Tên lửa Triều Tiên nhìn từ các phía 

DANH ĐỨC 05/08/2017 01:08 GMT+7

TTCT - Hai vụ thử tên lửa liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng của CHDCND Triều Tiên, bất chấp việc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp sau vụ thử thứ nhất, cho thấy sự phân hóa trong cơ quan này đang lớn tới đâu, đồng thời dẫn đến những phản ứng của mỗi bên trong cuộc.

Biểu đồ thể hiện các chuyến bay dân dụng chi chít ở khu vực bán đảo Triều Tiên và Nam Nhật Bản vào ngày Triều Tiên bắn thử tên lửa mà không thông báo.-Ảnh: Flightradar24.com
Biểu đồ thể hiện các chuyến bay dân dụng chi chít ở khu vực bán đảo Triều Tiên và Nam Nhật Bản vào ngày Triều Tiên bắn thử tên lửa mà không thông báo.-Ảnh: Flightradar24.com

 

Phân hóa trong Hội đồng Bảo an là điều không lạ, nhất là giữa các “ông lớn” Thường trực vốn có quyền phủ quyết. Sự phân hóa mang tính “chuyên đề” đã mấy lần lặp đi lặp lại trong các “hồ sơ” Triều Tiên và Iran hơn hai chục năm qua.

Có khi cả hai vụ việc xảy ra đồng thời, có khi vụ này bùng nổ, như hiện nay vụ tên lửa liên lục địa của Triều Tiên, trong khi vụ kia, tên lửa và hạt nhân Iran, tạm lắng.

Sự phân hóa này, trớ trêu thay, lại trong lớp vỏ đồng thuận của các nghị quyết liên tiếp lên án và trừng phạt Triều Tiên.

Chính lớp vỏ “đồng thuận mà phân hóa” đó đã giúp che giấu đâu là nguyên nhân, đâu là hậu quả, và từ đó càng thúc đẩy Triều Tiên đi từ thành công này tới thành công khác trong việc sở hữu tên lửa liên lục địa và vũ khí hạt nhân.

Tiếng kèn thúc quân ở Bình Nhưỡng

Hôm 27-7-2017, Lãnh tụ Kim Jong Un đáng kính đã ký lệnh tiến hành cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14” - Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày 29-7 cho biết ai là người đã ra lệnh thử và ra lệnh khi nào.

Có thể thấy lệnh thử tên lửa đã được đưa ra trước vụ thử một ngày, tức đây là một quyết định có tiên liệu, có chủ đích.

Trong bản tin khác cùng ngày, hãng này một lần nữa nhắc lại danh tánh đấng “chủ sự” tối cao: “Vụ thử tên lửa liên lục địa Hwasong-14 đã được tiến hành thành công trong đêm 28-7 dưới sự giám sát của Chủ tịch Kim Jong Un...”.

Hai mẩu tin trên đề ngày 29-7, về mặt thời gian tính sau khi trừ đi khoảng cách múi giờ, được KCNA loan sau bản thông báo của người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, theo đó “Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo với tầm bắn có thể là liên lục địa của CHDCND Triều Tiên hôm 28-7.

Đây là một sự vi phạm liên tiếp và hiển nhiên các nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế và hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại trên bán đảo Triều Tiên”.

Có thể hiểu hai mẩu tin loan báo ai là “chủ sự” của KCNA như một trả lời cho việc Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres lên án Triều Tiên và nhắc nhở ông Kim Jong Un...

Cùng mạch hồ hởi phấn khởi, KCNA ca tụng lãnh tụ Kim Jong Un: “Ngài, vốn luôn đem đến những phép lạ và thắng lợi không ngừng, vượt trí tưởng tượng của nhân dân thế giới nhờ vào tài năng quân sự, lòng can trường và tài thao lược hiếm có của Ngài, đã đề ra nhiệm vụ quân sự cho lĩnh vực nghiên cứu tên lửa nhằm tiến hành thử nghiệm vào một thời điểm sớm, bắn tên lửa thật mô phỏng tầm tác xạ tối đa của Hwasong-14 nhằm một lần nữa xác minh độ tin cậy của toàn bộ tên lửa hệ thống”.

Chi tiết “thử nghiệm vào một thời điểm sớm (hơn dự trù)” cho thấy vụ thử tên lửa liên lục địa lần thứ nhì này đã được “đôn lên”, thay vì “tuần tự nhi tiến” ở một thời điểm khác trễ hơn. Thông điệp thật rõ ràng: “Tên lửa Triều Tiên có thể bay tới New York, Washington và mang theo đầu đạn hạt nhân”.

ảnh AFP

 

Trắng đêm ở Tokyo

3h45 sáng thứ bảy 29-7-2017, Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida “đánh thức” các nhà báo trong cuộc họp báo đặc biệt nửa đêm về sáng bằng một thông báo:

Có vẻ Bắc Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo theo hướng đông bắc từ gần Mupyong-ni ở miền trung Triều Tiên vào khoảng 11h42 tối hôm qua...

Tên lửa này... rơi xuống biển Nhật Bản trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, cách bán đảo Shakotan 200km về phía tây Hokkaido, và cách đảo Okushiri của Hokkaido khoảng 150km về phía tây bắc”.

Giữa đêm gọi báo chí tới “họp báo đặc biệt” chỉ ba tiếng sau vụ thử, chứ không đợi sáng hôm sau hay tuần sau mới thong thả “họp báo thường kỳ”, là một động thái cần thiết trong chiến tranh thông tin, không để đối phương nghĩ mình là con đà điểu hãi quá chỉ biết vùi đầu trong cát rồi tự nhủ “chẳng sao đâu!”.

Bộ trưởng Kishida cho biết quan điểm của Nhật: “Việc phóng tên lửa đạn đạo mới là một mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh Nhật Bản..., là hoàn toàn không thể chấp nhận... Việc tên lửa rơi xuống biển không có bất kỳ thông báo trước nào là một hành động cực kỳ nguy hiểm trong góc độ đảm bảo an toàn hàng không và hàng hải”.

Bỏ qua mọi sự “theo phe” chính trị, khách quan nhìn vào bản đồ vệ tinh của Flightradar24.com sẽ thấy chi chít ký hiệu chuyến bay đang bay qua vùng biển mà quả tên lửa của Triều Tiên đã rơi xuống, để hình dung ra mối đe dọa “bất cần” của Triều Tiên, theo kiểu “nhất tướng công thành, vạn cốt khô”. May là không có máy bay hay tàu bè dân sự nào bỗng dưng “chịu báng vào đầu”!

Nhật Bản làm gì sau vụ thử mới? Cũng một động tác “như thường lệ”: Tống đạt ngay phản kháng tới Triều Tiên qua đường sứ quán tại Bắc Kinh, và lên án vụ thử bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất.

Chi tiết “qua đường sứ quán tại Bắc Kinh” cho thấy: (1) vai trò cũng như vị trí của Trung Quốc; và (2) sự không liên lạc trực tiếp giữa Nhật Bản và Triều Tiên. Từ đó, có thể hình dung vai trò trung gian của Bắc Kinh, muốn thêm mắm muối, tùy hỉ.

Lần này, Nhật Bản tỏ ra “hết chịu đựng nổi”, Bộ trưởng ngoại giao Kishida nhấn mạnh: “Nay cần thiết gây sức ép tối đa lên Triều Tiên. Đây không phải là lúc dành cho đối thoại.

Từ quan điểm đó, Nhật Bản, trong số những biện pháp độc lập chống lại Triều Tiên, đã mở rộng danh sách các pháp nhân và cá nhân bị phong tỏa tài sản.

Đầu tháng 8 tới, cuộc họp với ngoại trưởng các nước ASEAN liên quan sẽ nhóm tại Manila, chúng tôi hi vọng sẽ nhân cơ hội này tăng cường hợp tác nhằm tăng áp lực lên Triều Tiên”. Câu kết của ngoại trưởng Kishida có địa chỉ người nhận rất rõ ràng: “Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc và Nga đóng một vai trò xây dựng”.

Họp báo xong, Ngoại trưởng Kishida về lại văn phòng để rồi lúc 10h20 sáng, tức không đầy bảy tiếng sau cuộc họp báo đặc biệt giữa khuya, ông lại chủ trì họp báo đặc biệt thứ nhì, trong đó ông cho biết vừa điện đàm nửa tiếng với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson, nội dung chi tiết chưa thể công bố.

Một giờ sau, 11h20, lại họp báo đặc biệt nữa. Bộ trưởng Kishida cho biết vào lúc 11h, ông vừa điện đàm 20 phút với Bộ trưởng ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung Wha, trong đó ông nói với bà Kang rằng “đối thoại với Triều Tiên là vô nghĩa!” và “để đối thoại, phải gia tăng áp lực”.

Tỉnh mộng đối thoại?

Nhận xét nêu trên của ông Kishida là bởi hai quả tên lửa phóng đi trong tháng 7 trên thực tế đã là câu trả lời cho tối thiểu ba lần tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In kêu gọi Bình Nhưỡng đối thoại.

Lần thứ nhất hôm 30-6 từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington (Mỹ), Tổng thống Moon mời gọi: “Cánh cửa đối thoại đang rộng mở”.

Đáp trả của ông Kim Jong Un năm ngày sau, vào ngày 4-7, là vụ phóng thử tên lửa liên lục địa đầu tiên! Tổng thống Moon vẫn cố kiên trì thuyết phục trong một diễn văn tại Berlin rằng Bình Nhưỡng đã chọn một quyết định gây thất vọng... và nay đứng trước “cơ hội chót để chọn lựa cho đúng”.

Rõ ràng ông Moon chưa hiểu thế nào là tinh thần “Chủ thể” (Juche) của miền bắc - có nếm mật nằm gai, có khổ cực tới đâu cũng cắn răng mà vượt qua để làm chủ định mệnh của mình - nên mới nói đây là “cơ hội chót”, rằng “chúng tôi không mong muốn miền Bắc sụp đổ, và không muốn đeo đuổi bất cứ sự thống nhất đất nước nào bằng cách nuốt chửng phía bên kia. Chúng tôi không muốn thống nhất bằng võ lực”. Cách phát biểu đó dễ “chạm nọc” lắm!

Ông Moon càng “chạm nọc” khi phát biểu trong phỏng vấn truyền hình CBS ngày 20-7: “Tôi tin rằng điều mà Kim Jong Un mong muốn nhất là một đảm bảo an ninh cho chế độ của mình.

Thành ra, có thể Kim Jong Un tiếp tục màn lừa bịp giương oai với các chương trình vũ khí hạt nhân. Song, trong thâm tâm, ông ta đang khao khát hay ít nhất cũng là mong muốn đối thoại”.

Chính sự thiếu hiểu biết “tâm lý học” về những người bên kia chiến tuyến đã khiến ông Moon sa đà vào những phát biểu “chọc giận” không chỉ ông Kim Jong Un!

THAAD hay không THAAD?

Một trong những phản ứng quay ngoặt 180 độ của ông Moon sau vụ thử tên lửa liên lục địa thứ nhì là việc ông cấp tốc ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đàm phán với Mỹ về việc triển khai thêm các đơn vị hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Hiện đang có hai đơn vị THAAD đã được quân đội Mỹ triển khai từ 6-3 năm nay, ngay sau loạt thử tên lửa của Triều Tiên sáng hôm đó.

Sau khi lên nhậm chức, Tổng thống Moon đã ra lệnh điều tra việc Bộ Quốc phòng giấu giếm việc triển khai này. Thậm chí, cách đây gần một tháng, ngày 7-6, chính phủ mới của ông đã quyết định ngừng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này ở Hàn Quốc.

Song, sau hai vụ thử ngày 4 và 28-7, ông Moon đã hiểu thế nào là mối đe dọa của tên lửa tấn công từ Triều Tiên với Hàn Quốc, và thế nào là lợi ích của lá chắn tên lửa, bao gồm hệ thống THAAD. Ông đã thay đổi lập trường 180 độ, không sa vào cái bẫy đòi “tống khứ tên lửa THAAD ra khỏi Hàn Quốc” nữa!

Gọi là “bẫy” do lẽ, nếu như Bình Nhưỡng bất chấp THAAD, thì Nga (và Trung Quốc) lại không thích THAAD, vốn trên lý thuyết có thể cản trở đường bay các tên lửa tấn công của chính họ.

Điều đó khiến trong các cuộc họp ở Hội đồng Bảo an, ngày 5-7, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vladimir Safronkov tuyên bố:

Việc triển khai THAAD ở Đông Bắc Á đụng chạm lớn tới lợi ích an ninh chiến lược của các nước trong khu vực, kể cả Nga và Trung Quốc, không phục vụ mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hay đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực. Chúng tôi chống lại việc triển khai những hệ thống như vậy”.

Hôm đó, ông Safronkov là người duy nhất phát biểu rằng tên lửa mới phóng của Triều Tiên chỉ là tên lửa chiến thuật, chứ không phải tên lửa liên lục địa!

Đó là một vòng lặp luẩn quẩn không có lối thoát. Triều Tiên thử tên lửa thành công, Hàn Quốc lo sợ, THAAD được triển khai, các ông lớn trong khu vực khó chịu, bào chữa cho Triều Tiên, rồi Triều Tiên lại phóng tên lửa. Đó là ngụ ý của Bộ Ngoại gia Nga trong tuyên bố ngày 31-7: “Chúng tôi cho rằng không có cơ sở để Mỹ cùng một số nước khác nhằm đổ cả trách nhiệm lên Nga và Trung Quốc”.

Có một nguy cơ gián tiếp là đằng sau những ầm ĩ về việc Triều Tiên không ngừng vi phạm mà không sợ trừng phạt, là một nguy cơ khác, cũng không sợ gì cả, song lẳng lặng hơn, đang nuốt dần, nuốt mòn của thiên hạ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận