://read.oecd-ilibrary.org/social-issues-migration-health/broken-elevator-how-to-promote-social-mobility_9789264301085-en#page1.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận