Tết chỉ cho người già?

NGỌC MINH 27/01/2016 20:01 GMT+7

TTCT - LTS: Câu chuyện cuộc sống những số cuối năm Ất Mùi xin dành cho chủ đề tết. Tết có thể chỉ là một thời điểm vui vẻ của tuổi trẻ nhưng cũng có thể là tất cả với tuổi già khi cuộc sống chúng ta đang lao rất nhanh

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa


Tôi là con trai út, từ khi hiểu biết tôi đã nghe mẹ dặn dò việc thờ tự cúng bái trong các dịp giỗ chạp lễ lạt. Nhưng tới lúc trưởng thành rồi vào tuổi trung niên, nhất là những năm gần đây, chuyện đón tết như thế nào ngày càng trở thành vấn đề căng thẳng trong gia đình.

Tết: mệt muốn chết!

Khi quỹ thời gian của người già ngày càng ngắn lại và tiếng nói của họ ngày càng ít được lắng nghe trong cuộc sống hối hả hiện nay, họ có khuynh hướng giữ gìn những cái gọi là gia phong, nề nếp, tôn ti trật tự để bảo vệ những giềng mối gia đình

Vì tết cả năm mới có một lần nên mẹ xét nét nhất những việc liên quan đến cúng bái, bàn thờ là phải sạch bong, lư đồng thì sáng loáng, chỉ cần có tí bụi là bà bắt lau lại, hoa trái đôi ba ngày là phải thay mới.

Rồi món gì bà làm được là bắt vợ tôi làm cùng chứ không mua siêu thị, từ thịt chua, cơm rượu, bánh tét, dưa món, dưa giá, củ kiệu, bánh mứt vì sợ bên ngoài không an toàn vệ sinh thực phẩm. Hầu như năm nào chúng tôi cũng phải gồng lên ăn dưa món củ kiệu hàng mấy tháng sau tết, có khi lén lút đổ bỏ bớt vì sợ mẹ tiếc của rầy la.

Đỉnh điểm là những ngày giáp tết và giao thừa, chen nhau mua bánh trái, trang trí nhà cửa mệt bở hơi tai mà còn phải nghe dặn dò đủ thứ rất khó nhớ về các quy tắc kiêng cữ nghiêm ngặt.

Mâm trái cây phải đủ ngũ quả, đừng mua trái cam vì sẽ cam chịu, đừng mua vú sữa vì làm gì cũng phải sửa chữa, đừng mua thanh long vì đó là trái cây có dây leo rồi gặp phải kẻ chằn ăn trăn quấn, đừng mua lê vì sẽ bị lê lết, đừng mua táo hay bôm vì coi chừng bị táo bón, nổ bom, chưng bưởi đừng lựa trái to trái nhỏ hay nám da...

Đến mùng một đang cố ngủ chút lấy sức sau đêm đón giao thừa đã nghe mẹ bật kinh chùa réo rắt, vội lóp ngóp dậy khi trời còn nhá nhem để hối hả nấu cơm cho kịp buổi cúng trước 9 giờ sáng.

Làm cơm thì phải đủ ba món canh, mặn, xào, món xào phải đủ ngũ sắc là trắng, đen, vàng, đỏ, xanh tượng trưng kim, mộc, thủy, hỏa, thổ (!?), đừng quên làm thêm món chay và chén tương cho bà út vì bà ăn chay trường. Đồ ăn cúng phải múc đầy tú hụ, không tiếc với ông bà, đồ ăn dư không được đổ vô nồi, chiều cúng thêm lượt thì lấy cái mới. Khi cúng phải mặc áo tay dài, khấn vái chân thành vào để tổ tiên ban phước.

Con tôi thì đứa con nít, đứa tuổi ăn tuổi lớn tôi cho ngủ thêm chút, bà bảo thứ cháu gì không chịu xuống coi cha mẹ chuẩn bị cúng bái mà học tập, sau này coi chừng mất gốc.

Cơm cúng xong nguội lạnh, đầy bụi, tàn nhang thì bắt con cháu ăn lấy phước, đồ ăn nấu ít thì bị la, nấu nhiều thì chẳng ai ăn, đổ bỏ thì tiếc mà hâm đi hâm lại không ai nuốt nổi. Suốt mấy mùng tết cứ vậy mà làm cho tới khi bà kêu “cúng tất” là có gì trong nhà đem ra cúng hết thì mới gọi là hết tết, còn vợ chồng tôi thì cũng hết hơi.

Đó là chưa kể màn chào đón họ hàng, khách khứa, năm nào vợ tôi cũng chỉ biết xoay vần với cái bếp và chuyện giặt giũ, lau dọn, nấu nướng.

Nhưng... mẹ chỉ có ngày Tết!

Không phải chỉ mình tôi thấy sự bất hợp lý trong việc nghỉ tết, đã từ lâu nó trở thành chủ đề gây tranh cãi giữa một bên là mẹ, bên kia là bố và các anh chị tôi. Anh tôi tuyên bố vợ anh ở quê xa, cả năm đi làm trên thành phố, tết mới về thăm nhà một lần nên chỉ có thể giúp mẹ chuẩn bị chút ít trước tết mà thôi, mẹ hờn dỗi bảo không cần ai hết, mình mẹ cả đời lo mọi thứ có sao đâu.

Hai chị thì nói tết là dịp nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, vợ tôi có nấu gì thì làm ít thôi, ai ăn mà nấu nhiều dữ vậy nhưng mẹ tôi bảo cúng ông bà thì đừng có tính toán. Bố tôi thì thiếu điều hét lên vì mẹ cứ “điều chỉnh” mỗi khi ông khấn vái, đốt vàng mã, kiểu gì bà cũng nói ông làm qua loa.

Tôi nhỏ nhất nhà, không dám bênh ai bỏ ai, mẹ biết vậy nên “tranh thủ” tôi tối đa, mẹ nói ngày trước làm dâu cực lắm, bà nội là người biết “luật lệ” tổ tiên nên giờ nếu thiếu sót cái gì, mẹ thấy áy náy không yên.

Tôi nhận ra đây không phải là chuyện tranh cãi giữa mẹ với các anh chị, cũng không phải chuyện nấu ít hay nhiều, rườm rà hay đơn giản, khó khăn hay dễ dãi, có hiếu hay bất hiếu, tất cả chỉ là một ý niệm về thời gian, về một thời điểm gọi là tết. Nơi mà mẹ tôi hi vọng nếu neo vào đó sẽ có đủ lý do để nhắc nhở con cháu trong nhà về ý nghĩa thật sự của ngày tết là sum họp gia đình và tưởng nhớ tổ tiên.

Tôi cũng nhận ra tết ngày nay có ý nghĩa với người già hơn là lớp trẻ, lớp trẻ thích tết vì được nằm dài lười biếng hay vui chơi xả láng, có tiền thì đi du lịch, có khi tranh thủ làm thêm vì thu nhập cao hơn ngày thường; sum họp gia đình chỉ là một trong những việc được phép chiếm phần thời gian ít ỏi trong danh sách vui tết của họ.

Tôi thuộc lớp trung niên của buổi giao thời cũ mới, vẫn còn bị ràng buộc với các tục lệ cũ nhưng cũng tự nhủ sẽ không bắt buộc con mình sau này phải làm đủ lệ bộ, chỉ cần chúng biết tôn trọng các giá trị gia đình là được. Nhưng rồi cũng đến lúc mẹ tôi già và không đủ sức duy trì mọi thứ, mẹ nói “Tết năm nay con tự quyết mọi chuyện đi, cúng đơn giản thôi”, khi thấy mẹ bắt đầu gia giảm mọi thứ thì tôi thương mẹ hơn bao giờ hết.

Tết chỉ là một thời điểm vui vẻ của tuổi trẻ nhưng là tất cả với tuổi già. Khi quỹ thời gian của người già ngày càng ngắn lại và tiếng nói của họ ngày càng ít được lắng nghe trong cuộc sống hối hả hiện nay, họ có khuynh hướng giữ gìn những cái gọi là gia phong, nề nếp, tôn ti trật tự để bảo vệ những giềng mối gia đình.

Nhưng ngày nay các thành viên trẻ hơn với nhiều lo toan nặng gánh hơn đã giành sự chủ động trong việc sắp xếp lại sinh hoạt trong nhà; trong đó việc đơn giản hóa chuyện tết nhất của người trẻ đã khiến người già cảm thấy bất lực, buồn lòng. Từ đó, chuyện chúc tết họ hàng, đãi đằng nội ngoại, cúng bái tổ tiên tự dưng trở thành chuyện của người già, nói tết chỉ có ý nghĩa với người già cũng là vì vậy.

Tết chắc chắn sẽ vẫn tồn tại với đủ thứ phong tục tập quán ngàn năm xưa để lại, nhưng tôi mong mọi thứ sẽ đi vào thực chất hơn là phung phí hay làm theo hình thức bày biện này nọ. Lớp trẻ ngày càng có tác động rõ rệt trong việc thay đổi thói quen đón tết, nhưng đừng để người già cảm thấy họ như những người lạc hậu, bơ vơ bên lề ngay trong gia đình mình với lời than thở “Tết hồi xưa mới là tết”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận