Thách thức khác ở phía trước Đại học Fulbright Việt Nam

SỸ PHU 13/06/2016 20:06 GMT+7

TTCT - Tranh cãi xung quanh chọn lựa một lãnh đạo của Trường đại học Fulbright Việt Nam (FUV) trong thời gian vừa rồi suy cho cùng cũng chỉ là một vấn đề ngắn hạn. Trong khi đó, trung hạn và dài hạn, ngôi trường này sẽ phải đối diện và giải quyết nhiều thách thức, cần suy nghĩ tìm giải pháp ngay từ bây giờ nếu muốn thành công.

Minh họa: Đức trí
Minh họa: Đức trí

Những vấn đề kỹ thuật

Những người sáng lập FUV nhiều lần nhấn mạnh đây là một trường đại học Việt Nam. Đó có thể là ý muốn hay để nhấn mạnh trường sẽ cấp bằng Việt Nam, nhưng dù sao giấy phép thành lập vẫn ghi rõ FUV là một “cơ sở giáo dục 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài...”.

Bởi là dự án nước ngoài nên quá trình ra đời và đi vào hoạt động của FUV khá nhiêu khê, riêng giấy phép cũng phải đủ ba loại: giấy chứng nhận đầu tư (đã có); quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục (đã có); và giấy phép hoạt động giáo dục (chưa có).

Để nhanh chóng đi vào hoạt động vào mùa thu năm 2016, FUV sẽ tiếp nhận Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) và biến nó thành Trường Chính sách công và quản lý Fulbright. Từ đó ít nhất cho đến năm 2018, FUV phải đối diện những khó khăn rất cụ thể.

Trước hết, ngôn ngữ giảng dạy của FUV là tiếng Anh trong khi ngôn ngữ giảng dạy của FETP là tiếng Việt (thông qua phiên dịch khi thầy giáo là người nói tiếng Anh). Thế thì nay đầu vào tuyển sinh phải khác hẳn đi và là một trở ngại cho đối tượng mà FUV muốn thu hút là cán bộ cơ sở; đội ngũ giảng viên từ FETP cũng phải chuyển sang dạy bằng tiếng Anh, một điều không phải dễ dàng với tất cả.

Còn nếu lãnh đạo FUV đi theo con đường du di, chương trình cao học dạy bằng tiếng Việt và sau này chỉ chương trình đào tạo cử nhân mới dạy bằng tiếng Anh như đã tuyên bố thì đó là điều đáng tiếc.

Các cơ sở giáo dục 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài có hai chọn lựa: hoặc chọn cấp văn bằng chứng chỉ của nước ngoài, hoặc chọn cấp văn bằng chứng chỉ theo hệ thống giáo dục Việt Nam và lúc đó phải chịu nhiều ràng buộc theo quy định của pháp luật Việt Nam. FUV chọn cấp văn bằng Việt Nam.

Cấp văn bằng Việt Nam thì chương trình giáo dục phải tuân thủ các quy định dành cho các trường đại học Việt Nam, trong đó có yêu cầu về các môn học bắt buộc. Mặc dù đại diện FUV nói đã được trao cơ chế đặc biệt để có thể dạy các môn này một cách linh hoạt, có thực chất... nhưng chúng vẫn chiếm một thời lượng đáng kể so với khi học viên không phải học chúng dưới Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright. Không biết việc thiết kế chương trình do đó phải bố trí như thế nào cho phù hợp.

Quy mô của FUV ở giai đoạn phát triển ổn định sẽ có lượng sinh viên từ 6.000 đến 10.000. Điều đó có nghĩa theo quy định suất đầu tư ít nhất là 150 triệu đồng/sinh viên (không bao gồm các chi phí sử dụng đất), tổng vốn đầu tư, căn cứ thời điểm có dự kiến quy mô đào tạo cao nhất, là không dưới 1.500 tỉ đồng. Diện tích đất để xây trường ít nhất phải từ 250.000m2 (25ha) trở lên.

Cũng do trường cấp bằng Việt Nam nên phải chịu ràng buộc về nhân sự, ví dụ hiệu trưởng phải là người có trình độ tiến sĩ, đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm. Không rõ FUV có được trao một quy chế gì đặc biệt để trở thành ngoại lệ không nhưng các yêu cầu này là do Luật giáo dục đại học đặt ra nên các nơi khác, kể cả Chính phủ, cũng không thể trao ngoại lệ được.

Thách thức mô hình

FUV tuyên bố: “Năm 2018, FUV sẽ thành lập Trường Khoa học xã hội và nhân văn Fulbright với chương trình giáo dục cử nhân bốn năm cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật và kỹ thuật”. Như vậy FUV muốn xây dựng mình thành một trường “liberal arts” mà lãnh đạo trường dùng từ "khai phóng" để miêu tả.

Định nghĩa về trường “liberal arts” là gì thì có nhiều trên mạng, dài ngắn đều có nhưng bản chất là nhằm đào tạo một con người toàn diện, mà con người toàn diện theo quan điểm từ xưa đến nay là phải biết đủ thứ, mỗi thứ một ít. Từ triết học đến mỹ thuật, từ toán đến văn học, từ âm nhạc đến thiên văn... Đó là nhìn theo môn học.

Nhìn theo các kỹ năng thì sinh viên tốt nghiệp một trường “liberal arts” được kỳ vọng có khả năng lập luận tốt, viết lách thuyết phục, tư duy phản biện, đầu óc phân tích và có tính sáng tạo cao. Dĩ nhiên đây là mô hình tốt nhưng cái giá phải trả để duy trì nó cũng khá đắt đỏ.

Cái thứ nhất là chi phí đào tạo quá lớn. Chúng ta thường nghe học phí đầy đủ ở các trường “liberal arts” này toàn là trên 50.000 đôla Mỹ mỗi năm học nhưng thực tế không chỉ có vậy. Với nhiều trường, chi phí trên đầu mỗi sinh viên hằng năm lên đến trên 100.000 đôla nên dù thu học phí đầy đủ, họ vẫn lỗ, vẫn phải “trợ giá” cho sinh viên.

Nhiều trường danh tiếng, tổ chức mô hình học theo kiểu Socrates - một thầy chỉ dạy hai trò suốt cả học kỳ; nhiều môn, để đạt hiệu quả cao, chi phí bỏ ra mua học cụ hay tài trợ cho sinh viên làm nghiên cứu, đi thực địa cao hơn các trường bình thường nhiều lần.

Cái thứ hai là lãng phí thời gian. Thông thường sinh viên một trường “liberal arts” học bốn năm đại học nhưng hai năm đầu chưa chọn ngành chính, tức chưa biết đến khi ra trường mình sẽ nhận bằng ngành gì. Trong hai năm đầu đó, họ có quyền chọn học bất kỳ môn gì họ thích, dĩ nhiên là có tỉ trọng cân bằng, phù hợp với xu hướng chọn ngành tương lai nghiêng về tự nhiên hay xã hội.

Vì thế, một sinh viên sau này đi vào ngành toán vẫn đăng ký học các lớp hùng biện, lịch sử cổ đại hay văn học Mỹ Latin chỉ vì thấy thích. Kết quả thì con người toàn diện có thể hình thành đấy nhưng cái đó khá mơ hồ, còn kỹ năng thực dụng thì không sâu, không được đào tạo kỹ như các trường đại học khác.

Nền tảng giáo dục “liberal arts” là một bệ phóng rất tốt để sinh viên học lên như vào đại học luật, đại học y... hay các ngành cao học khác nhưng chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhân lực đòi hỏi kỹ năng thật sự như hiện nay.

Chính vì thế, chính sách giáo dục của Mỹ khuyến khích đào tạo các ngành STEM (viết tắt các từ science - khoa học, technology - công nghệ, engineering - cơ khí và công trình, math - toán). Sinh viên Việt Nam du học, nếu theo học ở một trường “liberal arts” thì khả năng kiếm việc làm ở Mỹ khó hơn nhiều so với một sinh viên STEM.

Riêng ở Việt Nam, có lẽ nhu cầu của xã hội, mức phát triển của nền kinh tế chưa đủ để chúng ta có thể xa xỉ mơ đến một mô hình đại học “liberal arts”. Đầu tiên là vì chuyện tiền bạc. Không trường nào có đủ nguồn lực trợ cấp từ xã hội như các trường “liberal arts” ở Mỹ để có thể yên tâm khỏi lo nguồn kinh phí hoạt động.

Các nhà tài trợ cho giáo dục Việt Nam hiện đã ít, lại càng e dè khi bỏ tiền cho các chương trình rằng hay thì thật là hay nhưng dùng vào việc gì thì chưa biết. Có lẽ giai đoạn này họ chỉ bỏ tiền để trường có thể đào tạo các kỹ sư lập trình thành thạo, các chuyên gia cầu đường, các nhà quản trị rành công nghệ thông tin...

Trên nền tảng FETP, thế mạnh của FUV là các chương trình quản lý công, các ngành tài chính, ngân hàng, nói chung là liên quan đến kinh tế. Thế nên khi nghe FUV sẽ đào tạo các ngành nhân văn, nghệ thuật và kỹ thuật thì có nhiều ngành sẽ không phải là sở trường của FUV, không biết FUV sẽ xoay xở như thế nào.

Vấn đề muôn thuở: tài chính bền vững

Cuối cùng, thách thức lâu dài của FUV là vấn đề tài chính. Chắc chắn chi phí vận hành FUV theo các chuẩn mực quốc tế sẽ cao hơn nhiều lần so với một trường đại học nội địa. Xây dựng cơ sở vật chất tốt để phục vụ cho việc giảng dạy theo chuẩn mực này cũng đã là một gánh nặng tài chính ban đầu mà trong những năm đầu tiên sẽ hút hết nguồn vốn huy động hiện nay của FUV, chưa kể FUV cam kết “đem tới cho các sinh viên đại học một trải nghiệm nội trú đáng nhớ”.

Trong khi đó để thu hút đội ngũ giảng viên giỏi, không thể không trả lương cho họ cũng theo “chuẩn mực quốc tế”; chi phí mua chương trình giảng dạy cũng là khoản ngân sách cần tính tới. Chỉ chừng đó cũng sẽ làm cho học phí của FUV, nếu tính đúng tính đủ, cao gấp nhiều lần so với học phí ở các trường khác.

Với cam kết “đảm bảo các sinh viên tài năng sẽ được tiếp cận các chương trình đào tạo với chi phí hợp lý, bất kể họ xuất thân từ hoàn cảnh kinh tế - xã hội nào”, tức trường phải dành một tỉ lệ rất lớn các loại học bổng để cấp cho sinh viên theo dạng merit-based (học bổng tài năng).

Nhìn ở bài toán chi phí rõ ràng FUV chỉ có thể tồn tại bằng các nguồn tài trợ kéo dài, có thể lên đến vài chục triệu đôla hằng năm khi quy mô sinh viên của trường ở mức ngàn chứ chưa đến chục ngàn. Các trường như Harvard hoạt động được dù học phí thu vào không đủ bù cho chi phí là nhờ nguồn hiến tặng (endowment) rất lớn, được đầu tư sinh lời tốt, làm nguồn tiền bù đắp.

Tiếp xúc với lãnh đạo FUV, chúng tôi chưa nghe được lời giải cho bài toán khó này một cách bền vững và lâu dài. Và đây cũng là bài toán cho các trường “chất lượng cao” đang gặp nhiều khó khăn ở Việt Nam.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận