Thách thức và cơ hội mới của ông Abe

DANH ĐỨC 27/09/2018 11:09 GMT+7

TTCT - Tin tức về việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ăn tối đàm đạo với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại New York tối chủ nhật (23-9) vừa qua và việc ông Abe sẽ ghé thăm cảng Darwin của Úc vào tháng 11 tới là những chỉ dẫn dự báo cho các động thái đối ngoại - quốc phòng vào lúc vị thế chính trị của ông đang vững như bàn thạch ở Nhật Bản.

Ông Shinzo Abe sẽ có ít ra là một nhiệm kỳ nữa để tiếp tục các chính sách cách mạng của ông. Ảnh: time.com
Ông Shinzo Abe sẽ có ít ra là một nhiệm kỳ nữa để tiếp tục các chính sách cách mạng của ông. Ảnh: time.com

 

553 phiếu ủng hộ ông Abe trong cuộc bầu chức chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (LDP) đang cầm quyền hôm 20-9 vừa qua, so với chỉ 226 phiếu chống, là thước đo cụ thể cho sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ ông đang nhận được, đủ để ông Abe có thể yên ổn cầm quyền thêm nhiệm kỳ thứ ba tới tận tháng 10-2021, và tiếp tục lộ trình chính sách “cách mạng” của ông, với một vấn đề then chốt là sửa đổi bản hiến pháp chủ hòa 1947.

Thắng lợi “đậm đà” của ông Abe trong cuộc bầu cử nội bộ LDP phản ánh sự tín nhiệm dành cho chính sách kinh tế “Abenomics” cùng những định hướng chiến lược quốc phòng và ngoại giao mạnh mẽ của đương kim thủ tướng.

Trong 6 năm, ông Abe biến nền kinh tế Nhật Bản từ chỗ suy thoái và trì trệ kinh niên cả thập kỷ trước đó, một tỉ lệ tăng trưởng trung bình 1,3%/năm, tỉ lệ thất nghiệp chỉ là 2,5%, tạo ra thêm 2,5 triệu việc làm, bất chấp việc dân số Nhật đang già hóa khiến số người trong độ tuổi lao động giảm 4,5 triệu người, sản xuất kinh doanh phát đạt giúp nhà nước bội thu thuế, giảm nợ công được một nửa, lương của người lao động cũng tăng. Những bê bối như cáo buộc phu nhân ông Abe “dựa hơi” chồng để mua đất làm trường ì xèo hồi tháng 4, tháng 5 vừa rồi đã không đủ gây phương hại cho ông.

Thuyết phục dân chúng

Để sửa đổi bản hiến pháp “phi quân sự hóa” nước Nhật, Thủ tướng Abe phải thuyết phục được dân chúng Nhật, vốn đã quen với một nền hòa bình dưới cái “ô che” của quân đội Mỹ. Từ sau Thế chiến thứ hai, người Nhật đã coi điều 9 hiến pháp loại trừ việc sử dụng chiến tranh như một biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế và không cho phép nước này có quân đội là việc đương nhiên.

Việc dân chúng Nhật hài lòng với bản hiến pháp do Mỹ đề ra sau khi chiến thắng, giải giới quân đội Nhật, rồi chiếm đóng nước này năm 1945 là một hiện tượng lạ hiếm thấy trong lịch sử các dân tộc bại trận. Nỗi khiếp đảm trước chủ nghĩa quân phiệt và sự tàn phá của chiến tranh, đặc biệt là hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki, đã khiến dân Nhật ghét và sợ những gì có thể liên quan tới chiến tranh.

Bởi thế, Nhật Bản chỉ duy trì một lực lượng phòng vệ không mang tính tấn công. Việc Nhật Bản chỉ đóng tàu chở trực thăng chứ không đóng tàu sân bay chở máy bay phản lực chiến đấu (mà họ có kha khá vào trước và trong Thế chiến thứ hai) là một thí dụ “bi hài” của sự phòng vệ bắt buộc này do lẽ các tàu chở trực thăng đó không khác gì tàu sân bay thực thụ cho lắm. Ngay cả khi chọn phòng vệ cũng không hẳn không gặp rắc rối. Japan Today 23-9 đăng tin một thị trấn ở tỉnh Yamaguchi dứt khoát không đồng ý việc thiết đặt hệ thống phòng không Aegis tại đây, bất chấp việc Bộ Quốc phòng Nhật có “mòn lưỡi” giải thích rằng những hệ thống này là để phòng chống tên lửa Triều Tiên!

Bên cạnh đó, việc nước Nhật “bị” đặt dưới cái ô bảo vệ của quân đội Mỹ suốt từ năm 1945 tới giờ cũng đã tạo ra thói quen “dựa dẫm”. Hơn ai hết, ông Abe hiểu đâu là những hạn chế của thói quen này.

Dù có đồng ý hay không với những tùy hứng và định kiến của ông Trump, khách quan mà nói, phải thừa nhận rằng ông Trump phần nào có lý khi nói tới nói lui với ông Abe chuyện quân đội Mỹ đóng vai chánh trong việc phòng thủ nước Nhật. Mới nhất là câu tweet hôm 23-9, trước khi cùng ông Abe ăn tối: “Sẽ nói chuyện về quân sự và thương mại. Chúng ta đã làm nhiều để giúp đỡ nước Nhật rồi, nên nay muốn nhìn thấy có qua có lại”.

Hơn ai hết, ông Abe ý thức rất rõ sự phụ thuộc của Nhật Bản. Hôm 15-8, trong diễn văn nhân lễ tưởng niệm lần thứ 73 các sinh linh thiệt mạng trong chiến tranh, ông Abe đã tỏ ra “hiền như ma sơ”: “Kể từ khi kết thúc chiến tranh, Nhật Bản đã nhất quán và kiên quyết đi theo con đường của một đất nước trân trọng hòa bình.

Chúng ta đã cống hiến hết mình để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn. Chúng ta sẽ không bao giờ lặp lại sự tàn phá của chiến tranh. Khiêm tốn đứng trước lịch sử, chúng ta sẽ tiếp tục gắn bó với cam kết kiên quyết này, bất kể thời đại có thể mang lại những gì. Tích cực ra sức giải quyết các vấn đề có thể trở thành các ổ xung đột, chúng ta sẽ nỗ lực không mệt mỏi vì một thế giới trong đó tất cả mọi người có thể sống trong sự giàu có về mặt tinh thần...”.

Thật ra, ông Abe cũng đã rất kiên nhẫn trong ý muốn sửa đổi hiến pháp. Các kết quả thăm dò dư luận về vấn đề này cho thấy ông đã từ từ thuyết phục dân chúng như thế nào, không áp đặt hay dùng thủ đoạn (mà áp đặt cũng không được).

Tờ Japan Times 24-9 cho biết 51% số người được hỏi chống lại việc sửa đổi hiến pháp. Nếu chỉ nhìn vụ việc qua “mảnh cắt thời gian” này, dễ có cảm giác ông Abe khó lòng thực hiện mong muốn của mình. Song, nếu nhìn về quá khứ sẽ thấy rằng ông Abe đang tính kế nước chảy đá mòn và dần thuyết phục được dân chúng.

Cũng Japan Times 17-12-2017 cho biết có đến 64,8% số ý kiến thăm dò chống sửa đổi hiến pháp. Sự thay đổi ý kiến này có phần góp sức của ông... Kim Jong Un cùng các vụ thử tên lửa liên lục địa và hạt nhân của Triều Tiên! Trên một bình diện rộng hơn, số lượt máy bay và tàu Trung Quốc xâm nhập các khu vực mà Nhật Bản xem là lãnh thổ của họ cũng như các hoạt động bành trướng trên Biển Đông, hải lộ sinh tử của Nhật Bản, càng giúp ông Abe thuyết phục dân chúng hơn.

Trong khi chờ đợi...

Một trong những phương châm sống là “hãy biết chờ đợi trong khi chờ đợi”. Trong khi chờ đợi sửa được hiến pháp, tốt nhất là từng bước cải tổ quốc phòng cho sát với những đe dọa và thách thức thực tế. Vấn đề là nhận thức và mô tả thực tế như thế nào, do lẽ một khi mô tả sai một li sẽ đi cả dặm khi đề ra và thực hiện chính sách.

Nghiên cứu của giáo sư Takashi Inoguchi (tiến sĩ chính trị học từ MIT, giáo sư về chính trị và quan hệ quốc tế hơn 30 năm qua, cựu chủ tịch Đại học Niigata, nguyên phó viện trưởng Viện đại học Liên Hiệp Quốc) và Ankit Panda (tốt nghiệp Princeton, biên tập viên cấp cao The Diplomat) với tựa đề “Đại sách lược của Nhật Bản ở Biển Đông: chủ nghĩa thực dụng có nguyên tắc”, có thể coi là một hình mẫu cho đường hướng mới.

Thế nào là “thực dụng (song) có nguyên tắc”? Theo các tác giả, do 83% nhập khẩu năng lượng của Nhật Bản (Nhật cũng là nước nhập khẩu ròng nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới) là từ Trung Đông, qua eo biển Malacca, rồi Biển Đông để đến các cảng Nhật Bản, an ninh năng lượng của họ phụ thuộc vào các tuyến đường biển qua Biển Đông.

Hơn nữa, sau trận động đất và sóng thần năm 2011 và cuộc khủng hoảng hạt nhân tiếp nối, Nhật Bản buộc phải giảm sự phụ thuộc vào điện hạt nhân, tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Do đó, an ninh năng lượng đè nặng lên tính toán chiến lược của Tokyo cho khu vực. Bất kỳ mối đe dọa nào với quyền tự do hàng hải - thương mại đều có thể làm tăng đáng kể chi phí nhập khẩu năng lượng với Nhật Bản, với các hậu quả tiềm tàng rất lớn cho nền kinh tế.

Các nhu cầu sinh tử đó buộc Nhật Bản phải quan tâm đến Biển Đông, song trong khuôn khổ của nguyên tắc pháp luật, chủ yếu là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Như mọi nước tôn trọng luật pháp quốc tế khác, Nhật Bản tuyên nhận chấp hành UNCLOS cùng phán quyết của tòa trọng tài liên quan.

Trong những bức bách đó của hoàn cảnh và do tình hình ngày càng trầm trọng bởi sự độc đoán trong cả lời lẽ và hành động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông và Biển Đông, Chính phủ Nhật Bản dưới trào ông Abe đã phải có một số chọn lựa mới. Đầu tiên là trở thành một quốc gia “bình thường” như mọi quốc gia khác, có quốc phòng, có quân đội; lộ trình này đến nay mới đi được một nửa là đã có bộ quốc phòng (song vẫn mới là “lực lương phòng vệ”). Kế đến là tăng cường kết bạn với các nước cùng khát vọng an bình hàng hải, cùng tuân thủ luật pháp quốc tế, và nếu có thể thì “phòng vệ tập thể”. Bên cạnh đó là có mua, có bán vũ khí như mọi quốc gia có thực lực công nghệ quốc phòng khác...

Một nhà nghiên cứu khác, Aki Nikai, nhắc lại trên National Interest rằng hôm 15-12-2017, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã đọc một bài diễn văn loan báo sửa đổi “Bộ hướng dẫn chương trình quốc phòng” mới 2018 cho 5 năm tới. Giở lại bài diễn văn này sẽ thấy nổi bật ý sau của ông Abe: “Trong khi duy trì chính sách chỉ hướng đến phòng thủ của chúng ta, tôi dự định xác định những khả năng phòng thủ nào mà chúng tôi thực sự cần để bảo vệ người dân, thay vì đơn giản mở rộng khả năng hiện tại, khi đối mặt với thực tế tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản”. Nói cách khác, lực lượng phòng vệ Nhật cần tự thay đổi thế nào để có thể đáp ứng tình hình? Ông Abe hẳn đã có câu trả lời.■

Có thể thấy trong thời sự mới đây, việc tàu ngầm Nhật Kuroshio lần đầu tiên từ sau Thế chiến thứ hai diễn tập ở Biển Đông lúc nhúc tàu ngầm các nước, trong đó đông nhất là hạm đội Nam Hải của Trung Quốc, hồi đầu tháng 9, đi kèm có tàu sân bay trực thăng Kaga, là minh họa cho sự thay đổi trong khuôn khổ luật pháp của Nhật Bản. Tàu Kuroshio rời Nhật Bản ngày 26-8 và cập cảng Cam Ranh ngày 28-8. Hoạt động chi tiết của tàu ngầm này không được Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiết lộ, nhưng báo Asahi dẫn các nguồn riêng của họ nói tàu Kuroshio sẽ cùng ba tàu chiến khác của Nhật hoạt động ở tây nam Biển Đông, gần khu vực bãi Scarborough.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận